Lòng tham có thể là động lực của sáng tạo, của nỗ lực tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội khi pháp luật công bằng, hữu hiệu và đạo đức được đề cao. Lòng tham cũng là căn nguyên của phá hoại, chiến tranh, tranh đoạt danh lợi, hủy diệt mọi giá trị từ vật chất đến tinh thần của con người, khi pháp luật bị thỏa hiệp và đạo đức suy vi.
Thị trường là nơi thể hiện cụ thể sinh động nhất hai khía cạnh của lòng tham. Hay nói cách khác, lòng tham dẫn dắt thị trường trong sự chi phối của pháp luật và đạo đức.
Luật pháp được con người tạo ra, đạo đức do con người đồng cảm, chia sẻ để hạn chế lòng tham tác oai tác quái, ngăn cản sự tham lam vô bờ bến của chính mình. Nhưng nếu luật pháp chỉ biết kiểm soát và cản trở thì sẽ triệt tiêu luôn cả sáng tạo, triệt tiêu luôn khát vọng vươn tới những giá trị mới về vật chất và tinh thần, vốn là những yếu tố giúp con người thăng hoa và khác biệt với chủng loài khác.
Ở bình diện quốc gia, luật pháp do người dân thỏa thuận và ủy nhiệm cho nhà nước thừa hành, chấp nhận nó như một phương tiện để nhà nước thực thi quyền lực của mình vì lợi ích, an toàn của người dân. Một nhà nước thông minh và có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ biết kiểm soát, điều hướng lòng tham của thị trường làm xã hội, đất nước thăng hoa và bền vững. Ngược lại, nếu nhà nước vừa không kiểm soát được lòng tham của thị trường vừa không nâng đỡ được thị trường vì kém năng lực, thiếu trách nhiệm thì chắc chắn sự phát triển vật chất sẽ hỗn loạn, các giá trị tinh thần sẽ què quặt, đất nước sẽ không thể phát triển bền vững.
Khi đặc quyền là lòng tham không chỉ là riêng có của thị trường mà ngày càng có nhiều cá nhân trong hệ thống công quyền cũng tham lam, thì khi đó pháp luật sẽ được sử dụng như một công cụ của các cá nhân đó, mưu cầu lợi ích vật chất không có điểm dừng của họ. Pháp luật khi đó không còn được sử dụng để kiểm soát và nâng đỡ thị trường vì lợi ích của dân chúng, mà được sử dụng như một phương tiện thỏa hiệp của các cá nhân trong bộ máy nhà nước với sự tham lam không được kiểm soát của thị trường. Đất nước sẽ chạy theo những giá trị vật chất đến tận cùng và kiệt quệ. Kiểu tăng trưởng kinh tế bất chấp tổn hại môi trường, tham nhũng, và phân hóa giàu nghèo, chưa kể lệ thuộc ngoại bang có thể là minh họa cho tình huống này.
Trong hoàn cảnh nêu trên, đạo đức - những ràng buộc ẩn tàng - đôi khi như biến mất vì quá nhạt nhòa trước sức ảnh hưởng tường minh của luật pháp bị thao túng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đạo đức vẫn luôn là rào cản cuối cùng ngăn chặn sự tham lam bất chấp đồng loại của con người. Đạo đức cố gắng vực dậy – từ trong sâu thẳm - lương tâm của con người, nhưng xem ra rất yếu ớt trong hoàn cảnh mà sự tham lam vật chất, danh lợi trở thành động lực của mọi thứ. Từ khai thác cạn kiệt tài nguyên để tăng trưởng, từ tham nhũng bất chấp chênh lệch giàu nghèo, từ làm giả mọi thứ để lừa nhau và tự lừa dối mình…Lòng tham dường như không còn được chế ngự bởi luật pháp và cả đạo đức.
