samedi 29 août 2020

Michael Bui - Mẹ tôi



Nhà văn Đỗ Phương Khanh, phụ trách trang Vườn Hồng của báo Thiếu Nhi ngày xưa, vợ của nhà văn Nhật Tiến, đã qua đời ngày 26/08/2020 tại Mỹ. Thụy My xin giới thiệu bài viết cảm động của Michael Bui, con của nhà văn.

Gia đình tôi là gia đình di cư. Năm 1954, đồng 18 tuổi, bố mẹ tôi nắm tay nhau xuống tàu há mồm xuôi Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Vào đến Sài Gòn, bố mẹ tôi khởi nghiệp bằng cách hành nghề viết sách làm báo. 

Năm tôi còn học tiểu học, mẹ tôi dùng tư gia để thành lập cơ sở ấn loát Huyền Trân. Căn nhà này được cái sâu và rộng nên tôi thấy có đến cả trăm nhân viên nhà in làm việc suốt ngày. Chỗ thì chứa các máy in, chỗ thì đễ những hộc chữ bằng chì, phòng này đặt máy xén, cắt giấy, phòng kia cho giai đoạn khâu sách bằng chỉ của các cô các dì v.v...Trong giờ làm việc thì ôi thôi vui lắm. Tiếng máy in chạy rầm rầm xen lẫn tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng ca vọng cổ...tạo nên một không khí rất sinh động.

Công nhân của nhà in thì rất quý mẹ tôi qua cách cư xử và đối đãi với họ rất tận tình chu đáo như đại gia đình. Tôi nghe bà thường nói, ngày thứ Sáu là ngày vui nhất của mẹ trong tuần đó con, vì ngày đó là ngày phát lương cho thợ. Nghĩ đến cảnh họ có tiền chạy về nhà dẫn vợ con đi chơi cuối tuần là mẹ thấy vui rồi. Cái chân lý ấy đã thấm nhuần tôi cho đến mấy chục năm về sau này, tốt với nhân viên thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy thôi.

Có thể nói là mẹ tôi rất thương tôi, chưa bao giờ mẹ tôi la rầy gì hết. Dù tôi có phá phách kiểu gì đi nữa, mẹ tôi chỉ nhìn và khuyên tôi thôi đừng làm vậy nữa nhe con. 

Hồi xưa kỹ thuật in ấn còn thô sơ chứ không viết bằng computer rồi in ra như bây giờ. Bài viết được thợ sắp chữ nhìn vào rồi bốc từng chữ chì cho vào cái khay, ABCD - sắc huyền hỏi ngã nặng, sắp được vài hàng là họ phải bỏ qua một bên rồi sắp tiếp. Một trang bài có là thợ giỏi cũng mất khoảng nửa tiếng, khi đầy trang rồi thì lấy dây cói cột lại. Xong họ cà mực lên chì rồi lăn qua giấy trắng, chữ chì ngược khi in qua tờ giấy sẽ hiện ra chữ xuôi.

Dĩ nhiên là khi bốc từng chữ như vậy chắc chắn họ sẽ bốc lộn, mẹ tôi sẽ coi lại những chỗ sai gọi là sửa mo-rát. Bà lấy bút lôi ra sửa từng chữ rồi trả về cho thợ sắp chữ, họ chỉ việc lấy cái nhíp gắp từng chữ sai ra rồi thay vào đó bằng chữ khác cho đúng. Bản chì đã sửa đủ thành trang, họ chồng lên nhau đễ chờ đưa vào máy in.

Thế mà ban đêm bọn con nít chúng tôi kéo nhau vô chạy nhảy trong nhà in làm lộn tùng phèo hết đống chữ ấy, kéo theo những chồng giấy in khổ báo lớn chất cao tới trần nhà sập xuống đổ ngổn ngang. Thế là sáng hôm sau những người thợ phải làm lại từ đầu. Họ báo cáo lên thì mẹ tôi cũng không nói gì, bà chỉ yên lặng khi nhìn ra thủ phạm chính là tôi, rồi hiền từ nói, các con muốn chạy nhảy thì ra sân mà chơi nhé, đừng làm công việc nhà in của mẹ bị chậm trễ.

