1. Trong bài thơ Phụng Hiến của mình, Bùi Giáng viết:
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao.
Hiền lành như vậy, bác ái và từ bi đến vậy, thế mà không ít người, cả cùng thời lẫn cho đến tận ngày hôm nay, hễ nhắc về Bùi Giáng, họ lắc đầu, xua tay, thằng điên.
Người ta điên mà người ta không nói lời thù hận. Người ta điên, mà người ta chẳng hại ai. Người ta điên mà người ta biết nhận ở đời bao nhiêu, người ta nguyện trả lại bấy nhiêu.
Cái mà Bùi Giáng gởi trả lại, đáp đền lại, là hàng trăm bài thơ, hàng ngàn câu thơ bất hủ, mà cho đến nhiều chục năm sau, người đọc thơ vẫn tấm tắc, trầm trồ. Vì thơ ông không chỉ hay, không chỉ đẹp ngoài vỏ chữ, mà cả trong lõi chữ, khi phân tích ra, cũng đẹp, cũng hay, cũng mang nhiều ý nghĩa. Để rồi cứ thế, ít nhiều gì, cũng gieo vào trong tâm hồn, làm vườn hoa tâm hồn của con người ta, thêm mềm mại, thêm bát ngát, thêm tỏa hương.
******
2. Trong những lần trả lời câu hỏi của người qua đường, sư Minh Tuệ nói: Có chửi con, con vẫn coi là bạn. Có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.
Và không ít người - từ khi sự xuất hiện của sư Minh Tuệ trở thành hiện tượng, sự kiện, từ khi những bước chân của ngài làm cảm động đến đông đảo trái tim của người dân, cả nam lẫn nữ, cả nghèo lẫn giàu, cả xấu lẫn đẹp, cả bần cùng xơ xác lẫn địa vị tối cao - hễ nhắc đến Minh Tuệ, họ buông lời miệt thị, cái thằng ôm nồi cơm điện, chẳng lợi ích gì cho xã hội.
Sao không lợi ích? Khi thầy cô giáo trên bục giảng, khản cổ mang kiến thức đến để mở mang cho đầu óc của học trò thêm hiểu biết, thì thầy Minh Tuệ, một mình, lặng lẽ khắp Bắc Nam, có khác gì?
Thầy Minh Tuệ đã dùng đôi chân trần của mình đi bộ khắp nước, mặc vải thừa, ăn của bố thí, dùng hình ảnh của chính mình, để thị phạm, để chứng minh khả năng vượt qua khổ đau, để chứng minh ý chí, quyết tâm viên thành Phật đạo - là chuyện hoàn toàn có thể thực hiện được; để chứng minh sự buông bỏ, không dính mắc lòng ham thích, chế ngự được nỗi sợ hãi, khiếp đảm khi phải một mình nơi hoang vắng, thiếu thốn các phương tiện tối thiểu, không lo bị mất mát của nả - là chuyện không hề khó.
Thầy nêu gương không chỉ cho một lớp học, không chỉ cho một trường học, mà là nêu gương cho toàn thể con người, cho toàn thể xã hội, cho cuộc sống, đang ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, đang mất dần những khả năng tiết chế, đang xa lìa sự giản đơn, tối thiểu.
******
3. Hôm nay, thấy trên Amazon, người ta bán những chiếc áo T-shirt, những chiếc ly có in hình ngài. Tại sao vậy? Tại vì người ta thấy được nhu cầu của con người đang rất chiêm ngưỡng ngài, đang rất muốn học theo ngài, học theo một cách nào đó, học theo một mặt nào đó.
Xã hội, con người, đứng trước tấm gương của thầy Minh Tuệ, đang dần nhận ra, ăn ít, ăn không tốn kém, mà vẫn rất vui; mặc ít, mặc không cầu kỳ, mà vẫn rất hạnh phúc. Chỉ nghĩ đến điều tốt, không tham lam, không sân hận, không u sầu, buồn bã, oán than, dù có ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một nhà sư, ôm nồi cơm điện, thực hành hạnh xả ly, mắc cười lắm sao? Một nhà sư, mặc áo may từ vải nhặt được ở trên đường, nhặt được trong nghĩa địa, thực hành hạnh từ bỏ kiêu mạn, trừ khử phóng dật, để lòng được thong dong, thanh tịnh, quái dị lắm sao?
Tôi không thấy thầy mắc cười hay quái dị gì cả. Thầy là tấm gương cho tôi soi vào. Và tôi thấy, chính lối học đòi, hơn thua, bao năm qua của tôi mới là mắc cười. Và tôi thấy, chính lối tự đắc, tự mãn, thiếu khiêm tốn, thiếu sự quan tâm, thiếu sự chia sẻ đến người khác, bao năm qua của tôi mới là quái dị.
******
4. Cảm ơn ông Bùi Giáng cho tôi được đọc những bài thơ ngây ngô, hồn nhiên mà thơm thảo tấm lòng của ông, để rồi, vun đắp vào tâm hồn tôi những điều chân thiện mỹ!
Cảm ơn sư Minh Tuệ đã cho tôi được nhìn lại mình, rằng, tôi đã phí phạm một khoảng thời gian quá dài cho những điều rỗng tuếch và vô nghĩa, cũng như, để tôi được hiểu ra: sự thay đổi, sống theo lối thiểu dục tri túc, ít muốn và biết đủ, chưa bao giờ là muộn!
PHẠM HIỀN MÂY
Sài Gòn 11.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.