dimanche 20 décembre 2020

Hoàng Hải Vân - Cuộc chiến tại Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ


Rất nhiều học giả và các “chuyên gia” người Việt về lãnh vực kinh tế và xã hội, trong đó có cả các vị tiến sĩ dù đã học, đang làm việc hoặc giảng dạy ở Mỹ hay ở Việt Nam, nhưng vẫn không hiểu đúng về nước Mỹ và nền tự do của Mỹ.

Lý do là họ được đào tạo theo các giáo trình trang bị những tri thức ngụy tạo do các học giả phái tả viết, được phổ cập hết sức rộng rãi ở phần lớn các trường đại học Mỹ, trong đó có cả Đại học danh tiếng như Harvard. Rất nhiều trí thức “bất đồng chính kiến” và các “nhà hoạt động dân chủ”, “đấu tranh cho tự do dân chủ” ở Việt Nam được sự hậu thuẫn của các chính khách Đảng Dân chủ Mỹ hoặc muốn được các chính khách này hậu thuẫn, cũng tiếp thu những tri thức ngụy tạo cặn bã nói trên.

Nếu như họ thay được chính quyền hiện tại bằng một chính quyền theo mô hình của thứ tri thức cặn bã này, thì xin nói thẳng, cái chính quyền đó tôi đây cũng coi khinh (những dòng này chắc sẽ khiến tôi mất thêm một số “bạn bè” và “người theo dõi” trên phê tê bốc, nhưng không sao, hihi).

Những người yêu tự do cần trang bị một loại tri thức khác để tránh xa những tri thức ngụy tạo này. Đó là tri thức do các triết gia và kinh tế gia tự do chân chính đúc kết từ những thành tựu trí tuệ của tự do nhiều thế kỷ nay ở phương tây. Những thành tựu trí tuệ đó nuôi dưỡng tự do cá nhân và kinh tế thị trường, làm nên sự thịnh vượng của nước Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Nhưng từ những năm 30 của thế kỷ trước, liên tục các chính quyền từ F.D. Roosevelt đến Truman, từ Kennedy đến Johnson, từ Carter đến Clinton-Obama, đã đẩy lùi tự do và cướp đoạt nhiều tài sản của người Mỹ, những người sáng tạo và lao động chân chính (thông qua mức thuế cao ngất ngưởng) để phình to chính phủ phục vụ cho lợi ích của phe đảng mình. Có người sẽ hỏi, thế thì tại sao nước Mỹ thời Kennedy-Johnson thịnh vượng hơn thời Hoover về trước, và thời Obama thì thịnh vượng hơn thời Reagan ?


Câu trả lời là : Nếu như không có chính quyền của Đảng Dân chủ thì nước Mỹ còn thịnh vượng gấp bội. Sự thịnh vượng thời mấy ông thần Dân chủ kia chính là sự thịnh vượng mà nước Mỹ lẽ ra phải có trừ đi phần bị chính quyền của mấy ông này tước đoạt. Sở dĩ hiệu số đó vẫn còn rất lớn là vì thị trường tự do và tự do cá nhân đã cắm rễ sâu trong lòng nước Mỹ được Hiến pháp bảo vệ chỉ bị đẩy lùi, chứ không thể bị phế bỏ hoàn toàn.

Từ sau những năm 1930, những mạch nguồn tự do vẫn chảy trong lòng nước Mỹ và được bảo tồn trong các thiết chế tự do của Đảng Cộng hòa. Nhưng trước Reagan, các tổng thống và chính khách Đảng Cộng hòa thân bất do kỷ không đủ bản lĩnh chống chọi với sức mạnh khủng khiếp của hệ thống chính trị và truyền thông khuynh tả. Reagan với tài năng và bản lĩnh phi phàm đã đẩy lùi được sức mạnh này, ông đã làm hết sức mình trả lại một phần tự do cho người Mỹ, tạo cảm hứng vô biên cho khắp thế giới.

Những thành tựu mà chính quyền Reagan tạo ra cánh tả không thể xóa bỏ, nhưng bọn họ đã câu kết với nhau tái lập một sức mạnh mới, sức mạnh đó khiến cha con nhà ông Bush phải thỏa hiệp. Obama lên đã thực hiện nhiều mưu đồ mờ ám hòng áp đặt một kiểu chế độ toàn trị rộng rãi, hiểm độc và đạo đức giả. Hệ thống chính trị mà Đảng Dân chủ thiết lập được vào thời Obama thật đáng sợ, bao gồm các thiết chế chính quyền và giới trí thức rất đông đảo, thâu tóm toàn bộ các phương tiện truyền thông lớn nhất và quyền lực của các Big Tech giàu có nhất. Cho đến khi một ông dân thường được Đảng Cộng hòa cử ra để đối đầu với hệ thống khủng khiếp này, đó là Trump.

Trump lên. Tôi liên tưởng đến chàng trai ngu ngơ Thạch Phá Thiên trong tiểu thuyết Hiệp Khách Hành của Kim Dung, chỉ ngó một lượt vào các ký hiệu võ công khắc trong hang động đã nhìn ra tất cả chiêu thức, trong khi các đại cao thủ võ công thượng thừa nghiên cứu suốt 30 năm vẫn không nhìn ra. Là do đầu óc và lòng dạ anh trong trẻo, còn mấy cao thủ kia thì đã bị các tri thức võ học biến thành định kiến trong đầu, còn lòng dạ thì đầy tham vọng.