Có những buổi trưa khi mẹ tôi còn làm quản lý cho nhà in Hồng Lam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm của linh mục Cao Văn Luận. Cha Luận từng là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, sau bị chính quyền Ngô Đình Diệm thất sủng qua vụ Biến Động Miền Trung, cha có viết một cuốn hồi ký lẫy lừng tựa "Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965". Mẹ tôi cho tôi đi theo chơi quanh quẩn trong nhà in. Mổi lần được gặp mặt, cha Luận lại dúi cho tôi nay thì vài cái kẹo, vài bữa thì cái bánh giò, nghĩ lại thật là hân hạnh cũng nhờ mẹ tôi.

Rồi cũng có những lần, mẹ tôi dắt tôi đi khám bệnh hay đi làm răng ngoài Sài Gòn. Tôi rất ghét cái cha nha sĩ này ở gần văn phòng Beer BGI, cạnh hãng làm nước đá trên đường Hai Bà Trưng. Khi xe xích lô ngừng trước cửa là tôi biết ngay, sợ lắm nhất định không dám vào, mẹ tôi lại phải dụ ngọt mãi. Bù lại, cứ mỗi lần như thế là mẹ tôi lại dắt tôi đi xem ciné ở các rạp như Eden, Đại Nam, Rex...Xong bà còn thưởng cho một chầu ở quán kem Bạch Đằng đối diện Casino Sài Gòn, vì tôi đã anh dũng hy sinh cái răng bị hư. Thiệt, răng bị sâu tôi còn không biết thế mà mẹ tôi đã biết tỏng rồi...

Khoảng đầu thập niên 70' mẹ tôi vừa làm nhà in, vừa mở thêm Vườn Trẻ Anh Vũ theo phương pháp giáo dục Montessori. Bà mướn trọn cái nhà lầu hai tầng kế bên có cái sân rất rộng, rồi đập luôn cái tường cho thông qua nhau. Ban ngày phụ huynh gửi trẻ, tối về hết, thế là bọn chúng tôi lại có thêm đất đễ chạy nhảy bắn súng chơi năm mười. Hò hét vui thật vui, lũ con nít trong xóm thòm thèm muốn vô chơi phải xin vào à nhe, nên tôi rất có thớ, đứa nào cà chớn tôi tống cổ ra nên tụi nó một phép. Ỷ mẹ mà, có quyền vênh váo chút chứ.

Ngoài hai cơ sở nêu trên, mẹ tôi còn phụ trách trang Nhi Đồng trong Báo Hòa Bình của linh mục Trần Du trên đường Phạm Ngũ Lão, trang Phụ Nữ trong Báo Dân Chủ thuộc Đảng Dân Chủ của ông Thiệu trên đường Hiền Vương. Đồng thời vào năm 1971, Báo Thiếu Nhi cũng ra đời, bà là tổng quản trị và đồng phụ trách trang Vườn Hồng mà chủ nhiệm là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân nhà sách Khai Trí và chủ bút là nhà văn Nhật Tiến. 

Thời gian này nhà tôi còn đông nữa, mẹ tôi tận dụng luôn mấy phòng trên để làm tòa soạn. Hàng ngày thì các cô chú trong ban biên tập tới làm việc, cuối tuần thì mở cửa đón các thiếu niên vào Thư Viện Báo Thiếu Nhi đọc sách, sinh hoạt Gia Đình Thiếu Nhi. Báo Thiếu Nhi còn mở lớp dạy Origami - nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản nữa chứ. Nói chung mẹ tôi đầu tắt mặt tối, nhưng hình như càng thấy đông con nít lại càng làm cho bà vui, chẳng bao giờ thấy mẹ tôi kêu ca phiền hà gì.

Năm tôi lên lớp 6, chắc phá quá nên mẹ tôi cho tôi vào trường nội trú Don Bosco ở Thủ Đức. Cuối tuần thứ Bảy có xe bus chở về, ngày Chủ nhật họ lại đón đi. Dĩ nhiên là bị bắt vào khuôn khổ kỷ luật của các linh mục người Hòa Lan thì làm sao tôi thích được. Thế là tôi dùng 500 đồng mà cứ mổi tuần mẹ tôi dúi vào tay khi ra đi ngày Chủ nhật, tôi mua kẹo cam kẹo dâu trong cái hộp sắt ở căn-tin rồi chờ thứ Bảy đem về tặng mẹ như là quà hối lộ. Năn nỉ ỉ ôi riết, qua năm lớp 7 vì thương tôi nên mẹ tôi cho tôi về học Lasan Hiền Vương-Sài Gòn.

