Đôi lời :
Có lẽ blog Thụy My cũng sẽ ngưng đăng bài của hai blogger tuy viết hay, nhưng ảo
tưởng quyền lực. Người thì hả hê đã « tạt gáo nước lạnh vào mặt »
những ai bị cho là ngu dốt hơn mình, người khác cũng có thái độ ngạo mạn tương
tự trong vụ ĐNH, như tác giả bài này đã phê phán nhẹ nhàng.
Sự việc ông Đoàn
Ngọc Hải mua xe cấp cứu, rồi lái chở bệnh nhân nghèo miễn phí bắt đầu có những
ý kiến trái chiều. Sau khi đọc được một số ý kiến trái chiều, tôi nghĩ, nhiều
người chưa hiểu về cách suy nghĩ của người Sài Gòn.
Người Sài Gòn
không có nhiều suy tính thiệt hơn khi giúp ai đó, hoặc khi làm việc thiện, việc
tốt. Đa số người Sài Gòn, thấy ai khó khăn thì giúp, thấy việc gì tốt cho người
khác và không gây hại, không ngược với đạo lý thì làm. Đa số người Sài Gòn sẵn
sàng giúp đỡ người khác khi có thể, mà ít suy tính sâu xa.
Người Sài Gòn
thấy người khác khó khăn hơn mình là ra tay giúp đỡ. Giúp được gì thì giúp, sức
mình giúp được đến đâu thì giúp tới đó, giúp được bao lâu thì giúp. Khi nào
người được giúp hết khó khăn, hoặc bản thân người giúp trở nên khó khăn giống
như người được giúp, thì thôi.
Không mấy người
Sài Gòn khi ra tay giúp người khác mà suy nghĩ sâu xa, mình sẽ giúp trong mấy
năm, giúp đến mức nào, mình có bị thiệt thòi gì khi giúp người ta không…
Hồi đó, nhà tôi
có một chị giúp việc theo giờ. Chị làm tạp vụ trong một công ty, lương rất
thấp, không có bảo hiểm. Ngoài giờ, chị đến nhà tôi giúp việc. Ngày thường
chúng tôi thường đi vắng, nên muốn chị làm vào Chủ nhật. Nhưng Chủ nhật thì chị
lại đi vô các nhà nuôi người già và người tàn tật, tắm rửa, cắt tóc, dọn dẹp,
giặt giũ cho họ…
Chị làm điều đó
miễn phí, trong khi nếu chị làm cho chúng tôi, công việc chắc chắn nhẹ nhàng
hơn, mà lại được tiền. Nhưng chị vẫn cứ lấy ngày Chủ nhật để đi làm việc đó.
Triết lý của chị rất đơn giản, rằng ngay cả khi chị không có thu nhập của ngày
Chủ nhật, thì chị vẫn sống khá hơn những người đang ở trong các trại kia. Mặc
dù thực ra thì chị cũng đang khá là nghèo khổ.
Theo như cách
phân tích của một số bạn, thì nếu muốn làm từ thiện, chúng ta phải lên một kế
hoạch, trong đó có chỉ tiêu cụ thể, tháng này, năm này giúp bao nhiêu, giúp mức
nào… và sẽ giúp trong bao lâu. Đó cũng là một cách hay, nhất là khi các bạn lấy
tiền của người khác để làm từ thiện, nếu không có kế hoạch thì người ta sẽ
không chi tiền ra.
Nhưng điều đó chỉ
phù hợp với những chương trình nhân đạo lớn, của các NGO, hoặc chương trình cứu
trợ nào đó của chính phủ. Còn phần lớn những người giúp đỡ người khác một cách
tự phát, càng suy nghĩ, càng phân tích, càng lên kế hoạch, thì khả năng cao là
sẽ chẳng làm gì cả, chẳng ai được giúp gì cả.
Người
Sài Gòn giúp người khác từ cái tâm của mình, họ chẳng hề suy tính nhiều. Và đó chính là lý do, tại sao rất nhiều các chương
trính từ thiện xuất phát từ Sài Gòn.
Trở lại việc ông
Đoàn Ngọc Hải bỏ tiền mua xe cấp cứu, tự lái xe, chở bệnh nhân nghèo miễn phí.
Tôi không biết nguyên nhân, mục tiêu và cả nguồn tiền mà ông ấy dùng để làm
việc đó là từ đâu. Tuy nhiên, tôi tin ông ấy là một người Sài Gòn, ông ấy có
tiền mua xe, biết lái xe (và có thể thích lái xe nữa), có thời gian, nên ông ấy
giúp bệnh nhân nghèo.
Thế thôi.
Tôi đã từng không
đồng ý với ông Hải trong một số việc của ông ấy trước đây. Bản thân tôi, hoặc
cùng với gia đình, hoặc cùng với bạn bè, cũng làm một số công việc từ thiện, có
những việc mang tính dài hơi, phải có những tính toán nhất định. Nhưng tôi thấy
việc ông Hải đang làm bây giờ là việc tốt, bất kể ông có kế hoạch cụ thể nào
hay không.
Và, khi ai đó làm
việc tốt, thì nếu chúng ta không giúp họ để họ làm tốt hơn, hoặc không noi
gương họ để làm việc tốt giống như họ, thì ít nhất
cũng ngậm cái miệng lại, đừng cố tỏ ra là mình tốt hơn người ta.
VÕXUÂN SƠN 30.08.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.