jeudi 27 juin 2024

Dương Quốc Chính - Đừng phản biện khi định kiến


Mình thấy nhiều người bị ấn tượng xấu về ai đó thì dễ dẫn tới tư duy thiếu khách quan, thậm chí đọc hiểu còn sai, nhưng vẫn tấn công họ.

Mình chả có ấn tượng tốt về ông Việt này, nhưng vẫn phải tâm niệm là người ta sai chỗ nào hãy phê phán chỗ đó. Còn người ta không/chưa sai thì đừng vội tấn công, đấu tố.

Về luận văn tiến sĩ Luật của ông Việt, có khả năng trường Luật bị sai về tiêu chuẩn được làm tiến sĩ bỏ qua thạc sĩ, vì ông Việt không học hệ chính quy. Mình vẫn chờ báo cáo của Đại học Luật gửi Bộ Giáo dục xem chỗ đó có thực sự sai không. Vì đúng sai phải dựa vào quy định cụ thể và Bộ Giáo dục sẽ phán xét. Vụ này có vẻ như trường Luật đã sai. Nhưng cứ chờ họ giải trình với Bộ Giáo dục xem sao.

Còn việc cộng đồng mạng phát hiện ra ông Việt còn đang làm luận văn tiến sĩ ở trường Xã hội-Nhân văn thì mình chưa thấy ông ấy và trường Xã hội-Nhân văn sai chỗ nào cả. Vậy sao đấu tố ông ấy? Làm thêm tiến sĩ lần 2 có gì sai?

Nhiều người hiểu sai bản chất vấn đề vì cho là ông ấy làm tiến sĩ trong khi chưa có bằng thạc sĩ. Nhưng thực ra trường Xã hội-Nhân văn cho phép làm tiến sĩ Tôn giáo học với những người đã có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ của ngành liên quan (là ngành Luật), chỉ cần học thêm một số môn. Đại khái giống học đại học bằng 2 sẽ phải học thêm một số môn nếu đã có bằng đại học ngành liên quan. Tức là ông Việt chưa có gì sai trong vụ này.

Ông Việt có bằng cấp rất muộn, có bằng đại học đầu tiên còn sau mình 1 năm, lại học cấp 3 bổ túc, sau đó học bằng 2 Đại học Luật, rồi làm tiến sĩ luôn, sau đó làm thêm tiến sĩ lần 2. Tất cả đều rất muộn so với tuổi.

Nếu ông Việt là người chưa có điều tiếng gì thì ông ấy phải được lên báo để ca ngợi vì tấm gương ham học (ham lấy bằng cấp cao). Nhưng chưa báo nào biết để ca ngợi, như thông lệ! Người có 2 bằng đại học và sắp có 2 bằng tiến sĩ là không nhiều, nhất là khi đã hơn 60 tuổi vẫn còn làm tiến sĩ.

Lưu ý thêm là ngành sư khác hẳn ngành quan chức, công chức, hay nghiên cứu, giảng dạy, tức là sư có bằng cấp kiểu này không có nhiều tác dụng để thăng tiến. Còn với công chức thì bằng cỡ này dư để làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng hay bèo cũng bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, giảng viên đại học, và rõ ràng là lợi thế lớn để bổ nhiệm.

Nhiều người cho là ông ấy háo danh, nhưng mình cho rằng đó chỉ là suy diễn không có nhiều căn cứ. Vì sư có bằng nhiều không phải là lợi thế để có danh tiếng trong ngành.

Việc quan chức chạy bằng, sưu tập bằng là rất phổ biến và rõ ràng là có lý do chính đáng, để thăng tiến. Nhưng không có mấy ai dám lên tiếng chửi quan hay chửi công an. Ông Đại Quang hay Tô Lâm đều là tiến sĩ và hình như cả giáo sư luôn đó, trong khi công việc chả liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy.

Dư luận tấn công ông ấy như vậy càng làm mình nghi ngờ là có một chiến dịch gì đó.

Xin lưu ý là hồi ông Chân Quang mới bảo vệ luận án tiến sĩ Luật, mình đã có bài phê phán luận văn đó. Còn với việc ông ấy làm tiến sĩ lần 2 mình chưa thấy chỗ nào sai cả.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 26.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.