Bổ sung : Về chi tiết nữ y tá người Pháp, đó là bà Geneviève de Galard, được mệnh danh là « thiên thần Điện Biên Phủ ». Bà luôn khẳng định mình là người phụ nữ duy nhất chăm sóc thương binh, dù có những tác giả cho biết còn có khoảng 20 cô gái mại dâm, chủ yếu là người Việt. Nhưng đã quá nổi tiếng, bà « đâm lao phải theo lao ». Hiện đã 99 tuổi, bà sống ở Paris (TM).
Chiều nay mình tham dự buổi ra mắt cuốn sách này tại Đại học Sư phạm Hà Nội, sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Trong lúc chờ các thủ tục rằng thì là mà quen thuộc giới thiệu quan khách linh tinh, mình đã kịp đọc qua một số trang sách và thấy khá bất ngờ về nội dung.
Thực ra không có quá nhiều nội dung mà mình chưa biết, vì mình cũng đã đọc nhiều sách về Điện Biên Phủ, đủ các lề, tất nhiên lề phải vẫn nhiều hơn, không anh em lại bảo mình sính Tây! Nhưng chắc chắn ở cuốn này là một góc nhìn rất khác với sách Việt Nam. Sách Việt về cơ bản có nội dung na ná nhau, đúng lề, thường hay đi sâu vào chi tiết hơn là các phân tích nhân quả, chiến lược.
Cuốn sách này đã nêu một số chi tiết mà mình cho là nhạy cảm, sách do phía Việt Nam viết sẽ không có. Cụ thể là:
Về một trong các nguyên nhân khiến tướng Giáp hoãn ngày tấn công, mà từ mấy năm trước mình đã viết, đã có tranh luận rất dài. Đó là do hội nghị Berlin diễn ra đúng ngày 25/1 (là ngày dự kiến tấn công) có nhắc tới là sẽ có hội nghị Geneva bàn về chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương.
Vì thế, cuộc tấn công Điện Biên Phủ được lùi lại chờ kết quả hội nghị Berlin và chọn vào thời điểm hội nghị Geneva diễn ra. Nếu chiến thắng, thì đây sẽ là cơ hội vàng để...Trung Quốc (Cộng sản) được rũ bùn đứng dậy sáng lòa, được ngồi vào bàn đàm phán với vai trò chủ đạo do là "nhà tài trợ chính" cho cuộc chiến. Lưu ý rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung cộng) cho đến năm 54 vẫn không có nhiều vị thế quốc tế vì không có tính chính danh, do lật đổ Trung Hoa Dân Quốc ở đại lục. Vì thế họ khát khao một vị thế quốc tế nhờ máu của người Việt và vũ khí của họ.
Người Trung Quốc đã chiến đấu hết mình ở Triều Tiên, nhưng không thành công, vì không thể thắng liên quân Mỹ-Hàn. Vì thế đàm phán về Triều Tiên bế tắc, hội nghị quay sang vấn đề Đông Dương và nước cờ của Chu Ân Lai đã thành công, khi ông ta trở thành kiến trúc sư của Hiệp định Geneva, chứ không phải trưởng đoàn Việt Nam là ông Phạm Văn Đồng.
Về lý do này, sách sử Việt Nam thường giấu biệt, vì nếu phân tích sâu, thì hóa ra quân ta đánh nhau vì...nước bạn! Ta trở thành quân cờ hay sao? Vì thế, chính sử Việt Nam thường chỉ nêu lý do hoãn tấn công là để thích nghi với hoàn cảnh mới, quân Pháp đã được phòng bị đầy đủ, quân đông, nên đánh nhanh, thắng nhanh sẽ rủi ro hơn đánh chậm và chắc. Tất nhiên đó cũng là một lý do hợp lý, nhưng không phải là tất cả.
Xin nhớ là, việc kéo pháo vào và kéo pháo ra rất hại sức, anh Tô Vĩnh Diện chết do pháo đè lúc kéo ra chứ không phải kéo vào. Tổn thất không ít, nhưng thắng rồi thì không xét nữa. Mọi người xem bài cũ của mình để thấy nhiều chi tiết hơn.
