mercredi 8 mai 2024

Dương Quốc Chính - Tại sao chế độ thuộc địa sụp đổ ?

Giáo dục lịch sử quan trọng nhất là phải để người học/đọc trả lời được các câu hỏi tại sao, nhân quả, thay vì học thuộc lòng các sự kiện, các chi tiết lặt vặt nặng về tiểu tiết kỹ thuật. Có nhiều người hỏi mình câu này, mà mình nghĩ là rất cơ bản, ai cũng đã từng học lịch sử về Điện Biên Phủ nhưng vẫn phải hỏi:

1. Tại sao Việt Minh và Pháp lại lôi nhau lên tận Điện Biên Phủ là xứ khỉ ho cò gáy để đánh nhau? Sao Việt Minh không kéo quân về mà chiếm Hà Nội luôn cho rồi?!

2. Sao Việt Minh đánh thắng Điện Biên Phủ rồi mà không thừa thắng xông lên chiếm luôn Hà Nội đi?

3. Chiến thắng Điện Biên Phủ khiến Pháp phải rút khỏi Đông Dương, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của Pháp (chấn động địa cầu)?

Lẽ ra giáo viên dạy sử đều phải dạy học sinh về các câu hỏi trên, để không có ai phải hỏi mình những câu cơ bản đó. Nhưng mình dự là đa số cũng không trả lời được hoặc hiểu không đúng.

Trả lời đầy đủ thì cũng dài đó, nên mình tóm tắt cơ bản thôi. Ai cần cụ thể thì tự đọc sách thêm.

Việt Minh không đủ mạnh để đánh lớn ở Đồng bằng và đô thị đâu. Do vũ khí của Pháp (do Mỹ bơm) ưu việt ở đồng bằng. Ví dụ trận Việt Minh thua to là ở Vĩnh Yên, Pháp dùng bom napalm, nên lính Việt Minh chết rất nhiều, tổn thất nặng. Nói chung vũ khí chiến lược sẽ lợi thế ở đồng bằng. Vì thế nên lúc đó Pháp giữ các đô thị, Việt Minh kiểm soát vùng miền núi và nông thôn hẻo lánh.

Lúc đó Việt Minh hoạt động mạnh ở Thượng Lào, giáp Điện Biên, cũng khá gần Trung Quốc (để dễ viện trợ vũ khí). Thế nên kế hoạch Navarre là cắm căn cứ quân sự vào cạnh vùng hoạt động của Việt Minh để kiểm soát họ. Đó là Điện Biên Phủ. Căn cứ đó như cái gai trong mắt Việt Minh khiến họ buộc phải tấn công để nhổ nó đi. Không thì phải bỏ kế hoạch ở vùng Tây Bắc và Thượng Lào, rút đi chỗ khác.

Vì thế, hai bên dùng Điện Biên Phủ để làm nơi quyết chiến một mất một còn, phá thế giằng co hiện tại.

Navarre chọn Điện Biên Phủ là cái lòng chảo với các quả đồi liên hoàn ở giữa, gọi là tập đoàn cứ điểm, Tàu gọi là thế ỷ dốc, hỗ trợ lẫn nhau. Pháp đóng trên các đỉnh đồi (riêng hầm De Castries nằm dưới thấp cạnh sân bay). Như vậy là đóng quân đúng bài bản quân sự, vì quân Việt Minh sẽ phải chạy qua cánh đồng (được Pháp khai quang) mới tới các cứ điểm để tấn công, sẽ bị tiêu diệt.

Mô hình này Pháp đã thành công ở trận Nà Sản, cũng có địa thế gần giống nhưng quy mô nhỏ hơn, cũng có thung lũng và sân bay Nà Sản nằm giữa. Tức là chọn Điện Biên Phủ là không ngu đâu, đúng bài đó.

Pháp thua chủ yếu là do chủ quan, không nghĩ là Việt Minh kéo được pháo vào và tiếp vận được cho cỡ gần 5 vạn quân. Nên thực tế bị ngược lại, Việt Minh có tiếp vận đầy đủ (bởi xe tải Molotov của Liên Xô do Tàu cấp và sức người), còn Pháp bị chặn tiếp vận bởi pháo vào giao thông hào (cũng do pháo yểm trợ). Mất tiếp vận thì thua thôi, chứ thực tế quân Pháp còn đầy (11/15 ngàn quân), cơ bản không phải do đánh nhau thua mà do hết vũ khí, quân nhu, lương thực...nên phải hàng.

