jeudi 3 décembre 2020

Nguyễn Ngọc Chu - Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt


1. VỀ TÁC ĐỘNG ĐA DẠNG CỦA THỦY ĐIỆN Ở BA MIỀN BẮC TRUNG NAM

Thủy điện là nguồn năng lượng quý giá. Nhưng phải được sử dụng một cách khoa học. Nếu không, nó sẽ mang lại những tác hại khôn lường.

Trong thời kỳ phát triển công nghiệp ban đầu, các quốc gia đều cần đến thủy điện và thường tập trung phát triển thủy điện. Sự phụ thuộc lớn vào thủy điện đã dẫn đến các vi phạm vượt ngoài tầm kiểm soát và để lại các tác hại cho con người cùng môi trường. Mức độ tác hại có khác nhau tùy theo sự kiểm soát ở mỗi quốc gia.

Cho đến cuối thế kỷ 20, và đầu thế kỷ 21, sự phát triển thủy điện ở các nước công nghiệp phát triển đã có những thay đổi quan trọng. Nhờ sự tiến bộ công nghệ, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều đã tăng đột phá thị phần, từng bước thay thế cho các năng lượng truyền thống. Vì thế, các dự án thủy điện mang lại nhiều tác hại xấu không được đón chào. Nhiều thủy điện không được mở rộng hoặc ngừng khai thác. Hàng ngàn đập thủy điện đã được dỡ bỏ.

Với Việt Nam, thủy điện đang mang đến những thách thức sống còn cho nhiều thế hệ con người, động vật, sinh vật trên phạm vi toàn lãnh thổ.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, việc Trung Quốc xây hàng chục thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Mê Kông là những cú đòn chí tử lên toàn bộ môi trường sống. Sau Trung Quốc, các đập thủy điện của Lào, Campuchia trên sông Mê Kông, của Myanmar, Thái Lan và Việt Nam trên lưu vực sông Mê Kông đã đồng loạt trở thành những đòn đánh bồi tổng hợp - đưa môi trường sống ở đồng bằng sông Cửu Long dần vào hoàn cảnh nguy hiểm.

Mức nước sông Cửu Long bị khô cạn. Trong nước không còn phù sa. Nước biển lấn tràn sâu vào nội địa lên đến 80-100 km. Toàn bộ môi trường sống của đồng bằng sông Cửu Long bị thay đổi. Phải chống ngập mặn, chống hạn hán, tìm nguồn nước ngọt. Con người bị đe dọa, cá tôm bị đe dọa, cây trồng bị đe dọa. Mức đe dọa đạt tới biên giới sinh tử. Hàng chục vấn đề trầm trọng đặt ra cho cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Phải thay đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản. Phải thay đổi cơ cấu cư dân. Đến mức con người cũng phải di tản.

Ở đồng bằng sông Hồng, tuy chưa có mức độ ngập mặn, nhưng một bức tranh xấu đang hiện ra mỗi ngày một ảm đạm hơn.

Nếu thủy điện Hòa Bình và thủy điện Thác Bà vừa đưa lại nguồn điện, vừa giúp cắt lũ cho thủ đô Hà Nội, có làm cạn dòng chảy sông Hồng, nhưng chưa đến mức nguy hiểm. Thì việc xây dựng thêm các thủy điện Sơn La, Lai Châu và cả trăm thủy điện khác trên lưu vực sông Đà và sông Lô đã làm cho đồng bằng sông Hồng rơi vào hoàn cảnh môi sinh bị đe dọa.

Chưa kể đến trước đó, hàng chục thủy điện của Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn sông Hồng - là những chiếc thòng lọng đón chờ mọi cá thể trong toàn bộ hệ sinh thái châu thổ sông Hồng. Các dòng sông bị cạn. Các mạch nước ngầm bị cạn. Kéo theo sự thay đổi của thủy mạch và toàn bộ hệ sinh thái ở châu thổ sông Hồng.

