mardi 29 décembre 2020

Donald Trump, người bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi ?


Đăng ngày:

Nỗi lo xảy ra một đợt dịch thứ ba, kinh tế sau Brexit, Trung Quốc một năm sau khi Bắc Kinh chính thức thông báo về một loại virus corona chủng mới là các đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay 29/12/2020.


Trung Quốc độc tài không phải là hình mẫu chống Covid

Trong bài xã luận « Covid-19 : Trung Quốc, một hình mẫu sai lạc », Le Figaro nhắc lại ngày 31/12/2019 – mới một năm mà như là đã xa xưa lắm – Trung Quốc báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có xuất hiện một « bệnh viêm phổi lạ » tại Vũ Hán. Tuy nhiên Bắc Kinh nói không có bằng chứng nào về lây nhiễm từ người sang người, và bịt miệng tất cả những tiếng nói công dân.


Một năm sau, bị ảnh hưởng thấp hơn 800 lần tính theo dân số so với Hoa Kỳ (và 500 lần so với Pháp), Trung Quốc đắc chí tự ca ngợi đã chiến thắng dịch bệnh. Cho dù số liệu chính thức không đáng tin cậy, nhưng rõ ràng là các bệnh viện nay không còn bị căng thẳng, cuộc sống ở Trung Quốc trở lại bình thường và kinh tế lại bắt đầu phát triển. Trong khi đó phương Tây vẫn bị trói tay bởi phong tỏa, giới nghiêm, đối mặt với suy thoái, nợ nần và thất nghiệp.

Chuyện gì đã diễn ra ? Nhà độc tài đỏ Tập Cận Bình cho rằng đã chứng tỏ tính ưu việt của « mô hình xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Hoa » so với các nền dân chủ « lộn xộn và ngỗ nghịch ». Thông qua việc cô lập hàng mấy chục triệu người, dùng biện pháp kiểu quân sự, đóng cửa biên giới và theo dõi toàn bộ người dân, buộc người dân phải tuân lệnh và giữ im lặng, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã vô hiệu hóa được con virus, tránh được đợt dịch thứ hai trong khi phương Tây đang lo về một đợt dịch thứ ba.

Theo Le Figaro, chiến thắng này ẩn chứa một mối nguy mới. Quá tự tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên hung hăng gấp bội đối với Hồng Kông và Đài Loan, trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) cũng như tại Biển Đông. Sau ngoại giao khẩu trang, đến lượt ngoại giao vac-xin mở đường cho đầu tư chiến lược, nhằm chiếm lĩnh thị phần và chia rẽ châu Âu. Tại Hoa lục, đàn áp gia tăng với các nhóm thiểu số cũng như những người cảnh báo. Sự nguy hiểm không nằm ở chỗ cái gọi là « mẫu mực » của mô hình Trung Quốc, mà là sự thay đổi về địa chính trị do con virus, dẫn đến sự thua sút của các nền dân chủ phương Tây so với « phản mô hình » này.


Khi con virus còn được gọi đúng tên là « virus Vũ Hán »

Tờ báo lược thuật việc « Bắc Kinh đã dập tắt những tiếng nói cảnh báo như thế nào ». Những người đầu tiên lên tiếng phản đối các tuyên bố chính thức là ngòi nổ cho một phong trào rộng lớn trong xã hội dân sự.

Trong thời kỳ đại dịch và khi Vũ Hán bị phong tỏa suốt hai tháng rưỡi, hàng ngàn người dân bắt đầu kể lại,  ghi hình lại những gì họ nghe thấy. Một số là nhà báo được tòa soạn gởi đi, số khác là bác sĩ, y tá trực tiếp lâm trận, và nhiều người là những cư dân bình thường muốn là chứng nhân một sự kiện lịch sử - những « nhà báo công dân ». Các câu chuyện và video của họ được tự do phổ biến cho đến đầu tháng Hai vì chính quyền trung ương còn quá lúng túng trước đại dịch.

Bà Tào Nhã Học (Yaxue Cao), người sáng lập Chinachange.org, một tổ chức phi chính phủ tại Hoa Kỳ đã lưu lại được một số lời chứng, cho biết những câu chuyện này có trên WeChat, Weibo, Twitter và cả trên báo chí nhà nước.

