Cảm xúc của người viết ở trạng thái bình thản.
Có nhiều thông tin đáng quan tâm hơn hẳn “Tất Thành Cang bị bắt”. Ví dụ như thông tin “Apple chính thức chuyển sản xuất iPad, Macbook từ Trung Quốc sang Việt Nam” chẳng hạn.
Về nghệ thuật tuyên truyền (xin nhấn mạnh là nghệ thuật tuyên truyền) thì nhà cầm quyền đã thỏa mãn phần nào đó cảm xúc chờ đợi của nhân dân, khi thông tin “Tất Thành Cang bị bắt” tràn ngập mạng xã hội. Nhưng trong thông tin đó, chỉ có một “Tất Thành Cang bị bắt” còn những người dân mất đất, không chỉ ở Thủ Thiêm, lại có rất nhiều.
Các mảnh đất được thu hồi xưa nay tuyệt đại đa số đều “đúng quy trình”. Chỉ đến khi có đại án, có người bị bắt mới thấy đó là sai phạm. Vậy thì thật là buồn cho những người mất đất chưa/không đòi được từ thời cải cách ruộng đất (1954-1956), thời “đánh tư sản” (1975-1978), thời “đổi mới” hay cá nhân tôi gọi là thời “hậu hợp tác xã” (1990 tới nay), thời công nghiệp hóa-hiện đại hóa và đô thị hóa (như Thủ Thiêm, cũng từ thập niên 1990s tới nay).
Những quan chức hạ cánh không bị hồi tố với các sai phạm đồng dạng như Tất Thành Cang có bao nhiêu người? Những hồ sơ sai phạm đất đai có bao nhiêu vụ? Giải quyết sai phạm đất đai trên cơ sở tôn trọng quyền tư hữu của dân sẽ mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian?
Thực sự nếu thống kê một cách khoa học, cho 3 câu hỏi trên thôi, cũng sẽ là nan đề của quốc gia.
Đám đông muốn thỏa mãn cảm xúc. Đồng ý, và đã có thông tin “Tất Thành Cang bị bắt” sau nhiều lần “dền dứ”. Thỏa mãn rồi nhé! Trong giai đoạn chờ đợi ấy, Thủ Thiêm cùng với Quận 2 về “thành phố Thủ Đức”. Quan sát việc hợp nhất Quận 9, Quận 2 và Quận Thủ Đức thành “thành phố Thủ Đức” bỗng thấy một motip quen thuộc của “khắc xuất, khắc nhập” trong truyện Cây tre trăm đốt.
Và đám đông được “kể chuyện”, được thỏa mãn cảm xúc “Tất Thành Cang bị bắt” lại ít biết quá trình tích tụ đất đai trước đó ở 3 quận của “thành phố Thủ Đức” đã vào tay ai? Cơn sốt đất khi huyện cũ chia 3 nay hợp thành “thành phố Thủ Đức” có nhà đầu tư thức thời nào hưởng lợi? Thức thời có một trong các định dạng là nhạy bén đón trước nhưng cũng có thể nó mang định dạng kiểu biết trước?
(Xin được thứ lỗi, có một giai đoạn tôi tự hào với việc đưa tin nóng đến bạn đọc. Nó thỏa mãn cái tôi “nhà báo first news” nhưng về mặt nào đó, cũng chỉ là thỏa mãn một nghệ thuật tuyên truyền của người “lộ tin”.)
Trong một mớ hỗn độn của thông tin, thực sự rất rất rất hiếm người nhận ra chân giá trị của thông tin. Bởi chúng ta luôn bị cảm xúc cá nhân và cảm xúc đám đông dẫn dắt. Bao gồm cả người viết bài này, dù rất cố gắng hạn chế bản thân bằng cách phối kiểm thông tin.
Khi nào còn chưa hiểu “phía sau thông tin”, thì những người tiếp nhận vỏ ngoài của nó cũng còn chưa hiểu thế nào là nghệ thuật cai trị của nhà cầm quyền.
Quốc gia nào cũng thế !
Chế độ nào cũng vậy !
MAIQUỐC ẤN 16.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.