Nếu tìm được dầu từ năm 1973 thay vì 1975, phải chăng vận mệnh Việt Nam sẽ khác ? Ảnh: Mỏ dầu Bạch Hổ |
Gã vừa nhận được
mail của anh rể gã ở San Diego, Mỹ:
"Xin chuyển đến Văn bài viết mới về dầu hỏa
Việt-Nam. Tác giả Trần Văn Khởi, anh ruột của anh, lúc trước là Tổng Cục
Trưởng, Tổng Cục Dầu Hỏa và Khoáng Sản Việt Nam là người chịu trách nhiệm về
việc đấu thầu khai thác dầu hỏa cho Việt Nam tại miền Nam Việt Nam trước năm
1975."
Kèm theo thư này
là thư của ông Trần Văn Khởi gửi cho em trai mình ngày 5.8.2020:
"Có bài mới viết về ông Phạm Kim Ngọc nguyên
Tổng Trưởng Kinh Tế, người có công đầu cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ở
miền Nam Việt Nam, gởi để em đọc trong lúc cách ly vì Covid.
Bài đã gởi cho báo, nhưng trong nhà thì ưu tiên đọc
trước.
Ngoài ra thì mới nghe tin Việt Nam tìm được dầu khí
ngoài Huế - ngoài khơi, chếch phía Quảng Trị.
Giếng mang tên là Kèn Bầu (cũng ngộ a, gas nhiều hơn
dầu, chưa được vui lắm. Nhưng sẽ khoan tìm thêm, ở đâu có dầu khí là ở đó có
dầu - rồi sẽ đủ để khai thác. May ra Huế được hưởng.
Khởi."
Sau đây là bài
viết của ông Trần Văn Khởi kể lại quá trình Việt Nam Cộng Hòa khai thác dầu khí
thế nào. Các tư liệu này rất cần bổ sung vào Lịch sử dầu khí Việt Nam.
LƯU TRỌNG VĂN
09.08.2020
NHỮNG HỢP ĐỒNG TÌM DẦU ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Trần Văn Khởi
Chẳng có gì nhiều
thực hiện hồi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước đây mà còn lưu lại sau ngày Cộng
Sản chiếm miền Nam: hầu hết đường sá bị đổi tên, tượng đài phá hủy, và các dự
án chương trình đều đã bị ngưng bỏ từ lâu. Nhưng công cuộc tìm dầu ngoài khơi
thì vẫn còn tiếp tục, và còn đem lại nhiều phúc lợi đáng kể cho kinh tế Việt
Nam ngày nay.
Trong vòng 6
tháng trước Tháng Tư Bảy Mươi Lăm, sáu giếng tìm dầu đã được khoan ở thềm lục
địa miền Nam: kết quả là ba giếng khô, ba giếng tìm thấy dầu khí ở ba mỏ đặt
tên là Dừa, Đại Hùng và Bạch Hổ. Cả ba đến nay vẫn còn tiếp tục sản xuất, trong
đó mỏ lừng danh Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất ở Việt Nam, và là mỏ khổng lồ, thuộc
vào loại đặc trưng trong hàng quốc tế. Cùng với hàng chục mỏ khác được khám phá
sau này, dầu khí ở thềm lục địa miền Nam đã đem lại cả trăm tỉ Mỹ kim cho Việt
Nam.
Sáu giếng này
được khoan theo những hợp đồng tìm dầu đầu tiên mà ông Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm
Kim Ngọc đã ký với các công ty dầu trong tháng Tám năm 1973. Việc thành tựu các
hợp đồng này là một điểm son trong quá trình công vụ của ông Ngọc, và tôi cũng
đã may mắn và hoan hỉ được làm việc cùng ông Ngọc trong chương trình này, rồi
sau đó tiếp tục duy trì liên lạc với ông Ngọc trong hàng chục năm qua.
Nhìn Về Dầu Khí Ngoài Khơi
VNCH đi tìm dầu
rất trễ, cả 9 năm Đệ nhất Cộng Hòa không làm gì. Đến năm 1967, VNCH tham gia
chương trình khảo sát địa chấn trên phần phía nam Biển Đông và ở Vịnh Thái Lan
do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Kết quả sơ khởi thấy khả quan nên sau đó có thêm
nhiều cuộc khảo sát do các công ty dầu tài trợ.
