mercredi 23 décembre 2020

Huỳnh Duy Lộc - Nhạc sĩ Lam Phương từ trần


Nhạc sĩ Lam Phương đã nhập viện cấp cứu ở bệnh viện thành phố Fountain Valley, bang California vào trung tuần tháng 12.2020 khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Ông vừa từ trần vào ngày 22.12.2020 (giờ Mỹ) ở tuổi 83.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá, là con trai trưởng trong một gia đình gồm 6 người con. Cha ông sớm bỏ về Saigon mưu sinh, và cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên chính ông cũng phải về Saigon khi mới 10 tuổi, tìm một công việc để phụ giúp gia đình. Ông tự học nhạc lúc 13 tuổi và bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi, may mắn có được hai người thầy hướng dẫn là nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương.

Ông đã sáng tác trên dưới 200 nhạc phẩm, từ nhạc phẩm đầu tay “Chiều thu ấy” (năm 1952) cho đến khi lâm trọng bệnh vào năm 1999. Nhạc của Lam Phương đa dạng về thể điệu và đề tài: tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi, tình quê hương, người lính… Và nguồn cảm hứng sáng tác của ông rất chân thực, xuất phát từ chính cuộc đời ông hay cảm nhận về cuộc đời của người thân và bạn bè.

Thành công trong sự nghiệp, nhưng duyên tình của ông có nhiều nỗi bất hạnh. Người vợ đầu là nữ diễn viên kịch nói Túy Hồng đã chia tay ông một thời gian ngắn sau khi định cư ở Mỹ, rồi người vợ thứ hai kết hôn tại Pháp, và người vợ thứ ba gặp gỡ khi trở về Mỹ cũng rời xa ông.


Nữ nghệ sĩ Túy Hồng sinh tại Bình Dương và lớn lên tại Saigon. Túy Hồng có người anh trai là bạn thân của Lam Phương, những ngày thứ Bảy và Chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để đàn hát và dạy hát cho Túy Hồng. Túy Hồng rất ngưỡng mộ Lam Phương và ông cũng thấy chưa có cô gái nào hát nhạc của mình hay bằng Túy Hồng.

Vào thời kỳ này, Lam Phương đang hợp tác với ban nhạc kịch Dân Nam nên đề nghị Túy Hồng cùng với mình đầu quân cho Dân Nam. Từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình bày các ca khúc của Lam Phương và rất thành công với các ca khúc như: “Đèn khuya”, “Kiếp nghèo”, “Kiếp ve sầu”, “Tiễn người đi”, “Chiều tàn” và “Phút cuối”. Lam Phương - Túy Hồng kết hôn năm 1959 và đến năm 1968, cô đứng ra thành lập một đoàn kịch mang tên “Sống -Túy Hồng”.

Chính đoàn kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng lên tột đỉnh vinh quang. Đoàn kịch Sống - Túy Hồng đã đưa các bài tình ca của Lam Phương vào các vở diễn thành công và mỗi tối thứ Năm hàng tuần, Đài truyền hình Việt Nam lại có những vở kịch của ban kịch “Sống - Túy Hồng” với nhạc hiệu mở đầu là ca khúc “Thu sầu” của Lam Phương với giọng ca Túy Hồng.


Ngày 30 tháng 4 năm 1975, vào phút chót Lam Phương và Túy Hồng đã lên tàu Trường Xuân ra khơi. Vì trước đó không có ý định ra đi nên Lam Phương đã xuống tàu với hai bàn tay trắng. Đến định cư tại Mỹ, để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho đến những việc nặng nhọc như làm thợ mài, thợ tiện…

Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, mỗi cuối tuần, ông thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để Túy Hồng và ông có cơ hội sống lại với nhạc kịch. Chính trong khoảng thời gian này, Túy Hồng đã “ôm cầm sang thuyền khác”. Trong tâm trạng đau khổ, uất hận, Lam Phương đã viết ca khúc “Lầm” với những câu hát chua xót.

Lam Phương rời nước Mỹ để trốn chạy nỗi đau, sang Paris làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác… Và một ngày kia, ông đã gặp được một tình yêu mới, tâm hồn như được hồi sinh. Ông đã sáng tác những ca khúc ngợi ca tình yêu như: “Mùa thu yêu đương”, “Tình đẹp như mơ”, “Bài tango cho em” và ”Tình hồng Paris”.


Một trong những ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của Lam Phương là ca khúc theo điệu slow rock “Thành phố buồn” viết khi ông cùng đoàn văn nghệ quân đội Hoa Tình thương lên trình diễn ở thành phố Đà Lạt. Ca khúc này đã thành công vượt bậc sau khi được giới thiệu trong một vở kịch của đoàn kịch Sống của nữ nghệ sĩ Túy Hồng, đã lập kỷ lục về phát hành với hàng triệu bản nhạc được bán ra và được coi là một trong những ca khúc hay nhất về Đà Lạt.

Lam Phương đã kể về thời điểm sáng tác nhạc phẩm thành công nhất của mình: “Năm 1970, tôi theo Ban Văn nghệ Hoa Tình thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết “Thành phố buồn”.

Trong tác phẩm khảo cứu “Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương" (Phanbook xuất bản, tháng 10.2019), nhà báo Nguyễn Thanh Nhã có cảm nhận về ca khúc "Thành phố buồn": "Đà Lạt chiếm vị trí quan trọng trong giới hoạt động nghệ thuật miền Nam trước 1975... So với các nhạc sĩ cùng thời, Lam Phương có sáng tác về Đà Lạt hơi muộn... "Thành phố buồn" của Lam Phương ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội trình diễn ở Đà Lạt.

Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, "đường quanh co quyện gốc thông già", hay "con đường ngày xưa lá đổ"... mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe... Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe "Thành phố buồn" có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm..." (Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương, tr. 118, 119)

Về sau, Lam Phương có kể rằng ông từng có "mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Bài hát được viết trong lần ông đi Đà Lạt nhưng không có Hạnh Dung bên cạnh. Đà Lạt với ông và Hạnh Dung có quá nhiều kỷ niệm. Vì nhớ người yêu trong một khung cảnh lãng mạn giữa phố núi sương mù trong ngôi nhà trọ be bé mà ông viết "Thành phố buồn". (Nhạc sĩ Lam Phương kể chuyện tình, Dạ Ly, báo Thanh Niên)


THÀNH PHỐ BUỒN

Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa, nắng hôn nhẹ làm hồng môi em

Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn.

Một sáng nào nhớ không em ngày chủ nhật ngày của riêng mình

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa

Người lưa thưa chìm dưới sương mù

Qùy bên em trong góc giáo đường

Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương

Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa, rồi từ đó trốn phong ba em làm dâu nhà người

Âm thầm anh tiếc thương đời đau buồn em khóc chia phôi

Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.

Thành phố buồn lắm tơ vương cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn

Và con đường ngày xưa lá đổ, giờ không em sỏi đá u buồn

Giờ không em hoang vắng phố phường

Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương

Tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu.

HUỲNHDUY LỘC 23.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.