jeudi 16 mai 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 16/05/2024


1. Sơ kết về “Chiến dịch Kharkiv 2024” của Nga

Thưa quý vị, thế là sau bài hôm trước viết về cái “chiến dịch” này, tôi vẫn cố đưa ra dự báo về thời gian có lợi nhất cho Nga. Nghĩa là hôm đó theo Budanov thì chiến dịch tấn công này của Nga đã đạt đỉnh – vì “nice guy” này có thông tin còn chúng ta thì không và phải nghe theo anh ấy. Còn tôi thì là một reviewer, ngoài cố gắng đem lại cho chúng ta cái nhìn lạc quan, vẫn phải cố gắng không quá tô hồng, lạc quan tếu.

Nhưng hóa ra sau 2 ngày thì đà tấn công của quân Nga ở đây vẫn tiếp tục đi xuống. Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc sơ kết “chiến dịch” này của Nga và trong tương lai rất có thể nó biến thành… tổng kết. Sau đây tôi sẽ trình bày thành một số vấn đề nhỏ hơn.

1.1.  Về lực lượng Nga ở các tỉnh Kursk- Belgorod. Xin quý vị xem bản đồ tôi đánh số 1.

• Ở Kursk:

- Căn cứ không quân Vostochny,

- Lữ đoàn tên lửa phòng không 53,

- Lữ đoàn tên lửa 448,

- Lữ đoàn CBRN độc lập 27 (CBNR: hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân).

- Các căn cứ sửa chữa và dự trữ,

- Các kho vũ khí,

- Trung tâm hậu cần.

• Ở Belgorod: Sư đoàn bộ thường trực và các đơn vị đồn trú của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 3:

- Trung đoàn xe tăng cận vệ 237

- Trung đoàn bộ binh cơ giới 252

- Trung đoàn bộ binh cơ giới 362

- Trung đoàn bộ binh cơ giới 752

- Trung đoàn pháo tự hành 99

• Ngoài ra lực lượng ở Voronezh được coi là lực lượng dự trữ - hỗ trợ:

- Căn cứ không quân Malshevo

- Sở chỉ huy thường trực của Tập đoàn quân vũ trang hợp thành số 20 và các đơn vị trực thuộc

- Các tiểu đoàn kỹ thuật vô tuyến thường trực

Hiện nay hướng tấn công của Nga đang từ nhóm 2 trên đây, được biết chúng được bổ sung các đơn vị của Sư đoàn đổ bộ đường không số 76 (đây là thông tin tối thiểu tôi nắm được). Nếu sử dụng lực lượng tại chỗ trên đây, thì có lính từ ít nhất 3 trung đoàn bộ binh cơ giới với sự hỗ trợ của trung đoàn xe tăng cận vệ 237 và có một trung đoàn pháo tham gia.

Nếu có một “chiến dịch” khác tiếp nối để tấn công bên tỉnh Sumy như Budanov cho biết, thì trong những ngày qua là những ngày chuẩn bị cho nó và chắc chắn là không tránh khỏi việc tập trung để bổ sung thêm quân số ở khu vực số 1 trên đây.

1.2.  Về cái gọi là “vùng xám” tại khu vực bắc thành phố Kharkiv

“Vùng xám” hay “No man’s land” – khu vực không thuộc về ai cả sát biên giới Nga -Ukraine được phía Ukraine chủ động lùi về cách biên giới hai nước khoảng 10 ki-lô-mét, tức là ngoài tầm bắn của súng cối 120 mm vào khoảng hơn 7 ki-lô-mét. Đây là khu vực bị Nga bắn phá thường xuyên bằng súng cối từ lãnh thổ của chúng vào vị trí của các đơn vị Ukraine đồn trú.

Vì vậy, khu vực này người Ukraine không xây dựng phòng tuyến kiên cố, mà chỉ là hệ thống giao thông hào, hố chiến đấu… và cũng không có quân đội ở đó. “Các đơn vị Ukraine đồn trú” ở đây được giao cho các đơn vị Phòng thủ lãnh thổ, làm nhiệm vụ chủ yếu là cảnh giới và như trong các bài trước tôi viết: đánh tiêu hao quân tấn công trong giai đoạn đầu tiên và sau đó là… rút.

Điều này giải thích tại sao xuất hiện trên mạng những video quân Nga vượt qua biên giới với Ukraine. Chẳng hạn có một video tôi xem nhóm quân có đến 2 trung đội (mỗi trung đội khoảng 40 người) đi khá thoải mái vào lãnh thổ Ukraine mà không bị ngăn cản. Như vậy lực lượng của Ukraine cũng mỏng, nói chung là ít quân.

