* “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời…”
* “Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la. Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành”
Năm 1970, cách đây nửa thế kỷ, có đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được hai năm gom góp tiền mua ngôi nhà nhỏ gần góc đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) - đại lộ Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Đây là vùng ngoại ô Ông Tạ. Khu vực này lúc đó còn rất vắng vẻ, nhưng gần nơi ông làm việc là trại Trần Hưng Đạo - trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
1. Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ lớn ở xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Vùng này khô cằn nhưng mía lại ngọt nổi tiếng. Liệu những vườn mía quê xưa có khiến ông thích uống nước mía hơn các loại nước uống khác? Gần ba năm trước, một buổi chiều xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang trong bệnh viện, nhờ cô cháu ở cùng nhà mua nước mía, dặn dò: "Đừng bỏ đá uống nhạt" và uống khen ngon. Đó là ly nước mía - vị ngọt quê nhà Tây Ninh cuối cùng của ông, vì chỉ ít phút sau thì ông ra đi: 19g30 ngày 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Ông là nhạc sĩ “Chiều mưa biên giới” Nguyễn Văn Đông. Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất miền Nam trước 1975 cùng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc đa dạng, gần gũi mọi lứa tuổi; một tài năng rất lớn với sinh hoạt sôi động. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc với những hợp âm đơn giản nhưng ca từ sâu sắc, đi vào thân phận con người.
Nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một vẻ khác biệt rất rõ: sang trọng một cách gần gũi, sâu lắng và đẫm yêu thương. Và ông sống với một nhân cách sống của kẻ sĩ miền Đông Nam bộ trong thời tao loạn: hiền lành nhưng cứng cỏi giữ tiết tháo, không thay đổi cả trong lúc khó khăn đến tận cùng.
Ông theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân lực VNCH là đại tá chánh văn phòng Tổng tham mưu phó Quân lực VNCH; trải qua hai đời tổng tham mưu phó là trung tướng Nguyễn Văn Là (1968-1974) và trung tướng Nguyễn Văn Mạnh (1974-1975). Tổng Tham mưu trưởng là đại tướng Cao Văn Viên.
Khi ở Thiếu sinh quân, ông học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp; thành viên Ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”... Và đó là lý do đám tang ông có nhiều cựu Thiếu sinh quân VNCH đưa tiễn.
Nhà ông trên đường Nguyễn Minh Chiếu, đi một chút là ra ngã tư Thoại Ngọc Hầu. Tên con đường này cũng là tên một chiến dịch quân sự năm 1956 của Quân đội VNCH (từ 1965, đổi thành Quân lực VNCH) ở vùng Đồng Tháp Mười mà ông tham gia; tướng VNCH Dương Văn Minh làm tư lệnh. Còn nhạc sĩ, khi ấy 24 tuổi nhưng đã là trưởng Phòng 3 - Tác chiến của Phân khu Đồng Tháp Mười VNCH.
Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm - như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc: “Chiều mưa biên giới”, “Vạn dặm sơn khê”, “Phiên gác đêm xuân”, “Bến đò biên giới”, “Về mái nhà xưa”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Hải ngoại thương ca”, “Khi đã yêu”...
Ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử...
Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 75 như: “Nửa đời hương phấn”, “Đoạn tuyệt”, “Tiếng hạc trong trăng”, “Mưa rừng”…
Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là trưởng Ban (văn nghệ) Vì Dân; 26 tuổi (1958), ông là trưởng Ban (ca nhạc) Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu trao.
Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng - như tính cách của ông. Khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt "săn một con vật về cũng thương, ăn không được". Cô cháu ở cùng nhà bảo: "Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng".
Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông có vẻ không hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng "Chiều mưa biên giới" (cùng với "Mấy dặm sơn khê" của ông và 15 ca khúc khác) có lúc bị Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn không thu âm và phổ biến vì ca từ bắt đầu trong hoang mang của một anh lính: "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu - Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu..." (những năm 1955 - 1956, ông đóng quân ở "khu chiến" biên giới Đồng Tháp Mười).
Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng miền Tây, cụ thể là giọng Mỹ Tho rặt; s/x, ch/tr... rành mạch. Sau do ca sĩ Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa - trong trẻo, tròn vành rõ tiếng rất sang trọng chứ không uốn éo, ma mị như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người khi ấy và cả hôm nay. Bắc – Trung – Nam đủ mặt trong thể hiện tác phẩm của ông, đều hay.