Năm 1968, VNCH ra
tuyên cáo xác nhận chủ quyền và quyền tái phán trên thềm lục địa, theo Quy Ước
Genève 1958 về Thềm Lục Địa. Cũng trong năm 1968, một dự thảo luật dầu hỏa đã được
khởi sư xúc tiến qua một ủy ban liên bộ, do hai kỹ sư Hồ Mạnh Trung và Võ Anh
Tuấn của Nha Tài Nhiên Thiên Nhiên phụ trách. Tôi đã tham gia với tư cách Chánh
Sở Đầu Tư ở Bộ Kinh Tế.
Khi nhậm chức
Tổng Trưởng Kinh Tế khỏang cuối năm 1969, dù phải bận rộn với những biện pháp
cấp bách nhằm ổn định kinh tế, ông Ngọc đã quan tâm tới triển vọng dầu khí, và
góp phần thúc đẩy để sớm thông qua đạo luật. Khỏang tháng 12 năm 1970, khi ông
Tuấn và tôi đang tham khảo với công ty CONOCO ở New York, tìm hiểu về kỹ nghệ
dầu khí, thì được gọi về ngay - Luật Dầu Hỏa số 011/70 vừa được Quốc Hội thông
qua và Tổng Thống ban hành.
Ông Ngọc muốn chỉ
định tôi phụ trách chương trình tìm dầu, thi hành Luật Dầu Hỏa. Khi đó Ông Ngọc
và tôi tuy có biết về nhau, nhưng tôi không làm việc trực tiếp với ông Ngọc;
làm Chánh Sở Đầu Tư thì khi đó tôi dưới quyền ông Thứ Trưởng Công Kỹ Nghệ Phạm
Minh Dưỡng.
Trong lần nói
chuyện bàn việc, ông Ngọc nêu lên những điều mình cần làm, cũng như cách thức
mình phải làm. Ông chia sẻ với tôi viễn ảnh một nền kinh tế phát triển bền vững
do khai thác dầu hỏa dẫn đầu. Và qua việc mình làm với các công ty dầu ông muốn
“chứng tỏ với thế giới là mình đủ sức và
đáng tin cậy để thực hiện những dự án có tầm vóc lớn”. Ông nói ông giao mọi
việc cho tôi, và sẽ giúp tôi chu toàn những gì tôi cần. Rất nhiều việc cần phải
làm, và ông Ngọc mong muốn sẽ làm ngay và tiến triển mau.
Luật Dầu Hỏa của
VNCH dựa trên hệ thống đặc nhượng đang áp dụng khi đó ở Trung Đông. Theo đó các
công ty dầu sẽ được chọn lựa để đầu tư tìm kiếm, khai thác, sản xuất và xuất
cảng dầu hỏa, rồi trả nhượng tô (royalty) và nạp thuế cho chính phủ. Hoạt động dầu
khí sẽ dựa trên Luật Dầu Hỏa, các sắc lệnh nghị định sẽ phải ban hành, và các
chi tiết ghi rõ trong các hợp đồng đặc nhượng, gọi nôm na là hợp đồng tìm dầu,
mà chính phủ sẽ ký với các công ty.
Về chuyện lựa
chọn công ty, nói chung thì có hai cách: hoặc thương thuyết trực tiếp với công
ty, hoặc đấu thầu quốc tế rộng rãi. Trong lần tiếp xúc với CONOCO thì họ đề
nghị VNCH nên nói chuyện song phương. Tôi thấy khó đi đường đó – họ coi bộ nắm
vững mà mình lại không biết gì nhiều. Tôi nói với ông Ngọc “mình đòi ít thì lỗ, đòi nhiều thì hố, mà mình lại không biết đâu là
ít đâu là nhiều”. Mà cũng không biết nên nói chuyện với công ty nào.Tôi
nghiêng về đấu thầu.
Ông Ngọc cũng thấy những trắc trở của chuyện bàn luận tay
đôi – ông nói việc mình làm cần phải được rõ như thanh thiên bạch nhật để ai
cũng thấy. Ông nói các điều khoản và thủ tục của việc đấu thấu đều phải được
rất rõ ràng, minh bạch.
Vì việc tìm kiếm
và khai thác dầu hỏa liên quan đến luật lệ của nhiều cơ quan khác nhau, như tài
chánh, quốc phòng, thuế vụ, ngoại giao, hối đoái…nên nhiều điều khỏan của hợp
đồng tìm dầu cần phải được sự đồng ý của các cơ quan này. Và như vậy thì rất
nhiều vấn đề sẽ phải giải quyết qua tiến trình liên bộ. Cả ông Ngọc và tôi đều
e ngại phải đi qua cách thức làm việc chậm chạp này; ông nói mình phải nghĩ tìm
cách gì sáng tạo để thúc đẩy nhanh công việc.