1.3.  Về hệ thống phòng ngự “có hay không” hay “nếu có có đủ hay không”

Theo thông tin chúng ta nắm được thì hệ thống này đã được phía Ukraine thiết lập tối thiểu là từ cuối năm 2023, cùng lắm là đầu năm 2024 – tức là tùy nơi sẽ có thời gian xây dựng từ 4 đến 5 tháng. Thậm chí tháng Tư năm nay vẫn còn có những thông tin là hệ thống này đang được xây dựng thêm và hoàn thiện.

Bao giờ những hệ thống phòng thủ như vậy cũng được quy hoạch để xây dựng dựa trên các đặc điểm địa hình. Sau đây là một ví dụ, xin quý vị xem bản đồ 1B, là bản đồ 3D của Google Earth, tôi đơn cử thị trấn Lyptsi, nó nằm ở phía nam hồ chứa nước Travyanske. Như vậy để bảo vệ Lyptsi người Ukraine sẽ phải thiết lập vành đai phòng thủ ở phía nam của Hlyboke, đồng thời để đề phòng có mũi tấn công vượt biên giới chiếm Zelene thì phải có một vành đai phòng thủ phía đông của Lyptsi, có thể sẽ có tác dụng bảo vệ chuỗi Slobozhanske – Borshchova luôn. Link Google Map ở đây để quý vị tiện theo dõi và hình dung.

Tôi có nhận được một câu hỏi về Vovchansk, tại sao đến nay các báo cáo cho thấy quân Nga đã tiến sát rìa phía bắc của thành phố rồi – cần có một lý giải cho nó. Đặc điểm của Vovchansk là có con sông Vovcha chảy qua ở giữa, vì vậy không nên và cũng không thể thiết lập được phòng tuyến phòng thủ phía trước thành phố, mà phải thiết lập trong thành phố sau con sông, hoặc thậm chí ở ngoài thành phố, phía sau nó theo hướng tấn công của Nga. Bản thân thành phố nếu không có bom lượn, cũng đã đóng vai trò là một hệ thống phòng thủ rất tốt rồi. Từ rìa phía bắc Vovchansk đến biên giới chỉ có hơn 4 ki-lô-mét, vì vậy từ đó đến biên giới đã là “vùng xám” rồi. Không ai xây dựng cái gì vào đó cả.

1.4.  Về tính “chiến lược” của “chiến dịch Kharkiv”

Ngoài nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW là “đưa thành phố Kharkiv vào trong tầm pháo” thì cho đến giờ phút này, tôi chưa tìm ra một lý do nào khác để đánh giá rằng “chiến dịch” có một mục tiêu chiến lược nào đó. Ở đây chúng ta phải đặt mọi thứ vào trong bối cảnh của chính cuộc chiến tranh này. Tức là mỗi đòn đánh phải nhằm chiếm được một vị trí thuận lợi, hoặc có khả năng cắt đôi được một cụm quân địch nào đó, hoặc đưa một cụm quân địch nào đó vào thế gọng kìm có thể bị bao vây… Cao xa hơn, nó có thể dẫn đến vỡ một mặt trận lớn có thể đem lại ảnh hưởng có tính quyết định đến cục diện chiến tranh.

Cái gọi là “chiến dịch Kharkiv” này của Nga, không có tí bóng dáng nào của những yếu tố trên. Đến bây giờ thì tất cả đều dễ hiểu: Cố chiếm Bakhmut, rồi Avdiivka… mặc dù bọn báo chí xứ phía đông nước Lào cố thổi kèn, xin lỗi tôi nhầm, cố bơm hơi cho các chiến thắng đó trở nên… to to, nhưng cuối cùng thì… vẫn thế. Hôm qua tôi có lướt trên báo mạng xứ này xuất hiện bài “phòng tuyến của Ukraine vỡ hàng loạt ở Kharkiv”. Tôi không còn sửng sốt như trước nữa, vì cái sự “vỡ trận” của quân Ukraine nó đã diễn ra nhiều lần từ sau Bakhmut, sau Avdiivka trên báo chí xứ phía đông nước Lào rồi.

Tôi chỉ tự hỏi, không rõ là cái bọn làm báo đó, chúng nó giả vờ ngu hay chúng nó ngu thật nhỉ? Kể cả có vỡ hàng loạt như chúng nó nói, thì cái bọn Nga này cũng làm gì được với 35.000 quân? Định chiếm thành phố Kharkiv à?

