jeudi 27 juin 2024

Nguyễn Thông - Góp ý cho các nhà báo và các quan to: Liên Xô (2)


Ta thường thấy trên báo chí (in, điện tử), tivi, trong các văn bản của nhà nước, cả trong những phát biểu của ông to bà lớn, họ nói/viết rằng “Liên Xô cũ”, “Liên Xô trước đây”. Đám đông nghe vậy đọc vậy cứ mặc nhiên chấp nhận, cho là đúng. Thực ra sai toét.

Khi họ nói/viết “Liên Xô cũ”, “Liên Xô trước đây”, người ta có quyền đặt câu hỏi vậy thì có Liên Xô mới à, có Liên Xô hiện nay à.

Liên Xô là một thực thể, một đất nước mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Xô viết, gọi tắt là Liên Xô - CCCP. Nhớ hồi trước năm 1975 ở miền Bắc, những thùng vũ khí Liên Xô chất đầy nhà ga, bến tàu bến xe, cả những thùng đồ “viện trợ” nữa, đều có dòng chữ rõ to CCCP. Bà con ta đọc trại thành “các chú cứ phá”, “càng cho càng phá”. Nó, Liên Xô từng tồn tại 70 năm, tới cuối năm 1991 thì tan rã (tạ ơn trời đã cứu giúp dân lành).

Sinh ra - tồn tại - mất đi, là thứ quy luật tự nhiên, chả có gì vững bền mãi mãi, tồn tại mãi. Núi đá chắc khừ còn phải mòn, huống hồ Liên Xô. Lại nhớ câu “Tình hữu nghị Việt - Xô đời đời bề vững” mà mắc cười. Chợt thấm câu văn cổ “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (thân như tia chớp, có rồi không). Những kẻ không hiểu gì về quy luật nhưng lại lãnh đạo số đông dân chúng, thì đó là bi kịch.

Liên Xô, trong dòng lịch sử nhân loại, cũng như La Mã, Macedonia, Đông Ngô, Âu Lạc, Nam Tư, Trường đại học Tổng hợp… vậy. Tồn tại rồi mất đi. Chả ai nói/nhắc/viết La Mã cũ, Âu Lạc trước kia, Nam Tư cũ, Trường đại học Tổng hợp cũ… bao giờ, trừ những người ngố. Thà dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. Mà giờ dân làm viết lách, làm báo hay chữ lỏng lại quá nhiều. Cũng là bi kịch. Bi kịch cho tiếng Việt.

Nhân đây cũng nói thêm, những ông bà trong đầu còn u bướu “nhớ ơn Liên Xô đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ” nên phải uống nước nhớ nguồn, hãy tỉnh lại đi. Thời nay chứ không phải vài chục năm trước còn u mê bịt óc.

Họ đổ vũ khí và vật tư cho miền Bắc thay mặt phe làm “tên lính đi đầu” chống lại phe đối địch, trong một cuộc chiến tranh ý thức hệ, huynh đệ tương tàn, chứ có gì phải cảm ơn cảm huệ, nợ nần. Nếu tính nợ, thì đó là món nợ xương máu mà chính Liên Xô đã nợ xứ này. Nhưng nó toi rồi thì cũng coi như bị xù nợ.

NGUYỄN THÔNG 27.06.2024

Nguyễn Thông - Góp ý cho các nhà báo và cả những nhà quản lý (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.