Vì trong giới nhà văn nhà báo, bố mẹ tôi có rất đông thân hữu. Từ nhà văn Duyên Anh, Mai Thảo, Nguyễn Hiến Lê, Cung Tích Biền, Sơn Nam v.v... cho tới Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân, Tuệ Mai...Riêng nhà văn Nguyễn Thị Vinh còn nhận tôi là con nuôi, mà tôi xưng lại là me Vinh. 

Hầu như gần hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn thường xuyên lui tới thăm viếng ông bà cụ, và nhiệm vụ của tôi là bưng nước. Còn đãi tiệc thì có thể nói là thường xuyên. Cứ mổi lần đi học về xuống nhà bếp là thấy mẹ tôi và ba bà người làm tất bật lo chuẩn bị. Thường thì mẹ tôi đãi khách bằng các món miền Bắc như bánh tôm Cổ Ngư, chạo tôm, nem rán cua bể, giả cầy hay bún thang, bún ốc v.v...Thế là tôi lại có dịp được uống nước xá xị, nước cam thả giàn. Chai ướp lạnh khui ra cứ vậy mà nốc.

Ngày 30/4/75 đại họa ụp xuống, thế là mẹ tôi bi mất hết. Nhà in dẹp tiệm, Vườn Trẻ giải tán, toàn bộ báo chí của Miền Nam Tự Do bị cấm đoán, chỉ có nhật báo Tin Sáng của dân biểu nằm vùng Ngô Công Đức là được ra lại vào tháng 7/1975 vì Võ Văn Kiệt cần một tờ báo của chế cũ đễ tuyên truyền. 

Đã thế vào tháng 9/1975, Ủy Ban Quân Quản còn ra lệnh đổi tiền, cứ 500 đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đổi được 1 đồng tiền mới. Mỗi gia đình được phép đổi 100.000 đồng VNCH, tức là chỉ được 200 đồng tiền Việt Cộng. Gia đình nào có trên 100.000 đồng VNCH thì kể như mất sạch. Cú này là đòn chí tử đánh vào những gia đình trung lưu ở Miền Nam. Mẹ tôi kể như trắng tay sau 20 năm tích lũy.

Miền Nam sau ngày Sài Gòn tắt bóng, người dân sống trong cảnh lo âu sợ hãi. Không biết đêm nào công an sẽ gõ cửa bắt đi vì lý do nào đó. Tuy vậy, ở một khóa học tập gọi là "Khóa Bồi dưỡng Chính trị dành cho Văn Nghệ Sĩ", mẹ tôi đã đứng lên chỉ mặt vào một cán bộ miền Bắc tên Mai Quốc Liên, khi ông ta dám tuyên bố rằng "Các anh các chị làm đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!" Mẹ tôi hỏi: Anh vào trong Nam được bao lâu rồi, và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa? Làm hắn cứng họng.

Là con người đầy nghị lực, mẹ tôi lại lăn ra đường kiếm sống cũng như hàng triệu người miền Nam khác, bằng cách mở quán bán bánh tôm Cổ Ngư tại Hồ Con Rùa trước cửa Viện Đại Học Sài Gòn (tôi có bài viết kỷ niệm về quán bánh tôm này). Một thời gian sau cũng không xong phải dẹp tiệm vì bị công an rình rập, về nhà bà đi vay mượn rồi lại mở cơ sở sản xuất nước đá. Thấy có vẻ xôm trò, thế là Ủy Ban Nhân Dân phường bắt phải đưa vào hợp tác xã, tức mình mẹ tôi dẹp luôn, nhất định không dây dưa gì đến chúng nó.

Trong thời gian này, một hôm tôi thấy có ký giả - phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên tới nhà xầm xì gì với mẹ tôi chuyện gì đó. Vài ngày sau thì tôi thấy có một người đàn ông lạ mặt tới ở tuốt đàng sau nhà, căn phòng này xưa là cái kho nhỏ cạnh nhà tắm. Ông ta không bao giờ ra đường, tôi cũng không rõ ông ta ăn uống thế nào. 

