Hơn một năm kể từ ca nhiễm virus corona ở người đầu tiên được ghi nhận, một cuộc điều tra của AP cho thấy chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tất cả các nghiên cứu về nguồn gốc của virus. Họ chặn một số thông tin, trong khi lại tích cực thúc đẩy các giả thuyết cho rằng nguồn gốc của virus có thể là từ bên ngoài Trung Quốc.
AP thấy rằng chính phủ Trung Quốc tài trợ hàng trăm nghìn đô la cho các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc của virus ở miền nam Trung Quốc. Nhưng theo các tài liệu nội bộ mà AP thu thập được, chính phủ giám sát các kết quả nghiên cứu. Và yêu cầu rằng việc công bố bất kỳ dữ liệu hoặc kết quả nghiên cứu nào cũng phải được sự chấp thuận của một lực lượng chuyên trách mới do nội các Trung Quốc quản lý, nhận lệnh trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhờ một vụ lộ thông tin hiếm hoi từ nội bộ chính phủ Trung Quốc, hàng chục trang tài liệu chưa từng được công bố đã xác nhận điều mà nhiều người đã nghi ngờ từ lâu: Có cuộc trấn áp thông tin theo lệnh từ cấp cao nhất.
Kết quả là rất ít thông tin được công bố. Chính quyền Trung Quốc hạn chế thông tin nghiêm ngặt và cản trở việc hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.
Cuộc điều tra của AP dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc cũng như của nước ngoài, cùng với các thông báo công khai, các email bị rò rỉ, dữ liệu nội bộ và tài liệu từ nội các Trung Quốc, cũng như từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc. Nó cho thấy một hình thái kiểm soát và giữ bí mật của chính phủ và từ trên xuống, thể hiện rõ trong suốt đại dịch.
Như AP đã tường thuật trước đây, tập quán này đã trì hoãn việc đưa ra cảnh báo về đại dịch, ngăn chặn sự chia sẻ thông tin với Tổ chức Y tế Thế giới và cản trở công tác xét nghiệm sớm. Các nhà khoa học hiểu biết về hệ thống y tế công của Trung Quốc cho biết cách làm việc tương tự cũng áp dụng cho các cuộc nghiên cứu nhạy cảm.
Đại dịch đã làm mất uy tín của Bắc Kinh trên thế giới và các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về bất kỳ kết quả nghiên cứu nào có thể gợi ý rằng Trung Quốc đã sơ suất liên quan đến sự lây lan của virus.
Việc nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19 là rất quan trọng để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Mặc dù một nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới có kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 1 để điều tra nguyên nhân bắt đầu đại dịch, song nhân sự và chương trình của nhóm này phải được Trung Quốc chấp thuận.
Một số chuyên gia y tế công cảnh báo rằng việc Trung Quốc từ chối cho phép các nhà khoa học quốc tế được tiếp cận nhiều hơn đã gây hại cho sự hợp tác toàn cầu, mà chính nhờ có sự hợp tác như vậy người ta đã xác định chính xác được nguồn gốc của dịch SARS cách đây gần hai thập kỷ.
Cuộc điều tra âm thầm về nguồn gốc của Covid-19 cũng cho thấy chính phủ Trung Quốc đã cố gắng lái nội dung câu chuyện ra sao.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu ở chợ Hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi phát hiện ra nhiều ca nhiễm virus corona ở người đầu tiên. Ban đầu, các nhà khoa học nghi ngờ virus đến từ động vật hoang dã bán ở chợ, chẳng hạn như con cầy từng bị cho là có liên quan đến sự lây lan SARS.
Dữ liệu nội bộ của CDC Trung Quốc mà AP thu thập được cho thấy đến ngày 10 và 11/1, các nhà nghiên cứu đã phân tích hàng chục mẫu môi trường từ Vũ Hán. Gary Kobinger, một nhà vi trùng học người Canada tư vấn cho WHO, đã gửi email cho các đồng nghiệp của mình để chia sẻ mối lo ngại của ông rằng virus có nguồn gốc từ khu chợ.
Ông viết vào ngày 13/1: “(Virus) Corona này rất giống với SARS. Nếu chúng ta loại bỏ chuyện đây là một sự tình cờ ... thì tôi thấy cần tìm hiểu về những con dơi ở những khu chợ này (cả những con được bán và ‘những con hoang dã’)”.
Đến cuối tháng 1, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng 33 trong số các mẫu môi trường có kết quả dương tính. Trong một báo cáo gửi đến WHO, các quan chức cho biết 11 mẫu có mức độ giống với virus corona chủng mới tới hơn 99%. Họ cũng nói với cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc rằng có nhiều chuột ở chợ, và hầu hết các mẫu dương tính đều tập trung tại một khu vực nơi mà người ta buôn bán động vật hoang dã.
Khi virus tiếp tục lây lan nhanh chóng vào tháng 2, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt tài liệu nghiên cứu về Covid-19. Sau đó, một bài báo cáo nghiên cứu của hai nhà khoa học Trung Quốc cho rằng virus có thể đã bị lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán gần khu chợ, mặc dù họ không có bằng chứng cụ thể. Bài báo cáo đó về sau đã bị gỡ xuống, nhưng nó làm cho Trung Quốc thấy càng cần phải tăng cường việc kiểm soát về hình ảnh của họ.