Thủy mạch thay đổi, các vết nứt địa chất gia tăng khi phải hứng chịu hai khối nặng khổng lồ ở Hòa Bình và Sơn La, mỗi hồ nước nặng khoảng 10 tỉ tấn và 10 tỉ tấn ở các hồ nước khác. Khả năng gia tăng động đất là không tránh khỏi. Hãy đợi chờ nhiều hơn những cơn động đất ở vùng Tây Bắc trong tương lai.

Ở miền Trung, thủy điện đưa đến các hậu quả không kém phần nguy hiểm, nhưng có thêm phần khác lạ. Với địa hình dốc từ Tây sang Đông, có nơi chỉ 40-50km, sông miền Trung ngắn nhưng có độ dốc lớn. Chính độ dốc lớn của sông miền Trung là nguyên do sinh ra chi chít những thủy điện nhỏ. Len lỏi quanh co giữa các khe núi cao, là nơi hứng nước mưa chảy từ các triền núi, với độ dốc đột ngột, cứ cách khoảng 10-20 km, thậm chí 5 -7 km đắp một chiếc đập là tạo nên một trạm thủy điện. Cụ thể như trên 24 km của sông Rào Trăng mà có đến 4 nhà máy thủy điện. Miền Trung là cứ địa của các thủy điện “cóc”. Và đó cũng chính là nguồn cơn đưa đến tai họa lũ lụt và sụt lở đất nguy hiểm ngày một nhiều hơn cho miền Trung.

Rõ ràng, ngoài tai họa biến đổi hệ sinh thái và môi trường sống ở cả ba miền, thì tác động của thủy điện ở mỗi miền có những phương diện khác biệt. Thủy điện đưa đến cho đồng bằng sông Cửu Long trực diện nạn hạn hán, nạn ngập mặn, nạn thiếu nước ngọt - dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế và cư dân. Còn ở đồng bằng châu thổ sông Hồng thì thủy điện mang đến sự thay đổi thủy mạch và tăng nguy cơ động đất. Và ở miền Trung, thì thủy điện tham gia đưa đến các cơn lũ lụt và sụt lở đất kinh hoàng.


2. PHẢI HIỂU CHO ĐÚNG KHÁI NIỆM RỪNG TỰ NHIÊN

Loài người xuất hiện sau rừng tự nhiên. Đó là điều không phải bàn luận. Cho nên mỗi mét vuông rừng trước đây đều là rừng tự nhiên.

Khi con người tiến vào rừng, đất nhà, đất nương rẫy của họ đều là rừng tự nhiên bị họ khai phá. Có mét vuông đất nào giữa vùng rừng núi mà không phải là rừng tự nhiên? Ngay cả các hồ tự nhiên, các dòng sông dòng suối giữa núi rừng đều là đất của rừng tự nhiên. Cho nên, đừng thấy vùng cư dân, thấy nương rẫy, thấy đồi trọc mà khẳng định là không phải rừng tự nhiên. Xa xưa đó là rừng tự nhiên. Bây giờ thì nó đã bị con người tàn phá.

Những ai đã đến rừng Tây Nguyên sau năm 1975 mới thấy rừng tự nhiên bạt ngàn như thế nào. Bây giờ quay trở lại có thể nói rất ít nơi còn rừng tự nhiên đúng nghĩa. Theo đánh giá, thì lượng rừng nguyên sinh của Việt Nam chỉ còn khoảng 0,25% . Dù rằng theo báo cáo của Bộ NN&PTNN, thì tính đến ngày 31/12/2019 diện tích đất có rừng của Việt nam là 14, 6 triệu ha (146 000 km2), trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha. Diện tích đất có rừng đủ tỉ lệ tính độ che phủ là 13,8 triệu ha, tỉ lệ che phủ khoảng 41,89% diện tích toàn quốc. Tỉ lệ che phủ này thấp hơn 2 nước láng giềng là Lào (58%) và Campuchia (47%).

