vendredi 25 décembre 2020

Mai Quốc Ấn – « Đất quốc phòng »


Xin post lại một bài viết cũ ngày 12/7/2017 về một góc nhìn liên quan đến việc lực lượng vũ trang làm kinh tế từ đất đai. Ngày trước là viết cho quân đội nói chung và Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nói riêng. Thời điểm hiện tại có thể dành cho cả Đại tướng Tô Lâm (Bộ Công an) và toàn thể lực lượng vũ trang.

“ĐẤT QUỐC PHÒNG"

Tôi phải cho vào ngặc kép cụm từ "đất quốc phòng" vì loại đất này rất "khác". Nó hoàn toàn không phải đất dùng cho mục đích quốc phòng thực sự. Thậm chí, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho tôn nghiêm quân đội.

Có rất nhiều đất quốc phòng trở thành "đất quốc phòng". Thực sự tôi muốn chuyển tải thông tin này đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Đó là ý kiến của những cựu chiến binh hẳn hoi. Đó là ý kiến của những người đau lòng khi có những nhóm người nhân danh quốc phòng để lấy đất kinh doanh.

Tại Đồng Nai, có một đơn vị quốc phòng (Kho K860) đồn trú. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu Nhà nước không đem đất của dân giao cho đơn vị này. Chuyện càng không có gì nếu đất của dân sử dụng đúng mục đích quốc phòng thay vì phân lô, bán nền và cho tư nhân thuê làm xưởng. Điều đó đã đi quá xa mục đích quốc phòng !

Tôi có thể chứng minh nhưng không thể đưa hình ảnh lên Facebook vì đây là "đất quốc phòng" (cấm quay phim, chụp ảnh). Nhưng nếu Bộ Quốc phòng cần, tôi sẵn sàng dẫn thanh tra Bộ đi không chỉ khu đất ấy mà còn cả những khu "đất quốc phòng" khác đang trở thành... quán nhậu, nhà hàng tiệc cưới, cho thuê sản xuất hay đã phân lô bán nền.

Những người lính trẻ bồng súng gác trang nghiêm trước cổng doanh trại quân đội, thật đẹp và nghiêm trang biết bao. Nhưng cách họ không xa, là những bợm nhậu đang hò reo, cụng ly ngay trên nền đất được gọi là "đất quốc phòng". Đó không phải là tưởng tượng mà là một thực tế thách thức đối với tôn nghiêm quân đội. Là một vết đau với những người từng cầm súng chiến đấu.

Câu chuyện này tôi đã từng phản ánh với những người có trách nhiệm ở Bộ Quốc phòng nhưng chắc là cần phản ánh thêm. Vì có lẽ những quy trình bí mật của quân đội lâu quá mà người dân thì càng đợi càng mỏi mòn....

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã phát biểu: "Giao đất quốc phòng cho địa phương phát triển". Tôi nghĩ đại tướng nói chưa đủ. Đất quốc phòng mà không sử dụng đúng mục đích thì rà soát lại, giao cho địa phương phát triển hoặc trả lại nhân dân.

Nhân dân. Nguồn gốc cội rễ của sức mạnh quân sự Việt Nam. Nhân dân. Chưa bao giờ keo kiệt từ nắm lúa cuối cùng, củ khoai duy nhất cho đến ngay cả những đứa con mang nặng đẻ đau để cống hiến cho quân đội. Nên, quân đội cần đối xử với nhân dân đúng với tinh thần đứa con cần đối với cha mẹ: hiếu thảo.

Quân đội cần một cuộc đại rà soát đất quốc phòng để tìm ra "đất quốc phòng", tôi nghĩ vậy ! Để giao cho địa phương phát triển và quan trọng hơn là giao về cho nhân dân mảnh đất chính đáng của họ. Động thái ấy không làm quân đội suy yếu mà mạnh lên. Vì "nhiệm vụ kinh tế" của người lính chỉ thực sự hiệu quả khi gắn với nhiệm vụ chính của quân đội: quốc phòng.

Chuyên tâm nơi thao trường mới là thứ cốt lõi để quân đội tinh nhuệ. Cho thuê đất hay hoán đổi đất lấy cơ sở hạ tầng với giá nhà nước, có hợp đồng và tính thuế sẽ hiệu quả hơn cho thuê giá quân đội, không có hợp đồng. Hiệu quả kinh tế ấy tái đầu tư vào vũ khí mới có một quân đội hiện đại.

Và nhất là trả đất cho dân nếu họ đưa ra được hồ sơ chứng minh nguồn gốc đất.

Đó là cách chứng minh hữu hiệu Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự do dân, vì dân và từ nhân dân sinh ra !

P/s+: Nếu có gặp đại tướng Ngô Xuân Lịch, tôi sẽ kể những câu chuyện nói trên và chốt lại: Thưa ông, đó không chỉ là câu chuyện duy nhất mà tôi biết.

Chỉ là không biết ông Lịch chịu nghe thêm hay không mà thôi...

MAIQUỐC ẤN 25.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.