Một nhóm bác sĩ trong Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đòi rút lại khuyến cáo không dùng thuốc hydroxychloroquine (HCQ) trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2. Nhưng AMA không chấp nhận đề nghị này. Tuy nhiên, sự việc cho thấy khoa học nó bất định như thế nào. Hay là ông Trump đúng? Chưa chắc.
Trước đây (vào khoảng tháng 4), AMA đưa ra khuyến cáo rằng không nên sử dụng HCQ (một loại thuốc chống sốt rét) [1] để điều trị bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán. Lý do là vì chứng cớ khoa học lúc đó cho thấy HCQ không có hiệu quả, mà còn có thể tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Thế nhưng, mới đây một nhóm trong AMA đòi rút lại lời khuyến cáo đó [2] nhưng AMA không chịu.
Cần nói thêm rằng HCQ có một lịch sử tương đối chánh trị. Sau khi một nhóm nghiên cứu lừng danh bên Pháp công bố dữ liệu cho thấy HCQ có hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán, người đầu tiên lên tiếng ủng hộ là Tổng thống Donald Trump. Ông thậm chí còn nói sẽ dùng HCQ để phòng ngừa cho cá nhân ông ! Ngay sau đó, HCQ bán chạy như ... tôm tươi.
Nhưng giới y khoa thì rất nghi ngờ, bởi vì HCQ chưa qua thử nghiệm lâm sàng thì làm sao có thể nói đó là thuốc có hiệu quả. Vả lại, một ông tổng thống 'sớm nắng chiều mưa' tuyên bố như vậy càng làm cho những người trong hệ thống y tế Mỹ cảm thấy không thoải mái, bởi vì họ nghĩ đáng lý ra họ mới là người đầu tiên lên tiếng.
Thế rồi những gì xảy ra sau tuyên bố của Trump là một câu chuyện khoa học. Tôi có thể tóm tắt diễn biến để các bạn theo dõi như sau:
· Tháng 5/2020 Một nhóm nghiên cứu bên Mỹ công bố dữ liệu của một "nghiên cứu quan sát" cho thấy HCQ chẳng có hiệu quả gì cả mà có thể còn tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Thế nhưng cái gọi là 'nghiên cứu' này có quá nhiều sai sót về phương pháp và thống kê, và một nhóm 180 khoa học chỉ ra những sai sót đó, và sau cùng thì tập san Lancet rút lại bài báo [3].
· Tháng 6/2020, tiếp sau bài báo trên Lancet bị rút xuống thì New England Journal of Medicine công bố một thử nghiệm lâm sàng trêm 821 người. Kết quả là HCQ tuy có giảm nguy cơ chừng 2%, nhưng không có ý nghĩa thống kê [4].
· Tháng 8/2020. Đến lúc đó thì trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về HCQ. Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu đó cho ra kết quả ... lộn xộn [5]. Dữ liệu từ 17 nghiên cứu thì nói rằng HCQ giảm nguy cơ tử vong 17%, nhưng khi tập trung vào dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng thì HCQ tăng nguy cơ tử vong 9%! Tuy nhiên, chẳng có sự khác biệt nào có ý nghĩa thống kê [5].
· Câu chuyện khoa học chưa hết. Tháng 11/2020, lại thêm một phân tích tổng hợp nữa mới công bố nhưng chưa qua bình duyệt, và lần này thì nhóm tác giả có dữ liệu của 26 nghiên cứu [6]. Kết quả phân tích ra sao? Nếu lấy dữ liệu của 26 nghiên cứu thì HCQ giảm nguy cơ tử vong 25% và kết quả này có ý nghĩa thống kê. Nhưng nếu chỉ dùng dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng (chỉ có 4 thử nghiệm) thì HCQ tăng nguy cơ tử vong 11%, nhưng kết quả này không có ý nghĩa thống kê [6].
Và, nay (tháng 11 và 12/2020) thì AMA ra tuyên bố rút lại lời khuyến cáo họ công bố vào tháng 4/2020. Nhưng ngạc nhiên thay, thông tin này hầu như không được báo chí 'dòng chánh' đưa tin, mặc dù trước đây họ đưa tin về việc ông Trump ủng hộ HCQ và họ xem đó là một sai lầm. Có vẻ AMA ra quyết định này cũng mang màu sắc ... chánh trị [7]. Người khởi xuống đòi AMA rút lại khuyến cáo là Bs John Goldman (Atlanta), ông nói rằng người thầy thuốc lúc nào cũng tìm liệu pháp tốt nhứt cho bệnh nhân (có vẻ ông ủng hộ HCQ), và AMA không nên ra tuyên bố can thiệp vào việc làm của bác sĩ.
Có lẽ các bạn đọc đến đây thì sẽ hỏi: vậy HCQ có hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán? Tôi nghĩ câu trả lời đơn giản nhứt là 'không biết', chưa có cái gì là chắc chắn. Ai nói 'biết' là chắc sai. Nhưng nói như một bác sĩ trong AMA là đứng trước một bệnh nhân nguy kịch thì bác sĩ được phép dùng bất cứ liệu pháp gì có thể giúp cho bệnh nhân (và lúc đó thì lí thuyết không có vai trò gì quan trọng).
Do đó, trong một bình luận trên International Journal of Antimicrobial Agents tôi viết rằng: "I propose an alternative interpretation that the effect of hydroxychloroquine and azithromycin on the elimination of viral load remains uncertain". (Bình luận chắc sẽ đăng trong số tập san tháng 12/2020).
Theo dõi diễn biến của câu chuyện HCQ làm tôi nhớ đến câu nói của vị khoa trưởng y khoa Yale gởi đến tân sinh viên rằng: "50% những gì chúng tôi dạy các bạn trong 5 năm tới là sai hay không chính xác. Nhưng điều đáng tiếc là chúng tôi không biết 50% nào." (50% of what we teach you over the next five years will be wrong, or inaccurate. Sadly, we don’t know which 50%) [8]. Ý tưởng là y khoa là ngành khoa học bất định, bạn phải học hành và cập nhựt suốt đời, chớ đừng ỷ lại vào kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ.
____
PS: Hôm nay (18/12) AMA cho biết họ vẫn không thay đổi ý kiến về khuyến cáo HCQ. Như vậy những thông tin và bàn luận trên Medpage (trang y khoa chánh thống) là dựa vào tin giả. Trích AMA tweet: "In March, AMA urged caution about prescribing hydroxychloroquine off-label to treat #COVID19. Our position remains unchanged. Evidence-based #science & practice must guide these determinations." Do đó, tôi phải sửa lại một đoạn trong bản gốc.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 17.12.2020
[1] Joint statementon ordering, prescribing or dispensing COVID-19 medications
[2] A RandomizedTrial of Hydroxychloroquine as Postexposure Prophylaxis for Covid-19
[6] https://www.medrxiv.org/.../2020.11.01.20223958v1.full.pdf
[7] AMA PolicyThrows Shade on Diehard HCQ Docs
[8] 50% of what you are taught is wrong…
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.