Tôi còn nhớ hồi đầu chiến tranh, chúng ta đã từng ngồi tính toán đến tình huống xấu: bị Nga chiếm mất Kharkiv, thủ đô miền đông của Ukraine. Ngay cả khi tình huống đó xảy ra, thì tình huống xấu nhất là Ukraine mất chính quyền, nội các Zelenskyy phải đi lưu vong… cũng không bao giờ xảy ra kia mà. Đây là điều cực kỳ vô vọng của bè lũ Putox.

Về cái tính “chiến lược” của ISW, tôi xin để dành đến mục sau.

1.5.  Dự báo kết cục của “chiến dịch Kharkiv”

Tôi đang không rõ là, bọn Nga này sau khi chiếm được xong cái vùng xám đó, chúng sẽ làm thế nào trụ lại được, vì trụ lại phải xây dựng được phòng tuyến và tổ chức hậu cần. Người Ukraine người ta đã không làm không hiểu sao bọn khó hiểu này chúng lại cố làm?

Tính cách Nga chăng?

2. Hôm trước trên Foreign Affair xuất hiện một bài báo có tính đổ lỗi cho Ukraine phá hoại đàm phán hòa bình rất cao, link của nó ở đây. 

Và may quá, đã có bài phỏng vấn ông cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, người đã tham dự các cuộc đàm phán hồi đầu chiến tranh đó, và đây đúng là một cú “giải ảo” hay “giải mật” ngoạn mục. Bài tôi lược dịch từ bản tiếng Anh, tại đây.

Bình loạn : Một lần nữa, chúng ta cần phải nhắc nhau rằng, chiến dịch tuyên truyền của bọn Nga này rất tinh vi, và truyền thông phương Tây với nguyên tắc tự do của nó, nhiều khi trở nên “dân chủ quá trớn.” Cái gọi là “chiến dịch Kharkiv” lần này của Nga cũng vậy, nó cũng lại nằm trong một chiến dịch tuyên truyền lớn hơn và đã có những KOL ủng hộ Ukraine do không đủ khả năng phân biệt được đâu là tình thế chiến lược, đâu là những diễn biến chiến thuật, đã cắn câu.

3. Điều gì đang diễn ra quanh Putox và những nhân vật trong Bộ Quốc phòng Nga vậy?

3.1. Thằng đầu tiên bị bắt, thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản Timur Ivanov. Trước nay, hắn nổi tiếng, nhưng là những tai tiếng về lối sống xa hoa của vợ hắn (cả cũ và mới chăng?) và được nhiều người coi là người được Shoigu đỡ đầu.

Thằng thứ hai, giàu có không kém là Yury Kuznetsov – thứ trưởng phụ trách quân lực. Người được cho là thu xếp rất nhiều vị trí có tính “mưa móc” và đương nhiên, với một quân đội tham nhũng đục khoét từ dưới lên trên, thì số tiền hắn nhận được chắc chắn là rất khủng. Đây chỉ là hai cái cửa cống cho luồng tiền chạy vào túi Nguyên soái Ván Ép, còn nhiều cửa khác nữa.

Tin chưa được xác minh, hay “chưa lên báo,” hai thứ trưởng quốc phòng khác của Nga được liệt kê sau đây, cũng đã xin từ chức:

- Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên bang Nga – Cố vấn Nhà nước đương nhiệm của Liên bang Nga, Ruslan Tsalikov. Trong danh sách các thứ trưởng, Tsalikov chỉ đứng sau thứ trưởng thường trực kiêm tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga chịu trách nhiệm tổ chức hỗ trợ kỹ thuật – quân sự cho các lực lượng vũ trang – Ủy viên Hội đồng Nhà nước đương nhiệm Liên bang Nga Aleksey Krivoruchko.

Theo quan sát của tôi, hiện nay các nhà “tư tưởng” Nga theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi tiếng đã hân hoan nhưng khá thầm lặng chào đón việc bắt giữ Ivanov và sau đó là tướng Kuznetsov, cũng như việc cách chức Nguyên soái Ván Ép. Quan điểm chung của bọn Nga chủ chiến và khá cực đoan này cho rằng vụ “đốt lò” thanh lý những tên tham nhũng trong đội ngũ quan chức cấp cao của Lực lượng vũ trang là một điều khích lệ đối với những người ủng hộ cuộc chiến. Có thằng cho rằng, chính nạn tham nhũng này đã là một mối đe dọa đối với địa vị chính trị của Putox.