Ngoài ra thì thềm
lục địa của mình sẽ phải được chia thành lô để gọi thầu từng đợt. Trong khi các
quốc gia láng giềng đã công bố ranh giới thềm lục địa của họ thì VNCH chưa làm,
và sẽ phải sớm công bố ranh giới của mình, phải sẵn sàng để thương thảo giải
quyết những trùng hợp, tranh chấp. Tôi nói mình sẽ phải làm việc với Hải Quân
và Ngoại Giao, và phải nhanh chóng tìm hiểu Luật Biển và pháp lý thềm lục địa.
Tôi nói với ông
Ngọc trước sau gì mình cũng phải cần sự giúp đỡ của chuyên gia, cố vấn, có kinh
nghiệm đã làm chuyện này trước rồi. Tôi cũng nói thêm là trong lần gặp ông
Thống Đốc Nguyễn Hữu Hanh vừa qua ở Ngân Hàng Thế Giới, ông có nhắn với tôi “khi mình tìm cố vấn thì mình phải để ý áo
lót của họ không có nhãn hiệu công ty dầu.” Ông Ngọc, vốn đã làm việc gần
gũi với ông Hanh từ nhiều năm trước, suy nghĩ khá lâu về chuyện này, nhưng
không nói gì.
Rồi ông nói tôi
sẽ cần có chuyên viên làm việc giúp, lại cần chỗ làm. Ông có vẻ hăm hở muốn xúc
tiến nhanh, và đã gọi một phụ tá vào để nhờ kiếm chỗ cho “anh em dầu hỏa, ở đâu đó trong building mình.”
Một Ủy Ban Làm Việc Hữu Hiệu
Do nhu cầu, nhiều
công việc trong chính phủ đều phải được giải quyết qua tiến trình tham khảo
liên bộ. Nhược điểm chính của phương thức này là các vị đại diện các cơ quan
thường là cấp thấp, lại có khi thay đổi, nên không mạnh dạn phát biểu ý kiến
hay đề nghị sáng kiến tại buổi họp. Thường thì họ phải đem vấn đề về cơ quan,
xét trình nội bộ, cho tới một kỳ họp sau; tiến độ vì vậy thường chậm chạp.
Vài ngày sau, tôi
trình với ông Ngọc đề nghị thành lập một tổ chức cao cấp mang tên Ủy Ban Quốc
Gia Dầu Hỏa để thực thi Luật Dầu Hỏa, xúc tiến tìm dầu:
- Thành viên từ
các bộ và cơ quan sẽ được chỉ định đích danh chức vụ, ở cấp Tổng Thư Ký hoặc
Tổng Giám Đốc, và không được thay thế hay đại diện;
- Bắt chước vài Ủy
ban công vụ của Hoa Kỳ, tôi đề nghị Ủy Ban sẽ có 3 hội viên từ lãnh vực tư, hội
viên chính thức chứ không phải chỉ là cố vấn, được chỉ định đích danh. Những
người này sẽ thuộc lãnh vực luật pháp, kinh tế và kỹ thuật. Tôi cũng nói thêm
là nếu có được Bắc Trung Nam thì lại càng hay cho công việc chung mới mẻ này.
Tôi đã để ý tìm kiếm và tham khảo cấp tốc mấy ngày qua, và tìm được tên của quý
ông Luật Sư Vương Văn Bắc, Kỹ Sư Địa Chất Âu Ngọc Hồ, và Kỹ Sư Đinh Quang
Chiêu. Tôi chưa hề gặp hai ông Bắc và Chiêu, và đã làm việc với ông Hồ là người
tiền nhiệm mới đây của ông Ngọc,
- Ủy Ban sẽ có
một văn phòng chuyên viên do một Giám Đốc điều hành; Giám Đốc sẽ làm thuyết
trình viên và đóng góp vào các cuộc thảo luận của Ủy Ban, nhưng sẽ không được
quyền biểu quyết.
Ông Ngọc tỏ vẻ
hài lòng với một Ủy ban liên bộ cao cấp mà lại có tư nhân tham gia. Ông vốn đã
quen biết Luật Sư Bắc, và nói ông cũng mong muốn có ông Bắc trong Ủy ban. Ông
cũng đồng ý ông Chiêu là một viên chức kinh tế cao cấp uy tín người Nam. Nhưng
ông tỏ vẻ dè dặt về ông Hồ. Tôi đoán chắc chỉ là vì bất đồng cố hữu của
người-sau-thay-người-trước, ngoài ra tôi thấy ông Hồ cũng đã sốt sắng thúc đẩy
chương trình tìm dầu khi tại chức, nên tiếp tục thuyết phục mời ông Hồ; rồi ông
Ngọc cũng đồng ý.
