vendredi 5 juillet 2024

Sương Nguyệt Minh - Hoàng Cát và truyện ngắn Cây táo ông Lành

 

"Cây táo ông Lành" từ nửa thế kỷ trước bị người ta suy diễn cho là viết ám chỉ một ông lớn lãnh đạo văn nghệ.

Nhà thơ Hoàng Cát - tác giả của truyện ngắn này một thời khốn khổ. Nhà thơ Vương Trọng viết: "Mấy anh đồng hương xứ Nghệ  làm câu đối: " Thằng Cát viết điều hung / Ông Lành làm việc dữ", nhưng sau sửa lại để thay cho một lời phát biểu với cấp trên"Thằng Cát không viết điều hung / Ông Lành đừng làm việc dữ". Nhưng có lẽ cấp trên không thấu nên "việc dữ" cứ đến với Hoàng Cát, mà cái đòn đầu tiên là nhà máy cho về mất sức".

Chưa hết, sau đó Hoàng Cát bị treo bút, đời sống rất khó khăn... Trước đó, ông là lính trận ở chiến trường, bỏ lại một cái chân ở Mặt trận Quảng Đà, đi viện rồi ra quân. Là thương binh nặng, cụt chân trái phải lắp chân giả, tay cũng bị thương, nhưng chả hiểu sao bị xếp hạng nhẹ nhất trong thứ bậc thương binh, cho nên nỗi nhọc nhằn nhân lên gấp đôi, gấp ba. Khổ! Giá như viết là "Cây táo ông Hiền", hay "Cây táo ông Ngoan" thì chắc chẳng bị lên bờ xuống ruộng.

Theo bài viết "Hoàng Cát và cây táo ông Lành" của nhà thơ Đặng Vương Hưng in trên báo An Ninh Thế Giới cuối tháng, số 23 tháng 7.2003 thì: "Một hôm, Xuân Diệu nói với Hoàng Cát rằng ông vừa nghe được một nguồn tin chính xác là có một vị cán bộ ở Viện Nghiên cứu Văn học muốn mở một chiến dịch lớn để phê phán truyện Cây táo ông Lành.

Nhà thơ Tố Hữu biết chuyện. Ông đã trực tiếp gọi đến thoại cho anh cán bộ kia: “Thực ra, thằng Cát (cách gói thân mật của Tố Hữu) nó viết Cây táo ông Lành là để khen mình đấy chứ! Mình đã có ý kiến gì đâu mà các cậu cứ làm ồn lên! Sư việc rất đơn giản, các cậu đừng “đao to búa lớn” làm gì cho phức tạp thêm vấn đề...” Hoàng Cát mừng lắm, anh nảy ra ý định xin được gặp Tố Hữu tại nhà riêng. Nhưng hồi ấy, việc gặp đồng chí Tố Hữu đâu phải chuyện dễ, bởi những trọng trách mà ông đang đảm nhiệm." 

Gần cuối bài viết này lại là thông tin: "Phải đợi đến khi không khí văn nghệ đã mở, Phùng Quán in ở báo Tiền Phong Ngày Tết xông đất nhà thơ Tố Hữu... Hoàng Cát mới quyết định đến gặp Tố Hữu. Đó là một ngày đầu xuân, Tố Hữu tiếp đón Hoàng Cát rất thân tình... Hai người gặp nhau chừng hơn một giờ đồng hồ, nói chuyện chân tình. Hoàng Cát nhắc lời một thành ngữ của Pháp: “Hiểu biết hết là tha thứ hết” (Tout comprendre est tout pardonner). Tố Hữu gật đầu cười rồi bảo rằng hồi đó ông bận việc, không hề biết người ta đã ngấm ngầm thành kiến Hoàng Cát nặng nề đến vậy. Rồi họ cùng đàm đạo chuyện văn chương và nhiều chuyện đời lý thú."

***

"Cây táo ông Lành" là truyện viết cho thiếu nhi, ca ngợi người tốt và việc tốt một cách chân thật, dung dị và xúc động. Nó chẳng ám chỉ ai, và nội dung tốt đẹp, nhân văn quá.

Dạo anh Minh còn làm ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, thỉnh thoảng ngồi chầu rìa xem nhà thơ Hoàng Cát đánh cờ với nhà thơ Vương Trọng. Kỷ niệm về ông nay vẫn còn tươi mới. Xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Cây táo ông Lành" với bạn đọc. Ai chưa đọc thì nên đọc để biết một thời văn nghệ nước nhà có cách hiểu văn chương bất thường ngoài văn chương như thế, và cũng thêm một lần tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cát vừa mới đi vào cõi vĩnh hằng.

