lundi 13 mai 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Nhà nước xoài

 

Từ bài viết "Bi kịch của chủ nghĩa đức trị", có bạn đã hỏi tui nếu tui có đến 10 quả xoài hoặc cả một vườn xoài thì sự việc sẽ như thế nào?

Xin trả lời là cũng y vậy vì nó thuộc sở hữu của mình tui. Tui muốn rào lại hay tui muốn thả ra hên xui vào đức hạnh của hàng xóm hoặc của những kẻ đi đường là quyền của tui.

Nhưng sự việc sẽ khác đi rất xa nếu có một vườn xoài đầy trái mà thuộc sở hữu chung của nhiều người. Đặt giả định đó là một vườn xoài đang ra trái, lại thuộc sở hữu chung bình đẳng của 20 người thì sự việc sẽ diễn ra như thế nào?

Không thể tất cả 20 người đều đứng ra quản lý vườn xoài theo ý muốn riêng của mình. Đó là trạng thái vô chính phủ sẽ gây ra rối loạn và xung đột quyền lợi gữa nhau, vườn xoài sẽ tan hoang. Hai mươi người chủ biết được điều đó nên ngồi lại với nhau, để cùng đưa đến một thỏa thuận là giao việc quản lý vườn xoài cho một cá nhân chịu trách nhiệm quản lý. Khế ước xã hội ra đời, đồng thời nhà nước xuất hiện. Đứng đầu nhà nước đó chỉ một người tạm gọi là tổng thống.

Nhưng chỉ giao quyền hành cho một người thì người đó sẽ làm theo ý mình lại sẽ gây hại. Nên cần phải xây dựng luật lệ để người đó làm theo, và cũng cần giám sát người đó làm có đúng luật hay không. Do vậy phải bầu ra một hội đồng chừng 5 người để soạn luật lệ và giám sát tổng thống. Quốc hội ra đời.

Lúc đó vị tổng thống không phải muốn làm gì thì làm, mà phải điều hành quản lý vườn xoài theo luật lệ quy định. Ông ta phải xây hàng rào cỡ nào, tốn bao nhiêu tiền, phải thuê bao nhiêu bảo vệ, trả lương ra sao, phải gắn bao nhiêu camera với giá chừng nào, mỗi chủ sở hữu phải đóng góp hàng tháng bao nhiêu để duy trì quản lý … Nhất nhất phải làm theo quy định và trình ra cho hội đồng duyệt thông qua từng hạng mục.

Nhưng trong quá trình điều hành và giám sát điều hành chắc chắn sẽ phát sinh mâu thuẫn. Quốc hội nói việc này tổng thống đã làm sai, tổng thống cãi lại đã làm đúng. Vậy phải có người độc lập đứng ra phân xử. Tòa án ra đời.

Nhà nước của vườn xoài bây giờ bao gồm ba cơ quan quyền lực độc lập với nhau: Tổng thống, quốc hội và tòa án. Đó gọi là nhà nước tam quyền phân lập. Mọi cương vị đều do 20 người chủ sở hữu bầu ra, nên gọi là nhà nước dân chủ.

Đó là mô hình nhà nước dân chủ tam quyền phân lập được hầu hết các quốc gia văn minh tiến bộ trên thế giới áp dụng. Nó có thể chưa là mô hình hoàn hảo, nhưng chắc chắn là mô hình hợp lý và ưu việt nhất tính đến thời điểm này.

Nhưng, nếu như ông tổng thống được bầu ra là một người ham muốn quyền lực, một người thủ đoạn, muốn âm mưu cướp đoạt quyền hành, ví dụ là tui chẳng hạn.

Sau khi được tập thể sở hữu giao phó làm tổng thống để quản lý vườn xoài, tui cấu kết với một số người thân tín, lập bè đảng thao túng việc bầu cử hội đồng (quốc hội). Tui đưa tay chân của tui vào chiếm hết hoặc chiếm đa số thành viên hội đồng. Lúc đó tui buộc hội đồng soạn ra luật lệ theo ý tui, có lợi cho tui. Hội đồng chỉ ngồi làm cảnh. Rồi tui đưa tay chân trong bè đảng qua làm tòa án. Như vậy về hình thức vẫn có một nhà nước tam quyền, nhưng thực chất đều nằm dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của tui. Nhà nước độc tài toàn trị ra đời.

