lundi 17 août 2020

Trần Thạch Linh - Vì sao… « Mầu tím hoa sim »

Nhiều thế hệ nối tiếp nhau sau kháng chiến chống Pháp đều biết đến ba bài thơ nổi tiếng thời đó là : “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Quê Hương” của Giang Nam, và “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan. 

Cả ba bài thơ này cùng khai thác một tứ (thơ) là : Chiến tranh đã không giết chết người lính ngoài chiến địa, mà chết người con gái ở hậu phương. 

Thế nhưng chỉ có hai bài thơ: “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Quê Hương” của Giang Nam là được đánh giá cao ở Miền Bắc, được đưa vào sách giáo khoa, các loại tuyển tập, được tuyên truyền, giáo dục rộng rãi. Còn bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan thì trái lại, bị cấm đoán, rồi lưu lạc và nổi tiếng ở Miền Nam. Cho đến sau năm 1975, thế hệ trẻ Miền Bắc mới thật sự biết tới bài thơ này cùng ca khúc phổ nhạc đậm chất tiền chiến. 

Vậy đâu là lý do cho tình huống này ? (tình huống mà bài “Mầu Tím Hoa Sim” không thể đứng lại được ở Miền Bắc).

Tôi tìm thấy lời giải từ những cái chết của các cô gái trong cả ba bài thơ. Ở bài “Núi Đôi”, cái chết của cô gái là:

“Giặc giết em rồi dưới gốc thông.
Mấy năm cô làm làm du kích.
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng” ...


Và ở bài “Quê Hương” cái chết của cô gái cũng tương tự :

“ Giặc giết em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi”...


Hai cái chết này đều do giặc giết, nguyên nhân rất rõ vì là “du kích”. Và vì thế, nó dâng lên lòng căm thù giặc, tính chiến đấu rất cao trong lòng người dân Miền Bắc khi ấy. Để rồi những cái chết ấy trở nên “oanh liệt”, trở thành “liệt sĩ” đúng với đường lối văn nghệ của đảng.

“Ai viết tên em thành liệt sĩ
Trên những hàng bia trắng giữa đồng”

(Núi Đôi –Vũ Cao)

Nhưng cái chết của cô gái trong ”Mầu Tím Hoa Sim” thì khác hẳn. Một cái chết không liên quan gì đến tính giai cấp, không trút được căm thù lên đầu giặc, không có tính chiến đấu :

“Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối.
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh” 


Một cái chết oan uổng, mạng nặng nỗi đau của kiếp người trong chiến tranh. Cô ấy đơn giản là chết, Chỉ có thể là vì cô ấy đã sống, đã yêu…và chết. Phải chăng bài thơ đã chạm đến vấn đề của nhân loại, chứ không còn phục vụ cho việc “ai thắng ai” cho tư tưởng “giai cấp”. 

Tôi nhớ đến lời văn trong tiểu thuyết “Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết” của Erich Maria Remarque, (Văn hào Đức) : “Yêu và chết là cuộc đời của mọi người trên mặt đất, nhất là mặt đất đầy lửa và máu, hoài vọng và thất vọng cay đắng”.

Và bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” Với cái chết oan uổng của cô gái hậu phương, đã khiến người ta nản lòng với cuộc chiến tranh vô nghĩa, dài lê thê, sinh ly tử biệt. Dù nó có được dán nhãn “Giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước ” hay phủ hào quang “Có đảng ta đây có bác hồ”.
 
Những lời thơ tê tái lòng người như đã nói lên điều này :

“Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt”.


Tôi nghĩ, đây chính là lý do khiến bài thơ "Mầu Tím Hoa Sim" không thể đứng lại ở Miền Bắc Việt Nam những năm tháng ấy.

TRẦN THẠCH LINH 16.08.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.