2. Quê ông ở Bến Cầu, bên này sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia, cách ít cây số là xóm đạo Tha La nổi tiếng, cạnh rạch Vàm Trảng, bao phen binh lửa. Chắc ông cũng từng ghé qua xóm đạo này? Nhưng ông sanh ngày 15-3-1932 và học ở quận Nhứt, Sài Gòn.
Ngôi nhà mới của đôi vợ chồng trẻ rất gần nhà thờ Ba Chuông (nhà thờ, giáo xứ Đa Minh), chỉ vài bước chân là tới. Ông đã tới đây bao nhiêu lần? Và hơn thế, hẳn không ít lần ông đã nghe nhạc đạo, xem lễ nhà thờ và nghe Thánh ca nơi đây?
Nếu không, làm sao ông có thể viết những nhạc phẩm mà ca từ, hình ảnh rất quen, rất thân với người Công giáo: “Tình người ngoại đạo”, “Mùa sao sáng”, “Màu xanh Noel”, “Bóng nhỏ giáo đường”, “Hồi chuông kỷ niệm” (đồng tác giả với Song Ngọc)… Viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: “Ave Maria” (nhạc Franz Schubert), “Đêm thánh huy hoàng” (nguyên tác “Silent night” - Khác với bài "Đêm thánh vô cùng" do Hùng Lân, cũng một cư dân Ông Tạ trên đường Thánh Mẫu viết lời Việt), “Hồi chuông nửa đêm” (nguyên tác “Jingle Bells” của James Lord Pierpont)…
Có thể nói xuân và đạo là hai nội dung âm nhạc luôn có mặt trong nhạc Nguyễn Văn Đông. Nhưng nếu nhạc xuân của ông thường là nỗi buồn mất mát, có lúc tuyệt vọng thì nhạc đạo của của ông lại là niềm tin yêu vào cuộc sống và sự tái hợp:
“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời
Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui…
(…) Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao… “
Bài “Mùa sao sáng” là nhạc đạo chứ không phải thánh ca, viết ở âm thể Trưởng, giai điệu giản dị nhưng sáng đẹp, trong trẻo như đêm Noel, nghe như thánh ca.
Mùa giáng sinh trong nhạc ông là “hội sao trần thế”, “xanh như liễu đà lạt” - màu vòng lá Noel; nhạc của những tâm tình reo vui:
“Pong ping pong, pong ping pong…
Chuông giáo đường thánh thót.
Đêm Noel chuông vang như mang bao yêu thương loan trong ánh sao sáng…” (“Hồi chuông nửa đêm”).
Xóm đạo nào đó của ông luôn có hình ảnh một người cụ thể, rất cụ thể trong ăn mặc, tính cách đơn sơ và tất nhiên rất ngoan đạo. Tôi không nghĩ ông chưa từng có một người thương nào đó ở một xóm đạo. “Yêu ai, yêu cả đường đi lối về…”.
Như có lần trong lễ nửa đêm Noel, ông lặng lẽ đứng một mình trong sân nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) – như để gợi lại kỷ niệm, người thương nào đó ở một xóm đạo nào đó. Trong gió may se lạnh đêm cuối năm. Một mình…
“Chúa ngự ở trên cao. Lòng trời bể bao la.
Ngày lớn con đã tin rằng: Khi lòng khổ đau tìm đến Chúa ban an lành”
(Xin Chúa thấu lòng con)
3. Những đêm cuối năm Ông Tạ ngày xưa ấy chắc chắn lạnh hơn bây giờ khi nhà cửa chưa chật chội như hôm nay. Phía sau các dãy nhà mặt tiền đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)… vẫn là những nhà trệt, nhà gác gỗ/ Kinh rạch còn nhiều và còn cả những cánh đồng rộng ở An Lạc, Lộc Hưng, khu Chăn nuôi…
Đường phố cũng không rực rỡ đèn hoa giăng ngang đường như hôm nay. Chỉ là những hang đá kín ban công tầng một nhiều nhà mặt tiền và những dây đèn quả nhót ánh sáng không mạnh. Hang đá rất lớn của các nhà thờ luôn là điểm chiêm ngưỡng, tưởng tượng của bao ánh mắt trẻ thơ Ông Tạ.