Ba tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất, dẫn đầu là Nghệ An (784 340 ha), tiếp theo là Sơn La (588 343 ha) và Kon Tum (547 800 ha).

Theo thông tin của Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Lắk cho biết, rằng ở độ dốc 5-8 độ, dưới lượng mưa hàng năm 1 905mm thì trên 1 ha đất cà phê 2 tuổi sẽ bị trôi đi 69,2 tấn đất, 1 ha đất nương rẫy sẽ bị trôi đi 95,1 tấn đất, trên 1 ha đất trồng ngô sẽ bị trôi đi 105,7 tấn đất. Nhưng trên 1 ha đất rừng nguyên sinh chỉ bị trôi đi không quá 6 tấn đất, và 1 ha đất rừng tái sinh bị trôi đi 12 tấn đất. Những con số trên nói lên sự vô giá của rừng nguyên sinh trong bảo vệ đất.

Đưa ra số liệu trên để thấy tại sao nạn sụt đất kinh hoàng đã xẩy ra như trong các cơn lũ lụt thời gian vừa qua ở các tỉnh miền Trung. Đó là vì rừng tự nhiên bị tàn phá. Trong sự huỷ diệt rừng tự nhiên ở Việt Nam có vai trò không nhỏ của thủy điện.


3. DIỆN TÍCH DÀNH CHO THỦY ĐIỆN NHỎ MIỀN TRUNG TUYỆT ĐẠI ĐA SỐ LẤY TỪ ĐẤT RỪNG TỰ NHIÊN

Bằng điện thọai cầm tay, với sự giúp đỡ của Google Maps, không khó để nhận thấy các thủy điện nhỏ hoàn toàn nằm trong rừng tự nhiên. Hãy thử tự kiểm nghiệm các thủy điện A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 để thấy điều khẳng định này. Nghĩa là toàn bộ đất cấp cho thủy điện, trừ một phần nhỏ hồ tự nhiên có trước, đều hoàn toàn thuộc về diện tích rừng tự nhiên. Phần hồ mở rộng (nhiều lần) - hình thành sau khi đắp đập thủy điện - cũng đều là diện tích của rừng tự nhiên. Hơn thế nữa toàn bộ các đường giao thông đi đến các nhà máy thủy điện này đều làm trên đất rừng tự nhiên.

Điều mâu thuẫn của người bảo vệ thủy điện nằm ở chỗ, khi báo cáo diện tích phủ xanh của rừng tự nhiên, thì họ lấy toàn bộ diện tích rừng tự nhiên (dù đã bị tàn phá) để có được 10,3 triệu ha, nhưng khi nói đến thủy điện thì họ lại nói không 1 mét vuông đất rừng tự nhiên nào được cấp cho thủy điện. Vậy từ hàng chục đến hàng trăm ha đất cấp cho mỗi thủy điện nhỏ - không nằm trong rừng tự nhiên thì nằm ở đâu? Các thủy điện nhỏ, bởi vậy, lại là “con thú khổng lồ” ngốn rừng tự nhiên.

Một nguyên do khác nữa làm giảm rừng tự nhiên là việc lợi dụng xây dựng thủy điện để khai thác gỗ. Không chỉ trong diện tích rừng cấp cho thủy điện và làm đường giao thông, mà là ngoài các diện tích đó. Số lượng này không hề nhỏ.

4. CÁC NGUY CƠ MẤT AN TOÀN TRONG XÂY DỰNG THỦY ĐIỆN NHỎ Ở MIỀN TRUNG

Thập niên đầu của thế kỷ 21 ở Việt Nam diễn ra những cuộc “thập tự chinh” náo loạn. Đó là các tập đoàn, các doanh nghiệp, các gia đình, các cá nhân – tất cả - đổ xô đi làm bất động sản, kinh doanh khách sạn, kinh doanh ngân hàng, buôn bán chứng khoán…Hậu quả là lãi suất ngân hàng tăng vọt đến 25% và nền kinh tế đổ bể. Cuối cùng thì các tập đoàn lớn, trong đó có người khổng lồ Vinashin bị chìm xuống đáy, và các tập đoàn sông Đà, dầu khí… phải rút ra khỏi các lĩnh vực ngoại đạo, mà quay trở về chuyên môn với “đầy mình thương tích”.

