mardi 18 août 2020

Cù Mai Công - « Dân Ông Tạ nổi tiếng hai thứ : du đãng và…nhà văn »



Dân Sài Gòn nhắc đến Ông Tạ là nói đến thịt chó, tiệm vàng, chợ lá dong…, còn nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nói như vậy đó coi có được không?

Nhà thơ ngông nghênh một cách duyên dáng, đáng yêu nhất Sài Gòn này kể vài tên: du đãng thì có anh em ông Sơn Đảo… Nhà văn thì có nhiều như Hoàng Hải Thủy, và sau này là ông Nguyễn Thanh Trịnh, tức Đoàn Thạch Biền, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, nhạc sĩ Nguyên Vũ của “Bài thánh ca đó còn nhớ không em…”, MC Nguyễn Ngọc Ngạn…

Anh không kể anh vì có lẽ anh cũng không rõ mình là nhà thơ nhà văn, họa sĩ hay… giang hồ (!)

Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Nhưng với tôi, từ mấy chục năm nay, có lẽ hai nhà văn nhà thơ Sài Gòn còn để lại văn học Sài Gòn “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau” là hai cây bút rất lớn: Đỗ Trung Quân và Bùi Chí Vinh, với hai phong cách viết khác hẳn nhau, thậm chí trái ngược nhau. 

Một bên viết nhẹ nhàng, văn chương mà ác liệt và thấm còn hơn chửi, một bên viết như… chửi mà lại văn chương gì đâu - đến cố thủ tướng Võ Văn Kiệt thời bao cấp có lúc còn mời đến tận nhà riêng của ông để nghe nhà thơ đọc thơ “Đói” với “nhuận bút” là cả phong bì dày cộp với cảm nhận: “Thơ này là thơ Đỏ chứ Đen gì”.

Cả hai anh tôi đều coi như anh tôi và cùng là...dân Ông Tạ: một anh ở An Lạc – trung tâm Ông Tạ và một anh ở vùng “ngoại ô” Ông Tạ: trong một con hẻm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển - bên ngoài hẻm là nhà đại tá Chánh võ phòng Tổng tham mưu phó Quân lực Việt Nam Cộng Hòa “Chiều mưa biên giới” Nguyễn Văn Đông.

Nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Đông.
Người ta cũng hay nói về khu cư xá Chu Mạnh Trinh (Phú Nhuận) như một vùng đất nhiều văn nghệ sĩ. Xin nói thật: số văn nghệ sĩ ở khu Ông Tạ gấp nhiều lần hơn. 

Nhà tôi sát cạnh khu trung tâm Ông Tạ (hiện nay là phường 5, Tân Bình của bạn tôi  Nguyễn Năng), cách một cây cầu Ông Tạ cũng “la liệt” văn nghệ sĩ.

Sát nhà tôi và và thỉnh thoảng nhậu với ba tôi là nhạc sĩ Văn Giảng (chúng tôi gọi là bác Giảng, dù thua tuổi ba tôi) của "Ai về sông Tương", “Hoa cài mái tóc”... Thật ra, nhà bác Giảng ở Huế, sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy ở Huế bất an (Tăng Duyệt, bạn thân của ông, bị giết trong biến cố này), nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn từ năm 1969, mua nhà cạnh nhà tôi. 

Nhạc sĩ Văn Giảng
Ông dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc. Năm 1970, ông được huy chương vàng Giải Văn học Nghệ thuật Quốc gia của Tổng thống VNCH với tác phẩm Ngũ tấu khúc (Quintet for Flute and Strings). Sau đó, ông làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ (ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền Đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển) dự Hội chợ Quốc tế EXPO 70 tại Osaka, Nhật Bản.

Hai đứa con trai của ông trạc bằng tuổi tôi, riêng thằng con trai đầu tên Hùng, cùng tuổi tôi cũng bị suyễn sữa (suyễn hồi nhỏ, lớn hết) như tôi. 

