dimanche 28 juillet 2024

Nguyễn Hồng Lam - Vọng Phu

 

Bà ngoại tuổi Mão – 1915. Quê bà ven sông La, ngay bến Tam Soa, làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Một làng đại khoa, cổ chí kim phe nào cũng lắm người tài. Bà là con gái họ Phan cự tộc. Ông nội bà là anh của cụ Phan Đình Phùng.

Mãi sau 1945, bà ngoại mới được thắp đèn dầu, theo chị em học bình dân học vụ, đủ biết đọc biết viết. Nhưng ngược lại, tuồng tích xưa, truyện Nôm hữu danh và khuyết danh, bà thuộc hàng pho, làu làu.

Tôi lớn lên, học Tổng hợp Văn nhưng những Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Phạm Công - Cúc Hoa, Truyện Kiều… rồi cả Thạch Sanh – Lý Thông và nhiều chuyện cổ tích, cả Hồng Đức Quốc âm thi tập và thơ Tố Hữu nữa, tôi chẳng cần đọc sách cũng thuộc, trích dẫn vô bài thi, tiểu luận ào ào mà chẳng sợ sai.

Sai sao được? Là vì hồi nhỏ tôi được bà ru, rồi lại nghe bà ru các em tôi. Coi như văn học Trung Đại Việt Nam, bà tôi thuộc một nửa. Folklore thì bà như từ điển sống. Vấp phải dị bản mà hoài nghi, muốn chỉnh đúng, tôi không gặp giáo sư mà bắt xe về quê hỏi bà tôi.

Hồi mới lớn, mười mấy tuổi, bà nhuộm răng đen, ăn trầu, chít khăn mỏ quạ, chăn tằm dệt lụa tiến Vua. Bà dệt chậm, chỉ bằng 1/3 người dệt thường nhưng tuyệt đẹp, Phường dệt cùa gái họ Phan chỗ bà làm là nơi tao nhân mặc khách thường lui tới. Từ Nam Đàn (Nghệ An) bên kia sông La, cụ (khi đó là anh thôi) Phan Bội Châu cũng hay rủ bạn văn chương ghé Phan phường hát Phường Vải.

Khi tôi lớn, chiếc xa kéo tơ bằng gỗ gụ của bà tôi vẫn còn, gác trên chạn. Đến năm 1979, để lâu quá không dùng vào việc gì, mẹ tôi đem xuống bổ làm củi. Tôi nhớ bữa đỏ, bà Ngoại tôi khóc “cảy” mắt. Cổ tích hết thật rồi, đời cũng hết Vua rồi. Nếu để được đến giờ, nó sẽ là cổ vật vô giá. Cả chiếc bình vôi, dao bổ cau - têm trầu, chiếc nồi đồng chiết yêu hồi môn của bà nữa…

Họ Phan Tùng Ảnh và họ Lê làng Kẻ Ngù (Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) có nhiều mối lương duyên, nhiều đời kết thông gia bằng hình thức hứa hôn. Năm bà ngoại tôi đã 24 tuổi (ngày xưa tuổi đó là muộn lắm rồi), bà cố mới bảo: “Mai con không dệt nữa, sắp tay nải đi theo mẹ”. Thế là bà về nhà chồng. Ông ngoại tôi họ Lê, gọi cụ Giải nguyên Lê Văn Huân bằng chú ruột.

Lê tộc đại tôn cũng kiệt hiệt, lắm bậc túc nho đỗ đạt nhưng làm quan đeo ấn thì không nhiều, chủ yếu đều mê mải với nửa vai cày vùng đồng chiêm trũng, nửa làm ông Đồ Nghệ, để dạy con trẻ thành người tử tế trước khi thành những đứa kỳ tài giúp nước giúp đời. Bữa đó, bà tôi được mẹ dắt về nhà chồng. Đám cưới nghiêm trang mà không có mặt chú rể. Ngày lành tháng tốt, đã định thì phải thành hôn thôi. Chú rể là thầy cai - lính khố xanh, đóng đồn ở Bãi Vọt (thị xã Hồng Lĩnh bây giờ), quan Pháp không cho về. Việc nhà binh, chớ cãi!

