vendredi 18 décembre 2020

Nguyễn Ngọc Chu -Đồng bằng sông Cửu Long và dòng người di cư, những câu hỏi trăn trở


Bần thần khi nghe tin có đến 1,3 triệu đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) di cư trong 10 năm qua. Dẫu biết di dân là quy luật tự nhiên mà không thể tự an ủi. Chỉ văng vẳng bên tai những câu hỏi trở trăn chưa có lời giải:

1. Tại sao cư dân của vùng đất trù phú nhất nước lại phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống và định cư ở xứ khác?

2. Di dân là quy luật. Nhưng di dân đến đâu? Di dân theo cách nào? Di dân để làm công việc gì? Thì đó là những tiêu chí xác định đẳng cấp và số phận của một con người.

3. Đã có biết bao nhiêu cuộc họp, đã có biết bao nhiêu cuộc viếng thăm của lãnh đạo nhà nước, đã có biết bao nhiêu biện pháp được đề ra, thậm chí có cả ban chỉ đạo vùng, nhưng sao ĐBSCL vẫn chậm phát triển?

4. Có phải đó là do những biện pháp đưa ra chưa đúng? Chưa đủ? Hay có phải đó là do chưa biết trân quý vùng đất ĐBSCL? Hay đó là vì chưa thương yêu người dân ĐBSCL?

5. Ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự di cư lớn khỏi ĐBSCL?

VẤN ĐỀ CỐT LÕI

Trong hàng trăm biện pháp quan trọng để đưa ĐBSCL phát triển, thoát khỏi tình trạng tụt hậu, giảm bớt sự di cư, thì có hai điều sau đây là cốt lõi nhất: cơ chế và nhân sự.

Cơ chế vận hành là nhân tố bao trùm. Nhân sự là nhân tố quyết định.Muốn tiến nhanh cần thay đổi cả hai nhân tố này đồng thời.

Đầu tư hạ tầng cơ sở cho ĐBSCL là điều quan trọng; Áp dụng công nghệ là quan trọng; Thu hút đầu tư là quan trọng; Đưa ra các chính sách và biện pháp mới là quan trọng… Dẫu có cả trăm biện pháp quan trọng nhưng nếu người thực thi kém thì kết quả rốt cuộc vẫn là tệ hại.

Cho nên, điều quyết định là phải có người tài giỏi đứng đầu các tỉnh ở ĐBSCL.Tự họ biết vận dụng cơ chế. Tự họ từng bước thay đổi cơ chế. Tự họ biết đưa ra các biện pháp thúc đẩy ĐBSCL phát triển.

Bởi vậy, nhất thiết phải thay đổi cách chọn người đứng đầu các tỉnh ĐBSCL. Phải chọn cho được người tài giỏi đứng đầu các tỉnh ĐBSCL. Chỉ như vậy, ĐBSCL mới có cơ thay đổi bản lề.

NHỮNG DÒNG NGƯỜI DI CƯ

Chủ tịch UBND Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khi nói đến con số 1,3 triệu người bỏ quê ra đi, đã cảm thán là “ vấn đề rất buồn”.

Đối chiếu với thuật toán chọn nhân sự hiện hành, trong khung cảnh “đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng…”, thì biết được dòng người di cư khỏi ĐBSCL vẫn sẽ còn tiếp diễn. Mỗi năm vẫn sẽ có cả trăm ngàn người rời bỏ miệt vườn sông nước miền Tây ra đi tìm kiếm số phận mới. Những số phận bất định hơn cả canh bạc. Nhưng vẫn phải ra đi.

Làm sao để chấm dứt dòng người di cư khỏi ĐBSCL?

Thấy điều phải thay đổi mà không ai dám thay đổi.

NGUYỄN NGỌC CHU 18.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.