SƯƠNG NGUYỆT MINH 03.07.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

CÂY TÁO ÔNG LÀNH

Truyện ngắn của Hoàng Cát

Tên thật ông là gì, nhiều người không biết. Đã từ lâu, người ta vẫn quen gọi ông là ông Lành. Vì tính ông hiền lành và rất yêu lũ trẻ trong làng. Lâu dần, nó thành ra tên của ông.

Vườn nhà ông khá rộng, có nhiều cây ăn quả như chuối, mãng cầu, vú sữa, táo… Ông Lành thú nhất là cây táo lai. Nó đứng ở góc vườn, trùm cái tán khum khum lên một vạt đất chừng dăm tấm chiếu. Cạnh cây táo quý ấy, ông đã cất lên một căn nhà ba gian, hai chái; chung quanh tường xây gạch, mái còn tạm lợp tranh. Ấy là căn nhà ông làm chuẩn bị cho cậu con trai duy nhất của ông lấy vợ, ở riêng. Nhưng nhà vừa làm xong thì thằng Sửu lại xung phong vô bộ đội đợt đầu tiên, kể từ sau khi có lệnh hòa bình của Chánh phủ cách mạng lâm thời. Thế là ngôi nhà đành tạm để không. Và nó được mang mãi cái tên “Nhà mới”. Mặc dù cho đến nay, mái tranh của nó đã có đôi chỗ dột vì chuột bọ, vì thiếu hơi người ở.

Cây táo quý đứng ngay góc sân ngôi nhà mới ấy. Cây táo càng đẹp thêm, và ngôi nhà cũng đẹp thêm.

Mé giậu vườn là con đường ống chạy xuyên qua làng. Sáng sáng, lũ trẻ học trò lớp Một đi tắt qua đấy để đến trường. Bao giờ chúng cũng đi thật sớm, tíu tít như một đàn chim, vồ lượm những quả táo rụng.

Vốn là một ông già yêu trẻ, ông Lành lấy thế làm niềm vui. Nhiều khi đứng trong cửa sổ nhìn ra, ông thấy lũ trẻ lấy gạch ngói, đất đá hoặc que khăng ném cho táo rụng xuống để lượm được nhiều. Ông cũng chẳng la mắng chúng nó làm chi. Ông hiểu, lũ trẻ thích ăn táo lắm. Chỉ những đứa trẻ nào nghịch quá, ném vung đất đá vào sân hay làm rơi hỏng mái tranh ngôi nhà mới của ông, thì ông mới nhẹ nhàng bảo chúng đừng ném nữa. Lũ trẻ cũng biết nể ông, ông chỉ cần nhắc một lần là chúng ngoan ngoãn rủ nhau kéo đi. Chúng vừa đi, vừa ăn táo, và “nhồm nhoàm” trêu chọc lẫn nhau. Rồi chúng đuổi nhau chạy. Rồi chúng cười. Rồi chúng hát nghêu ngao…

Những lúc thảnh thơi, ông Lành nhìn lũ trẻ hò nhau nhặt táo rụng mà càng thêm ao ước một ngày gần đây thằng Sửu về cưới vợ; rồi ông sẽ có những đứa cháu cũng líu lo như thế. Ước mơ ấy luôn cho ông niềm vui ngầm trong bụng.

Bà vợ ông đã chết vì bom toạ độ Mỹ từ mùa gặt năm 1967, đúng vào kỳ cây táo sai quả nhất. Thằng Sửu của ông cũng đã đi thoát ly, vào quân chủ lực. Chỉ còn lại mình ông. Nỗi thèm khát có đứa cháu bên cạnh cho ấm áp tuổi già, càng lúc càng âm ỉ trong lòng ông Lành. Những đêm sương nặng hạt, nằm không ngủ được, lắng nghe tiếng táo rụng lộp bộp ngoài vườn lẫn với tiếng sương rơi, ông Lành chỉ mong chóng sáng để được thấy lũ học trò đi qua nhặt táo…

Nhưng một buổi sáng ông đang ngồi hí húi vót lạt mây để buộc cái nạng, chống cho cây táo đỡ ngả xuống vườn vì nặng quá, thì bỗng “bịch rộp!” – một hòn đất rơi trúng đầu ông, tung tóe cả lên vai, lên gáy! May mà hòn đất bở, không to lắm, chứ không thì có lẽ ông đã té xỉu xuống rồi. Thế mà cũng choáng váng mất một lúc. Vừa ngẩng lên, ông Lành thấy thằng Thìn đang trân trân nhìn ông, vẻ hối hận lắm. Nó lắp bắp

- Cháu…cháu lỡ!… Ông tha…

Đang cơn bực mình, ông Lành ném cây rựa xuống sân đánh “phựt”, đứng phắt lên:

- Ông, ông cái con khỉ!…Hoảng quá, thằng Thìn co giò bỏ chạy.

