jeudi 23 mai 2024

Cù Mai Công - Dự án thoát thủy cho Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận (1)

Đây là một dự án thoát nước năm 1972 của Sài Gòn và ngoại ô, với “hợp tác và yểm trợ của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ)” có tầm nhìn đến năm 2000. Trong đó, ước tính mốc dân số Sài Gòn của dự án từ năm 1971, 1972 này gần như khớp với thực tế dân số TP.HCM 25-30 năm sau, cụ thể vào các năm 1995, 2000…

Đó là trình độ và tầm nhìn của nhà quy hoạch, điều mà lâu nay chúng ta luôn thiếu và yếu. Để cứ ngập lụt lại đổ cho mưa lớn, mưa quá thiết kế, hệ thống cũ, quy hoạch cũ (cũng của ta) không phù hợp... Gần đây thêm do biến đổi khí hậu. Tức toàn do khách quan, do ông Trời và do dân (đổ rác bậy) chứ không do trình độ, tầm nhìn của con người, của vô số cán bộ lẫn chuyên gia.

Việc chống ngập ở Sài Gòn và ngoại ô lúc ấy, ở giai đoạn đầu, tập trung cho thoát nước ra các kinh rạch. Giai đoạn 2 sẽ là xây dựng hai hệ thống thoát nước mưa và thoát nước dơ riêng biệt.

Tôi có bản gốc của dự án này, xin đăng hai kỳ, như góp thêm một tham khảo cho công việc chống ngập ở TP.HCM hiện nay.

ĐẠI CƯƠNG

Chương trình Thoát thủy khẩn cấp mà Sài Gòn Thủy cục được giao phó thực hiện theo kế hoạch tứ niên 1972-1975 chỉ là giai đoạn đoạn đầu của Dự án Thoát thủy quy mô đã được nghiên cứu nhiều năm qua với sự hợp tác và yểm trợ của USAID.

Mô tả chương trình

Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận (environs, tức vùng ngoại ô - CMC), với khoảng 2,8 triệu dân sống chen chúc trên một diện tích 171 km2, chiếm 1/1.000 về diện tích và 156/1.000 hay 15,6% về dân số của miền Nam Việt Nam.

Với số dân trung bình 356 người trên một mẫu tây (hecta) đất, Đô thành là một trong những đô thị có mật độ dân cư dầy đặc nhất trên thế giới (gấp 2,5 lần Tokyo và 5 lần nhiều hơn các đô thị lớn của Hoa Kỳ).

Với số dân bằng 3/4 của tổng số dân cư ở các thành phố của Việt Nam Cộng hòa, Đô thành Sài Gòn hiện nay là trung tâm phát triển quốc gia và sản xuất được 1/4 lợi tức quốc gia, Đô thành Sài Gòn đòi hỏi 1 sự cải tiến cấp thiết về những tiện nghi vật chất cũng như tinh thần.

Do đó nhiều vấn đề đã được đặt ra như: vấn đề gia cư, tiện ích và nhất là vấn đề vệ sinh thành phố mà yếu tố thiết yếu là hệ thống thoát thủy ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của đồng bào Đô thành.

Xây dựng trên một vùng đất bằng phẳng, quá thấp so với mực nước biển trung bình (cote 0,00), Đô thành Sài Gòn từ nhiều năm, sử dụng một hệ thống thoát thủy đa dụng, thiết lập lần hồi bắt đầu từ năm 1870 với một chiều dài công chánh (đường kính > 0,80m) lối 112 Km và 156 Km cổng phụ (đường kính ≤ 40cm). Hệ-thống thoát thủy đa dụng này hiện tiếp nhận 3 loại nước:

- Nước dơ gia dụng

- Nước dơ kỹ nghệ, và

- Nước mưa.

Sau đó đưa các loại nước này thẳng vào các rạch thiên nhiên hoặc kinh đào nhân tạo quanh thành phố như: Rạch Thị Nghè, Rạch Bến Nghé, Rạch Lò Gốm, Kinh Đôi, Kinh Tẻ, Kinh Hồng Bàng; Kinh Bao Ngạn, Kinh Tham Lương v.v… và tất cả đều chảy ra Sông Sài Gòn. (Phụ bản I)

Gần đây, vì tình hình chiến cuộc, một mặt thì dân số Đô Thành gia tăng quá mau, một mặt vì việc giải quyết nhà ở không đáp ứng kịp mức đòi hỏi vượt bực, dân chúng cất nhà trên những khu vực không có cống rãnh hoặc xây cất bừa bãi choán mất một số kinh rạch.