Trump không bị chi phối bởi các thiên kiến chính trị, không bán mình cho các nhóm lợi ích để kiếm danh kiếm lợi, nên ông nhìn tự do của người Mỹ như nó vốn là, nhìn nước Mỹ như nó vốn có, nhìn thế giới đúng như nó đang diễn ra. Ông thấy cái gì thật thì giữ, cái gì giả thì bỏ, thấy vô lý thì sửa, thấy bất công thì thay đổi, thấy tiền của dân Mỹ bị chính phủ cướp đoạt thì trả lại, thấy tiền của nước Mỹ mang ra vung phí trên thế giới thì quyết thu lại trả cho nước Mỹ.

Những kẻ được hưởng lợi từ cái giả đó, từ cái vô lý đó, từ sự bất công đó, từ sự cướp đoạt đó, từ sự vung phí đó không chống lại ông mới là chuyện lạ. Lần đầu tiên tại nước Mỹ, trong suốt 4 năm, các chính khách của Đảng Dân chủ chỉ tập trung một nhiệm vụ duy nhất : đánh đổ Trump. Họ không làm một điều nhứt một gì cho dân cho nước, tuyệt đối không.

Một chủ tiệm sửa xe hay anh hàng phở người Việt ở Mỹ dễ dàng hiểu Trump đúng như con người ông, nhưng một nhà kinh tế trường phái Keynes đào tạo ở Harvard thì không. Còn người Việt chúng ta ở xa nước Mỹ, phần lớn chúng ta nhìn nước Mỹ qua lăng kính của hệ thống truyền thông giả dối và những tri thức ngụy tạo được phổ cập hết sức rộng rãi trong các trường đại học và trên sách báo. Loại bỏ những định kiến và tri thức ngụy tạo này khỏi đầu óc của “giới có học” là thiên nan vạn nan.

Xin giới thiệu với các bạn trẻ một số sách nên đọc để hiểu như thế nào là tự do và xã hội tự do (chỉ giới thiệu những cuốn đã được dịch ra tiếng Việt dễ tìm). Người xưa nói “tận tín thư bất như vô thư”, nhưng đây là những cuốn sách nền tảng mà sau khi đọc, ta sẽ tự vén được lớp mây mù che lấp sự thật để có thể tự nhìn thế giới bằng cặp mắt của chính ta, chứ không phải qua lăng kính của người khác, ngay cả người khác đó là tác giả của những cuốn sách. Cái này tạm gọi là phương tiện “phá chấp” để nhìn ra sự thật.

AYN RAND : Suối Nguồn (tiểu thuyết, niềm cảm hứng vô biên về tự do cá nhân và tinh thần sáng tạo)

F.A. HAYEK có các cuốn :

* Đường về nô lệ (cuốn sách này viết từ năm 1944, không phải về nước Mỹ, nhưng vẫn đúng với nước Mỹ hiện tại).

* Tự do kinh tế và chính thể đại diện

* Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế

LUDWIG VON MISES :

* Chủ nghĩa tự do truyền thống (đọc để phân biệt tự do chân chính và tự do ngụy tạo của Đảng Dân chủ)

* Một phân tích kinh tế về chủ nghĩa can thiệp (đọc để biết sự nguy hại của nhà nước phình to).

MARGARET THATCHER- Hồi ký bà đầm thép.

JOHN LOCKE :

* Khảo luận thứ hai về chính quyền

* Vài suy nghĩ về giáo dục

KARL POPPER :

* Sự nghèo nàn của thuyết sử luận

* Tri thức khách quan

ADAM SMITH :

*Của cải của các dân tộc

EAMONN BUTLER :

*Khảo lược Adam Smith

*Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn

*Trường phái kinh tế Áo lược khảo.

DANIEL YERGIN và JOSEPH STANISLAW

* Những đỉnh cao chỉ huy - cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới (đọc để hiểu lịch sử diễn biến các nền kinh tế từ sau Đại chiến 2 , nhất là những thay đổi bắt đầu từ cuộc cách mạng Reagan-Thatcher)

MILTON FRIEDMAN :

* Vai trò của chính sách tiền tệ. Ebook của VEPR.

* Ngoài cuốn ebook trên và cuốn Capitalism and Freedom (chủ nghĩa tư bản và tự do - hy vọng sẽ được in bằng tiếng Việt), chưa thấy cuốn nào của M. Friedman in bằng tiếng Việt, nhưng có thể tìm đọc các chuyên khảo của một số tác giả người Việt hoặc người nước ngoài đã dịch ra tiếng Việt lưu hành trên mạng.

(Những tác phẩm của Hayek-Friedman chính là nền tảng tư tưởng của cuộc cách mạng Reagan-Thatcher, cũng là nền tảng tư tưởng của chính quyền Trump.Tôi không biết còn có cuốn sách nào của các tác giả nói trên dịch ra tiếng Việt hay không, nên tạm giới thiệu một số. Bạn nào đọc được tiếng Anh, có thể tra trên mạng để tìm đọc những cuốn sách khác bằng ebook của cùng tác giả. Riêng bản Hiến pháp Mỹ, hiện có hai bản dịch tiếng Việt đăng trên website của Đaị sứ quán Hoa Kỳ tại VN và trong cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm như thế nào”, nhưng cả hai bản dịch đều có những chỗ dịch sai, nếu đọc nên đối chiếu lại với nguyên bản có thể dễ dàng tìm trên mạng).

HOÀNGHẢI VÂN 20.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.