Sau đó ông Ngọc
nói cần phải có thù lao cho Ủy ban, vì có các hội viên tư nhân, một chuyện mà
tôi đã không nghĩ tới. Tôi nói như vậy sẽ công bằng phần nào cho tư nhân, mà
cũng là một khích lệ cho mấy công chức cao cấp vốn đã bận rộn nhiều bề. Ông nói
cũng phải 4.000 đồng mỗi phiên họp (US$ 34 tính theo giá chính thức), một thù
lao không phải nhỏ lúc đó.
Một Ủy ban như
vậy sẽ là Ủy ban cao cấp đầu tiên chính phủ thời VNCH mà lại có hội viên tư
nhân, và có thù lao họp như ở các công ty tư. Ông Ngọc nói ông sẽ lo làm phần
của ông là vội vàng đem đề nghị đi tham khảo, xin ủng hộ và chấp thuận. Vài
ngày sau, ông bảo tôi làm tờ trình và qua ngày 7 tháng Giêng năm 1971, Thủ
Tướng Trần Thiện Khiêm ký ban hành sắc lệnh số 003/SL/KT thành lập Ủy Ban Quốc
Gia Dầu Hỏa (UBQGDH) với nhiệm vụ thi hành Luật Dầu Hỏa - chỉ một tháng sau khi
Luật được ban hành.
Ông Ngọc làm Chủ
Tịch của UBQGDH. Ông bổ nhiệm tôi làm Giám Đốc điều hành văn phòng, Kỹ Sư Tuấn
làm Phó; khi đó chưa có chỗ làm, chuyên viên hay nhân viên nào cả. Tuy là
thuyết trình viên không biểu quyết, tôi cũng được lãnh thù lao các buổi họp mà
sau đó tôi chia cùng tất cả sáu nhân viên của văn phòng Ủy Ban.
Chuyên Viên Iran Giúp Đỡ
Một ngày làm việc
trễ, ông Ngọc gọi tôi lên văn phòng và bảo tôi chuẩn bị cho một phái đoàn đi
Tehran gặp Thủ Tướng Hoveyda và Tổng Trưởng Dầu Hỏa Amouzegar để nhờ giúp đỡ.
Tôi chẳng hiểu gì cả, không biết gốc gác sự tình ra sao, thì ông nói vắn tắt là
một bạn học của ông ở London hàng chục năm trước, bây giờ là Tổng Trưởng Tài
Chánh của Iran, đã giúp thu xếp viếng thăm giúp đỡ.
Ông nói ông đã
nhờ Luật Sư Bắc, bây giờ đã ở trong Ủy Ban, hướng dẫn phái đoàn, và bảo tôi đi
gặp ông Bắc bàn mình cần gì, làm gì. Tôi nói tôi sẽ đi gặp ông Bắc bàn việc
ngay, nhưng ông Tuấn sẽ đi Tehran thay tôi vì tôi đang phải cấp tốc thu xếp chỗ
và tìm người làm việc, và đang dịch Luật Dầu Hỏa ra tiếng Anh để gởi cho các
công ty, và nay thì để cho chuyên viên Iran có văn bản làm việc ngay.
Phái đoàn đi
Tehran vào cuối tháng Hai gồm có Luật Sư Bắc, Kỹ Sư Tuấn và hai viên chức của
Phủ Thủ Tướng. VNCH yêu cầu Iran giúp ba chuyên viên về luật dầu hỏa, kinh tế
dầu hỏa, và về địa vật lý (để nghiên cứu các dữ kiện khảo sát Liên Hiệp Quốc và
thẩm định triển vọng dầu khí). Phái đoàn mang theo mấy tranh sơn mài làm quà
tặng.
Qua đầu mùa Xuân
năm 1971, các chuyên viên của National Iranian Oil Company (NIOC) đến Saigon và
làm việc với chuyên viên của UBQGDH gồm Kỹ Sư Dầu Hỏa Phí Lê Sơn, Cử Nhân Địa
Chất Nguyễn Văn Vĩnh, Kỹ Sư Tuấn, và tôi; có thêm Kỹ Sư Nguyễn Trọng Hiền tăng
cường từ Bộ Tài Chánh.
