jeudi 24 décembre 2020

Bùi Đình Thăng - Lam Phương


Tango là một thể loại rất khó viết nhạc. Nên các nhạc sĩ sau khi thành danh thường sẽ dành thời gian và tâm huyết để viết cho ra một bài tango để chứng tỏ tài nghệ.

Một trong những bản tango nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam - « Kiếp nghèo » - được Lam Phương viết năm 17 tuổi.

Ngày ấy, chàng trai mang tên Lâm Đình Phùng sống với người mẹ đơn thân trong căn nhà xập xệ ở Đa Kao. Nửa đêm mưa lớn, từ mấy lỗ dột nước tuôn xuống như suối, chàng cảm tác viết ra luôn bản “Kiếp nghèo”. Giai điệu tango vui tươi dìu dặt, nhưng lời ca thì buồn tả tơi. Và từ đó, huyền thoại Lam Phương bắt đầu.

Một trong những lý do khiến tôi yêu thích những bữa nhậu là được nghe anh Binh Bong Bot kể chuyện âm nhạc. Những bài hát vốn đã hay, qua những câu chuyện anh kể, khi nghe lại thấy càng hay gấp bội. Và với Lam Phương, mỗi bài hát của ông lại là một câu chuyện.

Chuyện tình, rõ ràng rồi. Nhưng chuyện tình của Lam Phương thì muôn hình vạn trạng, có cái ngập ngừng buổi ban đầu (Biển tình), có nỗi cô đơn ở một nơi xa (Thành phố buồn), có cái lo xa muôn thuở “em ơi nếu mộng không thành thì sao” (Duyên kiếp), có thất tình đi nhậu (Say), có nỗi sầu tự kỷ (Một mình). Tình yêu trong nhạc của Lam Phương cũng có những lúc rất vui như trong “Bài tango cho em” (Từ ngày có em về, nhà mình tràn đầy ánh trăng thế) nhưng chủ đạo vẫn là “Tình bơ vơ”.

Nhưng có lẽ khán thính giả nên cám ơn lực lượng… bồ cũ hùng hậu của Lam Phương. Bởi vì những mối sầu họ gieo đều đã được ông phơi lên những khuôn nhạc. Và dù đã có những lúc tuyệt vọng đến mức phải… đổ thừa (Tôi đã lầm đưa em sang đây), đến mức phải nghĩ đến chuyện tự vẫn (Thà cuộc đời im trong lòng đất) nhưng nhìn chung ông vẫn là một người đàn ông quá cao thượng. Bao nhiêu uất hờn đều được chuyển hết vào tinh hoa âm nhạc.

Thúy Nga Paris làm cho ông tổng cộng 5 chương trình lớn, vậy mà cũng chỉ tải chưa được phân nửa sáng tác của ông. Ông viết quá nhiều (hơn 200 bài) và quá hay. Bên cạnh tình yêu trai gái còn có tình yêu mẹ (Kiếp nghèo), tình yêu nước (Chuyến đò vĩ tuyến), yêu lính (Tình anh lính chiến), yêu những số phận long đong (Cho em quên tuổi ngọc), yêu văn hóa Việt (Trước lầu Ngưng Bích)…

Trong các câu chuyện kể về Lam Phương, mình thích nhất là tình yêu ông dành cho Bạch Yến, người sau này sẽ trở thành con dâu của giáo sư Trần Văn Khê. Ngày ấy ông yêu Bạch Yến, nhưng 19 tuổi nàng đã lên đường sang Pháp học nhạc. Và ở hải ngoại, tên tuổi Bạch Yến đã vang lừng bốn bể. Cô từng được Ed Sullivan mời lên show ở Mỹ, thu hút cả chục triệu người xem. Bạch Yến từ bệ phóng là show của Ed Sullivan đã ở lại Mỹ lưu diễn thêm chục năm nữa, đứng ngang hàng với những nghệ sĩ lừng danh của xứ cờ hoa.

Rồi một hôm nàng về Việt Nam, mối tình năm nào bỗng dưng sống lại trong lòng Lam Phương. Và đó là lúc hàng loạt những tuyệt phẩm ra đời: Chờ người, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tiễn Người Đi, Tình Chết Theo Mùa Đông, Thu sầu, Tình bơ vơ…

Hãy coi ông viết:

“Mười năm trời chẳng thương mình

Để anh thành kẻ bạc tình

Cầu xin cho mây về vui với gió

Dù có qua bao đắng cay

Muôn đời anh vẫn chờ em.”

(Chờ Người)

“Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu

Nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau…”

(Thu Sầu)

“Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi

Gom góp yêu thương quê nhà

Dâng hết cho người tình xa!”

(Tình Bơ Vơ)

Tuy trách là em gom yêu thương quê nhà dâng cho tình xa, nhưng đoạn sau Lam Phương vẫn… năn nỉ:

“Cho anh xin một đêm trăn trối

Tìm đồng tro tàn năm xưa

Dâng hết cho lần yêu cuối”.

Cảm xúc gì mà thật thế không biết. Dẫu biết không thể có tương lai mà vẫn “xin lần yêu cuối”. Toàn bộ những bài hát viết cho Bạch Yến này đều được viết khi ông đã lập gia đình với kịch sĩ Túy Hồng !

Cảm xúc nghệ sĩ trong Lam Phương quá mạnh. Nên nghe Lam Phương viết nhạc thất tình, ai cũng có cảm giác là ông sắp… chết đến nơi. Nhưng không, ông vẫn yêu đời, sống vui vẻ và tốt bụng với mọi người. Bởi thế mà dù đã ngồi xe lăn suốt 20 năm cuối đời, các bầu show luôn book ông đến xem show của chính mình, vì mọi người đều tha thiết được nhìn thấy thần tượng ngoài đời.

20 năm ngồi xe lăn, chiến đấu với bệnh tiểu đường, mấy bận đột quỵ, rốt cục trái tim của người nghệ sĩ tài hoa ấy cũng ngừng đập. Ông đã trải qua đủ mọi vinh quang tủi nhục, từ chỗ viết “Thành phố buồn” lấy tiền tác quyền cao nhất lịch sử, dư mua 4 căn nhà và mấy chục chiếc xe hơi cho đến khi phải làm bồi bàn, rửa chén, quét dọn buổi đầu vượt biên sang Mỹ. Từ chỗ bao lần được lên “thiên đàng ái ân” cho đến phải bất lực thốt lên “Tôi đã lầm đưa em sang đây”.

Lam Phương, cũng như chú Chí Tài, là những người mà ta nên cảm thấy nhẹ lòng trước sự ra đi của họ. Vì những gì họ muốn làm, phải làm đều đã toại ý rồi.

Cuộc đời này ai cũng phải đi đến điểm cuối cùng. Quan trọng là ta làm được gì trên hành trình đó. Lam Phương đã có một cuộc đời đáng sống. Giờ nên mừng ông đã đến một nơi tốt hơn. Ở đó chắc chắn sẽ không còn cảnh “sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình”. Chú Chí Tài sẽ đành đàn, và hát cho chú nghe những khúc hoan ca. Nếu có Anh Tú, Ngọc Lan, Lê Uyên Phương thì còn có thể mở liveshow “Thiên đàng ái ân” rồi.

BÙI ĐÌNH THĂNG 23.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.