Những ngày ấy, cả khu vực Ông Tạ là vô vàn những hang đá lớn nhỏ, bằng giấy bạc, bằng giấy bao ximăng phun sơn đen, xám, trắng và bằng cả những thanh mút sốp trắng ngâm xăng dầu… để kết dính. Mút sốp được bóp vụn rải lên những cây thông làm tuyết. Trái châu và dây kim tuyến treo lóng lánh reo vui các cửa tiệm. Trẻ con Ông Tạ đi học qua đứa nào cũng ngẩn ngơ nhìn ngắm đến rơi cả cặp; tưởng tượng lóng lánh đêm Giáng sinh và mơ quà của Ông già Noel…
Các trường khu Ông Tạ hầu hết cạnh nhà thờ. Học trò có những buổi học được nghỉ để thầy cô, các cha, các dì (soeur) bắt xếp hàng, “dong” đi xưng tội. Về nhà, cha mẹ dắt ra tiệm hớt tóc “gọt” lại cái đầu cho dễ chải, dễ vuốt nước những mái tóc lởm chởm mưa nắng đi lễ đêm Noel. Tạm quên con dế, viên bi, xấp hình…; tạm quên những buổi choảng nhau vỡ đầu thằng xóm khác; tạm quên những trò nghịch ngợm trẻ con bấm chuông nhà hàng xóm…
Đó thật sự là những ngày đáng sống của Ông Tạ; những ngày thanh tẩy, reo vui tâm hồn người người. Ai ở Ông Tạ không từng trải qua, từng nhớ da diết ?
Anh Đặng Quốc Thông, một “thằng bé” Ông Tạ xưa vốn không phải Kitô hữu, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tới giờ vẫn nhớ rõ mồn một những ngày Giáng sinh khu Ông Tạ này:
“Vì cơ bản là khu công giáo di cư, nên không khí chào đón ngày Chúa sinh ra đời ở Ông Tạ rất nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng 12, các nhà mặt phố ở ngã ba Ông Tạ đã dẹp các hàng bán truyền thống qua một bên để bày bán đồ trang trí Giáng sinh. Các ông sao đủ cỡ, ông nhỏ bằng cái chậu con, ông to bằng cả mặt bàn ăn 12 người; ông nào cũng được phết bằng giấy bóng kiếng đỏ có rồng rắn mấy đường trang trí bằng phẩm màu trắng và xanh lơ sặc sỡ. Có vòng ngôi sao cuốn giấy hoa chạy quanh năm đỉnh cánh. Rồi cây thông, thường là bằng giấy kim tuyến bạc lóng lánh có đính các trái châu thủy tinh xanh đỏ tím vàng trông rất bắt mắt. Rồi ông già Nôel và các giải tua ren trắng đỏ cũng như các giải băng hình cánh cung ghi hàng chữ “Vinh danh Thiên Chúa trên trời - Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Nhưng đặc sắc hơn cả ở khu này là hang đá đủ cỡ đủ kiểu, có cái làm bằng giấy bao ximăng phun nhựa đường hay sơn đen gì đó. Có hang làm bằng giấy bạc óng ánh. Hang nào cũng đi kèm một bộ tượng nặn rất sắc nét và tô mầu rất cầu kỳ với Chúa Hài đồng nằm giang hai bàn tay thơ ngây trong trắng trong máng cỏ, hai bên có ông Giuse và bà Maria khuôn mặt hiền hậu, thánh thiện. Lơ lửng trên không là thiên thần; trước cửa hang trong tư thế quỳ lạy là ba nhà tiên tri chống gậy dắt theo bầy dê, bò, cừu như lễ vật mừng Chúa Giáng sinh.
Trễ nhất, khoảng giữa tháng 12, các nhà dọc hai bên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) từ ngã ba Ông Tạ đổ xuống đến rạp hát Đại Lợi, hoặc dọc đường Lê Văn Duyệt (nay là Cánh mạng tháng 8) từ ngã ba Ông Tạ đổ về đến khu nhà thờ Chí Hòa phía bên kia hồ bơi Cộng Hoà, cũng đều đã trang trí mặt tiền nhà, thường được đặt trên lan can tẩng 1, 2 với những hang đá, đèn ngôi sao, hình thiên thần, ngôi sao Bếtlêhem, và các dây tua và dây đèn điện chớp sáng đủ mầu.
