Năm nay tui có bài viết về những người nổi tiếng đã qua đời khá nhiều. Phải dùng từ "đắt hàng" mới chuẩn. Hầu như tháng nào cũng có, không Việt Nam thì thế giới. Định gác bút nghỉ lễ thì bác Lam Phương mất. Bác ráng thêm mấy ngày nữa để đón Noel và Tết mà không được. Tội nghiệp.
Phải nói mấy người già như tui, nghe tin ai mất là "run" lắm. Cái tuổi này bạn bè cứ lai rai, năm nào cũng vài em. Khác với mấy chục năm trước, năm nào cũng dự đám cưới.
Tui về Việt Nam, trước tiên đi thăm người thân và bạn bè. Nhiều khi không liên lạc nên đâu biết, hỏi đứa cháu ông nội đâu rồi, nó chỉ lên bàn thờ. Tui năm nay 66, bạn bè có đứa mất từ 50, 55. Bây giờ y tế tiến bộ, vậy mà nghe Chí Tài mới 62 mà ra đi, tui cũng "ớn càng" quá xá. Thôi cứ nói tại số cho rồi.
Mỗi nhạc sĩ có cái hay riêng và ai cũng có những bài "độc" làm tên tuổi lưu danh. Lam Phương có rất nhiều bài đi vào lòng người và nằm vĩnh viễn ở đó.
Ngày xưa, bản nhạc in trên khổ giấy to. Hình bìa là tên bản nhạc và hình ảnh trang trí. Lật bên trong là các dòng nhạc và lời. Nốt nhạc rất to nên dân chơi nhạc để xa vẫn thấy toàn bài hát.
Hồi đó tui ở vùng quê, mỗi lần có dịp về Saigon là bạn bè, người quen biết gởi mua giùm bài nhạc nhiều lắm. Tui ghi vào một tờ giấy tên bài hát và đi rảo các nhà sách để tìm. Nếu mua nguyên tập nhạc thì rất dễ, không thấy thì hỏi chủ họ tìm giùm. Nhưng nhạc lẻ họ để một đống, mình phải lục lọi. Kiếm được là mừng lắm, cuốn tròn lại, lấy giấy báo bọc ngoài.
Nhạc của Lam Phương thường hot, ra là hết ngay trên quầy. Mà nhà xuất bản chỉ in giới hạn vài ngàn bài. Không có phải chờ tái bản (in thêm). Viết kỷ niệm này để thương những người yêu nhạc ngày xưa.
Đến năm 70 trở đi, kỹ thuật in roneo ra đời, họ sao chép và in thành tập. Lúc này yêu thích tác giả nào là có nguyên tập giá rẻ. Các nhạc sĩ la làng. Chớ hồi đó mình mua một tờ nhạc là có phần của nhạc sĩ trong đó. Bây giờ ai còn giữ những bản nhạc rời này post hình cho bà con xem nhé.
Tui thích bài nào của Lam Phương ? Nhiều nhạc sĩ viết rất lãng mạn, nhưng Lam Phương phần nhiều là thực tế và cay đắng. Rất hợp với tâm trạng người đang "thua". Ổng có một bài xuất sắc mà đám Việt kiều như tụi tui ngân nga hoài trong đời sống : ‘’Lầm" : ‘’…anh đã lầm khi đưa em sang đây…". Hát hoài mà không nhớ, không hiểu, mà cứ từ "lầm" rồi sang "lỡ" cũng chưa chừa. Cũng may, ổng có bài vớt vát : Em đi rồi. Thế là xong, như một lời an ủi.
Bài Thành Phố Buồn đang đúng với bà con bây giờ. Thành phố nào trên cả thế giới cũng buồn, ngay cả những thành phố chưa bao giờ ngủ ở New York hay Las Vegas, Paris...Ngay cả lúc chiến tranh toàn địa cầu cũng chưa như vậy. Ôi có đâu ngờ đó là lời tiên tri.
Tui mong ổng ở thế giới bên kia có một thành phố khác, cũng đủ các khuôn mặt thân quen của hội văn nghệ ngày nào. Ai yêu nhạc, yêu thơ văn đều là hội viên mà. Xin mượn câu hát của ông để nói rằng định mệnh của ông đã được dành sẵn:
Giờ một mình anh lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu....
Chỉ đớn đau trong tim.
JIMMYNGUYEN NGUYEN 23.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.