Năm ngày sau hôn lễ, bà cố ngoại (mẹ ông ngoại) dắt bà đi bộ 10 km xuống, đứng chờ trước cổng đồn. Thầy Cai bị quan Pháp phạt chạy 10 vòng quanh đồn xong thì chạy ra, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bà cố bảo: “Nhôông (chồng) ả (chị) đó. Vợ chồng bày (bảo ban) chắc (nhau) mà sống”. Bà cúi mặt, chỉ “Dạ” mà lòng khấp khởi thở phào. Ông đẹp trai, người cao lớn, rắn rỏi nhà binh nhưng vẫn hào toát nét thư sinh sáng láng.

Lấy chồng, một đời bà chỉ biết lo toan việc nhà chồng. Ông là lính, đi biền biệt, thi thoảng mới tạt về nhà. Ông bà sinh được hai con gái, là dì và mẹ tôi. Khuôn mặt dì giống bà ngoại, mẹ giống ông ngoại, như đúc.

Sau 1945, ông tham gia Vệ Quốc Đoàn. Có kiến thức quân sự, ông thành chỉ huy. Năm 1947, khi dẫn quân Nam tiến chống Pháp, ông ngoại đã là chỉ huy cấp Tiểu Đoàn. Từ đó, bà không còn nghe tin tức gì về ông. Hai năm sau, xã mời ả Thanh, cách gọi bà theo tên con gái lớn, trân trọng và đau xót gửi bà giấy báo tử. Giấy chỉ ghi “hy sinh tại chiến trường miền Nam”. Là ở đâu, bà chịu. Đến lúc đó, chân bà chưa từng bước ra khỏi mấy phiên chợ huyện, nói chi vào đến miền Nam.

Ông mất, sợ bà ngoại bỏ về nhà rồi tái giá, bà cố chỉ hai đứa cháu gái, bảo: “Con ả đó, ả đẻ, ả lo mà nuôi”. Bà Ngoại chỉ “Phài (Dạ)!”, vẫn im lặng cặm cụi với đời mòn vò võ.

Năm 1954, hòa bình, bà được ra riêng, mảnh vườn nhỏ chung hàng rào với nhà bà cố. Là vợ liệt sĩ, bà được vào hợp tác xã, làm ruộng ăn công điểm nhưng không được chia ruộng. Ruộng chỉ chia cho nhà có suất đinh (nam giới). Bà chỉ được một sào ba (sào = 360 m2) ruộng phần trăm đi kèm tiền tuất. Cả đời bà làm thuê. Chăm tằm thuê. Dệt lụa thuê. Làm ruộng thuê. Xay lúa, giã gạo làm hàng xén không để chạy chợ, cũng làm thuê nốt. Bà cần công điểm để cho hai cô con gái ăn học, nửa học nửa đi giúp việc, làm thuê. Phần thời gian còn lại, bà thay ông phụ lo giang sơn nhà chồng, chăm sóc ông bà cố, cho đến năm 1976 khi cả hai cố đều đã về theo tiên tổ.

Khi còn sống, bà cố ngoại hay cằn nhằn: “Có hai đứa con gái, ả kiếm công việc đi cho hấn mần, mai mốt còn lấy chồng, theo chồng. Học chi cho lắm, học mần cô (giáo) à?”. Bà ngoại vẫn chỉ “Dạ”. Bà cho dì và mẹ học làm cô giáo thật. Dì tôi dạy Văn, trước 1975 dạy ngoài Hà Bắc, lấy chồng là sĩ quan quân đội trong Thạch Hà nên theo về nhà chồng.

Dượng là sĩ quan Công Binh, học từ Trung Quốc về, từng là một trong 37 công trình sư phụ trách khâu sức bền công trình xây lăng Hồ Chủ Tịch, cũng từng là Chỉ huy trưởng Công Binh sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa). Trước khi nghỉ hưu ông dạy Đại học Công Binh ở Sông Bé một thời gian dài. Con trai lớn của ông nối gót, 30 năm nay cũng là giảng viên trường đó.