Thường thì đèn trang trí sẽ được bật lên lúc 6 giờ chiều khi trời mới nhọ nhem và để vậy cho đến sáng. Khoảng 9, 10 giờ đêm, các nhà hai bên đường đóng cửa, tạo ra một khoảng tối dưới mặt đường, tương phản hoàn toàn với không gian sáng ấm phía trên. Trong tiết trời se se lạnh những ngày cuối năm, khách đi bộ hay đi xe máy ngang trên đường, không ai là không ngước nhìn lên các hang đá rực rỡ, lung linh hai bên; không tai ai không nghe văng vẳng như từ hai ngàn năm trước vọng về bài hát có thể nói là truyền thống của các xóm đạo: “Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời... Chúa... sinh ra đời... nằm trong hang đá... nơi máng lừa...”.
Và không ai là không nghĩ đến tình thương bao la của Thiên Chúa đang rải xuống trần, để chợt thấy lòng mình ấm áp hẳn và cảm nhận ngay lập tức như đang ùa vào hồn mình một tình yêu người, yêu đời tha thiết...”.
4. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thấy, đã sống trong các xóm đạo Ông Tạ những ngày yêu thương, ấm cúng này, trong hồi chuông nửa đêm lành thánh, yên bình xóm đạo…
Tự xác định mình là người ngoại đạo, nhưng ông đã làm nhạc không khác một Kitô hữu thuần thành: “Lạy Chúa con xin nguyện Chúa trên trời - Cho trọn niềm tin ơn trên Thiên Chúa - Con xin đuợc sống bên chàng - Nguời con nhớ con thương - Kính mến tôn thờ Chúa, Amen” (Tình người ngoại đạo).
Và Mẹ Maria, lời kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phước…” hiện ra trong nhạc ông, trông đợi ngày gặp lại:
“Xin Mẹ Maria
Cho nước con vui đời thăng hoa
Đã mấy mươi năm, Mẹ ơi sống trông mong ngày vui
Một ngày bên nhau hát câu đoàn viên
Hãy ban cho một mùa xuân như ý quên sầu bi
Đầy ơn phước trong tay Người
Mẹ ơi bao la lòng Maria
Này đây muôn kinh quỳ lạy tấu dâng lên Bà” (Ave Maria)…
Nhạc phẩm của Franz Schubert do ông viết lời Việt tuyệt vời này được danh ca Thái Thanh trình bày trong băng nhạc "Sơn Ca Giáng sinh 1972". Đầu nhạc phẩm, ông ghi rõ: "Trang trọng viết tri ân Đức Mẹ Fatima (Bình Lợi)". Ông, một người ngoại đạo, đã cầu xin gì với Đức Mẹ và được ban ơn phước?
5. Tôi quen và là "khách ruột" mua giò chả, phô mai... mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Cô Thu cùng quê Gò Công với hoàng hậu Nam Phương (nhưng như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: mặt thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch. Cô vốn là quản lý Hãng dĩa hát Continental mà chú là giám đốc nghệ thuật. Cô Nguyệt Thu về với chú năm 1968, ở nhà mướn khu cư xá Đô Thành.
Thực sự nhiều người ngạc nhiên khi lúc đó ông là sĩ quan cấp tá Bộ Tổng tham mưu VNCH, rồi là giám đốc ba công ty băng dĩa lớn ở Sài Gòn lúc đó mà lại mua ngôi nhà nhỏ ở khu vực nhà cửa khi ấy khá lụp xụp như vậy (sát khu vực vốn là đất trồng cây giống của Sở Bảo vệ mùa màng VNCH bị thương phế binh VNCH chiếm). Thời điểm đó, cách vài bước chân là ra đại lộ Cách Mạng 1-11 có rất nhiều ngôi nhà lớn, biệt thự của sĩ quan VNCH chức vụ và cấp bậc còn dưới ông.
Niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ được vài năm. Sau 75, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO do nhiều lý do. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng ban đầu bán cám gà, chuối... rồi mới thành tiệm bán thịt nguội, tạp hóa nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng...
