jeudi 24 décembre 2020

Nguyễn Chương Mt - Người Sài Gòn đón Noel

 


1.

Joe đặt chân đến Việt Nam suýt soát cũng gần sáu năm, biết nói tiếng Việt, phát âm theo “giọng Sài Gòn”. Năm ngoái, trước thềm đón Noel, Joe và tôi ngồi cà phê trong một xóm mà người ta quen gọi là “xóm đạo” ở ngã ba Ông Tạ.

Bản nhạc “Đêm Thánh vô cùng” du dương, dìu dặt lan tỏa khắp quán. “Silent night, holy night. All is calm, all is bright...”, khoảng cách xa vời vợi giữa quê hương Tân Tây Lan (New Zealand) của Joe với miền đất phương Nam nhiệt đới này thoắt chốc biến mất. Ấm áp và thanh bình. Vâng, đó là ước mơ muôn thuở và muôn nơi của nhân loại. Thật tuyệt, khi nghe đi nghe lại lời ca, “Sleep in heavenly peace. Sleep in heavenly peace”.

Và rồi, “Bài Thánh ca buồn” được chủ quán bật lên. “Bài Thánh ca đó, còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”, hay đến mức hút hồn.

Thực ra cũng chẳng phải lần đầu Joe mới biết đến bản này, vài mùa Noel trước ắt hẳn Joe đã từng nghe. Nơi trung tâm thành phố cho đến hang cùng ngõ hẻm, vào mùa Noel, tại Sài Gòn đâu đâu cũng nghe thấy “Bài Thánh ca buồn”, rồi “Hai mùa Noel”, “Tà áo đêm Noel”, “Mùa sao sáng”, “Mùa Giáng sinh xưa”… được gọi chung là “Dòng nhạc Giáng sinh”.

“Sao bây giờ mình hoài xa vắng. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian. Bấy nhiêu lần con nhớ người yêu”. Joe quay qua hỏi tôi, “Lạ quá, giữa khung cảnh tưng bừng của lễ hội Noel, tại sao người Sài Gòn lại ưa nghe những tình ca man mác hồi tưởng này kia?”

Bởi vì … Sài Gòn không phải là Auckland của Joe. Sài Gòn là vậy. Những bản tình ca của tiếc nuối, của nhớ thương lại càng làm đậm thêm hương vị rộn ràng trong ngày hội Noel.

Đón Noel tại Sài Gòn mà không có “dòng nhạc Giáng sinh” thì không phải Sài Gòn.


2.

“Dòng nhạc Giáng sinh” của Sài Gòn là những bản Thánh ca trong giáo đường? Ồ, không phải. Hay nói đúng hơn là không chỉ Thánh ca, mà có rất nhiều bản nhạc rất “đời”, rất trần thế. Từ bao giờ tại Sài Gòn xuất hiện cách gọi “Dòng nhạc Giáng sinh”?

Không rõ mùa Noel trở thành lễ hội chung cho người Sài Gòn, dù không theo đạo Công giáo, bắt đầu từ năm nào… Thập niên 50, dọc theo vỉa hè của đường Lê Lợi (lúc bấy giờ nhiều người còn quen gọi tên cũ là đường Bonard) bày bán thiệp chúc mừng Giáng sinh và Năm mới dương lịch trên những tấm ni-lông rộng cỡ cái chiếu.

Nơi các con hẻm, và nhà riêng, nhiều người rộn rã đón Noel, trang trí cây Noel, giăng đèn hoa. Có một điểm “nhận diện” nho nhỏ: nhà nào có treo thêm đèn ngôi sao trước nhà, người ta đoán nhà đó có lẽ là “người Công giáo”.

Người người đổ đến các nhà thờ, người trong đạo Công giáo gọi là “đi dự lễ”, còn người ngoài đạo Công giáo gọi là “đi xem lễ” nửa đêm.