Rồi mãi sau này tôi mới biết ông tên Nguyễn Phúc Vĩnh Tung, là sĩ quan quân lực VNCH, chồng cô Kiều Mỹ Duyên trốn tù cải tạo về thành phố. Thế mà mẹ tôi ra tay giúp đỡ bao che cho. Thiệt, chúng mà bắt được thì mẹ tôi có môn rũ tù, nhưng bà vẫn tỉnh bơ làm như không có chuyện gì xảy ra. Ông Vĩnh Tung sau cũng tìm ra đường đi vượt biên, và đã đến được bến bờ tự do vào năm 1979.

Thời gian sau mẹ tôi nhờ quen biết nên được ông Lý Thái Thuận, một người Việt gốc Hoa, giám đốc nhà in Alpha mời về làm xếp khâu sửa mo-rát có biên chế nhà nước. Mừng quá bà nhận lời ngay. Thế là ngày qua ngày mẹ tôi lại đạp xe đạp từ cổng xe lửa số 6 đi làm công nhân viên ở đường Phạm Ngũ Lão gần chợ Thái Bình. Có lần mãi đến tối mịt mới thấy mẹ tôi về, mồ hôi nhễ nhãi, trời ơi mẹ tôi phải dắt xe đạp bị đứt dây sên từ đường Kỳ Đồng về tới nhà vì không đủ tiền sửa. Dây sên phải thay mới. Nhưng bà vẫn hớn hở, vì trong giỏ hôm đó là ngày mẹ tôi được mua nhu yếu phẩm có 1 ký thịt heo. Nhìn mẹ mà tôi chảy nước mắt nhưng không làm gì được cho mẹ.

Nhưng cũng nhờ sự quen biết này mà mẹ tôi mới vay được tiền ông Lý Thái Thuận để lo cho hai anh em tôi đi vượt biên. Ngày chia tay xuống bãi vào cuối hè năm 1979, mẹ tôi dúi vào tay tôi một chỉ vàng rồi ôm tôi khóc - mẹ không biết con sẽ đi về đâu, nhưng nếu có thoát được ráng cho mẹ biết để mẹ khỏi lo. Tôi biết chắc rằng Mẹ tôi sẽ không ngủ được. 

May sao, rời Ngọc Hà ghe của tôi lênh đênh trên Biển Đông khoảng một tuần thì được tàu của hoàng gia Na Uy vớt lên đem vào Singapore. Nhập trại xong là tôi mò ra Sembawang đánh điện cấp tốc ngay về cho mẹ chỉ với một hàng chữ "Cam on co chu Thuan", cho khỏi lộ chuyện gia đình có thân nhân đã đào tẩu với bọn công an khu vực. 

Lại nữa, không có mẹ tôi lo cho đi thì ở lại cũng đi đạp xích lô chứ khá gì nổi ở cái xứ Xếp Hàng Cả Ngày ấy.

Mẹ tôi chia ra cho cả gia đình đi vượt biên thành ba chuyến. May sao cả ba đều trót lọt và cùng gặp nhau tại California. Năm 1981 qua tới, bà lại làm lại từ đầu. Bố mẹ tôi chỡ nhau đi học điện cho thực tế, hồi xưa có trường Control Data Institute ở Anaheim, không biết bây giờ còn không. Sau đó cả hai ông bà đều ra trường với tấm bằng technician điện. Sau hãng Verifone chuyện sản xuất máy cà credit card, nhận cả hai vào làm electronic technician cho tới ngày bố mẹ tôi nghỉ hưu, tính ra mẹ tôi làm cho Verifone cũng được 20 năm.

Sau khi nghỉ hưu có thời giờ rảnh rỗi, mẹ tôi bắt đầu dồn nỗ lực vào việc nghiên cứu kinh kệ. Bà phụ trách và biên soạn cho chương trình về Phật Pháp Tuệ Đăng hàng tuần trên đài Hồn Việt TV phát đi khắp 50 tiểu bang và Canada. Ngoài ra mẹ tôi còn dịch sách của triết gia Krishnamurti sang Việt ngữ, cũng như phụ trách điều hành trang website khaiphong.net cho dân mạng mở mang kiến thức về các vần đề khoa học xã hội.