Ngôi nhà nhỏ, vườn nhỏ xào xạc hàng tre khua ở Trung Lễ còn lại bà ngoại và mẹ tôi. Sau khi đi dân công hỏa tuyến, làm Trung đội trưởng dân quân trực máy bay thì mẹ tôi thành cô giáo dạy Toán cấp hai. Ông thầy của mẹ cũng dân Thạch Hà (Thạch Kim), ở trọ dạy học tại nhà bà ngoại 7 năm và cưới luôn cô học trò, con gái bà nông dân không ruộng cho ở nhờ. Điều kiện thách cưới đơn giản, chỉ là ông thầy phải ở rể. Gì chứ việc đó, thầy quen rồi, đồng ý ngay.

Ông dạy Văn cấp ba, rồi học và dạy Triết học, đến năm 1977 thì bị tổ chức điều vô Nam. Năm 1980, ông chuyển cả nhà vào Tháp Chàm, ở lại Ninh Thuận (Thuận Hải) đến tận giờ. Thương con, thương bầy cháu nheo nhóc, bà ngoại đồng ý đi theo. Ngày rời mảnh vườn xưa, bà khóc. Mẹ tôi cũng khóc. Bà ngoại không biết ông ngoại nằm đâu để hương khói báo tin, sợ hồn liệt sĩ không biết vợ con ở đâu để tìm về!

Hàng chục năm sau đó, hiểu lòng bà, bố mẹ tôi đã đi rất nhiều nơi, vô vọng tìm mộ ông. Hỏi được ai là hỏi. Có dịp đi đâu là ghé nghĩa trang, sở, ban ngành địa phương để tìm. Thấy nghĩa trang là vào thắp hương. Thắp hết, vừa khói hương thơm đều những mộ bia, vừa cố đọc nhẩm mộ chí. Bố đi nhiều nhất. Hàng năm ông đều coi thi, chấm thì ở các tỉnh. Bạn bè ông cũng khắp các tỉnh thành. Ông đi, ông đến, nhờ hết, vẫn bặt vô âm tín. Mỗi chuyến ông về, bà ngoại không nghe ông nói gì lại im lặng thở dài.

Mẹ tôi đau yếu suốt, nhưng chưa bao giờ nguôi quên việc tìm mộ cha. Dì và dượng tôi cũng thế. Những cuộc thư từ xưa, điện thoại gặp gỡ sau này, nói gì không biết nhưng phần lớn thời giờ bố và dượng vẫn dành cho việc trao đổi thông tin tìm mộ. Rồi đến lượt anh em hai nhà, khi đã lớn, đi khắp nơi cũng không đứa nào quên. Nhưng mò kim đáy biển. Ông “hy sinh trên chiến trường miền Nam”, trong khi cả miền Nam, cả đất nước này, có nơi nào không từng là chiến trường?

Chưa tìm được mộ ông, nhưng dò mãi, tìm mãi, bố mẹ tôi lại ngẫu nhiên tìm được nơi an nghỉ của một vài người bà con hàng cha chú khác – những người họ chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ biết mặt. Năm 1991, mẹ tôi đi thắp hương, tình cờ tìm ra dấu tích người chú Lê Viết Lượng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lâm Đồng, ở thành phố Đà Lạt. Ông nằm ở hàng đầu tiên, ngay dưới Đài Tổ quốc Ghi công. Năm 1946, khi hy sinh, ông đang là Trưởng Ty Công an của một địa phương cách quê nhà ngàn dặm!

Tháng Ba năm 1995, bố về thăm quê, tình cờ gặp Đại tá hồi hưu Lê Văn Đào, một người cùng họ Lê ở Trung Lễ, vai em ông ngoại. Con, cháu của ông Đào trong làng đều là học trò của bố và mẹ. Chuyến Nam tiến năm 1947, ông ngoại là là chỉ huy Tiểu Đoàn, còn ông Đào tuổi chưa đến 20, làm liên lạc viên. Nghe kể, ông cựu chiến binh kêu trời: “Chết rồi! Thầy cô tìm a rứa, hỏi a rứa là sai, sai hết. Đánh nhau liên miên, đã kịp đi mô mà đến được Quảng Ngãi với Đồng Nai, Lâm Đồng? Trận đó tui ở cạnh ông, tui biết chỗ. Thầy cô đi theo tui!”.