Ở Nga, những kẻ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngay từ đầu cuộc chiến ở Ukraine đã đổ lỗi về những tổn thất quân sự nặng nề và những lợi ích bé tí xíu về lãnh thổ cho điều mà chúng cho rằng: sự tham lam và xa cách của các tướng lĩnh cấp cao đã gây ra tình trạng thê thảm đó.

Một blogger quân sự Nga ủng hộ chiến tranh khác, Kirill Fedorov (có nửa triệu người đăng ký theo dõi trên Telegram) hôm thứ Ba đã đặt tiêu đề video về vụ bắt giữ Kuznetsov là “Lại là năm 1937 à?”. Hắn ám chỉ đến cuộc thanh trừng tàn bạo các tướng lĩnh quân đội và cả cán bộ cấp cao của Đảng cộng sản Liên Xô của Stalin.

3.2. Vậy tình thế của Nguyên soái Ván Ép sẽ như thế nào?

Việc bắt giữ Timur Ivanov thực sự là một tin xấu đối với Shoigu. Và bây giờ ngay sau khi bị mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, Shoigu nhận hung tin Kuznetsov bị bắt nốt. Cứ như là “củng cố chứng cứ” ấy. Timur Ivanov chính xác là người phụ trách tài chính của Shoigu, hiện đã ra đi với rất nhiều tiền của Ván Ép. Yury Kuznetsov cũng như vậy.

Shoigu hiện đơn độc trên cái ghế Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nga. Hữu danh vô thực, vô nghĩa. Xét trong Đảng Nước Nga Thống nhất, hắn là người có vai trò quan trọng nhất trong thành lập Đảng này từ những ngày đầu tiên. Khi Putox gia nhập Đảng, cả hai nhận thấy ở nhau những đặc điểm quá hợp và thuận lợi để trở thành cặp bài trùng “vừa quyền lực vừa phá phách.” Nhanh chóng, Shoigu nhận ghế Bộ trưởng các tình trạng khẩn cấp Nga (MTrS) và sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng, cái ghế cho phép hắn ăn cắp được nhiều tiền nhất.

Tất cả những thứ Shoigu có được là nhờ lòng trung thành sâu sắc với Putox. Giờ đây tất cả những thứ Ván Ép có, đã nhanh chóng tan thành mây khói. Mấy chục năm làm tay sai cho Putox, Ván Ép có rất nhiều kẻ thù, giờ đây Putox sẽ vứt hắn cho bầy linh cẩu đó truy sát… Ngày tàn của Ván Ép chắc chắn sẽ không còn xa nữa.

3.3. Tại sao lại là Belousov?

Sau khi Ván Ép mất chức, người được cho là sẽ thay thế hắn ngồi vào ghế bộ trưởng quốc phòng là Andrei Belousov, một nhà kinh tế học.

Andrey Removich Belousov, con trai của Rem Aleksandrovich Belousov, không phải là nhà kinh tế học mà phải gọi là đại học giả về kinh tế – được cho là bị ấn ngồi vào ghế để “làm sạch tham nhũng, làm cho chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, điều hành tổ hợp công nghiệp quân sự Nga tốt hơn.”

Tại sao lại là nhà Kinh tế làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng? Andrei Belousov đã có công lao gì? Trước hết, tôi xin lướt qua một tin “đập vào mắt” – báo chí nội địa húng hoắng: “…bổ nhiệm ông Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga là tin xấu choUkraine”.

Đương nhiên nếu hắn thúc đẩy được công nghiệp quốc phòng hoạt động mạnh như mong muốn, thì đó là tin xấu với Ukraine, chúng ta không phủ nhận điều đó. Nhưng điều này chưa nói lên được vấn đề cốt lõi đằng sau nó. Thậm chí chính cái tờ báo “xe cán chó” này với bài “Vì sao Putox bất ngờ thay bộ trưởng quốc phòng…???” cũng nói lăng nhăng chứ không thể bàn tới những chi tiết đằng sau hậu trường được.

Belousov là người vào cuối năm ngoái tặng cho Putox món quà sinh nhật lớn nhất, trị giá 3 tỉ đô-la Mỹ. Nhưng món quà đó là từ bọn oligarch Nga, tức là bọn tài phiệt. Chỉ cần một Luật, đó là luật về thuế lợi nhuận bất ngờ của các tập đoàn lớn, sau đó được Putox ký ngay lập tức. Đó là công lao lớn nhất của hắn. Tưởng gì, hóa ra một thằng cha thuế vụ kiểu vặt lông vịt.

