mercredi 9 décembre 2020

Nguyễn Thị Thanh Bình - Nhà văn « sống để viết » Hoàng Hải Thủy đã ra đi


Ông đúng là nhà văn băng qua cuộc đời « sống để viết » như ông vẫn hằng thổ lộ, hay như ông nói « sinh ra để viết ».

Hoàng Hải Thủy bắt đầu viết báo năm 18 tuổi, và viết không ngưng nghỉ cho đến năm 2017, lúc ông bắt đầu có nhiều dấu hiệu lãng trí, quên trước quên sau, và khi vợ ông là bà Đỗ thị Thủy qua đời, hưởng thọ 88 tuổi như ông cũng ra đi vào tuổi này bây giờ.

Ông là người đàn ông nổi tiếng yêu vợ bậc nhất, và cũng hệt như nhà văn Võ Phiến đã lấy tên vợ làn bút hiệu. Bà Võ Phiến có tên là Viễn Phố, nên Võ Phiến chỉ cần đọc lái lại. Còn Hoàng Hải Thủy lấy tên thật của ông là Dương Tấn Hải, và Hải ghép với tên vợ là Thủy. Còn họ Hoàng không biết ông chọn từ kỷ niệm nào của hai người (chắc chị Kiều Giang, tên cô gái rượu của ông biết, cũng như ông đã lấy tên con gái đặt cho tác phẩm phóng tác từ cuốn Jane Eyre).

Ông có thêm một điều có vẻ giống Võ Phiến, dù tôi không hề có ý nghĩ so sánh: Võ Phiến viết cuốn Văn Học Miền Nam cho những nhà văn nhà thơ Miền Nam, còn Hoàng Hải Thủy viết cuốn Sống Và Chết Ở Sài Gòn cũng để viết về giới văn nghệ sĩ Miền Nam bị cầm tù, giam lõng hoặc trốn thoát.

Điều đáng nói không hẳn ông là nhà văn tiên phong thể phóng tác truyện ngoại quốc sang tiếng Việt ăn khách nhất, cũng như ông còn viết tiểu thuyết, làm thơ và là cây viết phóng sự, phiếm luận có hạng. Mà điều tôi thích nhất ở ông có lẽ còn nằm trong giai thoại như sau:

Dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, ông là trung sĩ được giao coi một số tù binh cộng sản. Và có một lần nào đó, ông đã viết thư giùm gởi về cho vợ của một tù binh ấy.

Câu chuyện tưởng chỉ dừng lại ở chỗ dành cho người anh em chút thương cảm. Ai dè khoảng 20 năm cuộc đổi đời, ông được ân nhân của mình lúc đó là chủ nhiệm báo Giải Phóng « mời » ông chôn sống bút hiệu Hoàng Hải Thủy để cộng tác cho báo...‘kách mạng’. Hẳn nhiên ông khẳng khái từ chối được kiếm sống bằng cách phải đoạn tuyệt với cái tên Hoàng Hải Thủy, đồng nghĩa với bẻ cong ngòi bút và phải viết theo chỉ đạo, đơn đặt hàng.

Ông được « cứu » trong chiến dịch lùng bắt 2/4/1976, nhưng chỉ vì còn muốn gắn bó với cái tên thân thương đã làm nên tên tuổi mình là Hoàng Hải Thủy, ông bị bắt hai lần về tội dám lén lút gởi bài ra hải ngoại. Một lần là 2 năm từ 1977-1979, và một lần là 6 năm từ 1984-1990.

Cuối cùng nhà văn/ nhà báo/ dịch giả Hoàng Hải Thủy qua Mỹ theo diện HO, cùng gia đình. Lý do ông chọn Virginia làm nơi dừng chân, vì dường như nơi đây có hai người bạn thân là ca sĩ Anh Ngọc và Trần Lâm đã hơn một lần cho ông được chiêm ngưỡng hình ảnh mùa thu diễm ảo rực lá thu phong nơi đây, nơi lãng mạn với thương hiệu « Virginia For Lover’s ».

Và cũng chính nơi tôi đang ở nơi đây, nơi tôi « vưỡn » ( chữ mới do ông sáng tạo mà tôi vốn khoái nhất) gặp người đàn ông ở phố chợ với bà xã trong phong cách ăn mặc đỏm dáng, đẹp lão như mới đi tiệc về. Thường thì ông cũng rất hiếm khi xuất hiện với những sinh hoạt trong vùng, và có vẻ như ông muốn dành trọn vẹn thời gian để viết, hoặc bù đắp cho gia đình với 8 năm tù đày và những tháng ngày bị theo dõi, khủng hoảng.

Vâng, Virginia là nơi Hoàng Hải Thủy hay bút hiệu Công Tử Hà Đông (nơi một trang công tử như ông sinh ra) đã viết tản mạn « Viết Giữa Rừng Phong » khá thú vị.

Nơi đây giữa mùa đại dịch và trời bỗng trở gió rét lạnh, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã thực sự bay theo những chiếc vàng lá vô ưu cuối trời miên viễn. Và xin độc giả, bạn văn thơ... hãy cùng tôi tưởng nhớ đến ông, dù trong một khoảnh khắc. Nguyện cầu linh hồn ông được an nghĩ nơi Cõi Vĩnh Hằng.

NGUYỄNTHỊ THANH BÌNH 08.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.