Trái đất có thể được hình dung như một quả cầu, bên ngoài được bao phủ bởi lớp vỏ cứng rất mỏng so với khối vật chất nóng và lỏng bên trong.
Mảng kiến tạo là những phần rộng lớn của vỏ Trái đất, trôi nổi chậm trên khối lỏng bên dưới. Sự tương tác giữa các mảng kiến tạo (xích lại gần, va chạm hay tách xa nhau) có thể gây động đất, núi lửa, dựng những dãy núi hùng vĩ hay tạo biển cả...Nói chung các vết nứt địa chất là những nơi trên bề mặt vỏ Trái đất có thể xảy ra những tương tác giữa các mảng kiến tạo dẫn tới bùng nổ những hiện tượng địa chất khủng khiếp.
Trong xã hội con người, chúng ta có thể dùng hình tượng vết nứt địa chất để chỉ mâu thuẫn giữa nhũng thành phần, quan điểm xã hội tiến tới gần ngưỡng gây bùng nổ xung đột lớn.
Trên cước trình hàng ngàn cây số, những bước chân của ông Thích Minh Tuệ, có thể vô tình nhưng hữu duyên, giẫm lên các vết nứt địa chất của xã hội Việt Nam gây nên dư luận và phản ứng của xã hội như đã được chứng kiến những ngày qua. Bài viết này nhìn thấy hai vết nứt lớn. Hai vết nứt này dù liên quan tới tôn giáo nhưng phản ánh chủ yếu sự cọ xát trong xã hội. Bản chất hai vết nứt không trùng nhau nhưng tác động của chúng cộng hưởng nhau.
Vết nứt địa chất lớn thứ nhất gây ra do hai mảng kiến tạo. Một mảng kiến tạo là những lời kêu gọi, những buổi thuyết pháp đầy mê tín thấp cấp của một số vị trâng tráo dán chữ Thầy (Sư) to tổ bố trên trán. Mảng kia là tinh thần mộ đạo cùng sự hiểu biết về Phật giáo đã thành nền tảng đạo lý lâu đời của người Việt.
Chiếc áo vàng chóe hay nâu sậm không che nổi tâm bất chánh nơi những vị thầy đó. Họ tham mê những điều thấp hèn, bẻ cong lời kinh sách để hù dọa và lừa dối người đời đem tiền gọi là cúng dường mà thực chất là cống nạp cho ma tăng!
Tiền phật tử mất oan đáng thương xót lắm. Trong số phật tử đó có những người tiền của rộng rãi, nhưng cũng có bao người buôn gánh bán bưng, bao công nhân làm quần quật mong đổi đời qua niềm tin tín ngưỡng chân thành! Nhưng xót xa hơn nữa là những điều tốt đẹp của đời sống bị mất đi. Tinh thần nhân đạo, bác ái, hiếu nghĩa, trung hậu, thực thà bị tàn phá, niềm tin tâm linh cao đẹp bị biến thành trò hạ cấp!
Chỉ cần là người tỉnh táo, lương thiện bình thường cũng đủ phân biệt người phá nát lòng tin tôn giáo và người hoằng dương đạo pháp. Những kẻ mang ác tâm, dù gian hùng cách mấy, không thể múa lưỡi xàm ngôn trước công chúng Việt mà không bị người hiểu biết lôi cổ xuống bục, lột áo cà-sa che tâm bất chánh góp phần thức tỉnh xã hội. Đau xót thay, xã hội cảm nhận rằng những kẻ phá nát lòng tin tôn giáo bằng tư cách thấp hèn và lời nói bậy bạ hình như được chống lưng bởi những thế lực vững chắc!
Bước chân của ông Thích Minh Tuệ giẫm lên mâu thuẫn giữa tu thật và tu giả, giữa tu thực hành lời dạy của Phật để đạt được “chánh đẳng chánh giác” với tu lừa dối phật tử gom tiền bỏ túi riêng.
Vết nứt địa chất lớn thứ hai gây ra bởi hai mảng kiến tạo khác. Một mảng kiến tạo do ý muốn bắt buộc các nhà tu hành Phật giáo gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mảng kiến tạo kia là tinh thần tu tập tự do, tu để hướng tới tự do, tự mình giải thoát khỏi các vướng bận khiến kiếp người khổ đau. Triết lý của việc tu là tự chủ để tự giác, tự ngộ, mục đích cuối cùng của tu Phật là tự giải thoát. Triết lý này, mục đích này về bản chất tự mâu thuẫn với bất kỳ hình thức gò ép, bắt buộc nào.
Hai mảng kiến tạo này rất khác biệt nhau, năng lượng tích tụ nơi vết nứt địa chất giữa chúng lớn. Nên khi bước chân của ông Thích Minh Tuệ vô tình giẫm lên, một phần năng lượng ấy được giải phóng dưới dạng bức thư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mục tiêu của bức thư là “Về việc thông báo người được mạng xã hội gọi là “Sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo”. Lời lẽ trong câu đó khiến người đọc cảm nhận sự hằn học, đố kỵ! Cũng cho thấy sự sai lầm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có thể chứng một người nào đó Không Thuộc Về Giáo Hội chứ sao có quyền phán “không phải tu sĩ Phật giáo”?
Việc phán “người được mạng xã hội gọi là “Sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo”, còn cho thấy tính toàn trị đã ăn sâu vào tiềm thức của người viết và phát hành bức thư! Không nói tới khía cạnh xã hội, chỉ nhìn về bản chất và yêu cầu tự do của sự tu hành, đa số người Việt thấm nhuần tinh thần Phật giáo truyền đời không đồng tình với bức thơ đó.
Đó là chưa nói tới việc không hề thấy trong bức thơ tinh thần tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh, lòng bao dung, từ ái. Chỉ thấy toát ra quan điểm quản lý xã hội bằng đe nẹt, ngăn cấm tạo không khí ngột ngạt!
Làm gì để hóa giải năng lượng địa chất nơi vết nứt địa chất?
Năng lượng nơi vết nứt địa chất trong thiên nhiên rất lớn, có thể tuyệt diệt cả một loài sinh vật có địa bàn sống rộng rải. Để năng lượng không bùng nổ tàn phá, cần nương theo và hướng nguồn năng lượng ấy về hướng có ích, sử dụng được. Trong xã hội con người, đó là nguyên tắc việc gì cũng vừa thuận ý Trời, vừa thuận lòng Người. Nếu xã hội chúng ta sắp xếp được sao cho ý Trời thuận với lòng Người là mọi việc êm xuôi, về lý hay về tình đều thế cả!
Lòng người muốn Phật giáo được chấn hưng, chấn hưng thật sự để việc tu tập được theo đúng hướng. Trước hết là để các hành vi, biểu hiện rời xa chánh đạo như mê tín không được bênh vực bao che, những biểu hiện ấy sẽ lụi tàn trước ánh sáng trí tuệ của giới tu hành, phật tử cũng như dân thường thờ cúng ông bà. Muốn vậy, điều yêu cầu trước hết là khoảng trời tự do cho chánh pháp được lan truyền…
Kế đó là xã hội hướng về tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng thực sự, de facto. Bài viết này nghĩ rằng khi có các tự do căn bản đó, người Việt đủ sức xây cho mình một khung trời tâm linh và văn hóa lành mạnh làm nền cho phát triển phục hưng. Khi những tự do căn bản đó bị cấm, ma tăng ngày càng đông đúc, trâng tráo che lấp ánh đạo vàng.
Che cả tầm nhìn và trí tuệ quốc gia!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 18.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.