Có mấy bạn hỏi mình về vai trò thật sự của tướng Giáp trong trận Điện Biên Phủ. Mình không biết trả lời thế nào cho phải nên sẽ đăng tài liệu của phía Trung Quốc nói về đồng chí tổng cố vấn Vi Quốc Thanh trong trận Điện Biên Phủ, được đăng báo Tre online.
Mọi người tự đánh giá vai trò của từng người, đừng vu cho mình là thân Tàu hay phản động. Vì tài liệu dài nên mình chỉ trích đăng.
Về việc kéo pháo ra và kéo pháo vào
Vấn đề này mình vẫn đặt câu hỏi về lý do thật sự. Lúc mới kéo pháo vào lần 1 với kéo pháo vào lần 2 thì tương quan lực lượng đôi bên có gì khác nhau đâu? Vậy lần 2 có lợi thế gì hơn lần 1? Sao để đảm bảo chắc thắng lại cần kéo pháo ra?
Việc ra vào đó nói chính xác là đánh muộn chứ không phải là chậm, vì lùi gần 2 tháng cơ, 25-1 thành 13-3. Còn đánh nhanh hay chậm nó thể hiện ở việc đánh biển người hay dùng giao thông hào vây dần dần. Nếu dùng cách đó ngay từ đầu thì có sao đâu?
Theo tài liệu của Trung Quốc thì lý do là dùng đại đoàn 308 đánh Thượng Lào để lôi kéo bớt quân Pháp từ Điện Biên Phủ ra. Nhưng thực ra hiệu quả cũng không rõ vì Việt Minh cũng mất 1 đại đoàn kéo sang Lào rồi quay lại. Vì thế nên tương quan lực lượng trước và sau cũng không thay đổi đáng kể.
Trích dẫn theo tác giả bài báo, Trần Vũ:
Phần quan trọng trong tường thuật của Pomonti là câu hỏi về việc kéo pháo ra khỏi thung lũng, lui ngày tấn công đã ấn định 25 tháng 1 sang 13 tháng 3-1954. Võ Nguyên Giáp trả lời bằng Pháp văn: “Le chef de nos conseillers chinois s’était prononcé pour une attaque rapide. Je donne l’ordre de retirer les troupes, y compris l’artillerie. La décision la plus difficile de ma carrière de commandant en chef.” (Cố vấn trưởng Trung Quốc muốn đánh nhanh. Tôi ra lệnh rút quân ra, kể cả pháo binh. Là quyết định khó khăn nhất trong binh nghiệp Tổng chỉ huy của tôi.)
Trong chương Quyết chiến Điện Biên Phủ (trung), Vu Hóa Thầm cho một phiên bản khác: Chính Vi Quốc Thanh lấy quyết định hoãn tấn công và thay đổi phương thức đánh nhanh, thọc sâu, giải quyết chiến trường “nở hoa từ trung tâm” bằng cách áp sát, “bóc măng” từng lớp. Đâu là sự thật?
Lui ngày tấn công, như thế không thay đổi chung cuộc. Với công sự không đủ sức chịu pháo, không đường bộ tiếp tế, khả năng không trợ kém, mười ngàn binh sĩ Liên hiệp Pháp tại Mường Thanh không có lối thoát giữa rừng núi vây bọc.
Nhưng như vậy, thì vì sao Võ Nguyên Giáp và Vi Quốc Thanh bất ngờ lui tấn công một tuần trước khi khai trận?
Chính vì Hội nghị Bá Linh bắt đầu ngày 25 tháng 1-1954, là ngày ấn định khai chiến ban đầu. Anh, Pháp, Nga, Hoa-Kỳ ngoài bàn đến vị trí của Đức sau thế chiến, còn tìm cách giải quyết “vấn đề Đông Dương”. Nga-Sô yêu sách thành công sự tham gia của Trung cộng trong vòng đàm phán thứ nhì sẽ diễn ra vào tháng 4-1954 tại Genève. Chính đây mới là nguyên nhân lui tấn công sang giữa tháng Ba của Võ Nguyên Giáp (hoặc Vi Quốc Thanh).