Thế nên trước mình mới bảo trận Đồng Tâm chấn động địa cầu quân ta lẽ ra chỉ cần vây hãm địch ba ngày thì "địch" chết đói tự ra hàng hết, chứ đâu cần manh động đánh nhanh thắng nhanh để chết oan ba mạng.

Quân Liên hiệp Pháp ở Điện Biên Phủ (gồm lính lê dương, lính Pháp và Quốc gia Việt Nam) có khoảng 15 ngàn. Trong khi tổng số quân Liên hiệp Pháp ở Việt Nam tầm 300 ngàn (con số tạm tính, chưa xác minh lại, sẽ chỉnh sau).

Ông Giáp đã có kế hoạch đánh về Hà Nội, bàn với Chu Ân Lai. Nhưng chính ông phân tích là cần ít nhất ba năm nữa, với quân Pháp như hiện tại, Trung Quốc viện trợ như hiện tại (Trung Quốc viện trợ Điện Biên Phủ bằng cả năm viện trợ trước) và quan trọng nhất là quân Mỹ không can thiệp.

Chu Ân Lai phản đối Việt Minh đánh tiếp vì không cam kết sẽ viện trợ như đã làm ở Điện Biên Phủ, vì Trung Quốc cần tái thiết đất nước sau chiến tranh Triều Tiên quá tốn kém. Hơn nữa, Mỹ đe dọa sẽ đổ quân nếu Việt Minh tiếp tục đánh về Hà Nội. Thế nên hai bên bắt buộc phải ký Hiệp định Geneva và Việt Minh giành được một nửa nước Việt Nam mà thôi. Pháp muốn ký vì cũng nản chí và Mỹ cũng không tin tưởng khả năng chống Việt Minh của Pháp nữa.

Cần hiểu là Điện Biên Phủ không hề có vai trò chiến lược về mặt địa lý, như kiểu Hà Nội, hay Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Nó là mảnh đất khỉ ho cò gáy, chỉ là cái tiền đồn rất xa, giữ hay bỏ thì không ảnh hưởng nhiều đến đại cục đâu. Chẳng qua mất nó thì hỏng kế hoạch kiểm soát vùng Tây Bắc và Thượng Lào nhà quê, mà đằng nào cũng không kiểm soát được. Quân số bị mất ở Điện Biên Phủ cũng không phải quá đông. Cứ coi như mất cả 15 ngàn chú đi, thì mới là khoảng 1/10 quân số ở miền Bắc.

Vì vậy, nếu Pháp vẫn cố thủ đô thị, tất nhiên Mỹ vẫn phải hỗ trợ nhiệt tình, thì Việt Minh cũng không thể chiến thắng dễ dàng được. Ông Giáp phân tích chủ quan là mất ba năm đó.

Việc Pháp phải rút khỏi miền Nam thì do sức ép của Mỹ và ông Diệm, chứ không phải do Việt Minh. Vì Hiệp định Geneva không có điều khoản nào nói là Pháp phải rút khỏi miền Nam Việt Nam hết. Mỹ ép Pháp dễ ợt, chỉ việc viện trợ thẳng cho Quốc gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa, thay vì như trước đó là viện trợ qua Pháp. Thế nên Pháp trở nên thừa thãi, chả còn tiền mà vận hành bộ máy luôn (do 80 % chi phí là do Mỹ bơm). Thế là dưới sức ép của ông Diệm thì phải rút quân về.

Hiệp định Geneva có điều khoản là thời điểm Pháp rút là do thỏa thuận với chính quyền Quốc gia Việt Nam. Do Pháp đã trao trả độc lập tuyệt đối cho Quốc gia Việt Nam trước khi ký Hiệp định Geneva.

Pháp lúc đó khá đói rách, phải nhận viện trợ từ gói Marshall của Mỹ (tái thiết Tây Âu) nên hệ thống thuộc địa toàn cầu sụp đổ do vai trò chính của Mỹ, chứ không phải do Điện Biên Phủ. Anh trao trả thuộc địa (một số nước yều cầu) cũng do sức ép của Mỹ chứ đâu phải do Việt Minh đánh Pháp. Liên Xô cũng không ủng hộ thuộc địa, nên hai thằng anh cả mà chống thì bọn đệ tử phải theo thôi. Nó yếu thì tự khắc không giữ được thuộc địa đâu.

Nên nói về nguyên nhân sâu xa thì hệ thống thuộc địa sập là do công của phe Đức và Nhật đánh Anh, Pháp (hai thằng nhiều thuộc địa nhất) thua tơi bời. Sau đó Nhật, Đức hàng Mỹ và Liên Xô, nên công Mỹ làm cho Việt Minh cướp được chính quyền và giành độc lập rất là to đó! Quả là éo le!

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 08.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.