vendredi 10 mai 2024

Mai Quốc Ấn - Những đứa trẻ 10 điểm

Điểm 10 luôn là một thành tích mà mọi đứa trẻ ở Việt Nam mơ ước. Nhưng ở đâu đó, điểm 10 có thể là khởi đầu của một bất hạnh.

Nghĩ lại, thật may mắn là tôi chưa bao giờ là một đứa trẻ ham muốn được điểm 10 hay bị ba mẹ ép phải đạt bằng được điểm 10.

Tôi của tuổi thơ muốn đạt điểm 10 không khó! Khi học trường làng với những anh họ chị họ lớn hơn tôi 2 tuổi, tôi vẫn đạt hạng 3 của lớp. Muốn đạt hạng 3 dĩ nhiên là cần một số lượng điểm 10 nhất định.

Nhưng điểm 10 vui không thể bằng được việc bắt con dế lửa chà bá đá thắng mọi con dế của mấy đứa nhỏ trong làng. Càng không thú vị bằng tự tay làm một con diều, se ba cuộn chỉ lấy từ ngăn tủ máy may của mẹ làm dây diều rồi thả lên mỗi chiều. Cả việc xem anh Tùng câu cá rồi học theo mà trở thành đứa trẻ mê câu có tiếng trong làng, chỉ 5 tuổi mà câu cá lớn, cá nhiều vô số. Và nặn tượng! Tôi nặn tượng con trâu giống đến mức người lớn phải khen có hoa tay quá v.v…

Những trò chơi tuổi thơ thú vị hơn điểm 10 xa lắc!

Càng về sau này, tôi càng ít điểm 10 hơn vì ham chơi và vì một lẽ khác: Tôi rất ghét học thêm. Việc biết trước đáp án một ngày so với bài giảng chính thức của thầy cô làm tôi mất hứng thú của giờ học chính thức. Và cả việc nhìn thầy cô chì chiết, “đì” những bạn không có đủ điều kiện học thêm hay chí ít là khổ sở giải bài tập không biết trước.

Lờ mờ ở đâu đó, đứa trẻ năm xưa là tôi thấy việc có được “điểm 10 biết trước” là điều làm bản thân không vui chút nào. Cũng nhận ra, không phải thầy cô nào cũng là người lái đò đúng nghĩa.

Nhiều lúc tôi học nhóm để chỉ bài cho các bạn yếu hơn, không phải vì câu khen của ba mẹ các bạn ấy. Mà vì học xong thì đến các bạn dạy tôi bắn bi phải lắc ngón tay nhẹ ra sao để vào lỗ. Hay là làm cách nào “phi thân” đạp tường rồi búng người lên cây ổi để… hái trộm. Lắm lúc khi các bạn xin qua nhà tôi học nhóm là để đi bắn súng Contra v.v…

Khi ấy điểm 10 không quan trọng!

Và đến giờ càng thấy điểm 10 không quan trọng. Khi mà không phải một lần đọc tin những đứa trẻ phải tự kết thúc cuộc đời vì những áp lực điểm 10 hay những thứ thành tích tương tự.

Tôi chỉ muốn nhắn gửi đến những ai đang đứng trên bục giảng, rằng ở vị trí là một người tải đạo sẽ khác xa với một vị trí thợ dạy. Một người tải đạo hướng con trẻ đến những khung trời rộng hơn ghế nhà trường, và kích thích trí tưởng tượng của trẻ em vươn tới những điều thú vị thậm chí xa hơn những vì sao. Còn áp lực thành tích của một thợ dạy đôi khi lại là nguyên nhân đẩy một đứa trẻ biến mất khỏi cuộc đời theo cách tự giải thoát.

Và cả ông bà cha mẹ nữa, đừng “Ủy nhiệm cho đứa con làm những việc bản thân mình cũng chưa làm được” (câu của Thọ Ngô). Vì khi mất đi giọt máu mang kỳ vọng có sự thái quá (lẫn vô minh) của mình thì sẽ rất đau lòng.

“Mười phân vẹn mười” như Thúy Kiều còn đi làm đĩ giữa một xã hội nhơ nhuốc thì điểm 10 nhan nhản hôm nay còn bao nhiêu giá trị thực sự?

(Nguồn ảnh từ báo Dân Tộc)

MAI QUỐC ẤN 09.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.