Chính từ lúc này Bắc Kinh sẽ gia tăng viện trợ tối đa cho Việt Minh để Chu Ân Lai đến Genève trong thế thượng phong. Nếu chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị, như Clausewitz định nghĩa, thì một quyết định quan trọng như vậy phải do Mao gửi công điện cho Vi Quốc Thanh hoặc Hồ Chí Minh hoặc Trường Chinh (tổng bí thư kiêm tổng quân ủy trung ương) yêu cầu Võ Nguyên Giáp trì hoãn. Cả Mao và Hồ Chí Minh đều cần biết kết quả hội nghị Bá Linh diễn ra cuối tháng Giêng.
Huyền thoại “kéo pháo ra”, trên thực tế cũng không cần thiết. Vì cho đến kết thúc, các tiền sát viên pháo binh Pháp và Phi đoàn Quan sát Pháo binh Bắc phần đã không xác định được vị trí pháo Việt Minh. Đại bác 105 ly của sư đoàn nặng 351 đều đặt trong hang núi, ngụy trang và kéo ra khi bắn.
(Trần Vũ)
Hết trích
Về cách đánh giao thông hào để siết chặt vòng vây
Trích dẫn tư liệu Trung Quốc:
Quân địch đóng giữ Ðiện Biên Phủ bố phòng nghiêm ngặt, công sự kiên cố hỏa lực mạnh mẽ, làm thế nào mới có thể chia cắt bao vây địch, nuốt gọn từng miếng một? Đó là vấn đề Vi Quốc Thanh ngày đêm suy nghĩ. Vi Quốc Thanh có kinh nghiệm tác chiến phong phú vì đã làm Tiểu đoàn trưởng công binh thời kỳ trường chinh, nghĩ đến biện pháp thao tác áp sát và hào sâu tiếp cận địch. Tức tổ chức bộ đội đào hào sâu, lợi dụng hào sâu chia cắt, bao vây, áp sát cứ điểm địch. Sau đó bất ngờ tấn công. Như vậy có thể giảm thương vong bộ đội, lâu ngày đánh chắc, thắng chắc. Mai Gia Sinh cũng tán thành phương pháp này. Vi Quốc Thanh nói: “Hãy bàn với các cố vấn xem sao”.
Lúc này, vừa may cố vấn đại đoàn 308 Vu Bộ Huyết đến Ban chỉ huy báo cáo tình hình. Vu Bộ Huyết báo cáo tóm tắt tình hình đại đoàn 308 tác chiến ở Thượng Lào. Vi Quốc Thanh hỏi đồng chí: “Ðồng chí có cách gì đánh Ðiện Biên Phủ không?”. Vu Bội Huyết nói: “Tôi nghĩ có thể dùng biện pháp áp sát. Tôi và Vương Thừa Vũ (đại đoàn trưởng 308), Lê Quang Ðạo (chính ủy 308) sau khi từ Thượng Lào trở về, ngày nào cũng tâm niệm làm thế nào để gặm cục xương cứng Ðiện Biên Phủ này.
Tôi nêu ra trước biện pháp này, được các đồng chí ấy đồng ý, để bộ đội làm thí nghiệm trong ruộng lúa. Họ cảm thấy biện pháp này được, chúng tôi lần lượt báo cáo lên”. Mấy ngày hôm nay, Vi Quốc Thanh lại mắc bệnh đau đầu, trên trán mang một máy giải nhiệt bằng nhôm, tinh thần mệt mỏi. Lúc này đồng chí phấn khởi đứng lên nói không ngớt lời: “Thế thì tốt rồi! Ðồng chí nói tỉ mỉ xem nào”. Tiếp đó, đồng chí lại tập trung tinh thần lắng nghe báo cáo tỉ mỉ của Vu Bộ Huyết trong lòng đã nắm chắc.
Ngày hôm sau, Vi Quốc Thanh chính thức đưa ra kiến nghị nói trên với Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp phấn khởi tiếp nhận, chỉ nêu ra, quân đội Việt Nam ngoài số ít công binh ra, lâu nay chưa trang bị công cụ thao tác áp sát, đó là một khó khăn thực tế.
