TV đưa tin về một hội nghị nào đó về miền Tây, rằng GDP trên đầu người của Miền Tây thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả nước. Miền Tây rõ ràng là nghèo.
Đến tối xem một clip du lịch trên sông Nho Quế, Hà giang. Thấy anh gì đó đặt 60 cái bẫy bắt cá tôm trên sông Nho Quế. Sau một ngày đi thăm bẫy, được một dĩa nhỏ tép (ngoài đó gọi là tôm) và khoảng hai, ba con cá bằng hai ngón tay (được gọi là cá to). Sau đó xem mấy clip đi bắt cá ăn chơi ở miền Tây. Thật là một trời một vực. Chỉ một cái đìa thôi, là vài chục ký cá, mà con nhỏ nhỏ, cỡ ba ngón tay là vứt trở lại, cho nó lớn.
Thiên nhiên ban tặng quá nhiều cho miền Tây, vậy mà sao miền Tây lại nghèo?
Có lẽ, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là con người. Trong gia đình, đứa con nào được nuông chiều nhiều, đứa đó khi ra đời sẽ vất vả khi gặp những khó khăn cần phải vượt qua. Người dân miền Tây không phải lo đói, chẳng phải lo thiên tai. Ra đồng là có cá, ra vườn là có rau, thả vài hạt lúa xuống mấy tháng sau có gạo ăn. Thiên nhiên đã quá nuông chiều họ, làm giảm khát vọng làm giàu của họ.
Tương tự vậy, ở Đà Lạt, trồng cái cây xuống là sống, là phát triển. Chăm sóc nó thì nó phát triển tốt, năng suất cao. Không chăm sóc gì nó vẫn tốt. Mấy khu vườn cà phê xung quanh nhà tôi xanh um, trái đỏ rực. Vậy mà quanh năm chủ vườn không cần tưới, chỉ có đến mùa là vô thu hoạch, một năm chỉ làm cỏ một lần.
Gia đình một cậu lái xe của tôi ở Bến Tre, có mấy mẫu vườn. Ba má cậu ấy bằng tuổi tôi, suốt ngày đi đám, hôm nào không có đám thì ra quán karaoke hát chơi. Một năm làm việc tổng cộng không đến 20 ngày, mà chủ yếu là trông coi thợ làm vườn. Thu nhập mỗi năm cả tỉ đồng. Cậu con thì cứ thích lên thành phố lái xe, dù cho cha mẹ yêu cầu về quê, mua xe cho chạy, cũng không chịu.
Khi tụi tôi đến chơi đột xuất. Ông bà ra vườn bắt con cá lóc dưới mương, lại bắt thêm được con rắn, và mấy con cóc, hái mớ rau tự mọc trong vườn. Chừng 1 giờ là có bữa cơm thịnh soạn đãi khách. Ông bà cho biết, cả năm, gần như ngoài mua gạo, mắm muối, và trả tiền điện ra, thì rất ít khi phải xài đến tiền.
Cho nên, người miền Tây, cũng giống như người Đà Lạt, họ bằng lòng với cuộc sống của mình, không thích bon chen. Chính vì vậy mà đòi hỏi ở họ tác phong làm việc công nghiệp là không tưởng. Thực ra thì khi có tiền, có của, có đầy đủ những thứ khác, con người ta lại mong muốn được sống ung dung tự tại như những người dân miền Tây, hoặc Đà lạt.
Nhưng cũng phải kể đến một nguyên nhân, mà theo tôi, là rất quan trọng, đó là sự đầu tư của nhà nước cho miền Tây. Trong khi ở miền Bắc, hệ thống cao tốc chằng chịt, nhiều chỗ chẳng có mấy xe đi, người dân kê bàn ra cao tốc ngồi nhậu, thì ở miền Tây, việc di chuyển là cực kỳ khó khăn. Thỉnh thoảng cũng có đầu tư, nhưng đầu tư ở nơi chưa cần thiết, như ở Cai Lậy, với mục đích lập trạm BOT thu tiền.
Ai đi miền Tây bây giờ cũng phải tính toán đến chuyện kẹt xe. Cả miền Tây có được chừng 40 km cao tốc, cuối tuần nào cũng kẹt cứng. Đoạn quốc lộ 1 đi miền Tây, từ TP HCM cho đến cầu Mỹ Thuận, thì kẹt thôi rồi kẹt. Cơ sở hạ tầng như vậy thì làm sao mà miền Tây phát triển cho được. Người dân miền Tây có ý chí phát triển, muốn làm giàu, lại gặp khó khăn về hạ tầng, ngăn trở họ phát triển.
Bây giờ, đứng trước nguy cơ nước biển dâng, nhà nước không tính đến việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước lợ hoặc nước mặn, tìm đường tiêu thụ sản phẩm, mà cứ để người dân tự loay hoay với lúa và trái cây nước ngọt, thì làm sao mà thoát khỏi nghèo.
Tại sao nhà nước không chọn một vùng cao, đắp đê ngăn mặn để trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực trong nước, còn lại thì chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản? Tại sao cứ phải xuất khẩu gạo, trong khi xuất khẩu cá tôm mang lại nhiều lợi nhuận hơn? Mà như vậy, số tiền đầu tư ngăn mặn sẽ ít hơn, phù hợp với khả năng đầu tư của đất nước.
Để cho miền Tây trù phú, nơi được thiên nhiên ưu đãi, trở thành nơi nghèo khổ, là sự yếu kém của hệ thống quản lý đất nước, là có tội.
VÕXUÂN SƠN 23.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.