Trong ba tuần lễ,
các chuyên viên Iran đã kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc và tiến hóa của chế độ
đặc nhượng dầu hỏa ở Trung Đông. Họ trình bày chi tiết những tranh chấp với các
công ty dầu, ngay từ những năm đầu khởi công, tiếp tục qua việc thành lập OPEC
năm 1960 (Organization of Petroleum Exporting Countries) mà Tổng Trưởng Jamshid
Amouzegar của Iran là một người đề xướng thành lập. Nghe chuyện dầu khí họ kể
thấy còn hấp dẫn hơn là chuyện Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Họ thẳng thắn trả lời các
câu hỏi của chúng tôi, không tỏ vẻ dấu giếm chuyện gì cả.
Họ giúp soạn thảo
một Hợp Đồng Đặc Nhượng Mẫu (Model Concession Agreement) để cùng với Luật Dầu Hỏa
và các sắc lệnh nghị định liên hệ sẽ làm căn bản cho hồ sơ gọi thầu quốc tế.
Chúng tôi thảo
luận ngày này qua ngày kia cách thức và thủ tục gọi thầu, và những đề mục (bid
items) của đề cung (offer), sao cho phản ảnh đúng những ưu tiên VNCH nhắm trong
công cuộc tìm dầu, và sao cho việc thẩm lượng, so sánh các đề cung được dễ
dàng, minh bạch, tránh mâu thuẫn và mơ hồ. Trong khi đó thì chuyên viên địa vật
lý nghiên cứu các tài liệu khảo sát của Liên Hiệp Quốc, và tuy cuộc khảo sát là
tổng quát và có tính sơ khởi, ông ta cũng cho ý kiến rất lạc quan về triển vọng
dầu khí ngoài khơi Việt Nam.
Việc giúp đỡ của
các chuyên viên Iran thực sự đã rất hữu hiệu và bổ ích, (i) cho chúng tôi những
bài học sâu rộng về kỹ nghệ dầu khí và tương quan với công ty dầu, (ii) soạn
thảo một hợp đồng mẫu tiến bộ và đầy đủ, (iii) đúc kết những thủ tục gọi thầu
và chọn lựa đề mục đề cung, sau này giúp việc gọi thầu và chọn thầu được suông
sẻ, nhanh chóng; (iv) xác nhận tiềm năng dầu khí sáng sủa ở ngoài khơi, và (v)
đã làm hết thảy công việc đó nhanh chóng vào đúng lúc mình cần.
Làm Đi … Làm Lại
Ủy Ban bắt tay
ngay vào việc, đầy nhiệt tâm và hy vọng – chuyên viên làm việc không kể giờ
giấc. Ông Ngọc không hề vắng mặt một phiên họp nào, có khi ghé thăm anh em làm
việc ban đêm ở văn phòng.
Tất cả tài liệu
làm việc với NIOC đều được dịch ra tiếng VIệt để Ủy Ban nghiên cứu, thảo luận,
tu chỉnh, chấp thuận; sau đó, các tài liệu đã hoàn bị được dịch ra tiếng Anh để
làm hồ sơ gọi thầu. Ủy Ban cũng thành lập các tiểu ban để làm việc chi tiết hơn
với chuyên viên, có khi từng câu từng chữ, để giúp thúc đẩy các thảo luận ở Ủy
Ban được rõ ràng và nhanh chóng hơn. Tất cả hồ sơ gọi thầu đều làm hai thứ
tiếng, và Ủy Ban tự lo lấy việc phiên dịch, không nhờ người ngoài.
Qua tháng Sáu năm
1971, sáu tháng sau khi Luật Dầu Hỏa ban hành, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ngày 9
tháng Sáu, ông Ngọc ký nghị định và hôm sau UBQGDH họp báo công bố ý định của
VNCH gọi thầu quốc tế để tìm kiếm và khai thác dầu khí trong vùng biển ngoài
khơi, ghi rõ các lô sẽ mở thầu và các lô sẽ để dành về sau. Các công ty muốn
tham dự sẽ phải trả lời các câu hỏi trong một Vấn Đề Lục (Questionnaire) trước
ngày 15 tháng 8 để UBQGDH cứu xét khả năng dự thầu. Sau đó các công ty dự thầu
sẽ được mời nhận hồ sơ gọi thầu và sẽ có 45 ngày để chuẩn bị nạp thầu.
Ngay sau đó, toàn
bộ hồ sơ gọi thầu, kể cả dự thảo các sắc lệnh sẽ phải ban hành theo Luật Dầu Hỏa,
được trình ngay lên cả Phủ Thủ Tướng lẫn Phủ Tổng Thống để xin chấp thuận xúc
tiến.