Nhưng sau đó Bắc Kinh đã dùng bàn tay sắt áp đặt phiên bản chính thức. Những tài liệu do tin tặc gởi đến, được New York TimesPropublica phân tích cho thấy từ ngày 02/02, tất cả các ban biên tập đều được lệnh không viết bất cứ điều gì tiêu cực về con virus, lúc đó còn được gọi đúng tên là « virus Vũ Hán ».


Bắc Kinh thẳng tay dập tắt tiếng nói của các nhà báo công dân

Hàng ngàn nhóm WeChat trao đổi về Vũ Hán bị dẹp, trên 3.200 chỉ thị nội bộ đã được công bố với mục đích kiểm soát dư luận. Lịch sử từ nay chỉ được lưu lại phiên bản chính thức của Nhà nước.Hàng ngàn vụ bắt bớ diễn ra trên toàn quốc, nhân viên y tế bị cấm trả lời báo chí, những người dân thường bị theo dõi trên đường phố chỉ vì đăng hình những xác chết được chất đống bên ngoài bệnh viện.

Thế giới đều đã biết trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) bị câu lưu, đe dọa và rốt cuộc đã qua đời vì con virus ở Vũ Hán. Còn bác sĩ Ngải Phân (Ai Fen) trưởng khoa cấp cứu bệnh viện sau khi trả lời tạp chí Nhân Vật (Renwu) đã mất tích trong hai tuần lễ, rồi sau đó không còn lên tiếng nữa. Luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi), nhà báo Lý Trạch Hoa (Li Zehua) cũng bị mất tích rồi tái xuất hiện tương tự, riêng doanh nhân Phương Bân (Fang Bin) cho đến nay vẫn biệt tăm.

Nữ luật sư Trương Triển (Zhang Zhan), 37 tuổi đã chiếu trực tiếp những gì trông thấy tại Vũ Hán : một thành phố hoang mạc, rào chắn khắp nơi, các lò thiêu xác hoạt động hết công suất, một người già ngã chết trên đường phố mà không ai đoái hoài…tổng cộng 122 video. Bà bị bắt vào tháng Năm tại Vũ Hán vì tội « gây rối ». Tháng Sáu, bà tuyệt thực trong tù nhưng bị cưỡng bức đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể bằng ống thông dạ dày ; các luật sư bị ép bỏ rơi bà. Ra tòa hôm qua bằng xe lăn, nhà báo công dân này bị kết án 4 năm tù.


Donald Trump buộc Hoa Vi phải quỳ gối

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « 2020, năm mà Hoa Vi phải quỳ gối ». Lịch sử sẽ ghi nhận Donald Trump như là người đã bắn phát súng ân huệ cho Hoa Vi chăng ? Vào lúc ông Trump sắp rời Nhà Trắng, phải công nhận rằng vị tổng thống khác người này đã thành công trong việc làm tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc phải chao đảo chưa từng thấy.

Chỉ trong vòng 30 năm, Hoa Vi (Huawei) đã trở thành tập đoàn đứng đầu thế giới về viễn thông, vượt qua Nokia và Ericsson của châu Âu về mạng lưới rồi đứng chung với Apple và Samsung về sản xuất điện thoại di động. Tập đoàn của Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) còn mở rộng hoạt động sang điện toán đám mây (cloud), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo…

Năm 2019, tổng thống Donald Trump đã cho Hoa Vi vào danh sách đen, khiến nhiều công ty không còn buôn bán được với tập đoàn này. Google cũng buộc phải ngừng cung cấp kho ứng dụng như Gmail, Maps…cho các điện thoại mới của Hoa Vi. Trước đó vào cuối 2018, bà Mạnh Vãn Châu, con gái của Nhậm Chính Phi bị bắt ở Canada và hiện vẫn bị quản thúc vì Mỹ cáo buộc làm ăn với Iran. Dù vậy khi đến Diễn đàn Davos vào đầu tháng Giêng 2020, ông Nhậm vẫn tỏ ra thách thức vì Hoa Vi đang đứng thứ nhì thế giới về lượng smartphone bán ra.


5G, chip bán dẫn : Những cú đòn có thể hạ gục Hoa Vi

Ngoại giao Mỹ gây áp lực lớn về mạng 5G, khiến Anh và Úc từ chối Hoa Vi, còn châu Âu từ tháng Giêng đã yêu cầu các nước thành viên loại ra những thiết bị « có nguy cơ cao ». Đến tháng Năm, Hoa Kỳ cấm bán cho Hoa Vi những vi mạch bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ, nên hãng TSMC của Đài Loan, nhà cung cấp chip Kirin cho Hoa Vi phải từ chối làm việc với đối tác Trung Quốc.

