Hình ảnh nhà sư Minh Tuệ đi bộ khất thực, màn trời chiếu đất, dầm mưa đội nắng đã chấn động mạng xã hội cũng như giới sư sãi quyền quý. Đây là một điển hình của lối tu khổ hạnh, minh chứng rằng, mọi sung sướng hạnh phúc chỉ sinh ra từ khổ đau.
Thầy có thể không chỉ tu cho chính mình, nhưng thầy đã nhắc lại một chân lý của Đức Phật để hướng tu hành của chúng sinh đi được đúng hướng. Đó là không cần chùa to sảnh lớn, không cần đồ lễ xa hoa, không cần đệ tử ngàn vạn. Chỉ mình ta một mình một bóng, đường xa vạn dặm, mỗi bước chân là một câu “A di đà”, là ánh sáng vô lượng dẫn dắt ta đi về cõi Phật.
Tuy rằng thầy cười nói thản nhiên : ”Tôi cũng chẳng biết tôi đi đâu?” Đúng vậy, khi con người chưa thành chính quả thì mọi sự đều mung lung mờ ảo.
Thầy Minh Tuệ cũng đang trên đường tu hành, phía trước thầy muôn vàn chông gai. Mọi người nên tôn trọng quyền riêng tư của thầy, cho thầy một không gian tịnh lặng để suy ngẫm về Phật pháp. Đừng coi thầy như một ngôi sao đại chúng đang nổi rồi chụp hình múa bút khua chiêng gõ trống làm ầm ĩ đất trời. Càng không nên coi thầy là Phật sống hạ thế dập đầu quỳ lạy.
Nhiều cây bút đã không tiếc lời ca tụng với lý luận tôn giáo uyên thâm nói về thầy, lão cho là không cần thiết. Tóm lại không nên làm quá, làm quá sẽ ngăn cản con đường tu hành của một người mà chúng ta tôn trọng. Một người âm thầm giúp chúng ta nói lên sự thật, một hành giả chân chính đang trên đường tu hành.
Khi Thích Ca Mâu Ni còn là hoàng tử, ngài đã nhận ra nỗi đau khổ của sinh, lão, bệnh, tử, nên đã phát nguyện lớn lao theo đuổi ý nghĩa thực sự của sự giải thoát khỏi sinh tử và cuối cùng đạt được giác ngộ vô thượng dưới gốc cây Bồ đề.
Đức Phật tìm hiểu chân lý tối thượng của cuộc đời bắt đầu từ “khổ”, nên Đức Phật lần đầu tiên thuyết pháp thì Ngài nói đến “Tứ Diệu Đế”. Điều đầu tiên trong “Tứ Diệu Đế” là “Sự thật về Khổ”, chân lý về khổ. Tứ Diệu Đế gồm bốn phần như sau:
1- Khổ đế (Dukkha): Là thực trạng đau khổ của con người.
2- Tập đế (Samudaya): Là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ.
3- Diệt đế (Nirodha): Là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau.
4- Đạo đế (Magga): Là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau.
Bởi con người có thân thể nên có đau khổ. Thân người là nơi tụ tập của khổ đau. Tuy nhiên, ở thế gian này tu luyện thân người không phải dễ dàng, cần có nhiều mối thiện nhân, có thể nói là hiếm có. Nhân sinh khổ cực vậy thì tại sao phải tu thân mà than thở là hiếm có?
Thế giới chúng ta đang sống là “thế giới ta bà”, và từ “Ta bà” có nghĩa là “Nhẫn”. Cõi Ta Bà (sahā-lokadhātu) nghĩa là thế giới chịu đựng, nhẫn giới. Đây là thế giới mà chúng sinh phải chịu đựng các phiền não, khổ sở. Không giống thế giới cực lạc là một mảnh đất “Tịnh thổ”. Thầy Minh Tuệ đang nhẫn nhục chịu đựng đau khổ về thân xác để thực hành tu luyện là vậy.
Người ta nói rằng những điều bất toại nguyện thường xảy ra trong cuộc sống. Đây là đặc tính của thế giới Ta Bà, nhưng những điều đau khổ và bất toại nguyện ở thế giới này là cần phải nhẫn nhịn và chịu đựng.
Cuộc sống là khổ đau, nhưng chỉ cần chịu đựng được khổ đau thì trong khổ đau vẫn còn hy vọng hạnh phúc, và con người cần trải nghiệm khổ đau để nhìn rõ cuộc sống ở cõi Ta Bà bất toại nguyện này.
Đau khổ và hạnh phúc đều là cảm xúc của con người. Ở phương Tây có câu nói: Người lạc quan và người bi quan đều đối mặt với thực tế giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ người trước nhìn thấy chai rượu đã uống hết một nửa thì vui vẻ nói: "Ha! Vẫn còn nửa chai!", còn người kia thì chán nản nói: "Ôi! Chỉ còn lại nửa chai thôi ư!"
Từ quan điểm Phật giáo, mọi người đều sẽ gặp phải đau khổ và hạnh phúc. Một số người khi gặp chuyện đau khổ thường bị đau khổ đè bẹp, càng nghĩ càng đau khổ. Mọi chuyện đã trôi qua nhưng bóng tối của khổ đau vẫn in sâu trong trái tim, không bao giờ có thể thoát khỏi hay buông bỏ.
Khi một người giác ngộ gặp chuyện đau khổ thì hiểu rằng đó là do nghiệp chướng tạo nên, bình thản chấp nhận. Khi gặp chuyện vui cũng không vui đến tột độ bởi biết rằng, tất cả đều là những giấc mơ và bong bóng. Không vì niềm vui đã trôi qua mà buồn than.
Điều này cho thấy con người sống ở thế giới Ta Bà thực sự đang đau khổ. Nhưng chỉ cần chúng ta hiểu được ý nghĩa của “Tứ Diệu Đế” và thực hành nghiêm túc thì chúng ta có thể thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc.
Khổ đau của muôn loài chúng sinh là hiện thực khách quan của “Thế giới Ta Bà”. Khi một Bồ Tát nhìn thấy nỗi đau khổ của tất cả chúng sinh, ngài sẽ có lòng đại bi là nền tảng, và lòng từ bi dẫn đến trí tuệ. Một tấm lòng từ bi vững chắc có thể loại bỏ nghiệp chướng và đem lại hạnh phúc và trí tuệ. Điều này sinh ra từ đau khổ, và ước muốn từ bi chỉ có thể đạt được bằng một thân người đã gom góp tất cả đau khổ.
Thầy Minh Tuệ chưa phải đã đắc đạo, cũng chỉ đang chập chững trên con đường tu hành, nhưng thầy đã chỉ ra chặng đường gian khổ của tu hành, có người vui, có kẻ buồn. Người vui bởi nhìn ra sự thật, kẻ buồn bị bóc mẽ sự thật. Đấy mới gọi là thế giới Ta Bà, một thế giới hỗn độn của chính tà mà chúng ta cần nhận rõ đau khổ và cần có dũng khí để nhẫn nhịn và vượt qua.
PHÓ ĐỨC AN 13.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.