Không biết vì lý
do gì mà không thấy có lệnh cho xúc tiến trước ngày 15 tháng 8; rồi sau ngày 15
tháng 8 cũng không có. Chính ông Ngọc đã hỏi thăm nhiều lần, nhưng vẫn không
được đèn xanh, mà cũng không biết lý do tại sao.
Việc gọi thầu
quốc tế bị xếp lại trong gần hai năm liền; trong thời gian đó, công việc chính
của UBQGDH là bàn thảo về các tranh chấp ranh giới thềm lục địa với các quốc
gia láng giềng.
Một ngày giữa
tháng Ba năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris về Việt Nam vừa mới được ký kết hồi
cuối tháng Giêng, ông Ngọc đi họp về và bảo tôi Tổng Thống Thiệu chấp thuận cho
làm gọi thầu tìm dầu.
UBQGDH lập tức
chuẩn bị trở lại tổ chức gọi thầu, các tài liệu cũ được cập nhật và tu chỉnh -
công bố lại ý định gọi thầu ngày 24 tháng Ba, hạn nạp Vấn Đề Lục là 24 tháng
Tư, họp khoáng đại các công ty dự thầu giữa tháng Năm để trình bày, giải thích,
và phân phát hồ sơ gọi thầu. Hạn nạp thầu là 6 giờ chiều ngày 2 tháng Bảy năm
1973.
Những Hợp Đồng Đầu Tiên
Mười lăm công ty,
họp với nhau thành 7 nhóm, đã nạp 18 đề cung cho 8 lô. Các đề cung trong phong
bì khằn kín được mở ra ngày hôm sau, trước sự hiện diện của toàn thể UBQGDH, có
Thừa Phát Lại tòa án, và bốn Tùy Viên Thương Mại của các tòa đại sứ Canada,
Pháp, Anh và Hoa Kỳ chứng kiến.
Công ty ESSO
thắng 1 lô, công ty MOBIL OIL thắng 2 lô, công ty SUNNINGDALE 2 lô, và công ty
PECTEN (chi nhánh của công ty SHELL US) 3 lô. Tổng cộng số hoa hồng chữ ký là
16.6 triệu Mỹ kim. Mọi người đều hoan hỉ, vui mừng.
Lễ ký kết các hợp
đồng tìm dầu đầu tiên sẽ được tổ chức sáng ngày 21 tháng Tám năm 1973. Tôi vẫn
còn nhớ mãi chiều tối hôm trước.
Sau cơm chiều,
tôi mang 32 bản hợp đồng (8 lô, mỗi lô 2 bản tiếng Anh, 2 bản tiếng Việt) đến
nhà ông Ngọc để ông ký tắt trên từng trang. Trước đó trong ngày, tôi đã mời đại
diện các công ty đến văn phòng ký tắt các bản hợp đồng của họ.
Cùng uống trà sâm
và ăn bánh ngọt, hai người nói chuyện trong khi tay ông Ngọc, lúc đầu chậm, sau
nhanh hơn, cứ như máy ký tên tắt trên từng trang mỗi hợp đồng.
Ông cám ơn tôi đã
làm được việc; ông được tiếng khen từ nhiều giới tư nhân và mấy tòa đại sứ. Và
lúc này thì mấy người trong chính phủ ai cũng chắc chắn là mình sẽ có dầu rồi,
vì các đại công ty đã trả 17 triệu chỉ để được phép đi tìm dầu! Ông Ngọc rất
hài lòng.
Tôi nói bốn anh
em chúng tôi, Tuấn, Vĩnh, Sơn, đều cố gắng hết sức. Ủy Ban thì đã làm việc đắc
lực và dễ chịu – ai cũng nhiệt tình và lo chuyện chung; mình may mắn có ông Bắc
tham gia, là rường cột của ủy Ban (khi đó ông Bắc làm đại sứ VNCH ở London và
là thành viên phái đoàn Hòa đàm Paris, ít lâu sau thì làm Ngoại Trưởng). Ông
Ngọc gật đầu đồng ý, nhưng cũng nói thêm cũng có hội viên không đúng mức như
mình tưởng.
Tôi nói việc Iran
giúp đỡ mình đúng là Trời cho. Ông Ngọc cười rồi nói “Tôi chỉ hỏi anh bạn đó thôi, mà hắn với tôi thì cũng chả thân nhau gì
mấy!”
