vendredi 18 décembre 2020

Hoàng Hải Vân -Tài tử điện ảnh Ronald Reagan nói về chính quyền của đảng Dân Chủ


Tổng thống Ronald Reagan vốn là một tài tử điện ảnh, ông đã tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm, khoảng năm 1945, với tư cách là đảng viên Dân chủ. Nhưng ông đã “tự diễn biến tự chuyển hóa” sang cánh hữu, bắt đầu từ mối tình với nữ tài tử Nancy Davis, một thành viên của Đảng Cộng hòa (người đẹp này sau đó trở thành vợ ông và là đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, mới thấy mỹ nhân thiệt là lợi hại, hihi).

Vào năm 1964, Reagan đã có một bài diễn văn lịch sử vận động cho ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Barry Goldwater trong cuộc tranh cử với L.B. Johnson lúc đó là tổng thống kế nhiệm sau khi Kennedy bị ám sát.

Barry Goldwater thất bại, nhưng bài diễn văn mang tên “A time for choosing” (Thời khắc để lựa chọn) của Reagan đã làm thức tỉnh lương tri của người Mỹ và tạo một bước ngoặt trên chính trường Mỹ, để 3 năm sau ông trở thành thống đốc bang California (1967) và 17 năm sau (1981) trở thành một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.

Sau đây là vài trích đoạn trong bài diễn văn lịch sử này nói về bản chất của chính quyền của Đảng Dân chủ (bản dịch lấy từ trithucvn) :

“Phần lớn cuộc đời của mình, tôi đã sống với tư cách là một đảng viên Đảng Dân chủ. Gần đây tôi thấy đã tới lúc phù hợp để bản thân chuyển hướng. Tôi tin rằng các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là vấn đề vượt qua ranh giới đảng phái. [Đảng Dân chủ] phía bên kia đang bảo chúng ta rằng vấn đề của cuộc bầu cử này là ở chỗ duy trì hòa bình và thịnh vượng. Họ đã sử dụng khẩu hiệu: “Người Hoa Kỳ chưa bao giờ sống tốt đến thế.”

Nhưng tôi có một cảm giác bất an rằng sự thịnh vượng này không phải là điều mà chúng ta có thể gửi gắm hy vọng và tương lai của chúng ta. Không có quốc gia nào trong lịch sử lại phải trải qua gánh nặng thuế lên tới một phần ba thu nhập quốc dân. Ngày nay, người ta kiếm được 1 đô-la thì phải đóng 37 xu cho người thu thuế, vậy mà chính phủ của chúng ta vẫn tiếp tục chi tiêu 17 triệu đô mỗi ngày, nhiều hơn số tiền thu được.

Trong 34 năm qua, có tới 28 năm chúng ta đã không cân bằng được ngân sách. Chúng ta đã nâng hạn mức nợ lên 3 lần trong vòng 12 tháng qua, và giờ đây nợ quốc gia đã nhiều hơn 1.5 lần tất cả tổng số nợ của các quốc gia khác trên thế giới gộp lại. Chúng ta có dự trữ vàng trị giá 15 tỉ đô-la trong ngân khố, nhưng kỳ thực chúng ta không được sở hữu một xu [vì nó còn chưa đủ để trả nợ]. Lượng Đô-la tại quốc tế được cho là ở vào 27.3 triệu đô. Và chúng ta mới vừa thông báo rằng tiền đô-la Hoa Kỳ của năm 1939 sẽ được mua lại với giá quy đổi 45 xu cho 1 đô.

Đối với nền hòa bình mà chúng ta đang gìn giữ, tôi tự hỏi ai trong chúng ta muốn đến gặp và hỏi han những người vợ hoặc người mẹ có chồng hoặc con trai đã chết ở miền Nam Việt Nam, hỏi rằng họ có nghĩ rằng đây là một nền hòa bình cần được duy trì vô thời hạn hay không. Liệu họ có nghĩ đây là hòa bình không, hay họ sẽ nói hãy để cho họ yên?

Đối với phần còn lại của người dân Hoa Kỳ mà nói, không thể có hòa bình thực sự trong khi một công dân Hoa Kỳ đang chết ở một nơi nào đó trên thế giới. Chúng ta đang chiến tranh với kẻ thù nguy hiểm nhất mà nhân loại từng phải đối mặt trong hành trình từ đầm lầy lên các vì sao, và người ta nói rằng nếu chúng ta thua trong cuộc chiến đó, và mất đi tự do của chúng ta, thì lịch sử sẽ ghi lại rằng đây là một điều quá bàng hoàng, vì những người có thể mất nhiều nhất trong cuộc chiến này đã làm ít nhất để ngăn chặn thảm kịch xảy ra. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta có còn hiểu về các quyền tự do mà những vị Cha Lập quốc đã dành cho chúng ta hay không.

