Lúc bảy giờ tối ngày 25 tháng 12, 1991, Chủ tịch Liên Xô Mikhail S. Gorbachev bắt đầu diễn văn truyền hình của ông bằng câu sau đây trích trong hồi ký của ông, Memoirs, Mikhail Gorbachev:
“Như kết quả của tình trạng mới vừa được hình thành với sự ra đời của Khối Thịnh Vượng Chung các Quốc Gia Độc Lập tôi ngưng các hoạt động của tôi trong cương vị chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết. Tôi quyết định như vậy dựa trên cơ sở nguyên tắc. Tôi cương quyết ủng hộ nền độc lập, quyền tự quyết, vì chủ quyền của các nước cộng hòa, nhưng cùng lúc bảo vệ nhà nước liên bang, sự đoàn kết của quốc gia.”
Ý của Gorbachev, trong lúc tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc thuộc các nước cộng hòa, ông chống lại các hình thức tự động ly khai khỏi liên bang để tạo nên khối liên kết mới như Khối Thịnh Vượng Chung các Quốc Gia Độc Lập được thành lập ở Alma-Ata, nước Kazakhstan, 21 tháng 12, 1991.
Đó là lý do trực tiếp dẫn tới việc Gorbachev tự ngưng chức.
Báo chí dịch gọn rằng Gorbachev từ chức, thật ra không có chữ từ chức trong diễn văn của ông. Ông chỉ tự động ngưng các hoạt động.
Như cả thế giới điều biết sau đó, từ chức hay ngưng chức cũng không khác gì nhau vì chế độ CS Liên Xô sụp đổ.
Tuy nhiên, trong thời điểm đó Khối Thịnh Vượng Chung các Quốc Gia Độc Lập chỉ ra đời được bốn ngày nên bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Gorbachev dự phòng cho tình huống bất ngờ nên dùng chữ “ngưng” để có lý do trở lại lãnh đạo liên bang Soviet hay một liên bang với danh xưng khác nếu cần.
Thực tế chính trị lúc đó cho thấy, Gorbachev không muốn “ngưng chức” chủ tịch Liên Xô cũng không được. Chế độ CS bị khai tử bốn hôm trước rồi.
Công bằng mà nói, nếu không có hai chính sách Cải Tổ Kinh Tế Chính Trị (Perestroika) và Công Khai Hóa Các Hoạt Động Thông Tin Ngôn Luận (Glasnost), người dân Liên Xô chắc còn phải chịu đựng lâu hơn nữa.
Điểm khác chính giữa Gorbachev và dòng trực hệ CS chuyên chính từ Lenin, Stalin cho tới Konstantin Chernenko là đảng tính CS trong người.
Từ khi còn trẻ, Gorbachev đã có tư tưởng cải cách đảng và phần lớn các hoạt động trong đảng của ông cũng tập trung vào cải cách. Gorbachev tích cực trong chiến dịch “hạ bệ Stalin” do Nikita Khrushchev chủ xướng. Những chuyến viếng thăm các nước Tây Âu từ 1970 đến 1977 và được chứng kiến những xã hội mở cũng đã góp phần thúc đẩy các chính sách cải tiến của ông sau này.
Mùa đông 1985, Eduard Shevardnadze, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại Giao Liên Xô chia sẻ với Gorbachev, tân Chủ tịch Liên Xô, “mọi thứ đã bị ung thối và phải cần thay đổi”. Gorbachev cũng đã nhận ra điều đó và họ đã hợp tác để thúc đẩy những thay đổi cấp bách qua các cải tổ kinh tế chính trị và văn hóa.
Perestroika có lý do vì vào thời điểm đó Liên Xô đang chịu đựng sự suy thoái kinh tế như giá dầu thô giảm xuống mức thấp kỷ lục, chi phí chiến tranh Afghanistan, chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém với Mỹ, nuôi một đạo quân hiện dịch trên bốn triệu người.
Glasnost cũng cần thiết. Gorbachev biết để cứu Liên Xô không chỉ giới hạn cứu bằng kinh tế mà phải vực dậy một xã hội đang băng hoại.
Sự băng hoại của văn hóa xã hội Liên Xô không biểu hiện qua các phong trào, qua vài nhân vật bất đồng chính kiến mà trong mọi mặt, mọi ngõ ngách của đời sống. Nhiều năm sau, Gorbachev phát biểu: “Cái khuôn mẫu Soviet thất bại không chỉ ở mức độ kinh tế xã hội mà thất bại ở mức độ văn hóa. Trong xã hội Liên Xô, các tầng lớp người dân, các thành phần có học, thành phần trí thức đã từ chối một chế độ không tôn trọng quyền làm người, trấn áp người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.”
Trong diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình vào tháng 6, 1991, Gorbachev nhấn mạnh Perestroika là cánh cửa giúp người dân Liên Xô nhìn ra thế giới và tái lập các quan hệ bình thường giữa việc phát triển trong nội bộ một quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc gia đó.
Nói tóm lai, Gorbachev trong thời gian ngắn đã cố gắng hết sức để nới lỏng chiếc cùm sắt toàn trị siết chặt người dân mười lăm nước cộng hòa suốt 68 năm từ Cách mạng CS 1917.
Perestroika và Glasnost là hai viên đá tảng trong Học thuyết Gorbachev (The Gorbachev Doctrine) và được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hồi ký cũng như trong các buổi phỏng vấn sau này. Vâng, đó là những thành quả đáng ca ngợi mà chưa có một lãnh tụ CS nào trước ông như Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko làm được.
