Chuyện bây giờ mới kể.
Trong đời làm báo của tôi, có hai lần tôi bị kỷ luật. Lần đầu (2006) thì bị khiển trách vì thiếu nhạy cảm, làm lộ bí mật nhà nước về an ninh tiền tệ. Và lần sau đó, cách nhau 2 năm (2008) bị cách chức Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, thì cũng dính dáng đến lộ bí mật điều tra - vụ quan chức PMU18 cá độ bóng đá quốc tế cả triệu đô rồi họ chạy án...
Việc này xảy ra cũng từ 2006 khi Đại hội Đảng toàn quốc đang diễn ra. Nhưng mãi đến năm 2008 họ mới đưa ra xét xử và kỷ luật các nhà báo.
Suy cho cùng cũng là “thời điểm nhạy cảm”, khi mà chính trường đang có những người lợi dụng báo chí để đánh người nọ, thụi người kia kiểu “ném đá giấu tay” hòng tranh giành địa vị, quyền lực. Nhiều khi là rất thiếu trong sáng.
Việc này nhiều nhà báo chúng tôi chưa chắc đã thấu hiểu đến tận cùng câu chuyện của họ. Vì thế cho nên cứ thấy có cơ sở và thấy cần phanh phui, cần lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực là lao vào viết.
Và đó chính là một bài học mà các nhà báo chúng ta nên cân nhắc trước khi đặt bút.
Chuyện tiền polymer mà tôi bị kỷ luật dưới đây, sâu xa cũng lại là như thế ! Mời mọi người ghé đọc trên Tuần Việt Nam/ VietNamnet vừa ra hôm nay.
(Trích)
… Vụ việc mà báo chí rầm rộ lên tiếng vào năm 2006 về tờ tiền polymer mệnh giá 100 nghìn và 20 nghìn chất lượng kém, nhòe khi lưu thông đã khiến báo chí tranh thủ khai thác tối đa, thậm chí hơi quá đà. Vì thế đã có báo bị đình bản.
Một loạt hoài nghi ngày ấy được rộ lên, đại loại như có gì tiêu cực trong chuyện quyết định in tiền polymer của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mà người “lĩnh đủ” ngày đó có cựu Thống đốc Lê Đức Thúy. Cuối cùng, các cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan An ninh tiền tệ Bộ Công an, Interpol... nhập cuộc và kết luận không hề có như đồn đoán. Dù sau đó được minh oan, mọi thứ với ông Thúy về sự nghiệp cũng không còn mấy ý nghĩa vì Đại hội cũng đã qua.
Phán quyết của Tòa án Úc sau đó về nghi vấn tiêu cực liên quan đến polymer không hề có tên Việt Nam. Nhưng khi “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Cụ thể, năm 2009, Cảnh sát Liên bang Úc bắt đầu điều tra cáo buộc hối lộ các quan chức nước ngoài của công ty Securency and Note Printing Australia Pty Ltd (NPA) và một số nhân viên, đại lý để có hợp đồng tiền polymer ở Malaysia, Nepal, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến khi họ vào cuộc điều tra và tuyên án, chỉ có Malaysia, Indonesia vướng vào vòng vi phạm pháp luật mà không hề có Việt Nam như nghi vấn ban đầu.
Sau này tôi có hỏi anh em cấp dưới - những người viết bài cho tôi duyệt và hỏi các đồng nghiệp báo bạn thì mới biết là nội bộ họ “chơi” nhau để loại bớt ứng cử viên khỏi cuộc chơi. Vị lãnh đạo “ném đá sau lưng” nọ thì nín thở chờ thời cơ đến với mình... Cũng may cho đất nước, những người có hành vi không trong sáng ngày ấy cũng đã được những người có trách nhiệm nhận ra.
Trong khi đó, anh em làm báo có thể có người rất biết hoặc có người cũng chỉ vô tình mà hăng hái vào cuộc.
Thực tế đã giúp chúng ta thấy rõ, tiền polymer của Việt Nam rất tốt và không như ngày đó suy diễn với đầy sự nghi ngờ chưa đúng và thiếu công tâm xét về tổng thể.
…Hôm 4/12, trong một cuộc tọa đàm mang tính lịch sử về hình tượng Hồ Chủ tịch trong giấy bạc Việt Nam được tổ chức nhằm hướng về truyền thống 70 năm ngành Ngân hàng Việt Nam, bà Phạm Thị Nhàn, nguyên Trưởng phòng thuộc Cục An ninh tiền tệ, Bộ Công an nhắc lại chuyên án đặc biệt mang bí số TG 93 (tức vụ tiền giả năm 1993).
Những người chỉ huy trận đánh ngày đó là Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo và Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó tổng cục trưởng An ninh, khi đó là Cục trưởng An ninh Kinh tế trực tiếp đánh án.
Bà Nhàn cho biết một cuộc đấu tranh thầm lặng, gian nan trong một thời gian dài phá án để chống tiền giả tuồn vào nước ta. Bọn chúng tổ chức đường dây tinh vi, đưa từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam 15 tấn tiền, chứa đầy trong 2 container. Một chiến công rất đáng nể phục vì nếu không, số tiền trên sẽ phá hoại kinh tế nước nhà nguy hiểm đến thế nào?
Việc Chính phủ quyết định cho phép in tiền polymer là rất cần thiết khi biên giới của chúng ta còn rất nhiều đường mòn lối mở, rất dễ tuồn tiền giả từ nước ngoài vào.
QUỐCPHONG 18.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.