mercredi 30 décembre 2020

Mạc Văn Trang - Một biểu tượng tranh đấu


Hôm qua bạn Trần Thị Hài đến chơi thăm vợ chồng mình. Hài nhỏ hơn Kim Chi mấy tuổi, cứ chị chị, em em rất thân tình.

Ối Trời ơi ! Hóa ra Trần Thị Hài là người phụ nữ trong tấm hình giơ nắm đấm trước sứ quán Trung Quốc, thét lên phản đối Trung cộng xâm lược, trong cuộc biểu tình năm 2011 tại Hà Nội. Một tấm hình biểu tượng của lòng yêu nước sôi sục và căm phẫn tột cùng đối với quân xâm lược. Một biểu tượng đáng được ghi vào lịch sử.

Người phụ nữ trong tấm hình đó chính là Trần Thị Hài bằng xương bằng thịt đang ngồi đây ! Sau gần 10 năm, trải qua bao nhiêu cơ cực, nay Trần Thị Hài vẫn in đậm nét trong tấm hình người phụ nữ ngày ấy.

Trần Thị Hài ở Bình Dương, sao lại ra Hà Nội biểu tình, là một câu chuyện dài.

Trần Thị Hài cùng quê ở Đông Anh Hà Nội với cụ Tổng Trọng đấy. Sau bao nhiêu phấn đấu công tác, chiến đấu gian khổ, năm 1968 Hài mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau ngày 30/4/1975, Hài không thấy tin chồng, là một kỹ sư đi B, lại nghe đồn anh đã hy sinh. Hài gửi con về ngoại, bỏ việc, quyết vào Nam tìm chồng và tìm thấy anh đang tiếp quản Sài Gòn… Hài quyết định chuyển vào Nam, sum họp gia đình và sang làm bên thương nghiệp. Làm được hơn chục năm thì gặp phải một giám đốc có nhiều vấn đề. Hài vốn bộc trực, nên phê bình thẳng thắn. Không ngờ bị chi bộ bắt kiểm điểm, kỷ luật đủ trò. Hài tuyên bố ra khỏi đảng. Sau đó bỏ về làm nông dân.

Chồng Hài vốn là kỹ sư nông nghiệp, hai vợ chồng mua được 85 ha đất do UBND tỉnh Bình Dương bán. Mua có giấy tờ, bản đồ hẳn hoi. Hai vợ chồng mua máy canh tác về trồng điều và bạch đàn để bán nguyên liệu cho nhà máy giấy. Nhưng mới thu hoạch được vụ đầu, thì Ủy ban ra lệnh thu hồi đất. Hài gửi đơn kiện lên Ủy ban tỉnh. Mãi Ủy ban không trả lời, thế là Hài phải đến gặp Chủ tịch tỉnh hỏi cho ra nhẽ. Không ngờ bị bắt vì tội “gây rối trật tự" và bị đi tù 6 tháng.

Ra tù, Hài liền ra ngay Hà Nội nộp đơn kiện lên Trung ương. Chính những ngày ấy, Hài gặp gỡ nhiều Dân oan từ mọi miền và sục sôi tham gia các cuộc biểu tình. Hình ảnh của Hài trong cuộc biểu tình chống Trung cộng đã thành biểu tượng có sức kích thích, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Còn công an thì rất lo sợ. Công an Bình Dương tức tốc ra Hà Nội, bắt Hài đem về xử tội “Gây rối trật tự" và bỏ tù 9 tháng.

Phiên toà xử Hài rất đặc biệt, có hẳn trung đội công an áp giải; Hài từ chối luật sư. Lúc tòa đọc cáo trạng, Hài đứng lên phản đối: Tôi là công dân yêu nước, không phải bị cáo. Chính các người mới là bị cáo, là tội phạm… Thấy căng quá, Tòa hội ý, tuyên án 9 tháng tù. Nói lời sau cùng, Hài tuyên bố: Tôi vô tội, nên rất thanh thản, 9 tháng tù chỉ như giấc ngủ. Các người hãy nhớ, khi đến lượt các người ra Tòa, sẽ là 9 năm tù !

Với tiếng tăm như vậy, vào tù, Hài bỗng thành “Đại ca"! Không chỉ các tù nhân nể trọng mà cả các quản tù cũng e dè. Lời đồn quả không sai, ở trong tù ít lâu, Hài đã phát hiện, trong hội trường của Trại có cái hòm thư góp ý cho lãnh đạo. Hài bí mật viết thư gửi giám đốc Trại, nêu lên những sai lầm của các “quản giáo". Giám đốc cũng tử tế, phê bình cấp dưới và chấn chỉnh lại nhiều việc cụ thể. “Đại ca” Hài càng nổi tiếng.

Tù chính trị (Tù nhân lương tâm) không được hưởng chế độ giảm án như thường phạm. Đúng 9 tháng, không kém một ngày, Hài được ra tù.

Vừa ra tù, Hài lại ra Hà Nội kiện tiếp. Lúc này Dân oan các miền kéo về Hà Nội đông quá mà đấu tranh có tính tự phát. Họ quyết định phải bầu ra thủ lĩnh, thế là họ chọn Trần thị Hài làm “Thủ lĩnh Dân oan ba miền"...

Mình hỏi Hài, họ bầu Thủ lĩnh như thế nào?