Nổi trội trong số các cuộc “thập tự chinh” náo loạn đó là cuộc “chinh phạt” thủy điện nhỏ. Khắp Bắc Trung Nam, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, dù có vốn pháp định từ vài tỉ cho đến vài trăm tỉ đều đổ xô đi làm thủy điện. Vốn cần ghi bao nhiêu cũng không khó. Nên các công ty tư nhân, công ty cổ phần vừa thành lập đều có thể làm thủy điện. Họ nhận được dự án, bất chấp năng lực thực tế, miễn là biết đi đúng đường. Và không ít các dự án đã được bán lại cho các chủ mới.

Không có các chuyên gia giỏi trong ngành thủy điện. Không khảo sát địa chất. Không nghiên cứu tác hại môi trường. Nhưng hồ sơ vẫn hoàn chỉnh, kín kẽ. Lập hồ sơ dự án ở nước ta đã trở thành một lĩnh vực nhiệm mầu của copy và thuê viết. Mà đâu chỉ hồ sơ dự án, nhiều luận án từ tốt nghiệp đại học, cho đến thạc sĩ và tiến sĩ ở nhiều nơi - đều được sinh ra từ copy và thuê viết. Hãy tự gõ vào google để kiểm nghiệm sự rao bán. Hãy tự kiểm tra để đừng cho là bôi đen hay vơ đũa cả nắm.

Còn thiết bị từ đâu? – từ Trung Quốc, dù dán mác G7. Đắp đập thành hồ. Mua thiết bị và thuê người lắp đặt là thành thủy điện. Người bán thiết bị đến lắp đặt xong thì về nước. An toàn hay không thì mặc nơi có thủy điện phải gánh chịu. Đây chính là mối nguy về sự không an toàn trong xây dựng thủy điện nhỏ.

Một mối nguy không an toàn khác chính là việc xây dựng đường giao thông đến thủy điện nhỏ. Các nhà đầu tư chỉ chú trọng đến chi phí. Họ chọn những cung đường ngắn nhất dù phải làm đường dưới sườn núi dốc đứng. Những con đường không đủ rộng. Họ bạt rừng để làm đường. Nguy cơ sạt lạt lở ở các con đường dẫn đến thủy điện nhỏ rất cao, đầy ắp nguy hiểm. Các trận lũ lụtvà sụt lở đất trong tháng 10/2020 ở miền Trung đã minh chứng điều đó.


5. CÁC HỒ CHỨA NƯỚC CỦA THỦY ĐIỆN NHỎ Ở MIỀN TRUNG KHÔNG GIÚP GIẢM ĐƯỢC LŨ LỚN

Sông Rào Trăng chỉ dài 26 km với lưu vực 141 km2 nhưng lại có đến 4 thủy điện A lin B1 (42 MW), A lin B2 (20 MW), Rào Trăng 3 (11 MW, lòng hồ 8,8 ha), Rào Trăng 4 (14 MW, lòng hồ 22,281 ha). Như vậy khoảng cách trung bình giữa các thủy điện chừng 8km. Một khoảng cách quá dày đặc.

Thủy điện A Lin B1 có hồ chứa nước 24,8 triệu m3, lấy nước từ suối A Lin trong mạng lưới song Sê Kông - Mekong sang Rảo Trăng. Còn 3 thủy điện A lin B2 , Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 lấy nước lưu vực sông Rào Trăng.

Để minh chứng các thủy điện nhỏ trên sông Rào Trăng không có khả năng làm giảm lũ trong mùa lũ, hãy lấy thí dụ về thủy điện Rào Trăng 4 trong đợt lũ vừa qua.