Cách nhà tôi 5 căn là nhà cha mẹ vợ chồng nhà văn tuổi teen nổi tiếng miền Nam trước 75: Võ Hà Anh - Dung Sài Gòn với một loạt truyện dành cho tuổi mới lớn thời đó. Mấy đứa con của cha mẹ chị Dung Sài Gòn và cha mẹ tôi hầu như trạc trạc tuổi nhau hết nên hai nhà chơi với nhau khá thân. Tôi cùng tuổi với con út nhà bên đó, con nít trong xóm gọi là “Tí bú sữa” vì nó được mẹ cưng nhất nhà, nên sang đó chơi cả ngày, có lúc ngủ quên tỉnh bơ, dậy lò mò về… Bà mẹ chị Dung hiền lành, trắng trẻo, ăn nói nhẹ nhàng rất thương tôi vì hai đứa chúng tôi khá giống nhau. Có lúc bà còn lộn tôi là con bà…

Qua bên kia cầu Ông Tạ mà ngày ngày tôi qua lại đi học, cách ngã ba Ông Tạ vài căn, bên tay trái (tính từ ngã ba Ông Tạ xuống) là nhà ca sĩ “Buồn vương màu áo” Ngọc Trọng (em trai MC Nguyễn Ngọc Ngạn; trước 75, MC Nguyễn Ngọc Ngạn chưa viết văn và chưa nổi tiếng như hiện nay), vốn dân ca đoàn giáo xứ An Lạc từ nhỏ. Nhà khá lớn, chiều ngang rất rộng. 

Cách nhà anh em Ngọc Trọng vài căn là nhà ca sĩ Giang Tử (nếu tôi nhớ không lầm là cả hai nhà đều bán tạp hóa) mà chị tôi chết mê chết mệt giọng ca Bolero của ông, đi chợ Ông Tạ thường len lén chỉ tôi” “Nhà ca sĩ Giang Tử đó”…

Nhà văn Hoàng Hải Thủy
Riêng nhà văn nổi tiếng trước 75 "Công tử Hà Đông" Hoàng Hải Thủy bên cư xá Tự Do, cư xá ở giữa ngã ba Ông Tạ và ngã tư Bảy Hiền. Nhà là một căn trệt nho nhỏ, tường ximăng, cửa gỗ lá sách vừa gỗ, đầy sách. Trước nhà là sân nhỏ có hàng rào. 

Năm lớp 4, lớp 5, tôi học chung trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân, Tân Bình), khá thân với con nhà văn là Hoàng Hải Triều. Thằng này vẽ đẹp lắm và cách vẽ rất lạ: vẽ nhân vật truyện chưởng từ…chân lên. Tôi mê vẽ từ thằng này, nó dạy tôi vẽ, dẫn về nhà nó chơi, mê mẩn với tủ sách của ba nó: quá trời sách. Thỉnh thoảng mượn mấy tập truyện tranh như bộ Tây du ký của Hồng Kông, đã dịch sang tiếng Việt về coi. Tranh vẽ tỉ mỉ và đẹp mê hồn… 

Trong khu cư xá Tự Do này còn có nhà một nhạc sĩ nổi tiếng với "Mười bài không tên", "Anh đến thăm em đêm 30"... Vũ Thành An. 

Rồi nhà thơ Chu Vương Miện cũng dân Ông Tạ. Nhà văn Lê Tất Điều nghe nói ở ngay ngã ba Ông Tạ.

Chưa hết, từ trường Tân Bình đi về phía ngã ba Bành Văn Trân hiện nay (xưa là đường Thánh Mẫu có tiệm đàn nhỏ chuyên violon, là nhà nhạc sĩ Lê Hoàng Long, là một nhạc sĩ Việt Nam chỉ với một nhạc phẩm duy nhất: “Gợi giấc mơ xưa”.