Thập niên 50 cho đến cuối năm 1963, người Sài Gòn sống trong cảnh thanh bình, chiến tranh chưa thực sự trở thành nỗi ám ảnh trong từng gia đình. Nhưng, cuộc đảo chính diễn ra vào cuối năm 1963, chính trường tại Sài Gòn trở nên xộc xệch, và bóng đen chiến tranh kéo đến bầu trời miền Nam với nhiều trận chiến lớn ! Từ đó, vào giữa thập niên 60 trở đi, “dòng nhạc Giáng sinh” (theo cách gọi của người Sài Gòn) chính thức xuất hiện.

Hầu như nhạc sĩ nào cũng có ít nhất một bản sáng tác lấy bối cảnh là mùa Noel. Không phải là những giai điệu trang nghiêm trong giáo đường mà là “tiếng nói trần thế” của người dân Việt đối mặt với chiến tranh, với đau khổ, chia ly, và những sự thương nhớ da diết về thời thanh bình. Là những lời hẹn hò cùng “đi xem lễ” nửa đêm, quỳ gối trong giáo đường, ước vọng được sống hạnh phúc bên nhau bền lâu.

Từ Sài Gòn mà “dòng nhạc Giáng sinh” rất trần thế, rất “đời” lan tỏa đến khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam. Và, vượt thời gian, cho đến tận ngày nay.

Các đĩa DVD, CD của “dòng nhạc Giáng sinh” vào mỗi mùa Noel hàng năm đều được bày bán, chào đón. Hoặc giữ lại thể điệu bolero, boston, blue của những “Bản Thánh ca buồn”, “Hai mùa Noel”, “Mùa sao sáng”, “Mùa Giáng sinh xưa”…, hoặc sáng tác mới theo hip-hop, techno.


3.

Dân Sài Gòn có thói quen đi mua thiệp ở gần Nhà Thờ Đức Bà từ nhiều thập niên, nay có thêm nhiều khu vực bán thiệp khác nữa. Ngày đó, vào những năm 60, đối với đôi nam nữ mới quen nhau thì cánh thiệp đóng vai trò “thay lời muốn nói”. Chẳng hạn, mong ước người bạn có một mùa Noel an lành và tươi tắn thì, ngoài tấm thiệp “Merry Christmas”, gửi tặng thêm tấm thiệp có cành hoa cúc trắng hay vàng thật rực rỡ (nếu cô nàng không hiểu tình ý thầm trao, coi như … mất tiêu cả hai tấm thiệp).

Những mùa Noel xưa, nhộn nhịp nhất nằm ở đường Lê Lợi với những kiosque bán thiệp Giáng Sinh, băng nhạc mới phát hành, những cây thông, hang đá giăng kim tuyến lấp lánh. Thương xá Tax, nối giữa đường Lê Lợi với đường Nguyễn Huệ, trở thành một tâm điểm về quà tặng mùa Noel, và trở thành một ký ức khó phai trong lòng người Sài Gòn.


Khi chiều buông trên đường Lê Lợi, các quán cà phê đông nghịt nam thanh nữ tú vừa uống cà phê vừa ngồi ngắm thiên hạ đi qua đi lại cho tới tối. Khoảng 8 giờ tối trở đi, mọi người đổ xuống đường, rảo bộ đến Nhà thờ Đức Bà, ngắm đèn, hang đá, tán gẫu trên bãi cỏ trước Nhà thờ. Nửa đêm, sau 11g-12g khuya, nhiều người tìm chỗ để chơi cho tới sáng. Vào khoảng năm 1969, 1970, giới trẻ quen với cách gọi mới là “overnight”.

“Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”, lời ca này trong một ca khúc mùa Noel, ngày đó có không ít người nghêu ngao sửa lại: “Con quỳ lạy Chúa trên trời, xin cho dân nước Việt được thời bình yên”. Tâm tình khát khao hòa bình trở thành tâm tình dài theo những mùa Noel của người Sài Gòn.

