samedi 27 juillet 2024

Lưu Nhi Dũ - Nói về những bức ảnh…


1. Ảnh bạn Nguyễn Văn Thạnh, người bạn đồng đội thân yêu của chúng tôi và anh em Trung đoàn 812 (f309) mới mất cách nay 3 năm.

Bạn ấy là xạ thủ đại liên M60, một chiến binh dày dạn trận mạc trên chiến trường K, mất 2 chân, cưa đến tận háng vậy mà sau này trở thành một doanh nhân thành đạt. Khi còn sống, Thạnh là một cựu chiến binh cảm nhận chiến tranh rất mẫn cảm. Qua bạn, tôi biết mỗi người cựu binh chiến trường sau này trong tâm thức họ đều có hai cuộc chiến, cuộc chiến trên thực địa và cuộc chiến trong ký ức với những đêm bạn ấy mơ cầm khẩu AK rượt theo thằng Pol Pot đòi lại đôi chân của mình.

Có những khi nhớ rừng, nhớ những cuộc hành quân bất tận trên đất nước chùa tháp, ba lô nặng 30 ký, 2 cơ số đạn, trên vai lủng lẳng 2 quả cối cho pháo binh, Thạnh gọi tôi lên xe và đi dọc đường Trường Sơn, để chỉ một niềm vui trải tấm bạt bên suối uống cùng đồng đội, ngắm núi rừng.

2. Khi bạn Thạnh mất (21-10-2022), tôi có viết một bài báo về bạn và được các đồng nghiệp ưu ái cho đăng trang 1. Video bé Bùi Trần Quỳnh Chi lúc đó đang học lớp 4/3 Trường tiểu học Nguyễn Văn Hát, quận 9, TP HCM kể chuyện là lấy thông tin từ bài viết của tôi. Cảm ơn con đã đồng cảm với chú và đồng đội chú…

3. Bức ảnh tôi, bạn Trần Văn Dũng (C3, D1), bạn Nguyễn Đức Hượt (D2) sáng nay ghé Phúc An Viên viếng bạn Thạnh, là nhờ cô quản trang chụp cho. Cô ấy nói ở nghĩa trang này anh Nguyễn Văn Thạnh… rất nổi tiếng. Ồ, mất rồi bạn ấy vẫn nổi tiếng! Ba thằng tôi nguyện cầu bạn xuống dưới ấy vẫn nâng ly, gặp đồng đôi, bạn bè xưa, hát cười bên suối nhạc, tránh cái phiền vi nhân nghen bạn.

4. Sáng nay ghé Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM thắp nhang cho đồng đội. Có ít nhất 100 đồng đội trung đoàn tôi nằm ở đây (tất cả đều đưa hài cốt từ K, các nghĩa trang biên giới về). Ngày 27/7 là ngày nghĩa trang buồn nhất, tôi lang thang tìm anh em, nhiều quá các đồng đội ơi và còn nữa ở Nghĩa trang Bình Dương, Đức Cơ, Tân Biên… Và nếu tôi không may mắn, hoàn toàn có thể nằm tại đây từ những năm 70-80s.

5. Bức ảnh tôi ôm cái quách phủ cờ đỏ rất kỳ lạ. Năm 2018, anh em đồng đội tổ chức bốc hài cốt liệt sĩ F309 đưa về quê. Đến thắp nhang ở chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, tình cờ, rất tình cờ tôi nhận ra có hài cốt bạn cùng tiểu đội với tôi là Trương Công Khôi. Khôi người Quảng Nam, rất khỏe mạnh, đẹp trai, biết võ, vậy mà chỉ sau 2 đêm sốt ác tính, đái ra huyết cầu tố, Khôi mất tại Pailin…

Nhớ nó, nhớ lần đang đào hầm chữ A tránh pháo, nó bảo tôi tối nay mi viết giúp tao lá thư báo cho vợ tao là tao chết rồi, để nó đi lấy chồng khác nghen bạn! Tất nhiên tôi không nỡ nào viết và nó cũng nhe răng cười trừ. Hôm ở chùa Huê Nghiêm không thấy vợ Khôi, chi có mấy cháu nó, và biết nhiều chuyện sau đó… Khôi ơi, mi còn nhớ chuyện đó không.

6. Bức ảnh người mẹ liệt sĩ ôm hài cốt đồng đội tôi hy sinh năm 1978 ở K, gây xúc động tột cùng với tôi. Đồng đội ơi, bạn vẫn còn hạnh phúc được mẹ ôm vào lòng, dù chi là hài cốt. Mừng bạn về với mẹ một đêm, dù chỉ một đêm thôi cũng là hạnh phúc. Thương mẹ…

7. Hôm 22-12-2023, ra Điện Bàn (Quảng Nam) chơi, tình cờ gặp mẹ liệt sĩ, đồng đội cùng tiểu đội với tôi là Nguyễn Văn Tẩm. Lứa chúng tôi vào chiến trường Đông Bắc K, Tẩm hy sinh đầu tiên và lần đầu tiên tôi thấy cái chết cận kề. Tẩm hy sinh mới 18 tuổi. Khi liệm cho Tẩm, anh Thành trung đội trưởng (đã hy sinh) bật khóc vì nó còn trẻ quá…, đúng như những câu thơ của anh Trần Mạnh Hảo:

“Thế hệ chúng con đi như gió thổi

Quân phục xanh đồng sắc với chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai…”.

Mẹ Tẩm bây giờ coi chúng tôi như con, gặp nhau là ôm và khóc.

Tôi và đồng đội cùng lứa chỉ qua một cuộc chiến tranh thôi, đã ám ánh đến vậy. Đơn vị tôi còn nhiều anh đi bộ đội từ chống Pháp, chống Mỹ, tôi biết chiến tranh trong ký ức họ khốc liệt như thế nào.

LƯU NHI DŨ 27.07.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.