Các tổ chức báo chí trong nước đã bắt đầu vào cuộc đưa tin về “hiện tượng Minh Tuệ” từ hôm qua đến nay, chậm hơn truyền thông mạng xã hội hàng chục ngày kể từ khi sư Minh Tuệ được cộng đồng mạng chú ý.
Trong số các trang báo, có lẽ bài trên VnExpress là chất lượng nhất vì cách tiếp cận vấn đề, phỏng vấn nhân vật đều thể hiện tính chuyên nghiệp hơn. Còn hầu hết các trang còn lại vẫn mang hơi hướng tuyên truyền, không thể hiện đúng tinh thần khách quan của người làm báo cho lắm.
Có thể nói “Sư Minh Tuệ” là một hiện tượng xã hội và văn hóa nổi bật của Việt Nam trong hơn 10 năm qua, dựa trên sự ảnh hưởng đến xã hội và tác động đến nhận thức của nhiều người. Do vậy, hiện tượng này có rất nhiều khía cạnh có thể khai thác qua lăng kính xã hội và văn hóa để làm giàu thêm vốn tri thức chung của cộng đồng.
Ở góc độ văn hóa, điều khiến mình quan tâm là sự thay đổi quan niệm và thái độ của người dân miền Bắc đối với sư Minh Tuệ nói riêng và Phật giáo nói chung. Mình có những trải nghiệm cá nhân và quan sát thực tế trong chuyến đi xe máy từ Nam ra Bắc hơn 10 năm trước.
Thời điểm này mình ăn chay trường, việc ăn uống khá thuận tiện trong hành trình từ Sài Gòn đến Quảng Bình, ngay cả khi không có quán chay thì mình ghé vào quán cơm bình thường mua cơm trắng ăn với nước tương thì chủ quán vẫn vui vẻ. Nhưng bắt đầu từ đoạn Hà Tĩnh ra Hà Nội thì bắt đầu thấy hơi bất tiện vì vừa hiếm quán chay vừa gặp thái độ khó chịu của những chủ quán cơm mình gặp khi chỉ ăn phần cơm trắng kèm nước tương.
Một quan sát khác đến từ người bạn mình, người từng là giảng viên đại học nhưng cũng bỏ đi tu theo đường lối khất thực. Trong lần gặp gần đây, bạn ấy cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự về thái độ của người dân miền Bắc Trung Bộ đối với người khất thực rất khác với miền Nam. Họ thường tỏ ra khó chịu và xem việc gặp người khất thực là một điềm xui gì đó.
Mình kể những điều trên không phải để kỳ thị vùng miền, mà ngược lại, là muốn hiểu sâu hơn văn hóa vùng miền của người Việt mình, như anh chị em sống chung một nhà cần phải hiểu tính nhau. Thực tế, thì văn hóa miền Bắc rất khác so với miền Nam. Nguyên nhân có lẽ đến từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, hoàn cảnh lịch sử và chính trị. Mình rất mong một ngày nào đó sẽ có nhiều nhà nghiên cứu xã hội khai thác nhiều hơn về những đề tài này để chúng ta có một nhận thức đầy đủ hơn về người Việt mình.
Ở góc độ quan sát cá nhân, đại thể mà nói thì người miền Bắc thiên hướng duy lý hơn người miền Nam, vì vậy, trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo thường hơi “cứng lòng” hơn. Tuy vậy, một khi họ đã tin gì rồi thì cũng thường tin “cứng ngắc” luôn một chỗ, rất khó mà xoay chuyển. Có lẽ vì tính khí này mà người miền Bắc thường khéo làm “chính trị” hơn người miền Nam. Từ lâu nay, hầu hết các chùa chiền ở miền Bắc đã trở thành điểm du lịch văn hóa lịch sử hơn là nơi thuận duyên cho việc tu hành.
Tuy nhiên, những lần ra Hà Nội gần đây mình thấy có nhiều sự thay đổi, các quán chay mọc lên nhiều hơn và người ta cũng bắt đầu dùng nhiều diễn ngôn của Phật giáo hơn. Qua các video quay cảnh sư Minh Tuệ ở Hà Nội mình nghe nhiều người thường xuyên dùng từ “hoan hỉ” với nhau, không biết mấy anh chị em ở Hà Nội nghĩ sao chứ cá nhân mình hiếm khi nghe từ này trong thời gian ở Hà Nội.
Xét về nguồn gốc thì sư Minh Tuệ cũng thuộc thế hệ người Bắc Trung Bộ di cư vào miền Nam giai đoạn 1994. Nếu nhìn ở góc độ môi trường xã hội, thì có thể giả thuyết rằng chính là môi trường ở miền Nam đã tạo đủ duyên để sư Minh Tuệ đi theo con đường hành giả. Còn nếu ở miền Bắc thì khả năng cao là sư theo con đường học giả nghiên cứu hoặc là làm “quan trụ trì” hơn là người tinh tấn hành trì.
Việc số đông người dân ở miền Bắc Trung Bộ đi theo sư Minh Tuệ là hình ảnh chưa từng có. Tất nhiên, có rất nhiều góc nhìn và lý do để lý giải cho hiện tượng xã hội này. Và đây chính là khoảng trống mà những nhà báo và nhà nghiên cứu xã hội cần khai thác sâu hơn, bằng cách tiếp cận và phỏng vấn trực tiếp những người trong cuộc, thay vì chỉ ngồi một chỗ và gán cho họ những “nhãn mác” khác nhau.
THÀNH NGUYỄN 17.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.