Đợt mưa vừa qua trong suốt một tuần ở khu vực này đo được từ 2.200 - 2.500 milimet. Nếu lấy mức thấp nhất là 2200 milimet thì lượng nước lưu vực sông Rào Trăng là 141km2 x 2.200 milimet = 310,2 triệu m3. Còn tính cho cả huyện A Lưới sẽ là 1 232,7 km2 x 2200 milimet = 2 tỉ 711.940. 000 m3.

Lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4 là 22,281 ha. Theo quy trình xả lũ, mà Bộ Công Thương duyệt cho thủy điện Rào Trăng 4 thì mực nước dâng bình thường 99,5 m; mực nước chết: 93,0 m. Cụ thể như sau:

“1. Cao trình mực nước lũ của hồ chứa thủy điện Rào Trăng 4 trong mùa lũ ở điều kiện bình thường khi không có lũ không được vượt quá cao trình mực nước 99,5 m;

2. Quy định về chế độ vận hành

Căn cứ dự báo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có thẩm quyền và quan trắc của Công ty Cổ phần Thủy điện Rào Trăng 4 về số liệu mưa, lưu lượng lũ vào hồ và mực nước hồ chứa, phương thức vận hành cửa van đập tràn như sau:

a) Nguyên tắc cơ bản: Duy trì mực nước hồ ở cao trình mực nước dâng bình thường 99,50m bằng chế độ xả nước qua các tổ máy phát điện và chế độ đóng mở cửa van đập tràn.

b) Trong trường hợp bình thường từ thời điểm lũ vào hồ đến khi đạt đỉnh, việc mở các cửa van đập tràn phải tiến hành lần lượt để tổng lưu lượng xả qua các tổ máy phát điện và đập tràn không được lớn hơn lưu lượng tự nhiên vào hồ tại cùng thời điểm.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện Rào Trăng 4, chủ động đề phòng mọi bất trắc, với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm; không để mực nước hồ chứa Rào Trăng 4 vượt mực nước lũ kiểm tra ở cao trình 101,27m”.

Như vậy, trên 101,27m là hoàn toàn xả lũ. Lúc đó mực nước giữ thêm cho phép tối đa chỉ có : 101,27m - 99,5m = 1,77m. Lượng nước chứa thêm 222 810 m2 x 1,77m = 403 737 m3. Một con số vô cùng nhỏ nhoi so với 310,2 triệu m3, chỉ bằng 0,13%. Vậy làm sao dám gọi là “cắt lũ”?

Còn nếu tính ưu ái cho thủy điện Rào Trăng 4, rằng trước khi lũ, mực nước ở mức chết là 93,0m, thì mức nước giữ thêm cũng chỉ là 101,27m – 93,0m = 8,27m. Và lượng nước chứa thêm được so với mức chết là 222 810m2 x 8,27m = 1 triệu 842 638 m3. Vẫn là con số vô cùng nhỏ so với 310,2 triệu m3 (0,59%). Thủy điện nhỏ không giúp giảm được lũ là bởi thế.

Còn nếu ai đó nói rằng lòng hồ thủy điện Rào Trăng 4 vào mùa lũ lớn hơn 22,281 ha, thì chính họ đã chỉ ra sự sai trái trong cấp phép. Lòng hồ là diện tích đất được cấp. Nó phải được tính toán ở mức nước cao nhất của hồ chứa nước. Đó chính là mức nước hồ ở độ cao ngang với đập.

Thí dụ cụ thể của thủy điện Rào Trăng 4 đã chỉ ra rằng thủy điện nhỏ không thể giúp gì được cho giảm lũ. Đó là chưa bàn đến ở đây, việc xả lũ làm tăng thêm thiệt hại to lớn cho người dân trong mùa lũ.

6. HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG KHÁI NIỆM “CẮT LŨ”?

Nếu cứ nghe theo những chuyên gia bảo vệ cho thủy điện nhỏ ở miền Trung thì thủy điện nhỏ có vai trò “cắt lũ” đến mức vĩ đại. Chẳng hạn như, họ đã đưa ra các con số rằng

“Tại miền Trung, các hồ thủy điện cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày 29/10, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%”

Làm sao mà có thể cắt lũ đến mức 50%? 74,7%? Đây chỉ là trò chơi con số. Là cách hiểu khác nhau về hai từ “cắt lũ”.