Tôi nói chuyên
viên Iran không những mang lại cho mình kiến thức và kinh nghiệm về dầu hỏa, mà
họ còn mang lại uy tín và “credibility” khó kiếm ở chỗ nào khác. Tôi nói cũng
nhờ tiếng tăm của họ mà việc mình làm được trôi chảy nhiều bề - với công ty
dầu, với chính phủ, với báo chí, ngay cả nội bộ chính trị trong nước. Rồi tôi
kể cho ông Ngọc nghe chuyện các chuyên viên Iran, hai năm trước, lúc xong công
tác sắp sửa về, đã nhờ tôi thu xếp cho họ gặp với phụ nữ Việt Nam. Tụi tôi bối
rối quá, không biết làm sao – phải hai ngày hỏi han thu xếp, rồi sau cùng cũng
làm được. Tôi kể thêm là khi ra về, ở phi trường, cả ba người đều rất hoan hỉ,
cứ nhiều lần rối rít cám ơn tụi tôi.
Ông Ngọc cười
lớn, rung cả tay lắm chữ ký tắt xiên xẹo ở hai ba trang.
Chúng tôi bàn
chuyện ký ngày hôm sau với Esso, Mobil và Sunningdale, và tuần sau với Shell và
Cities Services; phải dời lại để Cities có thì giờ lo các thủ tục đăng ký. Ông
Ngọc đã biết chuyện chấp thuận để Shell đưa Cities Services vào từ đầu và bằng
lòng dời ngày ký; và đổi lại Shell hứa sẽ khoan giếng đầu tiên trong vòng 1
năm. Tôi nói tôi tin Shell sẽ giữ đúng lời hứa (và quả thật sau đó Shell đã
khoan giềng Hồng 1X vào ngày 17 tháng Tám năm 1974). Ông hỏi tôi nếu họ tìm
thấy dầu thì khi nào mình xuất cảng được. Tôi nói ở vùng nước cạn chắc là 2
năm; mà khi đó thì mình phải ráng hết sức làm việc với họ để đẩy làm nhanh. Rồi
ông nhìn tôi, nói đầy tin tưởng: “Khi nào
có dầu thì mình sẽ đi vào lịch sử.”
Trong mấy tiếng
đồng hồ chiều tối hôm trước ngày ký những hợp đồng tìm dầu đầu tiên, ông Ngọc
và tôi đều rất thỏai mái, hân hoan, tràn đầy hy vọng. Mấy tháng sau, trong một
lần thay đổi nội các, ông rời Bộ Kinh Tế và UBQGDH.
Hai Năm Trì Hoãn Còn Là Bí Ẩn
Việc trì hoãn 2
năm không gọi thầu đã làm đình trệ vô cùng tai hại chương trình tìm dầu của
VNCH. Nếu không bị đình trệ thì đáng lẽ các hợp đồng tìm dầu đầu tiên phải được
ký hai năm sớm hơn, đã tìm được dầu năm 1973 thay vì
năm 1975, và rất có thể đã là một chuyện đổi đời. Vậy mà cho tới nay
cũng không thấy có gì rõ vì sao lại bị ngưng trệ gọi thầu.
Vào năm 2000, sau
khi hết làm toàn thời gian, tôi dự định sẽ dành thì giờ viết về chương trình
tìm dầu của VNCH, và về những kinh nghiệm trong kỹ nghệ dầu khí, trước cũng như
sau Bảy Mươi Lăm. Tôi đi Library of Congress để sao lục bất cứ tài liệu gì tôi
tìm được liên quan đến nỗ lực tìm dầu trước đây, và tôi ghé thăm ông Ngọc lần
đầu tiên ở Virginia.
Ông và tôi đã sớm
móc nối lại được với nhau từ năm 1976, khi ông từ Virginia điện thoại cho tôi
đang ở Lafayette, mới làm việc với Superior Oil, trông nom những mỏ dầu trên bờ
dưới biển ở Louisiana. Chúng tôi nhắc lại thời gian cùng làm việc ở Bộ Kinh Tế,
ôn lại chuyện cũ, và nói về chuyện đình trệ 2 năm không được gọi thầu.
Tôi nói tôi có
ráng phân tích những lý do khả dĩ có thể làm việc gọi thầu bị ngưng trệ (i)
chuyện chính trị liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống VNCH năm 1971; (ii) tình
hình chiến sự và những dồn dập của Hòa đàm Paris; (iii) chính phủ không tin là
mình có triển vọng có dầu, và (iv) Mỹ can thiệp không cho làm. Theo tôi thì Mỹ
không cho mình làm lúc đó vì chuyện phản chiến ở nội bộ Hoa Kỳ.