Nhưng mục đích chính của tất cả những gì Gorbachev đã làm trong năm năm và cho đến giờ phút chót là để cứu Liên Xô.
Gorbachev không phải là nhà dân chủ, nhà đấu tranh dân chủ hay nhà cách mạng dân chủ như nhiều người nghĩ.
Gorbachev không thực hiện hai chính sách đổi mới kinh tế chính trị và văn hóa để nhằm giải phóng con người ra khỏi chế độ CS. Cả hai chỉ là những biện pháp “tự diễn biến” để Liên Xô có thể tồn tại trong một thế giới mở mà ông đã tận mắt chứng kiến ở Tây Âu.
Gorbachev không chỉ muốn duy trì sự thống nhất của Liên Xô bằng diễn văn hay thuyết phục mà còn bằng hành động. Chính ông trong cương vị chủ tịch nước là người chịu trách nhiệm cho các cuộc đàn áp có đổ máu tại các quốc gia có ý định ly khai khỏi Liên Xô. Cuộc nổi dậy giành độc lập của dân tộc Lithuania vào tháng Giêng, 1991 là một bằng chứng.
Ngày 17 tháng 10, 2016, tòa án Vilnius, Lithuania đòi Gorbachev phải ra cung khai trước tòa với tư cách nhân chứng cho vụ xử 66 người can tội giết 13 người dân Lithuania trong cuộc đàn áp Lithuania năm 1991. Mới đây, nhiều báo Lithuania còn đề nghị tòa nên kết án Gorbachev như tòng phạm vì tội ác “chống lại nhân loại”.
Gorbachev bác bỏ mọi lời tố cáo. Gorbachev có thể không trực tiếp ra lịnh hay trực tiếp liên quan đến vụ tàn sát ở Vilnius nhưng trong tư cách lãnh đạo tối cao của Liên Xô ông phải chịu trách nhiệm đã đưa hàng chục xe tăng tiến vào thủ đô Vilnius và cán lên hàng rào người không võ trang trưa ngày 11 tháng Giêng, 1991.
Một điểm ít người để ý là Gorbachev chưa bao giờ từ chức hay ngưng chức tổng bí thư đảng CS Liên Xô. Ngày 25 tháng 12 chỉ đánh dấu sự thay đổi về mặt nhà nước.
Trong buổi phỏng vấn dành cho báo The Guardian 16, tháng 8 2011, khi được yêu cầu cho biết những điều ông hối tiếc nhất, Gorbachev thú nhận đó là “sự kiện tôi bám giữ quá lâu để cố gắng cải cách đảng CS.” Gorbachev biết đảng CS không thể nào cải cách được nhưng ông chỉ nhận ra sau 20 năm còn trước đó thì không.
Theo Gorbachev, cũng trong buổi phỏng vấn, lẽ ra ông nên từ chức vào tháng Tư, 1991 và thành lập một đảng dân chủ để thay đổi xã hội bằng con đường không CS.
Trong Hồi Ký xuất bản năm 1995 ông không nói đến điểm này. Lý do cũng dễ hiểu, thời gian càng lâu và càng xa với những biến cố mang tính thời sự, con người càng thấm và dễ thấy những điều mình sai trong quá khứ và những chọn lựa lẽ ra nên có.
Không giống như nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov dâng hiến đời mình cho lý tưởng dân chủ và nhân quyền, Gorbachev chỉ là chọn dân chủ khi không còn chọn lựa nào khác.
Các nhà phân tích và lý luận cách mạng thường để ý đến những giọt nước làm tràn ly và ca ngợi những con người xuất hiện trong thời điểm cách mạng bùng nổ như là những anh hùng. Điều đó đúng nhưng chỉ đúng một phần.
Đừng quên, suốt 74 năm dưới chế độ CS toàn trị tại Liên Xô hàng triệu giọt nước đã âm thầm đổ xuống để đến lúc đầy ly đúng bảy giờ chiều ngày 25 tháng 12, 1991.
Các cuộc nổi dậy của nông dân đã bị Lenin và Stalin tàn sát không thương xót như trường hợp Nổi Dậy Tambov, cách Moscow 300 cây số với 15 ngàn người bị Lenin ra lịnh xử bắn.
Nhiều triệu người dân vô tội khác đã chết, bị đày ải sang Siberia băng giá vì chống chế độ CS dưới thời Stalin như đã được liệt kê trong Sách Đen Của Chủ Nghĩa Cộng Sản (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression) và nhiều tác phẩm khác.
Cách mạng dân chủ Nga và 14 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô được viết bằng máu của những người đã hy sinh vì quyền căn bản của con người suốt 74 năm. Họ là ngọn lửa cháy ngầm, cháy âm ỉ nhưng không bao giờ ngưng đốt cháy chiếc cùm sắt độc tài CS. Không có họ làm gì có chuyện Gorbachev từ chức.
Như người viết kết luận trong bài “25 Tháng 12, Ngày Cuối Cùng Của Chế Độ CS Liên Xô”, chế độ CS đi ngược dòng phát triển văn minh nhân loại và quyền con người nên sớm hay muộn cũng phải bị giải thể. Điều đó đã xảy ra tại Nga, Đông Âu, Phi Châu và đương nhiên sẽ xảy ra tại Trung Cộng và Việt Nam. Không có con đường nào khác dành cho những kẻ độc tài.
Những người CS đang cai trị Việt Nam nếu còn chút khôn ngoan hãy học và chọn cho mình một cách ra đi.
TRẦNTRUNG ĐẠO 21.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.