Hòa bình trở lại. Đến nay đã hơn bốn mươi năm. Mùa Noel lại là dịp để rong chơi khắp phố phường. Vương Cung Thánh đường vẫn là tâm điểm để mọi người đổ đến, bên cạnh nhiều địa điểm mới. Chẳng hạn, “Cầu Ánh Sao ở quận 7 rất tuyệt”, Joe nói với tôi.

Đêm Noel, nhiều tốp cả nam lẫn nữa ưa thích đi rắc confetti đủ màu sắc lên đầu mọi người đi đường. Trò nghịch ngợm này cũng có từ lâu lắm rồi, vào thập niên 70, cùng với cái mặt nạ đeo mắt kiếng, cái mũi lõ và bộ râu, thêm cái kèn giấy thổi giãn ra co vào.


4.

Tôi ngạc nhiên đến thú vị khi nghe Joe nói, “Tôi yêu các con hẻm ở Sài Gòn”. Bởi vì nói đến Sài Gòn mà không ngó ngàng gì đến các con hẻm là… người đó chẳng hiểu gì về Sài Gòn.

Không biết gì về Noel nơi các con hẻm, cũng như các khu vực ngoại vi thành phố, là… người đó không hiểu cho lắm về mùa Noel tại Sài Gòn. Hãy nhớ tìm đến con đường Phạm Thế Hiển bên kia cầu chữ Y, mùa Noel người dân giăng mắc đèn, hang đá rực rỡ suốt 3km. Đó quả là một quang cảnh vô cùng ngoạn mục.

Nhiều con hẻm ở Sài Gòn đến mùa Noel lại khoác lên “bộ áo” mới, lộng lẫy mà vẫn giữ được sự chân phương, bình dị như người dân lao động của Sài Gòn. Giữa muôn trùng sóng gió của cuộc đời, giữa bao ồn ào xáo động, vẫn có những ngày để cùng nhau chan hòa trong nhịp sống cộng đồng.

Trong các con hẻm lớn nằm trên đường Phạm Văn Hai, khu nhà thờ Chí Hòa đường Bành Văn Trân, đường Nghĩa Phát, đường Nghĩa Hòa, hoặc xa hơn như xóm Tân Lập, Bình Trưng Đông…, gần như hẻm nào cũng có hang đá kết từ giấy bồi, giấy nhũ, đèn dây chuẩn bị kéo dài suốt từ đầu đến cuối hẻm.

Tôi ghi lại đây một câu chuyện ở một xóm lao động. Nơi đó, có nhiều nhà trồng rau, làm dưa đem ra chợ bán. Họ nuôi lẻ tẻ vài con heo, năm bảy con gà. Riêng bà Nén, cái tên của bà rất dễ nhớ vì lạ, lại nuôi vài con ngỗng. Bà nuôi ngỗng làm gì cho ồn ào cả xóm? Bà giải thích: Nuôi để làm thịt mừng lễ vào mỗi mùa Noel. Ở Tây họ “ăn Noel” bằng món gà tây, mình không có thì làm món ngỗng! Vào đêm 24 tháng 12, sau khi dự lễ nhà thờ, bà mời cả xóm cùng “ăn Noel” món thịt ngỗng.


Noel là dịp để sống chan hòa tình làng nghĩa xóm.

Cả xóm cùng phụ giúp nhau tổ chức mừng Noel rôm rả. Nhà nào nghèo thì góp mươi ngàn, hai mươi ngàn, còn nhà nào giàu thì góp vài triệu đồng, tùy tâm.

Những người bán hàng rong mưu sinh dường như nhẹ gánh hơn trong niềm vui mùa Noel.

5.

Ngõ hẻm Sài Gòn, ở một vài nơi, đang hiện diện sự bình yên dung dị. Đó là điều tôi đang nhìn thấy. Vào mùa Noel.

Cũng có nghĩa là một năm cũ sắp qua, năm mới đang đến rất gần.

NGUYỄNCHƯƠNG MT 22.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.