Tôi ngạc nhiên
khi nghe ông Ngọc nói: “Chẳng phải Mỹ mốc
gì cả. Vụ đấu thầu bị ngâm tôm chỉ là vì mấy ông phụ tá của Tổng Thống sợ cho
làm thì Bộ Kinh Tế sẽ tham nhũng, sẽ ăn tiền.” Tôi cũng biết chuyện tham
nhũng ở VNCH thời đó thì quả thật là tệ hại, đưa tới những cuộc điều tra do
chính Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đảm trách. Nhưng tôi thật khó lòng tin được
chỉ vì nghi ngờ tham nhũng mà có thể làm đình trệ một công trình nhiều hứa hẹn
như vậy.
Mặt khác, tôi lại
nghĩ ông Ngọc gần với cấp cao có quyền quyết định nên chắc phải biết rõ hơn
tôi. Khi ra cuốn Dầu Hỏa Việt Nam
1970-75: Những Ngày Còn Nhớ năm 2002, có ghi lại chuyến viêng thăm này, tôi
có gởi biếu ông Ngọc một bản; ông đọc xong, gọi tôi và nói “sách đọc được; anh viết thì tôi khỏi viết”.
Từ đó qua bao
nhiêu năm gặp gỡ chuyện trò, ít khi chúng tôi nhắc lại chuyện chậm đấu thầu.
Một lần, cách đây mấy năm, ông nói với tôi là ông đã nói chuyện với những người
thân cận nhất, gấn gũi nhất với Tổng Thống Thiệu, thì được giải thích rằng hồi
đó ông Thiệu quá bận rộn với các vấn đề quân sự và Hòa đàm. Ông tỏ vẻ không
tin, và tôi cũng thấy lý do đó cũng khó thuyết phục.
Đấu tháng Năm năm
ngoái, tôi gặp ông Ngọc ở Cali, cùng với nhiều đồng nghiệp kinh tế cũ. Ông
trông rất khỏe mạnh, mặc quần jean áo màu hồng trẻ trung. Đang ngồi nói chuyện
chung giữa anh em bỗng ông quay qua hỏi riêng tôi mấy chục năm qua thì Việt Nam
thu được bao nhiêu tiền dầu hỏa. Tôi không biết, đã lâu không theo dõi, chỉ
đoán mò và nói trong vòng hơn 40 năm qua, tính tròn thì trị gia tài nguyên dầu
khí sản xuất cũng phải 200 tỉ Mỹ kim, sau tất cả các phí tổn và chia phần thì
mình cũng phải được hơn cả trăm tỉ.
Rồi ông đưa cho
tôi xem một tài liệu đã giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, một trao đổi giữa
Tòa Đại Sứ ở Saigon (TĐS) và Nhà Trắng (NT). TĐS phân tích vấn đề và sau khi
cân nhắc các khía cạnh đã đề nghị không can thiệp vào lịch trình gọi thầu dầu hỏa
của VNCH, nhưng nếu NT muốn thì TĐS sẽ đi thẳng tới cấp cao nhất VNCH để khuyến
cáo khác đi. NT trả lời lại, nói rõ là Tổng Thống quyết định không được (should
not) can thiệp làm đình hoãn tiến trình gọi thầu.
Ông Ngọc bảo tôi
coi mấy cái ngày: Tờ trình của TĐS đề ngày 8 tháng Hai năm 1972; NT trả lời
ngày 15 tháng Hai năm 1972. Cả hai đều nói về ý định của VNCH sẽ gọi thầu vào
ngày 11 tháng Hai năm 1972.
Tôi nhìn ông
Ngọc, ngơ ngác và phân vân, không biết ngày 11 tháng Hai năm 1972 là ngày gì, ở
đâu ra. Trong im lặng, chắc cả hai chúng tôi đều thắc mắc, sau khi UBQGDH chính
thức công bố ý định gọi thầu hồi đầu tháng Sáu, không biết có gì đã xảy ra
trong nửa năm 1971 và cả năm 1972 mà đã làm ngưng trệ gọi thấu mất hai năm.
Mấy tháng sau,
tôi bàng hoàng xúc động khi nghe tin ông Ngọc đã đột ngột qua đời tháng 12 năm
2019 tại Saigon (thượng thọ 92 tuổi). Tôi đã cầu nguyện cho ông an vui ở cõi
vĩnh hằng, và giờ đây, lại thêm một tháng Tám, xin ghi lại vài trang để tưởng
niệm nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc, người đã ký những hợp đồng tìm
dầu đầu tiên của VNCH trong tháng Tám năm 1973./.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.