mercredi 16 décembre 2020

2020 : Việt Nam, một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới


Đăng ngày:

Ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công tương đối lành mạnh, đó là công thức đã giúp Việt Nam giữ vững được nền kinh tế, tuy còn xa so với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến trước dịch là 6,8%.

Với không đầy 1.500 dương tính đa số từ người nhập cảnh và 35 trường hợp tử vong, dịch Covid đã được kềm chế nhờ có những biện pháp nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán, Việt Nam đã nhanh chóng cho cách ly hàng loạt, lập hệ thống theo dõi hết sức hiệu quả, kiểm soát chặt việc di chuyển. Sau ba tháng đóng cửa, hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường từ tháng Sáu.

Do nền kinh tế lệ thuộc vào các thị trường bên ngoài, Việt Nam bị thiệt hại vì nhu cầu trang phục và điện thoại thông minh từ châu Âu và Nhật Bản giảm mạnh. Tuy nhiên nhờ đa dạng hóa xuất khẩu, hàng bán sang Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên, nhất là hàng điện tử (tăng 26%), trang bị nội thất (tăng 12%) vì nhu cầu tăng ở những quốc gia bị phong tỏa. Việt Nam cũng được lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều công ty chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam thay vì Trung Quốc để tránh bị Mỹ áp thuế.

Lãnh vực thiệt thòi nhất là du lịch, chẳng hạn ở Huế có đến 8.000 nhân viên bị mất việc và 80% khách sạn phải đóng cửa. Một chủ các khách sạn ở Hà Nội và vịnh Hạ Long thổ lộ với AFP, tuy đã từng sống sót qua dịch SARS và khủng hoảng tài chính 2009-2010, nhưng tình hình hiện nay là khó thể tưởng tượng.

Dù vậy so với nhiều nước láng giềng chẳng hạn Thái Lan, mà IMF dự báo sẽ sụt giảm 7,1%, kinh tế Việt Nam đã chống chọi khá tốt. Theo một giảng viên đại học Fulbright, chính quyền đã giúp giảm sốc qua việc bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, tạo thêm việc làm. Đầu tư công trong 11 tháng của năm 2020 đã tăng 34% so với năm ngoái.

Ông Adam McCarty, kinh tế trưởng của Mekong Economics nhận định, chiến thắng tương đối của Việt Nam trong năm nay sẽ trở thành lợi thế về lâu về dài. Một số công ty Nhật và tập đoàn Mỹ Apple đã có ý định chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam. Ông ghi nhận, cách xử lý dịch corona « đã gần như khiến Việt Nam trở nên nổi tiếng trên thế giới », và giúp những tập đoàn lớn có một cái nhìn khác về Việt Nam.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.