Thực chất, cái “giỏi” này là của Putox, đúng chất mafia Nga, tức là tống tiền. Hắn giỏi nhất ở chỗ biết tìm ra ai là tên sát thủ giỏi nhất, và Belousov là một sát thủ như thế. Nhưng xin hãy đừng quên Nguyên soái Ván Ép. Trong suốt một giáp (đúng 12 năm) làm Bộ trưởng quốc phòng, Shoigu đã cùng các đệ tử thân tín thâu tóm (cổ phần hóa hay tư nhân hóa nhỉ?) toàn bộ các doanh nghiệp quốc phòng để trở thành các sân sau. Ở Nga, nơi chủ nghĩa tư bản vừa thân hữu, vừa hoang dã thịnh hành, chẳng ai là không có băng đảng riêng của mình nếu có một chút quyền lực.

Vậy là nhiệm vụ của Belousov đã được trao, và công việc của hắn đang bắt đầu. Chúng ta có thể dự đoán rằng các doanh nghiệp sân sau của Shoigu, sẽ bị gõ cửa hỏi thăm hết. Chỉ một chữ ký, là “mua lại với giá 0 đồng” hết, nôm na là tịch thu. Cho đến nay, những doanh nghiệp đó đang sản xuất được cho là không hiệu quả, được thôi, bây giờ coi như Nhà nước Nga không phải bỏ vốn đầu tư cho nó, vậy thì vắt kiệt như vắt vỏ chanh là phương án tốt nhất để “sản xuất cho có hiệu quả.”

Dấu hiệu lớn nhất mà câu chuyện mang lại cho chúng ta, chính là hết tiền. Đầu tiên, Belousov sẽ yêu cầu các chủ sở hữu doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng phải làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa, trong khi trả ít tiền hơn nữa. Nếu câu trả lời là không, thì hắn sẽ cướp nhà máy và tài sản rồi bỏ chúng vào tù. Đơn giản như đan rổ. Liệu trò này có tác dụng? Liệu Putox và quân đội của lão bây giờ sẽ có nhiều đạn pháo để bắn hơn hay không?

Nếu Putox chấp nhận tuyên bố “đất nước đang có tình trạng chiến tranh” thì việc tịch thu nhà máy có tác dụng, còn nếu không, việc đó chẳng ý nghĩa gì. Chỉ khi đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, bất cứ cá nhân nào không làm việc và hơn nữa, không đem tài sản của mình phục vụ đất nước một cách vô hạn thì sẽ bị xử lý theo luật thời chiến. Chỉ khi đó quốc hữu hóa mới có tác dụng. Nhưng còn có một điều nữa mà Belousov có 3 đầu, 6 tay cũng không thể làm được, là thu hẹp khoảng cách về công nghệ giữa Nga với phương Tây. Chỉ cần thu hẹp khoảng cách giữa Nga với Trung Quốc, cũng đã không thực hiện được rồi.

Trong thời gian qua, Nga được cho là đã mua một số dây chuyền sản xuất đạn pháo từ Trung Quốc, nhưng lại có những thông tin cho biết chúng cho ra quá nhiều phế phẩm. Cái này thì bố của Belousov sống lại cũng không giải quyết được vấn đề.

4. Một số nhận xét và kết luận

4.1. Putox đang ở vị trí như thế nào?

Hôm nay Putox đi Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc không còn là “những người bạn thủy chung vô điều kiện,” sẵn lòng mua toàn bộ dầu khí và trả bằng tiền tươi nữa. Kho chứa của họ đã đầy.

Chuyến thăm này còn diễn ra trong bối cảnh, Tập Cận Bình vừa đi châu Âu về. Ngoài thái độ của ông ta có vẻ đang muốn tìm cho quan hệ Trung – châu Âu một luồng sinh khí mới, thì những thông tin cho biết Trung Quốc đang quay lưng lại với cuộc chiến của Putox ở Ukraine, càng ngày càng rõ rệt. Trung Quốc không còn cung cấp đạn pháo 152 mm mới cho Triều Tiên, do đó nước này hiện không thể cung cấp đạn pháo 152 mm cũ trong kho cho Nga nữa.