Vi Quốc Thanh điện gấp cho Quân ủy Trung ương Trung Quốc, yêu cầu nhanh chóng điều động số lượng lớn cuốc xẻng để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Bộ Tổng Tham mưu quân đội Việt Nam tuân theo chỉ thị của Võ Nguyên Giáp vạch ra kế hoạch công trình xây dựng toàn bộ trận địa và truyền đạt cho bộ đội. Vi Quốc Thanh triệu tập họp cố vấn các đại đoàn, yêu cầu họ giúp bộ đội tổ chức thực hiện. Ðồng chí còn kết hợp tình hình địch trước mắt, giới thiệu với phía Việt Nam kinh nghiệm tác chiến công kiên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giúp giải quyết các vấn đề chiến thuật cụ thể, để tăng thêm niềm tin thắng lợi cho bộ đội.
Hết trích
Như vậy, theo tư liệu Trung Quốc thì cả việc thay đổi cách đánh lẫn việc sử dụng giao thông hào để bao vây đều là ý tưởng của Vi Quốc Thanh! Thậm chí cuốc xẻng cũng là của Trung Quốc viện trợ. Khi trận chiến diễn ra, Vi Quốc Thanh cũng cố vấn rất nhiều cho Võ Nguyên Giáp.
Anh Tô Vĩnh Diện đã chết do lấy thân mình chèn pháo đúng vào đợt kéo pháo ra. Anh là nạn nhân của việc thay đổi cách đánh. Nhưng người ta biến thành tấm gương anh hùng mà quên mất chuyện này!
Bổ sung:
Anh em bò đỏ cứ thấy động đến tướng Giáp là lao đầu vào húc. Nên nhớ, đây là tư liệu Trung Quốc, không phải mình nghĩ ra. Tất nhiên đúng hay sai thì phải phân tích.
Anh em đã bao giờ tự đặt câu hỏi: Tại sao lại phải rút cả quân lẫn pháo ra chờ một tháng rưỡi? Lý do được nêu ra trên báo chí đều rất không rõ ràng, chỉ chung chung là vì thấy chưa chắc thắng! Chưa có phân tích nào bằng số liệu cụ thể là tấn công sau sẽ chắc thắng hơn trước. Ví dụ vì quân sẽ đông hơn, pháo nhiều hơn...Còn việc thay đổi chiến thuật đánh nhanh kiểu biển người thành giao thông hào thì không cần rút quân và pháo ra đâu mà vẫn bố trí lại được.
Có bạn bảo rút ra để ngồi nghĩ cách đánh mới! Lý do đó là thật thì nó có vẻ...ngu ngu. Giống đi thi thấy bài khó thì xin ra ngoài ngồi uống nước 1 tiếng rồi vào làm tiếp!
Lý do thuyết phục nhất đúng như ở trên đã viết. Dời ngày tấn công là do lúc đó hội nghị Berlin khai mạc, hội nghị này quyết định là sẽ tổ chức hội nghị Geneva vào tháng Tư. Nên nhớ hội nghị Geneva ban đầu là để bàn về chiến tranh Triều Tiên, mà Trung Quốc là nhân vật chính. Vì thế nên Trung Quốc cần có ưu thế trên bàn đàm phán bằng trận Điện Biên Phủ. Thực tế cho thấy, cuộc họp về Triều Tiên thất bại, người ta quay sang họp về Đông Dương và trận thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra kết quả của hội nghị như đã thấy.
Tuy nhiên, nếu lý do chính trị này là đúng, thì nó phải xuất phát từ Trung Quốc, nhưng Vi Quốc Thanh chỉ là trẻ trâu, quyết định phải từ Chu Ân Lai hay Mao. Vì Trung Quốc mới có lợi ích chính ở đây.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 07.05.2019
Ảnh chụp Võ Nguyên Giáp cùng Vi Quốc Thanh ở Điện Biên Phủ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.