Cũng vừa lúc ấy, nó gặp lũ bạn ngoài ngã ba cây bông điệp. Nó cản các bạn lại, làm ra vẻ bí mật:

- Nè, chúng bay à! Tao đi qua cây táo ông Lành vừa nãy, mà sợ quá, phải chạy lui đó nghe!

- Sao?- Gì thế? Cái gì thế?

Lũ bạn nhao nhao lên hỏi, đầy vẻ băn khoăn và sợ hãi.

Thằng Thìn, cậu bé lên tám, mắt tròn ấy, bấy giờ mới một tay kéo quần, một tay vừa ôm vở, vừa vung lên làm hiệu và nói như thật:

- Tao đi qua cây táo ông Lành, tưởng như mọi khi, tao vô lượm trái rụng. Bất chợt có tiếng “ư hừm!” rõ to! Mà giọng nó ồ ồ kỳ lắm! Tao tưởng là ông Lành đùa. Nào ngờ, nhìn khắp mà chẳng có ai hết. Tao lại nghe “ư hừm” thiệt to và kéo dài lượt nữa; chừng như có người nào ngồi trên cây táo. Tao mới nhìn lên, thì eo ôi! Một cái sọ dừa đen ngòm trên ấy nó trêu tao! Tao sợ hết hồn, co cẳng vùng chạy một mạch tới đây. Hú vía!

Thìn kể say sưa và hồi hộp thật. Các bạn nó ngơ ngác nhìn nhau, giọng se sẽ thì thào; có đứa tái mét cả mặt:

- Vậy làm sao mà tới lớp bây giờ? Thìn liền láu lỉnh:

- Đây có phải là đường chính của chúng mình tới Trường đâu. Đường chính là đường to, vòng quanh làng chứ. Đường qua vườn ông Lành là đường tắt cho nhanh!

Lâu nay lũ trẻ quen đi đường tắt này, vừa nhanh lại vừa được lượm táo. Bây giờ, nghe Thìn nói vậy, cả lũ réo lên:

- Thôi! Bỏ đường cây táo ông Lành!

- Bỏ thôi!- Bỏ! Bỏ!

Vậy là lũ trẻ quay ùa ra đường cái, vòng quanh làng.

Riêng có thằng Tỵ và thằng Ngọ chưa tin hẳn lời thằng Thìn, bèn rủ nhau bò tới rình xem. Chỉ một lát sau, hai đứa vội vàng co giò chạy trở lại; càng làm cho lũ trẻ tin chuyện cái sọ dừa đen trên cây táo là có thật.

Từ đó, đường qua vườn ông Lành vắng hẳn.

Những quả táo chín, rơi vàng cả một góc sân ngôi nhà mới, rơi cả ra đường…

Ông Lành nhìn táo rụng vàng ối, mà chẳng có trẻ nhặt, lòng dạ không đành.

Đêm nằm nghe tiếng táo rụng với tiếng sương rơi lộp bộp ngoài vườn, ông thắc thỏm đoán ngày mai thế nào lũ trẻ cũng đến lượm, hò reo, hí hửng với những túi táo đầy. Nhưng đã hết năm ngày, năm đêm rồi mà vẫn không nghe tiếng chân lũ trẻ đi qua nhà ông để đến trường nữa, chứ đừng nói là chúng vào lượm táo.

Ông Lành ân hận. Hay là thằng nhóc ấy đã nói với lũ bạn nó thế nào, để tất cả lũ chúng giận ông? Mà ông đã làm gì nó kia chứ! Một cục đất rơi thẳng vào đầu, chứ có phải chuyện chơi đâu.

Chưa biết căn nguyên vì sao lũ học trò lớp Một trong làng lại không đi qua nhặt táo rụng nữa, nhưng ông Lành cũng mang cái rổ ra lượm tất cả táo trên sân, trên vườn, rửa sạch sẽ. Thế nào rồi cũng có lúc chúng nhớ mà đi qua chứ.

Ông vừa làm xong việc đó được một lúc, thì chợt thấy thằng Mùi hớt hơ hớt hải cắp sách chạy qua. Nhưng nó không đoái hoài đến cây táo. Ông Lành liền gọi giật nó lại:

- Nè con!

Thằng Mùi ngoái đầu, “dạ” một tiếng rõ to, rồi định quay đi chạy thẳng. Nhưng ông Lành đã kịp bưng rổ táo chín múp chạy tới, giữ nó lại. Thằng Mùi tròn mắt, không dám lấy:

- Táo có ma đầu-lâu-đen, cháu không ăn đâu ông ạ! Ông Lành ngạc nhiên:

- Ai bảo mày thế?