Nói thật, mẹ tôi sinh tôi ra, lo lắng cho tôi từng ly từng tí, cái gì tôi thích bà cũng chiều. Muốn đi chơi, mẹ cho tiền. Muốn xe đạp có xe đạp, muốn giầy mới, đồ mới, mẹ tôi trước sau gì cũng xì tiền cho tôi mua. Chẳng bao giờ thấy mẹ lôi la mắng gì cả. Ngay đến cái sổ học bạ hồi xưa, tháng nào mà tôi bị xuống hạng, tôi cũng cầu cứu mẹ tôi đưa bố tôi ký cho xong chuyện còn đem đi nộp.

Ngày mẹ tôi nghỉ hưu, bà có tiền hưu, tiền già, chẳng khi nào bà cần gì từ anh chị em chúng tôi. Nói đúng ra thì tôi chưa lo cho mẹ tôi được ngày nào, thứ vô cùng vô dụng đối với mẹ tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng có chút an ủi làm cho mẹ tôi vui, số là thế này. Cách đây 10 năm sau khi giá địa ốc bị sụp đổ, tôi xoay qua nghề nhập các loại máy massage vô Mỹ bán. 

Máy thì ôi thôi tôi có đủ hết : massage bụng, cổ, vai, lưng, tay, chân, đầu, mặt... Mà mẹ tôi sau này lại hay bị đau nhức vì hồi xưa trước 1975, có lần bà bị xe lửa đụng. Đúng vậy, xe lửa đụng nát chiếc xe hơi bà đang đi tại cổng xe lửa số 6, đâm ra bệnh đau nhức nó cứ theo bà từ dạo đó. Thế là tôi mang đủ loại máy massage qua cho mẹ tôi trị bệnh, mang nhiều đến nỗi bạn bè của mẹ tôi đến chơi họ còn nói giỡn, cứ tưởng như đang lạc vào gym. Nhờ vậy mà bệnh đau nhức của mẹ tôi cũng bớt nhiều, lại còn không phải mổ chân theo lời một ông bác sĩ kia xúi bậy.

Có cái đưa máy mới thì lúc nào mẹ tôi cũng áy náy vì sợ tôi cần hàng để bán cho khách. Tôi phải năn nỉ, mẹ ơi, máy con có cả kho mẹ cứ xài đồ mới đi...mãi bà mới chịu nhận. Đấy, đến cuối đời mẹ tôi vẫn lo cho tôi chẳng khác gì ngày tôi còn bé.

Mẹ tôi là người ăn chay trường từ 30 năm nay. Bà sống rất đạm bạc, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Cách đây vài tuần, bác sĩ phát giác ra mẹ tôi trở bạo bệnh vào thời kỳ cuối. Không than van, không rên xiết, không làm phiền tới ai. Mẹ tôi đã ra đi thanh thản vào trưa ngày hôm qua Aug 26th, 2020 với đầy đủ con cháu chung quanh. 

Mẹ ơi, tối hôm qua lúc xe nhà quàn tới đưa mẹ đi, tụi con tiễn mẹ cho tới giờ xe lăn bánh. Kỷ niệm của những năm tháng thời thơ ấu lại trở về đầy ắp trong tâm trí. Bao nhiêu âu yếm ân cần mà mẹ cho tụi con nay đã trở thành dĩ vãng. 

Ước gì mẹ ráng ở lại thêm được ngày nào hay ngày đó thì vui biết mấy, hay là mẹ quay luôn về sống lại những ngày xưa ấu thơ của tụi con thì càng tốt. Con sẽ chạy quanh mẹ để mẹ xoa đầu gọi "Trụ của mẹ", mẹ phải đền cho con khi con bị té, mẹ phải đền từng mũi chích, từng cái răng khi con bị nhổ, nhất là phải có mẹ con mới lên mặt được với chúng nó. 

Nhưng ước gì thì ước vậy thôi chứ mẹ đã ra đi thật rồi thì con xin kính chúc mẹ được thảnh thơi trên cõi vĩnh hằng. Đời mẹ đã hy sinh cho tụi con như thế là quá đủ, mẹ đừng bận tâm nữa mẹ nhé. 

Con của mẹ.
MICHAEL BUI
Aug 27th, 2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.