mercredi 19 août 2020

Hoàng Tuấn Công - Ông Trần Bình Minh có biết chuyện này không ?



Việc VTV ví những người bán hàng rong là sống "ký sinh" và "ký sinh trùng" trên các con phố là sai sót rất nghiêm trọng.

Cộng đồng mạng phẫn nộ và chia sẻ thông tin này suốt từ sáng tới giờ. 

Vậy mà nhà đài vẫn giữ nguyên lời dẫn bản tin ngày 15/8/2020, với lời bình luận "những gánh hàng rong vốn được xem là SỐNG KÝ SINH trên các con phố này".

Vì sao vậy? 

Hoá ra VTV tin rằng: ví hàng rong "sống ký sinh" không sai; chỉ "ký sinh trùng" mới sai. Bởi thế, biên tập viên (đeo kính), người đọc trong bản tin 17/8/2020, đã nói lời xin lỗi, và nhận hoàn toàn trách nhiệm do "đọc nhịu một câu" (đúng ra là một "tiếng" = "trùng").

Cũng có thể, biên tập viên (BTV) này đã thuận miệng buông thêm (không phải "đọc nhịu") tiếng "trùng" vào sau "ký sinh". Nhưng trong trường hợp này VTV vẫn sai. Vì dù vô tình hay hữu ý, thì cách ví von này cũng vẫn vang lên như một sự miệt thị, xem thường những người bán hàng rong nghèo khổ.

Khi một bản tin đã được chính thức đăng tải có nghĩa nó là tiếng nói của cơ quan truyền thông, không còn là chuyện của cá nhân phóng viên nữa. Bởi vậy, người đứng ra xin lỗi cũng không phải là BTV nữa, mà là ông Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Người ta có thể chấp nhận và thông cảm sai sót do cá nhân bất cẩn, thậm chí là dốt. Nhưng đến giờ VTV vẫn cho là họ đã đúng khi dùng từ "ký sinh" để chỉ sự mưu sinh của những người bán hàng rong thì thật khó hiểu.

Không lẽ ông Tổng giám đốc Đài truyền hình Quốc gia không biết chuyện này? Hay ông biết mà xem thường dư luận, hoặc là ông...cũng dốt nốt?

P/S:
Xin dẫn lại Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-bản Vietlex): "KÝ SINH •
寄生 đg. [sinh vật] sống trên cơ thể các sinh vật khác, bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể các sinh vật ấy".

"Ký sinh" dùng theo nghĩa bóng được hiểu là "ăn bám". Mà "ăn bám" chính là cách mô tả theo nghĩa đen của "ký sinh" hoặc "ký sinh trùng": mọi sinh vật hay thực vật sống ký sinh đều "bám" vào ký chủ để "ăn", tức hút dinh dưỡng (như tầm gửi) hoặc hút máu (như bọ chét, giun sán...).

Tuy nhiên, ví "ký sinh" nặng hơn "ăn bám". Vả lại, đúng như phó giáo sư tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhận xét: "Dùng "ký sinh" hay "ký sinh trùng" trong trường hợp này phạm đến hai lỗi: (1) Không đúng nghĩa từ; (2) Có tính miệt thị vì xấu nghĩa (pejorative)".

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.