- Thằng Thìn! Hôm kia nó đi sớm, vào lượm táo một mình, bị ma đầu-lâu-đen dọa “ưm hừm” đấy!

- Ở đâu? – Ông Lành càng ngạc nhiên.

- Nó bảo có đầu-lâu-đen trên cây táo của ông! – Thằng Mùi vừa thở vừa nói, rồi quay mặt đi chỗ khác, đưa tay chỉ lên cây táo. Ông Lành mới vỡ lẽ! Ông chửi yêu thằng Mùi, chửi yêu cả lũ bạn nó:

- Cha mẹ chúng bay nghe! chỉ bày trò dại mà dọa nhau thôi. Tổ kiến đen đấy cháu ạ! Ông nuôi tổ kiến trên ấy cho nó ăn sâu đi, để táo khỏi bị sâu ăn chứ.

Rồi ông Lành ngồi vậy, ôm hẳn thằng Mùi đứng vào giữa hai đùi ông:

- Cháu đến lớp nói với các bạn là không có ma nào hết nghe! Đây nè, để ông đi chọc tổ kiến cho cháu xem.

Rồi ông Lành cười thỏa thuê, dắt tay thằng Mùi đến bên cây táo, lấy sào nứa đâm vào tổ kiến. Lập tức đàn kiến bò ra, bu đen cả đầu sào. Thằng Mùi vỗ tay reo lên, cười khanh khách. Rồi nó quay vội sang, nói với ông Lành:

- Bữa nay vì cháu ngủ quên, sợ đến trễ, cô giáo la, nên mới liều chạy tắt qua đường này đó ông ạ! Bây giờ cháu phải đến lớp kẻo trễ, nghe ông!

- Ờ! Mà cháu phải mang chỗ táo ông nhặt đây cho cả lớp ăn với chứ.

Trước đây, cô giáo Hà đến xin ông Lành cho mượn căn nhà mới để làm trường cho học sinh lớp Một. Suy đi tính lại, rồi ông không cho. Lắm lúc, ông cũng thấy có cái gì đó không đành. Hóa ra, như thế mình không nghĩ đến tình làng nước nữa sao? Nhưng mà, ái chà chà! Cái lũ trẻ ấy cũng nghịch quá lắm! Nếu để cho chúng nó học ở đấy, rồi đến tường nhà cũng lở lói hoặc bị bôi vẽ bẩn thỉu những gà mẹ, gà con, lợn nái, mèo hoa lên thôi, Và tất nhiên là cây táo quý hóa của ông cũng sẽ trụi thụi lụi cả quả lẫn cành mất.

Nhưng chỉ mấy ngày vắng bặt tiếng trẻ hò reo lượm táo, vắng bặt tiếng rậm rịch bước chân của lũ chúng qua trước nhà ông để đến lớp học, ông Lành mới thấy hết thế nào là hạnh phúc của một người ông. Ông nhớ lũ trẻ hơn hớn kia quá. Và ông càng đâm ra nghĩ ngợi, nhớ lây sang thắng Sửu nhà ông, với niềm hy vọng một ngày gần đây ông sẽ có cháu nội. Rồi chúng cũng đi học lớp Một, cũng nhặt táo rụng trên vườn kia…

Thế là ông Lành quyết định đến lớp gặp cô giáo Hà. Và tất nhiên, ông sẽ được gặp tất cả lũ trẻ nữa. Thứ nhất, ông sẽ nói để cô giáo biết chuyện thằng Thìn bịa ra trên cây táo quý của ông có cái đầu lâu đen, làm cho lũ trẻ khiếp vía, sợ lây cả ông. Thứ hai, ông sẽ bảo cô giáo chuyển cho lũ nhỏ về ngôi nhà mới của ông mà học. Chả là ông đã nghe phong thanh, đâu cái chỗ lớp học hiện giờ chật chội quá, cô giáo Hà định dời lớp sáng một làng khác.

Ông Lành đến lớp học của lũ trẻ lớp Một. Vừa thấy ông từ xa, lũ trẻ đã cầm mỗi đứa một vài quả táo trên tay, chạy ùa ra hò reo đón ông.

Riêng có thằng Thìn vội ngồi sụp xuống dưới chân bàn, mồm đang ngậm một quả táo, mỉm cười tinh nghịch. Nó đỏ dừ hai tai…

Mùa táo chín 1973

(Truyện được đăng trên Tuần báo Văn Nghệ năm 1974).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.