Chi tiết về viện trợ và vai trò của Trung Quốc thì sách vở chính thống có viết, nhưng rất hạn chế. Cuốn này có nhắc tới, không quá chi tiết, nhưng đủ kiến thức cơ bản để nắm tổng quan.
Về binh lính Quốc gia Việt Nam tham chiến tại Điện Biên Phủ là vấn đề nhạy cảm với chính sử, hầu như không nhắc tới hoặc rất ít. Cũng như không nhắc tới chính thể Quốc gia Việt Nam, cho dù vai trò của lính người Việt trong quân đội Liên hiệp Pháp cũng không nhỏ. Đặc biệt là các tiểu đoàn lính (dân tộc) Thái tham chiến khá đông. Có lẽ do họ là người địa phương, thạo địa hình.
Nội dung làm mình bất ngờ nhất, chưa đọc được ở đâu, đó là các "nữ anh hùng" gái điếm ban đầu có nhiệm vụ giải trí cho binh lính Liên hiệp Pháp, nhưng bị kẹt lại do cuộc tấn công, họ đã được huy động làm y tá cho Pháp và có công lao không hề nhỏ khi chăm sóc thương binh. Chuyện này ban đầu chính phía Pháp cũng kiểm duyệt, do quá tế nhị, nhưng nó lại được xuất hiện cả trong bản dịch tiếng Việt này.
Thực tế có một nữ y tá người Pháp đã được coi là người hùng của cuộc chiến, chắc là "sếp" của các cô gái mại dâm kia, đã được trao tặng huân chương (hình như Bắc đẩu bội tinh), cô này còn được sang Mỹ để tổng thống Mỹ trao huân chương.
Chi tiết rất nhạy cảm mà sách Việt Nam thường lờ tịt hoặc viết ngược lại, nhưng mình đã đọc nhiều từ sách "trôi nổi" của Tây là việc ngược đãi tù binh Liên hiệp Pháp (tính cả lính Bắc Phi, Lê dương và bản xứ). Trong đó lính Quốc gia Việt Nam rất bị kỳ thị, do bị coi là phản bội tổ quốc. Cuốn này có nhắc tới trung úy Phạm Văn Phú, sau này được trao trả tù binh và thành tướng Việt Nam Cộng Hòa, ông này đã tuẫn tiết sau cuộc triệt thoái cao nguyên theo lệnh tổng thống Thiệu.
Cuốn sách viết khá kỹ về sự gian khổ của tù binh Điện Biên Phủ, một phần do sự thiếu thốn của Việt Minh. Thương binh không được điều trị cơ bản, không có thuốc kháng sinh hay gây mê, nên rất nhiều binh lính đã chết sau khi đầu hàng ở các trại tù binh, cho dù thực tế chỉ ba tháng sau là Hiệp định Geneva được ký, họ được trao trả.
Mình giới thiệu nhanh vài trang sách mới đọc qua. Mình rất nể nhà xuất bản và nhóm dịch giả đã dịch một cuốn sách có nhiều nội dung nhạy cảm vậy. Cũng nể luôn anh em cấp phép vì tư tưởng thoáng hơn trước nhiều. Thú thực là trong rừng sách cúng cụ nhân 70 năm chiến thắng thì cuốn này mang một hơi thở hoàn toàn khác. Mình chưa có thời gian soi kỹ nên không rõ còn có nội dung gì sai lệch không. Nhưng nhìn chung các chi tiết nhạy cảm trên mình xác nhận là đã từng đọc từ nhiều nguồn Tây, Tàu khác, nên coi là khả tín.
Cuốn sách tiếng Pháp đã phát hành cách đây 20 năm, nhưng bây giờ mới có bản tiếng Việt, chứng tỏ là người ta cần một khoảng lùi rất xa, tới 70 năm, để cho độc giả Việt Nam được biết góc nhìn từ người Pháp. Nhưng đảm bảo còn rất nhiều người vẫn nhảy dựng lên để húc! Đấy là cái tai hại của việc giáo dục lịch sử một chiều và bưng bít thông tin. Chuyện Tây họ đã biết quá rõ ràng từ mấy chục năm trước, thì với người Việt vẫn là quá mới, quá sốc!
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 03.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.