samedi 29 juin 2024

Phan Thanh Sơn Nam - Thương nhớ vải vụn xưa


Gần 20 năm trước, giữa xứ người, tình cờ gặp một cô chắc cũng gần bằng tuổi mẹ mình. Trên tay cô là cái giỏ xách gợi lại cho mình một trời thương nhớ, cái giỏ xách nhỏ được kết từ những miếng vải vụn đủ màu sắc nhìn rất nghệ thuật.

Như có người đồng cảm, cô rơm rớm nước mắt kể về những ngày tháng cũ ở quê nhà. Những miếng vải vụn đủ loại màu sắc, khi thì xin người ta, khi thì mua lại với giá rẻ. Cô thức gần như trắng đêm kết lại thành bao gối, mền, rồi bán lại. Nhờ vậy mà cô có thêm chút tiền để nuôi con, khi chồng vẫn biền biệt chưa biết ngày về.

Ngày cả nhà được đi định cư, trong mớ hành trang ít ỏi, cô mang theo một ít đồ được kết từ vải vụn để làm kỷ niệm. Những người bạn tây của cô khen đó là những kiệt tác nghệ thuật. Mình nói, trong hoàn cảnh của cô, nuôi được một đàn con nên người, đó cũng là một kiệt tác rồi.

Trong những ngày ở xứ người, cũng có lần mình thấy lại cái mền làm từ vải vụn ở gia đình anh chị cỡ tuổi chị hai mình. Chị vuốt ve cái mềm rồi rơm rớm nước mắt kể về mẹ chồng chị. Từ một tiểu thư Saigon, sa cơ lỡ vận, chị lưu lạc về vùng quê nghèo heo hút, rồi tình cờ nên duyên với anh. Mẹ chồng chị, một cô giáo phải bỏ nghề vì quá nghèo, cũng cần mẫn kết vải vụn thành gối thành mền làm quà cưới cho anh chị, và sau này là cho các cháu.

Chị được người thân bảo lãnh đi định cư. Một mẹ một con, không đành lòng để mẹ ở lại một mình, nhưng mẹ chồng chị cương quyết anh chị và các cháu phải đi. Ngày lên đường, mẹ còn dặn, xứ lạ quê người, phải để dành tiền nuôi con, đừng về thăm mẹ làm gì. Chưa kịp làm hồ sơ đưa mẹ sang đoàn tụ, thì mẹ đã vội về trời. Giờ mỗi lần nhớ mẹ, anh chị chỉ còn biết lấy kỷ vật ngày xưa ra nhìn rồi khóc.

Một anh bạn, hơn mình gần chục tuổi, ngày xưa không xin vô được ký túc xá vì nhà anh quá gần Saigon, mà ký túc xá thì vốn chỉ dành cho học trò vùng sâu vùng xa. Người ta không hiểu rằng thật ra ở gần Saigon hoa lệ cũng có người phải chạy ăn từng bữa. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng hai vai người học trò nghèo, đêm xuống về đến nhà trọ, anh chỉ còn đủ sức nằm vật ra nền gạch để ngủ.

Cô chủ nhà trọ thương người học trò nghèo nằm ngủ co ro trên nền gạch, đã cặm cụi làm cho anh một mền kết từ vải vụn. Cái mền nhỏ xíu so với thân thể một thanh niên gần 20 tuổi, nhưng cũng mang lại cho anh chút hơi ấm mỗi khi đêm về. Hơn 30 năm vật đổi sao dời, cô chủ nhà trọ ngày xưa đã về trời, và người học trò nghèo ngày xưa giờ nhà lầu xe hơi đều có đủ, nhưng mỗi lần nhìn lại kỷ vật ngày xưa, lòng anh vẫn bất chợt thấy rưng rưng.

Ngày xưa, nhà mình mới chuyển vào Bà Rịa-Vũng Tàu, không có hộ khẩu, chị hai mình không được thi đại học, nên phải tập tành ra chợ buôn gánh bán bưng để phụ giúp gia đình, còn mình thì thường theo phụ chị. Vài năm sau, nhờ người quen giúp, nhà mình có hộ khẩu ở vùng đất mới, và vậy là chị có thể làm hồ sơ thi đại học sau vài năm gián đoạn chuyện học hành.

Biết thân biết phận hoàn cảnh và lý lịch của mình, chị quyết định không thi đại học mà chọn học ba năm Y sĩ. Ngày đó, chị cũng xin vải vụn ở các tiệm may về để kết thành một cái mền nho nhỏ. Những mảnh vải vụn được chị làm thành những hình lục giác nhỏ, rồi tỉ mỉ kết lại với nhau, đủ các loại màu sắc, không theo một trường phái nghệ thuật nào cả. Lúc đó, mới khoảng 10 tuổi, nhưng mình cũng hiểu được những thiệt thòi của con nhà nghèo khi đi học xa nhà.

Thầy Minh Tuệ xuất hiện, nhiều cửa hàng thời trang đồng loạt tung ra các mẫu quần áo mô phỏng theo trang phục chắp vá nhiều mảnh của thầy. Mở đầu là áo thun, áo dài, rồi đến các sản phẩm khác như váy, mũ, túi xách... với cách phối màu giống như trang phục của thầy Minh Tuệ cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. 

Nhìn những sản phẩm nhiều màu sắc đó, bất chợt mình lại nhớ về cái mền được kết lại từ những mảnh vải vụn của chị mình ngày xưa. Cái mền nhỏ xíu đủ màu sắc được làm từ những thứ mà người ta bỏ đi, không đáng giá là bao, nhưng có lẽ cũng từng làm người học trò nghèo ấm lòng đôi chút. Có lẽ bên kia bờ đại dương, cũng có người đem kỷ vật ngày cũ ra nhìn rồi bất chợt nhớ mẹ mà rơi lệ. Trên đời này, có những thứ mà người này bỏ đi, đôi khi là cả một trời thương nhớ của người khác …

PHAN THANH SƠN NAM 29.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.