Một cú đòn đau cho lãnh vực smartphone vốn là nguồn thu nhập hàng đầu của Hoa Vi (54,4% năm 2019), tụt xuống hàng thứ ba thế giới, chỉ còn chiếm 15% thị phần. Tháng 11, Hoa Vi phải bán lại dòng sản phẩm giá rẻ Honor, thị phần lại rớt xuống còn 4%. Tất nhiên là Hoa Vi vẫn chưa chịu đầu hàng, với nguồn tiền vẫn còn dồi dào và đang cố gắng tập trung cho nghiên cứu.

Viên đạn cuối cùng đến từ cầu thủ trẻ của Pháp Antoine Griezmann : anh từ bỏ lập tức hợp đồng quảng cáo cho Hoa Vi sau khi có những tin tức về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Thật ê chề cho hình ảnh công nghệ Trung Quốc.


Bị Washington cô lập, Bắc Kinh phải nhượng bộ châu Âu

Cũng về kinh tế, Les Echos Le Figaro đều nhận định « Châu Âu và Trung Quốc tiến gần đến việc ký kết hiệp ước đầu tư », sau bảy năm đàm phán. Bị Washington cô lập, Bắc Kinh đành phải có những nhượng bộ thực sự đối với các doanh nghiệp châu Âu.

Trong cuộc họp hôm qua tại Bruxelles, không có nước thành viên nào phản đối văn bản liên quan đến thâm nhập thị trường, sở hữu trí tuệ hay phát triển bền vững. Ngược với trước đó chỉ vài ngày, khi nhiều nước trong đó có Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan tỏ ra do dự. Đó là do Trung Quốc đã nhượng bộ, nhất là về tiêu chuẩn xã hội.

Tận dụng bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung hết sức căng thẳng, Bruxelles đã gây áp lực với Bắc Kinh hiện đang cần một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Trung Quốc muốn chứng tỏ với Mỹ là có thể ra khỏi cô lập qua việc hợp tác với một nhân tố lớn của phương Tây.

Khía cạnh chính trị nhạy cảm trong thời kỳ Trung Quốc cứng rắn hơn với Hồng Kông, Tân Cương khiến châu Âu phải tỏ ra kiên quyết về các vấn đề xã hội, lao động cưỡng bức, và cuối cùng Bắc Kinh phải cam kết sẽ phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Chỉ còn vấn đề bảo hộ đầu tư vẫn chưa tìm được đồng thuận. Trong lúc Nhà Trắng sắp đổi chủ, Bắc Kinh cũng như 27 nước châu Âu hiểu rằng đang đứng trước khung cửa hẹp, vì Washington sẽ nhanh chóng chỉ trích một thỏa hiệp ít phù hợp với việc tăng cường quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.


Người Duy Ngô Nhĩ, nạn nhân của thỏa thuận dẫn độ Thổ Nhĩ Kỳ -Trung Quốc 

Liên quan đến lãnh vực nhân quyền, bài xã luận của La Croix nói về « Erdogan trước vấn đề người Duy Ngô Nhĩ », khi Thổ Nhĩ Kỳ sắp thông qua một thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc.

Vì sao tại phương Tây, tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ lâu nay ít gây tiếng vang như đối với Tây Tạng ? Một số người khẳng định đó là vì người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, ít được cảm tình như Phật tử Tây Tạng.

Cứ ngỡ rằng người Duy Ngô Nhĩ sẽ được thế giới Hồi giáo bênh vực, nhưng nhiều nước Hồi giáo lại về hùa với Bắc Kinh khi Trung Quốc bị tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy.

Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hồi năm 2009 – lúc đó còn là thủ tướng – ông đã lên án vụ đàn áp Tân Cương là « một kiểu diệt chủng ». Do mối liên hệ về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, và đã đón tiếp 50.000 người thuộc sắc tộc này đến tị nạn, trở thành cộng đồng lớn nhất ngoài Trung Á. 

Nhưng nay ông Erdogan lại đổi thái độ, nói rằng người Duy Ngô Nhĩ « hạnh phúc » ở Tân Cương. Đang gặp khó khăn kinh tế, Erdogan không thể làm phật lòng Trung Quốc, và người Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành nạn nhân ; trong lúc phương Tây bắt đầu tố cáo tình hình tại Tân Cương.

1 commentaire:

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.