Đi ngay sáng hôm sau. Không xa, chỉ cách làng 200 km. Chuyến đó chỉ tiền trạm, mình bố tôi đi. Chuyến sau, vẫn ông Đào dẫn, có nhiều con cháu, chỉ thiếu bà đang đau yếu, không thể đi được. Ông Đào đi phăm phăm, đưa hai con gái và hai con rể thủ trưởng cũ vào thẳng Nghĩa trang xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Chỉ một phút sau khi bước vào, hương chưa kịp thắp, mẹ tôi, bố tôi và tất cả đã khóc òa. Mộ liệt sĩ Lê (Văn) Mân, Đức Thọ, Hà Tĩnh, D 274 - ông ngoại tôi  - nằm thứ ba, hàng đầu tiên của Nghĩa trang, ngay dưới đài tưởng niệm. Sau đúng 48 năm chia tay, mẹ và dì mới tìm được chỗ cha nằm. Ông nằm đó đã 46 năm.

Khi tìm được mộ ông, bà ngoại đã yếu, mắt đã lòa, nằm ngồi một chỗ, không thể ra chỗ ông nằm được nữa. Bố mẹ tôi về báo tin, làm cơm cúng ông, bà chỉ khóc thầm chứ không vật vã. Nước mắt nhớ thương không vơi đi, nhưng hóa đá mất rồi. Ông nằm đó cũng đã rất lâu, chắc quen rồi, xung quanh bao nhiêu là anh em, đồng đội. Đất Panduranga, nơi bà ở cũng không phải quê nhà. Bà bảo:  “Thôi, thế là cũng thỏa nguyện. Để ông nằm đó với anh em, con cháu đi qua thì nhớ hương hoa vào viếng”.

Năm năm sau, năm 2000, bà mất, sau 53 năm chờ chồng, 51 năm đời góa phụ. Dù sao cũng có 5 năm hồn ông ở cạnh bà, khi gia đình xin chân hương từ mộ ông về cắm bàn thờ.  Bà bảo ông về rồi, gặp bà rồi, nhưng mà lạ. Ông vẫn trẻ quá, cao lớn, đẹp trai quá, trong khi bà đã già lắm rồi, mà ông cứ cầm tay bà lắc lắc!

Con cháu đứa nào cũng thế, cứ có dịp đi qua là ghé Duy Ninh. Tôi  thì ghé nhiều, lấy vợ cũng loanh quanh đâu đó. Quê ngoại của các cháu là Lệ Thủy, Quảng Bình, còn nhà bà ngoại của chúng ở Đồng Hới thì cách chỗ ông nằm 11 km. Và tôi phát hiện ra một điều nho nhỏ: nhà nhà văn Văn Cầm Hải, bạn mình nằm ngay sau nghĩa trang chỗ ông nằm, vườn chung tường! Kể với Hải, nó ồ lên: “Rứa à!”.

Rồi cuối cùng thì ông với bà cũng ở cạnh nhau. Vài năm trước, gia đình cải mộ bà, lập nghĩa trang gia tộc. Bên cạnh mộ bà ngoại là mộ gió của ông ngoại. Mộ chí là một tấm đá hoa cương nguyên bìa, được anh tôi cạy cục thuê chở về để đục bia thờ. Cốt ông nằm lại Quảng Bình, còn hồn ông thì theo chân hương, đã về đất Panduranga để sớm hôm thủ thỉ cùng bà.

Mấy anh em, đứa nào cũng tập tễnh làm thơ. Tôi đã rũ người với bao nhiều thơ của anh em bạn bè viết về những vọng phu thương nhớ. Đất nước này, có nơi nào đá không tượng hình Tô Thị? Nhưng tôi thì không, không viết nổi một dòng. Suốt tuổi thơ thương nhớ, tôi đã sống với bà ngoại, nghe biết mấy khúc ru. Bút mực, câu từ nào hơn thế? Không phải trong nhà, trong tâm khảm tôi, bà ngoại đã dựng sẵn một Vọng Phu hóa đá suốt nửa thế kỷ đằng đẵng đó rồi sao?

NGUYỄN HỒNG LAM

Sài Gòn, 27/07/2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.