Bởi vì những người đưa ra chỉ số “cắt lũ” này dựa vào tỉ lệ lưu lượng nước đổ về hồ và lưu lượng nước xả qua đập thủy điện để ghi công cho thủy điện “cắt lũ”. Chẳng hạn lưu lượng đổ về đầu hồ là 100 m3/s và lưu lượng xả qua đập thủy điện cuối hồ là 80 m3/s. Lúc đó, có lẽ những nhà điều tiết xả lũ cho rằng họ đã cắt được lũ 20m3/s. Và tỉ lệ “cắt lũ” là 20/100 = 20%?

Thực ra hồ chứa nước của thủy điện không giữ lại 20% lượng nước lũ trong thí dụ trên. 20 m3 nước đó chỉ bị lưu giữ chậm lại, và chỉ 0,25 giây sau nó sẽ đi qua cửa xả của đập thủy điện. Nghĩa là sau 1,25 giây thì toàn bộ 100 m3 nước đi qua đập thủy điện, không giọt nào lưu lại hồ. Nước lũ chỉ bị dồn lại trước đập thủy điện và thông qua đập thủy điện với độ trễ. Giống như dòng người ở trạm soát vé. Khi lũ tiếp tục tràn về, nước dâng lên đến mức cho phép tối đa thì phải xả lũ đúng bằng lượng nước đổ về hồ, nếu không nước sẽ tràn qua đập và có thể gây vỡ đập.

Cách tính “cắt lũ” như trên gây ra hiểu nhầm là hồ thủy điện giữ lại được một lượng nước đến 50%, 74,7% toàn bộ lượng nước lũ.

Bởi thế, phải hiểu cho đúng khái niệm “cắt lũ”. Như thí dụ của thủy điện Rào Trăng 4 nêu ở trên, thì thực tế hồ thủy điện Rào Trăng 4 chỉ giữ thêm được có 1,77m chiều cao mặt hồ nước, tương đương với 403 737 m3.

Các ‘hiệp sĩ” bảo vệ thủy điện nhỏ, trớ trêu thay tự mâu thuẫn với chính họ. Họ biện luận về “cắt lũ” giúp dân khi lũ không đủ lớn. Khi lũ lên cao thì đột ngột ồ ạt xả lũ để bảo về đập, rồi họ lại thanh minh là không làm cho lũ trầm trọng, vì xả đúng lượng nước đổ về đầu hồ. Chỉ có người dân địa phương nơi vùng bị xả lũ mới biết được việc xả lũ của thủy điện đã đẩy họ vào thảm cảnh bi đát như thế nào!

7. ĐỪNG SO SÁNH VỚI CHÂU ÂU

Có người vin vào số lượng thủy điện nhỏ ở châu Âu để cổ súy cho thủy điện nhỏ ở Việt Nam.

Nhưng đó là hai thế giới khác nhau. Ví như cùng là cảnh sát giao thông, mà cảnh sát giao thông Singapore không hề nhận hối lộ, trong khi điều đó lại xẩy ra ở nước hàng xóm Malaysia.

Như ngay tại phần đầu đã lưu ý, thủy điện là năng lượng quý giá trong trường hợp nó được sử dụng một cách khoa học. Thủy điện nhỏ được xây dựng và khai thác ở châu Âu trong một thực tế khác hoàn toàn với Việt Nam, dù quy trình trên giấy có vẻ gần giống nhau.