Cách đây không lâu, hai người bạn của tôi nói chuyện với một người tị nạn Cuba, một doanh nhân đã trốn thoát khỏi [Fidel] Castro. Và trong cuộc nói chuyện, một người bạn của tôi quay sang người kia và nói, “Chúng ta không biết rằng chúng ta đã may mắn đến nhường nào.” Và người Cuba dừng lại rồi nói, “Có thật là may mắn không? Tôi có thể trốn đến một vài nơi [còn các anh, những người Hoa Kỳ, sẽ không còn nơi nào để đi nếu thua cuộc chiến này].” Câu nói đơn giản đó của người Cuba đã nói lên tất cả. Nếu chúng ta mất tự do ở đây, sẽ không có nơi nào để trốn thoát. Đây là pháo đài cuối cùng trên trái đất.

“…Vấn đề của cuộc bầu cử này là liệu chúng ta có nên tin tưởng vào khả năng tự lập chính phủ của mình, hay chúng ta nên từ bỏ cuộc cách mạng của Hoa Kỳ và thú nhận rằng một số tầng lớp trí thức nhỏ ở một thủ đô xa xôi có thể lên kế hoạch cuộc sống của chúng ta tốt hơn chính chúng ta lên kế hoạch cuộc sống cho bản thân mình.

Mỗi ngày, bạn và tôi đều được bảo là phải lựa chọn giữa cánh tả và cánh hữu. Tôi muốn đề xuất rằng không có thứ gọi là tả hay hữu. Chỉ có lên hoặc xuống: đi lên là ước mơ và khát vọng xa xôi của nhân loại, sự tự do tối thượng của cá nhân, sự tự do phù hợp với luật pháp và trật tự [của các giá trị phổ quát]; hoặc đi xuống là đi vào tổ kiến của chủ nghĩa toàn trị. Và dù cho họ [những người thuộc Đảng Dân chủ] có “chân thành” thế nào và động cơ của họ “nhân đạo” ra sao, họ vẫn là những người đánh đổi tự do của chúng ta và bước vào con đường đi xuống đó.

Trong thời gian “thu hoạch phiếu bầu” này, họ [những người thuộc đảng Dân Chủ] sử dụng các thuật ngữ như “Xã hội Vĩ đại”, hoặc như Tổng thống [Johnson] đã nói vài ngày trước, chúng ta phải chấp nhận một chính phủ hoạt động lớn hơn nữa cho các sự vụ của người dân. Nhưng họ đã dùng những từ ngữ rõ ràng hơn trong quá khứ và giữa họ với nhau; và tất cả những điều tôi trích dẫn dưới đây đã xuất hiện trong văn bản in. Đây không phải là những lời buộc tội của đảng Cộng hòa [mà là những điều Đảng viên Đảng Dân chủ nói ra]. 

Ví dụ, có những người nói rằng, “Chiến tranh lạnh sẽ kết thúc thông qua việc chúng ta chấp nhận một chủ nghĩa xã hội phi dân chủ”. Một người khác lại nói, “Động cơ lợi nhuận đã trở nên lỗi thời. Nó phải được thay thế bằng cách khuyến khích phúc lợi tới từ nhà nước.” Hoặc, “Hệ thống tự do cá nhân truyền thống của chúng ta không có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của thế kỷ 20.” Thượng nghị sĩ Fulbright đã nói tại Đại học Stanford rằng Hiến pháp đã lỗi thời. Ông gọi Tổng thống (Lyndon B. Johnson) là “người thầy đạo đức và nhà lãnh đạo của chúng ta” và ông nói rằng Tổng thống đang “gặp khó khăn trong nhiệm vụ của mình bởi những hạn chế quyền lực được áp đặt lên ông do văn bản cổ hủ này.” Và rằng Tổng thống phải “được giải phóng”, để ông “có thể làm cho chúng ta” những gì ông biết “là tốt nhất.” Và Thượng nghị sĩ Clark của Pennsylvania, một phát ngôn viên rõ ràng khác, định nghĩa chủ nghĩa tự do là “đáp ứng nhu cầu vật chất của quần chúng thông qua quyền lực của chính phủ tập trung.”

Về phần mình mà nói, tôi bực mình khi nghe một vị đại diện của nhân dân gọi tôi, các bạn, những người đàn ông và phụ nữ tự do trên đất nước này là “quần chúng”. Đây là một thuật ngữ mà chúng ta chưa áp dụng cho công dân Hoa Kỳ. Nhưng còn hơn cả thế, cái cụm từ “quyền lực của chính phủ tập trung” này là điều mà các vị Cha Lập quốc đã tìm cách giảm thiểu. Họ biết rằng chính phủ không kiểm soát mọi thứ. Một chính phủ không thể kiểm soát nền kinh tế mà không kiểm soát người dân. Và họ biết khi một chính phủ bắt đầu làm điều đó, nó phải sử dụng vũ lực và cưỡng chế để đạt được mục đích của mình. Những vị Cha Lập quốc cũng biết rằng ngoài các chức năng hợp pháp của chính phủ, trong các vấn đề khác, chính phủ không thể làm tốt hơn hoặc có hiệu quả kinh tế như các khu vực tư nhân của nền kinh tế”.