Cửa hàng tên Nhiên Hương phải chăng là suy nghĩ của hai vợ chồng: "hữu xạ tự nhiên hương", không cần phải gồng mình, lớn tiếng khẳng định? Và cả hai vợ chồng đều sống lặng lẽ, lặng lẽ đến mức khi ông ra đi, nhiều người hàng xóm và khách mua hàng mới biết ông là tác giả nhiều nhạc phẩm họ yêu thích...
Vị nhạc sĩ này hoàn toàn lặng lẽ, không một phát biểu sau khi cải tạo về. Lãnh sự quán Mỹ liên hệ kêu đi diện HO (đại tá VNCH, đi cải tạo bảy năm, đi khá dễ dàng), ông từ chối.
Lặng lẽ như khi còn trong trại cải tạo Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông nằm lắng nghe tiếng xe lửa vang xình xịch cách trại không xa và viết nhạc phẩm không lời "Tiếng chim hót trong lồng". Lặng lẽ nhớ Sài Gòn, nơi ông sinh ra, lớn lên cho một nhạc phẩm có lời: "Sài Gòn trong trái tim tôi": "Cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi tối 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất), sau giao thừa thứ 87 của đời mình và chỉ hơn nửa tháng nữa là sinh nhật ông. Thế là hết những "Phiên gác đêm xuân": "Đón giao thừa một phiên gác đêm...".
Giờ ai gác những đêm xuân cho cô khi cô chú không có con?
Đến ngôi nhà nhỏ (chiều ngang chỉ hơn 3m; do vợ chồng ông gom góp mua từ năm 1970, sau hai năm về với nhau) thắp nhang, cô Nguyệt Thu gương mặt vẫn sang trọng nhưng đôi mắt đỏ hoe: "50 năm cô chú đã đi cùng nhau và 48 năm ở ngôi nhà nhỏ này...".
Những ngày sau đó, cô Thu gầy sụp 4 -5kg - trong khi cô vốn gầy yếu; lơ thơ đi lại, sống với ngôi nhà ngập tràn kỷ niệm xưa. Người thân hoảng. Ngày 5-8-2018, cô kêu tôi tới nhà tặng đĩa nhạc tưởng niệm chú do chương trình Thúy Nga tổ chức ở Mỹ. Thấy cô héo hắt...
Trong nỗi buồn đau quá lớn, cô còn có ý định đốt bỏ hết những tư liệu, di cảo âm nhạc của chú; bán ngôi nhà kỷ niệm, mang bàn thờ chú, ba mẹ chú về quê cô ở Gò Công thờ. Sao không mang về Bến Cầu? "Cả chục hecta đất quê sau 1975 không còn..." - cô bảo.
Tôi cầm bàn tay trơ xương của cô xin cô bình tĩnh, ăn uống cho lại sức. Khi bớt đau, tính gì thì tính chứ lúc đó chắc chắn cô chưa tỉnh đâu.
Tết. Cô nằng nặc bắt tôi phải nhận đòn chả lụa và tấm bánh chưng Bắc: "Tối cô ngủ, thấy chú về, dặn cô cho Công cúng tết mẹ". Chú Đông vốn mồ côi mẹ sớm…
"Hồi trước, Công tới mua đồ hàng ngày. Chú ngồi trên phòng cứ hỏi thăm. Giờ chú về dặn nấu xôi chè, gởi Công đó..." - cô Thu đỏ hoe mắt khi kêu tôi tới nhận xôi chè cô nấu...
Như tính cách, mùa xuân lẫn nhạc đạo của ông sao mà sâu lắng quá, mênh mông cả trong ca từ lẫn nhịp nhạc; rung động lòng người nghe... Vì vậy, sau khi ông ra đi, có nhà thờ ở Bến Tre đã tổ chức lễ cầu nguyện cho ông nhân 49 ngày - theo thông lệ những người theo đạo Phật (người Công giáo thường "xin lễ" khi đủ 100 ngày).
Không hiểu sao lúc nào tới nhà cô chú cũng gặp hoa cúc vàng - một loài hoa của mùa xuân miền Nam. "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người..."...
Người nhạc sĩ tài hoa làm dân Ông Tạ 48 năm ấy đã ra đi, hai tháng nữa là tròn ba năm.
Một mùa Noel nữa lại về…
“Đêm nay tôi nhớ người xưa trở lại
Chênh chếch mùa sao lạc loài
Ôi những mùa sao lẻ loi…”
(Mùa sao sáng)
CÙ MAI CÔNG 20.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.