- Mỗi nhóm Dân oan đều có một nhóm trưởng, ví dụ Dân oan Dương Nội có Cấn Thị Thêu là thủ lĩnh. Những nhóm trưởng hội ý nhau, rồi trong một buổi tập hợp hàng ngàn Dân oan, họ tuyên bố: Bầu Trần Thị Hài làm Thủ lĩnh Dân oan ba miền Bắc - Trung - Nam, bà con đồng ý không? Tất cả vỗ tay, reo mừng. Thế là thành “Thủ lĩnh Dân oan ba miền”.

- Thủ lĩnh lãnh đạo, chỉ đạo thế nào?

- Mình phải nắm được tình hình, đúng thời cơ thì thông báo cho các nhóm trưởng phương án và thống nhất hành động. Bà con mình thông minh, lanh lợi lắm, mình đưa ra hành động hợp lý, hợp tình là họ hưởng ứng rất mau lẹ.

- Có những cuộc nào chỉ đạo thành công?

- Nhiều lắm. Ví dụ thấy họp Quốc hội thì mình thông báo các đoàn phối hợp đưa ra các khẩu hiệu thiết thực và biểu tình liên tục. Có lúc huy động hàng mấy trăm người đến giải cứu những người bị bắt, có lần giải cứu cả luật sư. Chỉ “a lô” một cái mà có mấy chục xe taxi chở Dân oan ập đến ngay…

Có lần phát hiện có cuộc họp các nhà báo quốc tế gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, liền nghĩ cách làm sao chuyển tải các thông điệp của Dân oan ra quốc tế. Thế là mấy chị em hội ý nhau, thống nhất các phụ nữ mua áo phông, quần sooc, viết khẩu hiệu tiếng Việt, tiếng Anh lên áo phông, quần sooc, rồi mặc quần áo dài che đi. Đúng thời điểm thì cởi quần áo ngoài, nối đuôi nhau đi lòng vòng trước Lăng và hô khẩu hiệu. Các nhà báo nước ngoài tha hồ ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn, công an không dám đàn áp thô bạo…

Nhưng cuối cùng vẫn bị công an bắt hết. Những chị em khác, họ hỏi 15 -20 phút rồi tha, riêng Hài họ truy hỏi hơn 3 tiếng. Buồn cười, anh chỉ huy cứ hỏi: Cái khẩu hiệu “Phụ nữ Việt Nam còn cái lòng không cũng đánh" là có ý nghĩa gì? Trong khi quân lính chung quanh cứ che miệng cười khúc khích, còn thủ trưởng cứ hỏi ngớ ngẩn vậy. Hài mới bảo: Chị Út Tịch nói, còn cái lai quần cũng đánh; còn khẩu hiệu này, chắc chị em muốn nói, hổng còn gì cũng đánh !

- Sau những vụ như thế, chắc Hài bị theo dõi chặt lắm?

- Ối giời, 24/24 giờ luôn. Lúc nào cũng có 4- 5 công an bám sát. Ló mặt ra là họ ghi hình, chụp ảnh ngay để báo cáo với cấp trên là đối tượng vẫn trong tầm ngắm… Mãi mới trốn ra được Hà Nội. Nhưng ra đó cứ lẩn trốn ở hết nhà này, nhà khác, có lúc về nông thôn. Thế rồi thấy tuổi cao, sức yếu, chồng lâm bệnh, nên quyết định từ chức.

- Từ chức bằng cách nào?

- Thì lên Truyền hình CHTV của Lê Dũng Vova tuyên bố từ chức và giải thích lý do cho bà con thông cảm.

- Từ khi từ chức đến nay, công an còn theo dõi và gây sự gì không?

- Vẫn canh gác ghê lắm. Khi diễn ra đại hội Đảng bộ thành phố, cũng 4 anh, canh gác 24/24. Rồi hai lần làm visa đi Mỹ thăm người thân, ra sân bay, nó ách lại. Mình vừa mất công vừa mất tiền vé khi không đi được. Họ nói, bà đi luôn không về nữa thì cho đi. Bực quá, Hài quát, ta là một công dân yêu nước, đấu tranh với cả bọn giặc ngoại xâm lẫn nội xâm, tụi bây là cái gì mà dám láo xược tước quyền công dân của ta hả?

Thế đấy, từ một phụ nữ đảm đang làm ăn lương thiện, bỗng thành Dân oan; rồi từ nỗi oan này tiếp đến nỗi oan khác chồng chất, khiến cho Trần Thị Hài trở thành người tranh đấu kiên cường. Hình ảnh gào thét đầy phẫn nộ, giơ nắm tay lên của Trần Thị Hài là một biểu tượng lẫm liệt của lòng yêu nước và ý chí đấu tranh, mãi mãi truyền cảm hứng cho cho mọi người khát khao dấn thân vì Độc lập, Tự do, Công lý...

P/S: Bạn Nghia HP Nguyen cho biết: "Bác Trang ơi. Tấm hình này chụp sáng ngày 10/12/2007 trong cuộc biểu tình trước cồng đại sứ quán Trung cộng (Hôm ấy có em) Tấm hình do cô dân oan Kim Thu chụp". Chắc là vậy. Cô Hài tham gia quá nhiều cuộc đấu tranh. Thậm chí cô cũng không nhớ tấm hình đó chụp ở đâu, bao giờ, chả biết ai chụp. Cô chỉ nhớ hình như năm 2011. Cảm ơn Bạn rất nhiều.

MẠCVĂN TRANG 30/12/2020 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.