mardi 11 août 2020

Nguyễn Công Khế - Đôi nét về ông Lê Khả Phiêu



Tác giả Nguyễn Công Khế và ông Lê Khả Phiêu.

(Tôi viết bài này một cách nhìn nhận khách quan đối với người quá cố. Cho nên mọi bình luận xúc phạm hoặc không có văn hoá, thì cho tôi được xóa).

Định không viết gì về một người vừa khuất. Nhưng không viết thì cũng cảm thấy không yên lòng.

Tôi có nhiều lần gặp ông Lê Khả Phiêu. Vì công việc có, vì tình cờ gặp cũng có. Trước khi làm Tổng bí thư, ông được ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười ưu ái, chuẩn bị kỹ càng để ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất nước này. 

Ông Đỗ Mười nhiều lần đánh giá rằng chỉ có ông Lê Khả Phiêu và ông Nguyễn Hà Phan là lập trường vững vàng nhất, là thứ gạo bỏ vào cối giã không bao giờ bị bể vụn. Ông Lê Khả Phiêu được vào chức Thường trực Ban bí thư để làm Tổng bí thư, còn ông Nguyễn Hà Phan được chuẩn bị để làm Thủ tướng. 

Tôi đã dự một lớp học ở Hà Nội dành cho cán bộ lãnh đạo, trong đó, tôi nhớ có rất nhiều người quen trong khóa học như anh Võ Viết Thanh, và có cả Nguyễn Lê Bách chuẩn bị đi làm đại sứ ở Ai Cập và năm nước vùng phụ cận. Tôi còn nhớ như in, ông Hà Phan nói về Hợp tác xã theo kiểu bảo hoàng hơn vua, như thời Hợp tác xã đánh kẻng rất lỗi thời ở ngoài Bắc khi còn chiến tranh mà sau này, tôi được nghe kề lại.

Ông Phiêu, lần đầu tiên tôi được gặp và chụp với ông một tấm ảnh là ở Đại hội Đoàn toàn quốc ở Cung hữu nghị Việt Xô. Lần tôi gặp có ấn tượng nhất là, tôi đưa anh Hữu Ngọc, trưởng phòng trọng án đang làm vụ Năm Cam để tranh thủ sự ủng hộ của Ban bí thư đối với một vụ việc được đánh giá là khá phức tạp này, vào lần đầu Năm Cam bị bắt đưa đi giam giữ cải tạo.

Thái độ rất lắng nghe và hỏi han rất kỹ lưỡng về vụ việc làm tôi và anh em cùng có mặt rất có thiện cảm. Ông nói rất nhiều ý, trong đó, tôi để ý nhất là, khi ông đánh giá về bộ máy này, có nhiều người hư hỏng bị đám xã hội đen nắm thóp và đang làm tay sai cho chúng. Tình hình được ông cho là rất nguy hiểm và phải hành động quyết liệt thôi. Ra về anh Hữu Ngọc nhẹ nhõm, và sau đó Ngọc có báo lại buổi gặp với Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp để ông Thiệp yên tâm.

Điều làm cho chúng tôi không vui ở ông Phiêu sau này, là chính ông là người đã cản trở việc Việt Nam ký Hiệp định hợp tác song phương với Mỹ tại New Zealand năm 1999, làm cho ông Phan Văn Khải phải đi và về tay không sau khi phải giải thích rất khó khăn với Tổng thống Clinton. Và cũng chính ông đã tổ chức một cuộc đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton thiếu những nghi thức ngoại giao sơ đẳng, và nhất là trong nội dung các cuộc trao đổi là thiếu chuẩn mực khi Clinton đến Hà Nội. Cuộc trao đổi với bà ngoại trưởng Madeleine K. Albright cũng tương tự như vậy.

Còn một việc khác nữa, tôi sẽ kể sau, khi đoàn của Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam chúng tôi đi Trung Quốc để làm việc với Đoàn Thanh niên Trung Quốc lúc đó. Hồ Cẩm Đào cũng có lịch tiếp chúng tôi. Lúc ấy, anh Vũ Trọng Kim làm trưởng Đoàn, Trần Đắc Lợi làm trưởng ban Quốc tế Trung ương Đoàn. 

Sau khi Ban đối ngoại Trung ương Đảng thông tin về tình hình Việt Nam -Trung Quốc và nhận định của Ban đối ngoại, tôi cảm thấy có cái gì đó không ổn. Vì vị này cho rằng những mâu thuẫn giữa Việt Nam-Trung Quốc là do cấp dưới của phía Trung Quốc không hiểu tạo ra. Vị này cũng nói về quan hệ giữa Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tốt lên. Tôi sẽ có cảm nhận riêng về buổi nói chuyện này trong một dịp khác. Lúc đó, tôi cũng đã nói cảm nghĩ buồn bã của mình với Trần Đắc Lợi.


NGUYỄN CÔNG KHẾ 09.08.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.