Bắc Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc, do đó họ luôn phải duy trì một lượng đạn dược nhất định đề phòng xung đột. Nhưng đạn cũ, thì không có tác dụng gì, và do đó giải pháp là đổi mới lấy cũ – bằng cách đó Trung Quốc cũng hỗ trợ được Nga Putox mà không bị mang tiếng can dự trực tiếp vào cuộc chiến.

Nhưng Putox quá ngoan cố, đi hết từ thất bại quân sự này đến thất bại quân sự khác. Chiếm được vài làng, không phải là thắng lợi. Cuộc chiến kéo dài quá lâu, mối lợi mà nó mang lại cho Trung Quốc quá ít so với những gì nước này đang phải chịu đựng về kinh tế. Chưa hết, chính thái độ lừng khừng của Trung Quốc với cuộc chiến, cũng phần nào đóng góp vào sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung thời gian gần đây.

Có những điều chúng ta không biết, nhưng chắc chắn đang diễn ra. Thái độ muốn quay xe của họ Tập, chắc chắn đã diễn ra được vài tháng đến nửa năm, từ khi Bắc Hàn không còn gửi đạn pháo cho Nga nữa. Và vì thế, Putox vội vàng đi Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức chưa được chục ngày. Hắn đi trong bối cảnh Tây Âu đã chuyển từ khí đốt của Putox sang LNG của Mỹ. Tháng trước, sản lượng dầu thô của Nga xuống mức kỷ lục: 7,3 triệu thùng/ngày.Túi tiền của Putox cũng đang trống rỗng tính theo ngày.

Kết luận này cho thấy, báo chí xứ phía đông nước Lào chỉ tài bốc “shit Putox thơm” dựa hơi RIA Novosti, chứ tôi chẳng thấy có dấu hiệu tốt nào cho bọn chúng cả.

4.2. Vậy về quân sự thì, vị thế của quân đội Nga từ khi có Bộ trưởng mới ra sao?

Về điều này, đến báo chí cái xứ phía đông nước Lào “shit Putox thơm” cũng không dám nhận định về diễn biến chiến trường, vì chắc chắn tên Belousov này chẳng có tác dụng gì cả, hay nói một cách khác, một nhân vật vô nghĩa về khả năng tác chiến. Khổ cái, cho đến nay chính Gerasimov, cũng có tác dụng gì đâu? Đúng, chẳng có tác dụng gì cả. Từ cái kế hoạch cải tổ quân đội của hắn, đến mô hình Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn hay BTG, cũng toàn thứ thổ tả, hay ho là trên giấy tờ và đi diễn tập thôi.

Cũng như dịch Covid, bây giờ có ai nói đến nó nữa đâu? – BTG cũng vậy, có ai nhắc đến nó nữa đâu? Nga bây giờ đem những thứ quân thổ tả ra đánh nhau, xe tăng không đủ, pháo không đủ, đạn pháo không đủ, không quân không đủ, thứ duy nhất đủ là… thịt người tươi sống. Tởm. Quân đội thứ nhì thế giới đấy.

Hôm qua bác NTT sau khi đọc tin sân bay Belbek ở Crimea bị tấn công, hỏi một câu: Sao cái sân bay này bị đánh nhiều lần thế nhỉ? Tôi trả lời, thế mới là Nga. Câu chuyện “kho đạn ở sân bay Kherson” lại nổi lên: bị tập kích đến 16 lần rồi vẫn vác đạn vào đó để chứa.

Tối hôm kia, Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã dùng ATACMS MGM-140 để thăm hỏi “xã giao” sân bay Belbek, căn cứ quân sự Nga ở Crimea bị chiếm đóng. Các nguồn tin của Nga cho biết đã có nhiều vụ nổ, hỏa hoạn lớn đã xảy ra sau cuộc tấn công. FIRMS – hệ thống giám sát hỏa hoạn từ vệ tinh của NASA đã phát hiện nhiều đám cháy lớn, bao trùm phần phía nam của sân bay trong vòng hai tiếng đồng hồ. Kết quả thiệt hại sơ bộ lúc này bao gồm:

- 1 chiếc MiG-31 bị phá hủy

- 3 chiếc Su-27 bị hư hỏng

- 2 hệ thống phòng không S-300/S-400 bị phá hủy

- 11 “kiện hàng 200”.