Lúc đó tui muốn làm gì cũng được, thay vì thuê ba bảo vệ để luân phiên canh gác vườn xoài ngày đêm thì tui chỉ thuê một bảo vệ và thuê hai nữ nhân viên trẻ đẹp làm thư ký riêng cho tui. Xây hàng rào và bắt camera tốn 10 triệu thì tui kê lên 20 triệu. Rồi thỉnh thoảng tui sai bảo vệ lén lút hái ít xoài đi bán để tui tiêu xài riêng. Thiếu người bảo vệ thì tui kêu gọi tinh thần yêu nước mỗi người làm việc bằng ba. Nhân viên bảo vệ phải tăng lên ba ca, nữ thư ký của tui phải giúp việc cho tui cả ca đêm, 20 ông chủ phải đóng góp tiền đầu tư hàng tháng (thuế) nhiều hơn nữa. Rồi tui sai tay chân tung hô tui lên là nhà đức trị, là bậc minh quân, là thánh nhân phi thường cần phải tôn thờ. Hai mươi chủ sở hữu của vườn xoài, có ai tỏ ý không tôn thờ thần phục tui, góp ý, phản biện lại đường lối của tui, tui ghép vào tội phản động, phản quốc … kà kà.

Đó là mô hình nhà nước độc tài toàn trị có khá nhiều ở thế kỷ 19, 20. Qua thế kỷ 21 mô hình đó đã sụp đổ rất nhiều nhưng vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia đến hiện nay.

Nhưng chỉ dừng lại ở một tổng thống độc tài toàn trị, tui vẫn thấy chưa bằng lòng. Sau này tui chết đi kẻ khác sẽ cướp mất quyền hành, con cháu tui sẽ ra sao? Tui cho rằng tui phải lên ngôi vua mới xứng tầm tài đức của tui. Thế là tui cho tay chân viết lại tiểu sử của tui, thêm thắt rằng, lúc tui sinh ra, có rồng hiện xuống, mặt trời sáng rực lên, mới ba tuổi tui đã biết cỡi ngựa bắn cung, 9 tuổi biết lái xe tăng … đó là những dấu hiệu của bậc đế vương, con trời giáng thế. Rồi tui dùng quyền lực bắt mọi người tung hô tui lên ngôi hoàng đế. Lúc đó vườn xoài không là tài sản chung của 20 thần dân nữa mà là tài sản của trẫm.

Đó là mô hình nhà nước độc tài phong kiến mà hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng trải qua. Có quốc gia kéo dài vài trăm năm, có quốc gia tồn tại đến mấy nghìn năm.

Cho đến thế kỷ thứ 18, nhà nước độc tài phong kiến đầu tiên bị lực lượng tư sản đứng lên lật đổ để lập ra nhà nước dân chủ. Đó là triều đình phong kiến Pháp bị đánh đổ bởi cuộc cách mạng dân chủ tư sản ngày 04/07/1789. Cũng vào giai đoạn đó, nhà nước độc tài phong kiến Anh cũng dần dần được thay thế bằng mô hình dân chủ gọi là quân chủ lập hiến qua cuộc cách mạng êm thắm và không đổ máu cũng được lãnh đạo bởi lực lượng tư sản đang trỗi dậy mạnh mẽ. Hoàng gia Anh muốn tồn tại phải nhượng bộ lực lượng cách mạng, cải cách chính trị, thay đổi thể chế, giao quyền điều hành đất nước lại cho toàn dân, thông qua việc bầu cử ra quốc hội và chính phủ.

Các quốc gia châu Âu khác cũng lần lượt dân chủ hóa. Riêng nước Nga đến mãi năm 1917, lực lượng tư sản mới nổi lên làm cách mạng dân chủ lật đổ Sa Hoàng. Tuy nhiên bi kịch cho nước nga, nhà nước dân chủ không tồn tại được bao lâu thì rơi vào tay đảng cộng sản của Lênin. Chế độ độc tài đảng trị được lập ra.

Có hai quốc gia từ khi mới thành lập đã không trải qua chế độ độc tài, đó là Mỹ và Singapore.

Sau khi lãnh đạo nhân dân đánh đuổi được thực dân Anh, giành được độc lập, ông Washington đã không tiếm quyền lập ra chế độ độc tài, mà xây dựng ngay một nhà nước dân chủ tam quyền phân lập. Nhà nước đó tồn tại đến tận ngày nay đã giúp nước Mỹ vốn là thuộc địa lạc hậu vươn nhanh lên thành siêu cường tiên tiến số một thế giới, trở thành tấm gương sáng cho nhiều quốc gia khác noi theo.

Singapore, ngay từ khi tách ra khỏi Malaysia, giới lãnh đạo tinh hoa xây dựng nhà nước dân chủ đa đảng, tam quyền phân lập. Và nhờ vậy từ vùng đất nhỏ bé đói nghèo lạc hậu đã vươn lên thành con rồng Châu Á được thế giới khâm phục nể vì.

TB: Nhân tiện thông báo, đến hôm nay trái xoài của tui vẫn còn trên cây.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 10.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.