Người dân tìm kiếm đến tôn giáo (Phật giáo chẳng hạn) như một cách thể hiện đạo đức của mình. Thật kỳ diệu là lòng tham lại là thủ phạm chính của nỗi khổ theo Đức Phật. Thể hiện sự không tham là một đức hạnh cần tu dưỡng. Tuy vậy, người dân lại chơi vơi với “sự cho đi”, sự-không-tham được quá nhiều sư thầy các chùa thao túng thành “cúng dường”- mà trớ trêu thay - như để nuôi dưỡng lòng tham của chính các sư thầy. Người dân lại tiếp tục chới với nỗ lực thực hành đức hạnh không tham của mình trong hoàn cảnh mà sự tham lam đã là động lực mạnh mẽ cho mọi thứ - trước sự thỏa hiệp của các thành phần bất hảo của cả nhà nước và thị trường, và cả một bộ phận được cho là ngày đêm thực hành “đức – không tham, sân si”. Họ không thấy nơi nào thiếu vắng lòng tham.
Sự xuất hiện của Sư Minh Tuệ chưa có tiền lệ ở Việt Nam, như một đốm sáng khởi lên một niềm tin rằng “hạnh không tham” vẫn có thể đươc thể hiện một cách chân thành và tự do, trong hoàn cảnh mà sự tự do và độc lập thực hành Phật giáo là không dễ dàng. Nhẹ nhàng, khiêm nhường mà rất thông minh, khi cho rằng mình không có gì ngoài một con đường tu theo Đức Phật! Ông rực sáng lên như một tấm gương phản chiếu không tham và tham đối với một hệ thống sư thầy thao túng sự cúng dường ngày càng lồ lộ trước nhân gian. Người dân đang chơi vơi chợt như tìm thấy một lối ra cho sự tối tăm của chính mình và cho hoàn cảnh vần vũ bởi sự tham lam.
Minh Tuệ không chỉ tương phản gần như mọi khía cạnh với cách thức diệt khổ “trừ tham sân si” của các nhà chùa. Không kể đến những tác động về rèn luyện sức khỏe, không kể những ảnh hưởng văn hóa nghệ thuật, không kể cảm hứng thiện lành đối với một tôn giáo/triết lý…, sự tích cực của đức-không-tham gần như tuyệt đối của thầy được mong đợi sẽ ảnh hưởng sâu rộng trong mọi giới mà không cần đa ngôn. Thước đo giá trị dựa trên vật chất bạc tiền đang thắng thế chợt như được mang ra xét lại. Danh lợi là gì khi cả đời tranh giành vật chất và quyền lực, mà khi xét sự kính trọng từ phía người dân lại không tài nào so được với một nhà sư độc lập -vô úy- không tham.
Ai trong bộ máy nhà nước, thực thi pháp luật đang lợi dụng thị trường để bỏ túi riêng, bất chấp công bằng, đạo lý để làm giàu bất chấp sự vất vả của doanh nghiệp? Ai trong thị trường đang làm giàu bất chấp sức khỏe cộng đồng, chèn ép những nhà kinh doanh nhỏ lẻ đàng hoàng? Ai đang hoạch định chính sách tăng trưởng kinh tế bất chấp sự tổn hại môi trường, chạy theo những lợi ích riêng, phe nhóm bất chấp người dân?
Chỉ cần một số ít nhỏ nhoi những người tham lam bất chấp đó được soi rọi bởi ánh sáng không-tham của nhà sư mà chùn tay, hẳn cũng là phúc cho đất nước này. Sự xuất hiện của một nhà tu thực hành đức - không-tham của một tôn giáo có ảnh hưởng lớn, trong một đất nước mà lòng tham như đang là động lực cho nhiều thứ từ quan chức (nhà nước), doanh nhân (thị trường) đến người dân (xã hội dân sự) - hẳn là một tiếng chuông cảnh tỉnh tuyệt vời, mong còn vang mãi. Mong thay!
LÊ VĨNH TRIỂN 23.05.2024
(Sài Gòn Phật Đản 2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.