Bây giờ thì chúng ta – sẽ không có ai thấy kỳ dị nữa. “Đó mới là Nga” – thực tế Putox không cần một viên tướng tài ba cỡ Carl von Clausewitz, vì như thế thì nguy hiểm quá. Một Prigozhin đã là quá đủ. Mà Prigozhin thậm chí còn không phải là quân nhân. Putox không thể mạo hiểm với cả một đội quân Nga thống nhất đằng sau một nhà lãnh đạo quân đội tài ba. Putox đã sa thải hoặc giết chết gần như toàn bộ năng lực lãnh đạo quân đội và các hoạt động hỗ trợ cốt lõi, chỉ còn những con rối hoặc những thằng ăn cắp miễn là Putox còn có thể tin tưởng và sử dụng chúng.

Vậy ai sẽ thực là Bộ trưởng quốc phòng mới của Nga? Chính xác hơn, Putox hiện nay vẫn đang là Tổng tư lệnh tối cao, và phó tổng tư lệnh là Bộ trưởng quốc phòng. Tuy nhiên, Belousov sẽ chỉ đóng vai trò tên sát thủ đi dí súng vào đầu bọn chủ doanh nghiệp quốc phòng sân sau của nguyên soái Ván Ép.

Tin mới nhất: Nikolai Patrushev sẽ là trợ lý Tổng thống Nga. Hiến pháp Nga không quy định chức vụ phó Tổng thống, như vậy chính hắn sẽ là phó Tổng thống, và chính xác là Phó tổng tư lệnh tối cao – nghĩa là từ bây giờ hắn ngoài nắm quyền lực mật vụ, sẽ nắm luôn cả quân đội. Tình thế của các nước cờ chính trị nội bộ Nga bắt đầu lộ rõ. Không phải ai khác mà là Patrushev sẽ thay thế Putox, một Putox đang lộ rõ vẻ mệt mỏi vì cuộc chiến. “Ông KGB hơn 7 “sọi” làm sao khỏe bằng thằng hề ngoài 40!” ha ha ha.

Câu trả lời cho câu hỏi bỏ ngỏ hôm nọ tôi đặt đã có: phải theo dõi xem số phận của Patrushev ra sao. Bây giờ thì chắc chắn hắn ta không phải đồng phạm trong “vụ án Prigozhin binh biến” nữa, mà chính là tay tháo ngòi nổ, thậm chí kết liễu đời tên đồ tể kiêm kẻ cướp kia. Patrushev sẽ dần dần thay Putox ra các quyết định quân sự. Chẳng cần phải là nhà quân sự, cứ ra quyết định. Thế là đủ.

Còn Nikolai Patrushev – tương lai của hắn vững như bàn thạch, thậm chí đang vượt trội hơn so với Putox. Sẽ chẳng có gì xảy ra với Nikolai Patrushev. Hắn ta đã quá quyền lực ở Nga, lúc này Putox cần Patrushev, không phải Patrushev cần Putox.

Trong những tháng tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến sự đi lên trong vị thế của Patrushev và sự đi xuống của Putox. Đây cũng là một kết cục tôi dự đoán trước từ năm ngoái.

4.3. Vậy Putox có những lựa chọn nào để thay đổi vị thế của mình, hoặc ít nhất giữ vững như hiện nay, ngay cả trong quan hệ nội bộ với bọn chóp bu Nga?

Bây giờ sẽ là lúc nói về chiến lược. Có một câu tôi đã viết nhiều lần: quân Nga trên chiến trường có một sự “khốn nạn thân chúng nó” là cứ phải tấn công” – vì để duy trì động lực chiến tranh. Nghĩa là chúng không thể dừng lại được. Và lúc này, thì Putox và quân đội của lão ta còn khổ hơn nữa: không thể tiến về phía trước.

Cho đến nay quân đội của Putox hầu như không thể chiếm thêm đất của Ukraine mà không phải trả giá cực đắt. Tức là, về chiến lược, Putox không có cách nào bắt Zelenskyy và chính quyền của ông ta đầu hàng, thậm chí cơn ác mộng của Putox càng trở nên tồi tệ hơn khi Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn gói viện trợ cho Ukraine. Tây Âu đang tăng cường sản xuất đạn pháo cho Ukraine.

Tập Cận Bình chán ngấy đến tận cổ việc Putox gây rắc rối ở châu Âu vì EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Ấn Độ vừa hủy bỏ mối quan hệ hợp tác lớn của họ liên quan đến Sukhoi 57. Putox không thể sản xuất đủ Su-57, thậm chí các đời thấp hơn cho lực lượng không quân của mình dù bọn trùm bốc phét này đã hứa cung cấp hơn 100 chiếc Su-57 ra khắp thị trường thế giới.

