Đấy là một hiện tượng, không chỉ là vấn đề tiền bạc mà có lẽ trong lịch sử âm nhạc miền Nam hiếm có lần thứ hai.
Nhân vật tạo thành hiện tượng có một không hai ấy từ một nhạc sĩ có tên Lam Phương.
Chỉ riêng ca khúc “Thành phố buồn“ (1970) đã mang về cho ông số tiền bản quyền chưa tùng có với mọi nhạc sĩ kể cả Phạm Duy [nếu chỉ nói riêng của một ca khúc]. Hãy hình dung dễ hiểu, năm 1970 một chiếc Hoda Dame Nhật mới toanh nhập về Việt Nam nguyên thùng giá 30.000 đ /VNCH thì bản quyền của Lam Phương thu về với băng, dĩa ghi âm của “Thành phố buồn“ là 12 triệu đ/VNCH.
Lam Phương mua hẳn một biệt thự cho ông và gia đình. Người viết ca khúc “Kiếp Nghèo“ danh tiếng khi còn rất trẻ, đã thoát ra khỏi cái kiếp nghèo luôn ám ảnh mọi văn nghệ sĩ thời nào cũng thế. Số tiền bản quyền của ca khúc ấy nghe nói cũng không hề nhỏ cũng xấp xỉ “Thành phố buồn“.
Sau 1975 Lam Phương rời Sài Gòn tay trắng, nhưng không chỉ mình ông. Chuyện tiền bạc với những nghệ sĩ thường là chuyện gió mây, đến rồi đi với nhiều lý do. Lý do nào cũng đúng, hay dù đúng dù không đúng cũng là chuyện bình thường nó thế.
Lam Phương được xem là ông Hoàng của âm nhạc đại chúng Nam Việt Nam. Có người nói bình dân, thì bình dân. Có người bảo sang trọng, thì sang trọng. Nhưng ông cũng lại là người tạo nên một hiện tượng khác ở Sài Gòn miền Nam.
Lời một ca khúc nào được sửa đổi, giễu nhại mà có thể không cần biết tác giả nhạc là ai. “Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nói chuyện tâm tình, ôm nhau rồi nhảy xuống sình…” ; “Cười lên đi cho rằng dzàng sáng chói, hát lên đi cho răng dzàng tươi rói…” '’Em ơi nếu mộng không thành thì sao, mua chai thuốc chuột uống dzô rồi đời ..." v.v…thì chắc chắn 10 bài hết 8 bài của nhạc sĩ Lam Phương. Ông trở thành hiện tượng đại chúng như thế.
Và một độc đáo khác. “Tình cố đô“ là ca khúc duy nhất của Lam Phương viết về Hà Nội vào thập niên 50-60, dù tác giả chưa hề ra Hà Nội lần nào. Một ca khúc hư cấu cũng không hề dở dù chưa hẳn xuất sắc. Suốt cuộc đời ông cho đến ngày khuất bóng là thân phận ly hương.
Lam Phương có “Kiếp nghèo“ theo nhịp Tango.
Phạm Duy có “Phố buồn“ cũng theo nhịp Tango.
Hai ca khúc mà không ít người dễ dàng nhầm lẫn của người này qua người kia.
Hai tài năng âm nhạc chênh lệch tuổi, nhưng Phạm Duy, con người nổi tiếng kiêu căng vẫn dành cho Lam Phương sự nể trọng nhất định.
Và người cuối cùng của note này tôi nhớ đến, người cũng ở gần nơi tôi cư ngụ - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - giải thưởng Hồ Chí Minh cao nhất. Người mà nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất khen ngợi qua những bài mang âm hưởng, làn điệu dân ca ; khi tôi xin ông một nhận định về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Phạm Duy nói gọn “anh Tý giỏi !“.
Nguyễn văn Tý cuối đời sống nghèo và chết nghèo, và mọi so sánh đời sống đến đây suy cho cùng đều vô nghĩa.
ĐỖTRUNG QUÂN 24.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.