Các tài liệu nội bộ cho thấy nhà nước Trung Quốc chẳng bao lâu bắt đầu yêu cầu tất cả các nghiên cứu về virus corona ở Trung Quốc phải được các quan chức chính phủ cấp cao phê duyệt - một chính sách bị giới chỉ trích cho rằng đã làm tê liệt các nỗ lực nghiên cứu.
Vào ngày 3/3, Quốc vụ viện - nội các Trung Quốc - ra quy định rằng thẩm quyền về toàn bộ các công bố về Covid-19 được tập trung vào vào một lực lượng đặc nhiệm.
Vào ngày 25/5, giám đốc CDC Trung Quốc cuối cùng đã lên tiếng về khu chợ ở Vũ Hán khi ông trả lời phỏng vấn với đài Phượng Hoàng của Trung Quốc. Ông cho biết rằng không giống như các mẫu môi trường, không có mẫu động vật nào từ khu chợ cho kết quả dương tính.
Vì việc nghiên cứu về khu chợ đi vào ngõ cụt, các nhà khoa học chú ý nhiều hơn đến việc truy tìm nguồn gốc của virus ở dơi.
Cách khu chợ tươi sống Vũ Hán hơn 1.500 kilomet là những hang động đá vôi ngầm ở tỉnh Vân Nam, nơi rất nhiều dơi sinh sống. Mã gien di truyền của virus corona rất giống với mã gien di truyền của virus corona ở dơi, và hầu hết các nhà khoa học đều nghi ngờ rằng Covid-19 đã truyền sang người hoặc là trực tiếp từ dơi hoặc là qua động vật trung gian.
Trong khi chính quyền Trung Quốc kiểm soát việc nghiên cứu ở trong nước, họ cũng thúc đẩy các giả thuyết cho rằng virus này đến từ nơi khác.
Có các tài liệu cho thấy, chính phủ Trung Quốc đã cấp 1,5 triệu nhân dân tệ (230.000 đô la) cho Bi Yuhai, nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc được giao đứng đầu cuộc nghiên cứu về nguồn gốc virus. Một bài báo cáo nghiên cứu do Bi làm đồng tác giả cho rằng một ổ dịch ở một khu chợ Bắc Kinh hồi tháng 6 có thể là do lô hàng cá đông lạnh bị nhiễm bệnh nhập vào từ châu Âu.
Các phương tiện truyền thông do chính phủ Trung Quốc kiểm soát khai thác giả thuyết này để quy ra rằng ổ dịch ban đầu ở Vũ Hán có thể bắt đầu từ hải sản nhập khẩu từ nước ngoài - một quan điểm bị các nhà khoa học quốc tế bác bỏ. WHO đã nói rằng có rất ít khả năng người ta có thể bị nhiễm Covid-19 qua thực phẩm đóng gói, và luận điệu cho rằng Covid-19 không phải bắt đầu ở Trung Quốc là một điều “hầu như chỉ có tính chất suy đoán”.
Báo chí nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin rất nhiều về các nghiên cứu ban đầu từ châu Âu cho thấy Covid-19 được tìm thấy trong các mẫu nước thải ở Ý và Tây Ban Nha vào năm ngoái. Nhưng các nhà khoa học đã bác bỏ phần lớn các nghiên cứu này, và bản thân các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng họ không tìm thấy đủ các mảnh virus để xác định chính xác xem đó có phải là virus corona hay không.
Và trong vài tuần gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nói không đầy đủ về bối cảnh một cuộc nghiên cứu của một nhà khoa học người Đức, và diễn dịch rằng nghiên cứu đó cho thấy đại dịch có thể đã xuất phát ở Ý. Nhưng chính nhà khoa học Đức đó, Alexander Kekule, Giám đốc Viện Nghiên cứu An toàn Sinh học, đã nói nhiều lần rằng ông tin là loại virus này xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc.
Các tài liệu nội bộ cho thấy chính phủ Trung Quốc cũng đã tài trợ các nghiên cứu về khả năng tê tê Đông Nam Á có thể đóng vai trò là một động vật trung gian. Trong vòng ba ngày hồi tháng 2, các nhà khoa học Trung Quốc đã tung ra 4 báo cáo riêng rẽ về virus corona liên quan đến Covid-19 hiện diện ở những con tê tê Malayan được vận chuyển lậu từ Đông Nam Á và bị các quan chức hải quan ở Quảng Đông bắt giữ. Nhưng nhiều chuyên gia nói rằng giả thuyết này khó có thể xảy ra.
Một báo cáo của WHO được lập hồi tháng 7 nhưng được công bố vào tháng 11 cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định được 124 ca nhiễm virus ở người vào tháng 12/2019, bao gồm 5 ca ở ngoài Vũ Hán. WHO sắp cử đoàn công tác đến Trung Quốc, và một trong số các mục tiêu của đoàn là xem xét lại các hồ sơ bệnh án của giai đoạn trước tháng 12.
Chuyên gia về virus corona Peter Daszak, một thành viên của đoàn WHO, cho biết việc xác định nguồn gốc của đại dịch không phải là để sử dụng nhằm quy tội. Ông nói: “Tất cả chúng ta cùng với nhau đều là một phần của sự việc này. Và chừng nào chúng ta không nhận ra được điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề này".
ĐOÀNKHẮC XUYÊN 31.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.