Tôi có một đôi mắt chưa được dạy dỗ về mỹ thuật và hai lỗ tai chưa được đào tạo về âm nhạc.
Nghe, nhìn để cảm thấy, rung động... với tôi hoàn toàn là mỹ cảm. Giáo huấn (giáo dục bằng yêu cầu, mệnh lệnh) thì nhiều, nhưng hầu như tôi không thích tiếp thu và tuân phục kiểu đó. Tiếp nhận, với tôi trước hết phải là tự giác.
Giáo dục rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là phương tiện và điều kiện. Trong chừng mực nào đó của vô chừng tri thức, hiểu biết chỉ thật sự đến và nằm lại trong ta bằng sự vỡ lẽ, tự ngộ, bất cầu chứng. Nó đem lại cảm giác an tâm, niềm hân hoan, sự tự do cho tâm hồn. Phần nào đó, hiểu biết gần với sự đốn ngộ Bát Nhã, dù tôi có đôi chút hướng Phật nhưng không là Phật tử.
Khoảng 30 năm trước, hình như là giữa năm 1995, tôi đã đứng chết lặng trước bức tĩnh vật có tên "Hành trang" của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng trong một triển lãm chung nào đó. Tranh đơn giản, chỉ là một khoảng tranh tối tranh sáng sau cánh cửa. Một chiếc mũ vải mềm, một chiếc áo khoác và một túi cọ của người họa sĩ treo lên đó. Tất cả đều vương những vệt màu, trên tông chủ đạo nâu sậm - vàng nhạt. Cây đàn ghita dựng bên cạnh. Dường như người họa sĩ vừa từ xưởng vẽ hay dã ngoại đâu đó trở về nhà, treo vội - nhưng gọn gàng - bộ áo quần lên móc tường và người vừa khuất sau cánh cửa...
Xem tranh, tôi xúc động. Vì sao thì tôi không biết. Chỉ thấy lòng mình an tĩnh, có một cảm giác thân thuộc, được chia sẻ, vậy thôi. Và dù không một lần gặp lại, tôi vẫn nhớ đến tận giờ.
Bữa nay, sau 30 năm, cảm giác đó quay lại. Bức tranh đơn giản, tôi không biết được đặt tên gì. Chỉ là chiếc bóng gầy guộc một nhà sư khổ hạnh đổ dài trên mặt đường thiên lý. Một bóng hoa dại lẻ loi nở ven đường. Thú thực, tôi không thích bông hoa nở trong bức tranh này. Nó có phần khiên cưỡng. Nhưng ý của người vẽ, chấp nhận. Sau lưng không để lại gì. Phía trước cũng không có gì, chỉ một sắc không trắng xám...
Người xem tranh đều cho rằng vị hành giả trong tranh là tu sĩ Thích Minh Tuệ, người đang thực hành hạnh Đầu Đà lặng lẽ trong cõi mạng ồn ào. Tôi biết thế, nhưng không nghĩ về điều cụ thể, người cụ thể nào. Trong cảm xúc, tôi muốn gọi tên bức tranh là "Hành Giả". Những bước chân khoan thai trong chấp không: bước trên đời chỉ để lại những dấu chân, để gió cuốn bụi lãng quên phủ lấp. Đời người là một hành trình bền bỉ về phía hư không, không cầu không chứng.
Tôi thấy lòng được an ủi và chia sẻ.
Họa sĩ - nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết bức tranh mà anh "treo" trên tường trang cá nhân là của một nữ họa sĩ, không ký tên, vẽ thầy Thích Minh Tuệ. Chị vẽ để tặng một ai đó, không để bán. Chị bảo không ai bán bóng hình một bậc chân tu. Chưa từng gặp, không quen biết, nhưng tôi cảm ơn họa sĩ vì sự chia sẻ. Tôi cũng từ giã luôn dự định ban đầu là tìm cách sở hữu bức tranh. Những nỗi niềm thì có thể chia sẻ chứ không mua bán được.
(Khi tôi đăng bài này lên, một bạn đọc - con trai nhạc sĩ D.C.H bạn tôi, cũng là bạn thân thiết của anh Đỗ Trung Quân - có liên lạc cho biết, cháu là người đang sở hữu bản gốc bức tranh, có chữ ký, do họa sĩ Điệp Tuấn vẽ. Bức này đã được họa sĩ Điệp Tuấn chụp đưa lên trang cá nhân từ ngày 04/05. Người mua cũng đã nhận được tranh cách đây một tuần, từ khi chính họa sĩ Điệp Tuấn thông báo là bức tranh đã có chủ. Có lẽ, bức tranh gốc đầy ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh nên một số người đã chép lại, tồn tại nhiều phiên bản.
Và, tôi vẫn không biết họa sĩ (người vẽ đầu tiên) đặt tên bức tranh là gì. Nhưng cũng không cần thiết nữa. Sau lưng là không, phía trước là không, đi mà không cần biết đi đâu thì chân bước không cần nhanh vội. Ngay từ phút đầu chạm mắt vào những bước chân gầy nhẫn nại, tôi đã tin chắc con - đường - đang - đi không - có- bóng - con - đường là của một bậc hành giả.
Dù lẻ loi, hoa vẫn nở ven đường.
NGUYỄN HỒNG LAM 11.05.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.