Đạn pháo 155 mm đã được cung cấp trở lại cho Ukraine với số lượng từ từ tăng dần. Sự góp mặt của ATACMS rồi máy bay F-16... đều góp phần vào cơn ác mộng của Putox.

Túi tiền của Putox đang chảy máu với tốc độ ngày càng cao. Hắn ta sẽ không thể trả tiền cho binh lính chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga hiện đang quá nóng, hoạt động quá công suất mà không có bất kỳ lịch trình bảo trì nào, chắc chắn sẽ lăn cổ ra hỏng.

Khổ cái, nếu Putox cho quân rút lui, hắn ta sẽ mất mạng. Không có lựa chọn nào cho hắn cả… ngoài một lựa chọn… và chúng ta sang mục tiếp theo, mục cuối cùng.

4.4. Lựa chọn của Putox là gì? Kéo dài chiến tranh! Chắc chắn vậy.

Kịch bản kéo dài chiến tranh là gì? Như hắn đang làm hiện nay. Bây giờ sẽ là câu hỏi: liệu có diễn ra cái gọi là “Chiến dịch Sumy” tiếp theo cái “Chiến dịch Kharkiv” hiện nay không? Câu trả lời là khả năng cao, khoảng 90 % đến hơn. Bây giờ mời quý vị sang đến bản đồ số 2.

Đầu chiến tranh, bọn Nga đã dùng các con đường từ Kursk sang Sumy và cường tập sâu vào tung thâm, một trong những mũi tấn công của chúng là theo đường E-101/M-02 thâm nhập tỉnh Chernihiv và tiến về phía Kyiv, và cũng mũi này chúng bị đánh tơi bời (nếu tôi không nhầm thì cái Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 Kantemirovskaya là tiến theo hướng này, và bị choảng cũng ở đây). Đây là một con đường quá dài, vì vậy chúng sẽ không liều mạng tiến theo hướng này nữa. Như vậy khả năng cao hơn là chúng sẽ tiến thẳng từ biên giới về thành phố Sumy, chỉ cách biên giới khoảng 30 ki-lô-mét gì đó, theo trục được H-07. Trên bản đồ tôi đánh mũi tên B1.

Ngoài ra, một trong những hướng khả năng cũng cao, là hướng theo mũi tên B2 để chiếm Velyka Pysarivka. Tại sao lại có khả năng này? Vì theo lý thuyết quân sự Xô-viết, những chỗ tiếp giáp thường là chỗ yếu – chỗ đó gần điểm tiếp giáp giữa hai tỉnh Kharkiv và Sumy. Nếu thuận lợi, mũi tấn công này có thể theo trục đường P-45 tiến về phía thành phố Kharkiv.

Như vậy, chúng sẽ tạo được một vòng cung bao cả hai thành phố Sumy và Kharkiv, riêng Kharkiv nằm trong gọng kìm. Như vậy, nhận định của ISW là chính xác: chúng muốn đưa các thành phố của Ukraine vào tầm pháo binh. Chưa hết, tôi còn hình dung là với cái hành lang vòng cung đó, khả năng ném bom lượn của không quân Nga vào hai thành phố trên là “bao trọn thành phố”.

Đến đây chúng ta đã hình dung được chiến lược của Putox là (1) Cố gắng giữ vững trận tuyến trên toàn mặt trận, thiết lập đường hậu cần cho khu vực Mariupol, Berdyansk và cả tỉnh Zaporizhia của Ukraine bị tạm chiếm. (2) Bắn phá các thành phố sâu trong hậu phương bằng vũ khí tầm xa, bắn phá các thành phố ở gần tiền tuyến bằng pháo binh và bom lượn.

Bằng chiến lược này, Putox sẽ duy trì được tình thế xung đột hay duy trì được chiến sự, làm cho người Ukraine sống dở chết dở nếu không (1) Phá được âm mưu đưa các thành phố vào tầm pháo và (2) Không chịu tấn công mà cứ dền dứ, chờ mong phép màu nào đó. Trên cơ sở đó, Putox ép người Ukraine vào bàn đàm phán, vì gói viện trợ 61 tỉ lần này “được cho là cuối cùng” rồi.

Mọi tính toán này sẽ đúng nếu người Ukraine ngồi yên cho hắn tiến hành kế hoạch. Và tình hình sẽ như thế nào, chỉ có người Ukraine trả lời cho chúng ta biết được.

PHÚC LAI 16.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.