“…Có rất nhiều công dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy một người béo đứng bên cạnh một người gầy, nhưng lại không đi đến kết luận rằng người béo đã đạt được điều đó bằng cách lấy đi của người gầy, [thế nhưng phía Dân chủ lại có thể “khẳng định chắc chắn” điều đó]. Vì vậy, phía Dân chủ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề về sự khốn cùng của con người thông qua chính phủ và các kế hoạch của chính phủ. Chà, bây giờ, nếu việc lập kế hoạch và phúc lợi của chính phủ là câu trả lời của họ – và họ đã có gần 30 năm cho nó – chúng ta có nên mong đợi chính phủ [của Đảng Dân chủ] sẽ tiếp tục những chính sách đó hay không? Đáng nhẽ là chính phủ Hoa Kỳ, họ phải làm sao để số lượng người cần giúp đỡ giảm đi, làm sao để nhu cầu về nhà ở công cộng giảm đi, họ có nói với chúng ta điều đó không?

Sự thật là điều ngược lại đã xảy ra. Mỗi năm nhu cầu càng lớn; chương trình cũng phát triển lớn hơn. 4 năm trước, họ nói với chúng ta rằng 17 triệu người đi ngủ mà chịu đói mỗi đêm. Điều đó “có lẽ đúng”. Những người đó đều đang ăn kiêng. Nhưng bây giờ họ nói với chúng ta rằng 9,3 triệu gia đình ở đất nước này đang nghèo đói vì thu nhập ít hơn 3.000 đô-la một năm. Chi tiêu cho phúc lợi [lớn] gấp 10 lần so với thời điểm Hoa Kỳ đang nằm trong hố sâu tăm tối của cuộc Đại Khủng hoảng. Chúng ta đang chi 45 tỉ đô-la cho phúc lợi. Bây giờ, hãy làm một phép tính nhỏ, và bạn sẽ thấy rằng nếu chúng ta chia đều 45 tỉ đô-la cho 9 triệu gia đình nghèo đó, chúng ta sẽ có thể chia cho mỗi gia đình 4.600 đô-la mỗi năm. Và nếu thêm vào đó là thu nhập của họ, thì họ sẽ được xóa nghèo. Tuy nhiên, viện trợ trực tiếp cho người nghèo chỉ vào khoảng 600 đô-la cho mỗi gia đình. Có vẻ tiền bạc đang bị đưa vào một chỗ nào đó.

“… Chúng ta đang giúp đỡ 107 quốc gia. Chúng ta đã chi 146 tỉ đô-la. Với số tiền đó [hài hước thay, thay vì để giúp đỡ họ, chúng ta đã tạo ra chủ nghĩa xã hội hoặc quan liêu cấp độ thế giới], chúng ta đã mua cho Haile Selassie [của Ethiopia] một chiếc du thuyền trị giá 2 triệu đô-la. Chúng ta đã mua những bộ âu phục cho quan chức Hy Lạp, mua thê thiếp cho các quan chức chính phủ Kenya. Chúng ta đã mua một nghìn chiếc TV cho một nơi không có điện. Trong sáu năm qua, 52 quốc gia đã mua số vàng trị giá 7 tỉ đô-la của chúng ta, và tất cả 52 quốc gia đang nhận viện trợ nước ngoài từ chính đất nước chúng ta.

Không có chính phủ nào tự nguyện giảm quy mô của mình. Vì vậy, các chương trình của chính phủ, một khi được đưa ra, không bao giờ biến mất.

Trên thực tế, văn phòng chính phủ là cơ quan gần nhất với sự sống vĩnh cửu mà chúng ta từng thấy trên trái đất này.

Nhân viên liên bang – số nhân viên liên bang là hai triệu rưỡi; và lao động của liên bang, tiểu bang và địa phương, chiếm 1 phần 6 lực lượng lao động của quốc gia được chính phủ tuyển dụng. Những văn phòng phát triển mạnh mẽ này với hàng nghìn quy định của họ đã khiến chúng ta phải mất nhiều công sức trong các biện pháp bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ. Có bao nhiêu người trong chúng ta nhận ra rằng ngày nay các đặc vụ liên bang có thể xâm nhập tài sản của một người mà không cần lệnh? Họ có thể phạt tiền mà không cần xét xử chính thức, chứ đừng nói đến việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn? Và họ có thể thu giữ và bán tài sản của anh ta trong cuộc đấu giá để thi hành việc nộp phạt đó…”

P/s : Reagan khi lên làm tổng thống đã phá bỏ những xấu xa đồi bại mà Đảng Dân chủ đã tạo ra cho nước Mỹ suốt mấy chục năm, ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ để "đưa những người làm biếng trở lại làm việc" và trả lại tự do cho người Mỹ. Ông cũng đã bị đám tả luận tội (không thành) và bị ám sát (không chết), nhưng ông và những người tự do chân chính đã chiến thắng. Khi Obama lên, đã đưa nước Mỹ quay lại vũng bùn trước đây với quy mô kinh khủng hơn. Và Trump đã tiếp bước Reagan trong cuộc chiến. Tấm hình dưới đây chụp ông Trump bên cạnh ông Reagan được ông Trump chia sẻ trên Twitter cuối năm ngoái, không kèm theo bình luận.

HOÀNG HẢI VÂN 18.12.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.