Để nói lên sự khác biệt giữa châu Âu và Việt Nam trong cách làm thủy điện nhỏ, thì trước hết là phải nói đến quy trình và sự tuân thủ quy trình. Ở Việt Nam không có sự tuân thủ quy trình như ở châu Âu. Tính nghiêm ngặt trong tuân thủ pháp luật ở hai nơi là rất khác biệt. Còn nữa, thêm một minh chứng về yêu cầu bảo vệ môi trường ở châu Âu, không chỉ trong lĩnh vực thủy điện, là sự tồn tại cả những đảng phái chính trị bảo vệ môi trường - chẳng hạn như đảng Xanh, có ở nhiều quốc gia châu Âu.

Không ai chống thủy điện nhỏ khi nó được khai thác một cách khoa học. Nhưng ở Việt Nam, thủy điện nhỏ đang tàn phá rừng, làm tăng thêm sụt lở, làm trầm trọng thêm lũ lụt, làm thay đổi môi sinh. Bởi vì việc xây dựng thủy điện nhỏ ở Việt Nam thoát ra ngoài tầm kiểm soát. Và không có cách nào để kiểm soát được trong cơ chế hiện nay.

Khi không kiểm soát được, thì cách tốt nhất là dừng.

8. THỦY ĐIỆN ĐÃ TỚI HẠN

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 23.182 MW. Hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành với tổng công suất 18.564 MW. 143 dự án đang xây dựng có công suất 1.848 MW. 290 dự án đang nghiên cứu có tổng công suất 2.770 MW. Tổng công suất điện toàn quốc năm 2018 đạt khoảng 48.000 MW. Như vậy thủy điện chiếm khoảng 38,675% công suất lắp đặt. Kế họach đến năm 2030 của thủy điện là 25.400 MW.

Nhu cầu về điện tăng rất nhanh do đòi hỏi phát triển của đất nước. Tổng công suất điện đã lắp đặt của cả nước năm 2019 đạt 54.880MW. Phải dự liệu tăng trưởng điện ở mức độ từ 10-12% hàng năm. Nhiệt điện than cần phải hạn chế do mức độ ô nhiễm. Còn thủy điện đã đạt mức tới hạn. Nếu tính cả 143 dự án đang triển khai thì tổng công suất của thủy điện đạt 20.412 MW. Nếu tiếp tục triển khai hết 290 dự án đang nghiên cứu cũng chỉ cho thêm 2.770 MW. Tiếp tục theo kế họach đến năm 2030 để đạt 25.400 MW thì cũng chỉ tăng thêm 2.218 MW. Nghĩa là không đủ đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng điện trong 1 năm. Bởi vậy, không nên phát triển các dự án thủy điện mới nữa, và dừng hoàn toàn các dự án thủy điện nhỏ mà chưa triển khai, nhất là tại khu vực miền Trung.

Thay vào đó là điện mặt trời và điện gió. Tính đến tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất 5.038 MW, chiếm khoảng 9,18% tổng công suất điện quốc gia. Theo kế họach, đến 31/12/2019 sẽ có thêm khoảng 1.000 MW năng lượng tái tạo hoà vào lưới điện quốc gia. Phát triển mạnh điện mặt trời và điện gió là hướng chiến lược chủ đạo dài lâu của Việt Nam. Nhất là điện mặt trời. Vì Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới.

Vì rừng bị tàn phá, đồng bào miền Trung không chỉ sẽ phải đối mặt với lũ lụt ngày càng hung dữ, mà còn phải sống trong nơm nớp lo âu của sụt lở đất kinh hoàng. Trong số các kẻ thù hiểm ác của rừng, phải kể đến: lâm tặc, sự di dân, sự bành trướng đô thị, sự phá rừng trồng cây lương thực và cây công nghiệp, sự xâm chiếm của các dự án, và thủy điện. Cách tốt nhất giúp cho đồng bào miền Trung bớt lũ và tránh sụt lở đất là bảo vệ rừng, trồng thêm rừng, và thay thế thủy điện bằng năng lượng tái tạo.

Không ai chống làm thủy điện một cách khoa học. Chỉ chống cách làm thủy điện nhỏ hỗn loạn như hiện nay.

NGUYỄNNGỌC CHU 02.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.