Điển hình, tại Rạch Thị Nghè, Rạch Lò Gốm nhà cửa xây cất dọc hai bờ rạch choán gần hết bề ngang lòng rạch. Tệ hại hơn nữa, tại Kinh Hồng Bàng – Bao Ngạn nhà cửa đã xây bít hẳn con kinh. (Phụ bản II)

Tình trạng này đưa đến sự ngập lụt trong mùa mưa và gia tăng độ nhiễm uế nước sông trong mùa nắng.

Nếu có dịp đi qua khu Phú Thọ Hòa, khu Ngã tư Bảy Hiền, khu Cầu Tre – Tân Hóa vào mùa mưa và nhất là sau một trận mưa to, mọi người sẽ thấy nước mưa tràn ngập, có nơi không còn thấy mặt đường mà chỉ thấy một vũng nước đục lều bều rác rến và đồ xú uế, ai ai chắc phải khổ tâm giùm cho dân chúng cư ngụ và trong vùng này vì phải chịu cảnh lưu thông gián đoạn, buôn bán ế ẩm, ra vào khó khăn và không còn gì là vệ sinh tối thiểu nữa. (Phụ bản III)

TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT TRONG ĐÔ THÀNH VÀ VÙNG PHỤ CẬN

Đứng trên cầu Trương Minh Giảng, cầu Công Lý, hoặc cầu Bông nhìn xuống, ta vẫn còn thấy nước đen ngòm trong khi mùi hôi xông lên rất khó chịu. Biết bao nhiêu vạn đồng bào ta sống trong cảnh mất vệ sinh đó!

Tại các quốc gia tân tiến trong thế kỷ 20 này, một khuynh hướng rất rõ rệt đã đặt vấn đề thanh khiết hóa ngoại cảnh lên hàng quốc sách phương châm: “Khuyến khích mọi nỗ lực nhằm tránh hoặc loại bỏ những phương hại cho ngoại cảnh và bầu không khí, cùng tăng cường sức khỏe và tiện nghi đời sống con người”.

Tại Việt Nam, nhất là trong thành phố Sài Gòn, vì sự tập trung quá mức của dân chúng tại những vùng quá chật hẹp nên các điều kiện gia cư, tiện nghi và vệ sinh khiếm khuyết tạo ra bệnh tật và đưa đến tình trạng suy đồi về kinh tế và xã hội. (Phụ bản IV)

Việc giải quyết nước dơ là một công tác chính yếu và gay go trong khuôn khô cải thiện tình trạng nói trên.

Để thực hiện chương trình bảo vệ sức khỏe dân chúng Thủ Đô, Bộ Công chánh và Cơ quan USAID đã nghĩ đến việc thuê một hãng cố vấn tiến hành công cuộc nghiên cứu kế hoạch khả thi cho hệ thống cống rãnh trong Đô Thành và vùng phụ cận.

Do Khế ước số A.I.D/VN-57 có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 15 năm 1969, một liên công ty gồm có:

- Công ty Henningson, Durham & Richardson và

- Công ty Lyon Associates Inc.

(Đây là hai công ty thiết kế, quy hoạch, xây dựng rất lớn của Mỹ và Pháp, hiện vẫn hoạt động - CMC chú thích)

Được chọn làm hãng kỹ sư cố vấn để tiến hành việc nghiên cứu kế hoạch khả thi nói trên. Mục tiêu của công ty là: “Nghiên cứu trên phương diện kỹ thuật và kinh tế để ấn định một hệ thống cống rãnh thoát nước mưa và nươc dơ hữu hiệu nhất cho Đô Thành Sài Gòn”.

Sau 18 tháng nghiên cứu, tháng 2 năm 1971, Liên hãng Henningson, Durham & Richardson và Lyon Assiociates Inc. đã lập xong bản “Phúc trình nghiên cứu Kế hoạch khả thi cho Hệ thống Thoát thủy trong Đô Thành Sài Gòn”.

Dự án thoát thủy quy mô được đề nghị qua bản phúc trình nêu trên gồm các phần tóm lược sau:

1/ Vùng nghiên cứu: gồm 2 phần:

Đô Thành Sài Gòn: 11 quận, diện tích 60 Km2.

Vùng phụ cận thuộc Tỉnh Gia Định (Quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn) diện tích 110 Km2.

Diện tích tổng cộng 170 Km2.

 

2/ Dân số: do các hãng này ước tính cho Sài Gòn và vùng phụ cận là:

Năm - Dân số

1968 - 2.580.000 dân

1972 - 2.839.000

1975 - 2.942.100

1985 - 3.699.400

1990 - 4.088.900

1995 - 4.551.800

2000 - 5.054. 700

CÙ MAI CÔNG 23.05.2024

Đón đọc kỳ 2 : 12 khu vực thoát nước và hệ thống cống rãnh đến năm 2000 của dự án 1971, 1972

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.