MC Nguyễn Ngọc Ngạn
Rồi họa sĩ Bùi Đức Lâm – lừng lẫy với bộ truyện tranh Đôrêmon từng 10 năm thuê nhà ở khu nhà thờ Tân Chí Linh trước 75– nơi tôi thêm sức ở đó năm 1973; cũng thêm sức cùng do linh mục Đinh Bình Định (một trong hai chủ xị Phong trào “Nhân dân chống tham nhũng” 1974 của dân Ông Tạ - cùng linh mục Trần Hữu Thanh. Sau 75, hai vị bị quy tội phản động, CIA gì đó, đi cải tạo một thời gian).

Ngôi nhà cha mẹ học sinh Bùi Đức Lâm gần nhà thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Chí Linh – nơi tôi học khoảng nửa năm. Nhìn sang bên kia là nhà Sáu Giếng – dân địa phương cố cựu trước 1954, có một giếng nước trong vắt, luôn trào nước rất mạnh trên mặt giếng suốt ngày như suối. Nghe mẹ kể: Hồi chưa có nước máy năm 1965, 1966 gì đó, mẹ tôi gánh nước ở đây về xài. Khi học trường Tân Chí Linh, đi học qua đây, tôi thường ghé rửa chân tay. Nhà có chiều ngang khuôn viên rất rộng, đến 20m. Giếng bên phải nhà, xung quanh giếng láng xi măng sạch sẽ. Cửa cổng cũng rộng 3 mét, luôn mở cho bà con lấy nước thoải mái, không lấy tiền...

Họa sĩ thiết kế lừng lẫy báo Tuổi Trẻ thập niên 1990 Nguyễn Văn Vinh cũng dân Ông Tạ.

Trụ sở báo Xây Dựng đầu đường Bành Văn Trân hiện nay; nằm xéo quán cà phê Thăng Long xưa nhà thơ Đỗ Trung Quân hay uống với cha Lãm cũng là một cây bút sắc sảo, khét tiếng trước 75, bút danh Thiên Hồ, mà chính quyền Sài Gòn khá e dè. Đến linh mục cũng viết văn, viết báo thì dân Ông Tạ quả là đất văn thơ…

Một thú vị nữa: giám mục giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn sau khi Tổng giám mục Bùi Văn Đọc mất (hiện là giám mục Bình Thuận) là dân Ông Tạ - Nghĩa Hòa đó anh (anh giám mục là linh mục chánh xứ nhà thờ gần trường Mai Khôi)...

Và không thể không kể cô nhà báo "giang hồ" Lê Nguyễn Hương Trà, hỗn danh Cô gái Đồ Long, lừng lẫy lâu nay trên mạng ở gần nhà thờ Chí Hòa; đi Sài Gòn by night nhiều đêm với tôi tỉnh bơ hơn 20 năm trước. Đêm hai nhóm giang hồ A Lý và Hồ Việt Sử thanh toán nhau trước vũ trường Metropolis đêm 11 rạng 12-8-2001 và ngày bị mời vô khám Chí Hòa, gặp Phó phòng Cảnh sát Điều tra Nguyễn Mạnh Trung (hiện đã mất) sau vụ này đều đủ mặt… hai anh em (!) và lúc đó cả hai đều rất “khí tiết” (sau đó Phó phòng CSĐT Nguyễn Mạnh Trung đã bị bắt và ngồi tù mấy năm).

... Còn nhiều lắm, nhiều lắm mà tôi bất chợt chưa nhớ hết (xin bổ sung sau) như ca sĩ Đ.V.H xưa hành nghế tóc ở gần khu kinh Nhiêu Lộc chẳng hạn.

Anh Đỗ Trung Quân kết luận khá...ác: “Dân ÔngTạ, không thành du đãng thì thành… nhà văn” (!).

Tôi thì nghĩ: Phải chăng vì vậy nên dân du đãng Ông Tạ (trước 75) rất văn chương, còn văn nghệ sĩ Ông Tạ rất… giang hồ?…

(P/s : đang tính viết: Du côn, du đãng Ông Tạ).

CÙ MAI CÔNG 17.08.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.