jeudi 20 août 2020

Belarus : Khế ước xã hội tan vỡ, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng

Đông đảo người dân biểu tình tại Minsk ngày 16/08/2020 phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus, đòi ông Loukachenko từ chức và trả tự do cho tù chính trị. © REUTERS/Vasily Fedosenko
Đăng ngày:


Belarus : Công nhân phải hy sinh nhiều khi đình công

Thông tín viên của La Croix tại Minsk nói về các khó khăn của công nhân Belarus khi đình công. Uy tín của tổng thống Alexandre Loukachenko đã bị sụp đổ trong giới công nhân vốn được chế độ ưu đãi, tuy nhiên lời kêu gọi đình công chỉ được hưởng ứng một cách chừng mực.

Ông Loukachenko sẽ phải nhớ mãi vụ bị bẽ mặt ở nhà máy chuyên sản xuất máy cày MZKT, bài diễn văn của ông bị cắt ngang bởi những tiếng hô « Cút đi ! ». Loukachenko yêu cầu các cận vệ và những người xung quanh tắt điện thoại di động, nhưng đã trễ, cảnh này được lan truyền rộng rãi trên Nexta, tờ báo đấu tranh trên mạng. Người đứng đầu một nghiệp đoàn độc lập nhận xét, điều duy nhất mà chính quyền lo sợ là công nhân nhà máy, vì họ có tổ chức tập thể.

Chế độ nay chuyển sang phản công : các giám đốc ra lệnh nếu không làm việc sẽ bị sa thải. Người công nhân một khi mất việc thì không nơi nào khác dám nhận. Đối với một số chức trách, còn bị cấm làm việc cho tư nhân trong vòng 5 năm. Nhiều người cấp quản lý có hợp đồng một năm, sẽ không được gia hạn nếu tham gia đình công. Quân đội và lực lượng đặc biệt của bộ Nội vụ là những thành lũy cuối cùng của Loukachenko, theo Le Figaro.

Tổng thống Loukachenko nói chuyện với công nhân nhà máy MZKT ở Minsk ngày 17/08/2020.
Khế ước xã hội giữa chế độ độc tài và nhân dân Belarus tan vỡ

Le Figaro đăng bài phân tích của chuyên gia Anna Colin Lebedev: « Belarus : Làm thế nào mà khế ước giữa nhà độc tài và nhân dân đã tan vỡ ». Đàn áp đối lập và tuyên truyền không chỉ là công cụ giúp ông Loukachenko ngự trị lâu dài, mà còn nhờ bảo đảm được phần nào an ninh kinh tế và xã hội. Nhưng nay hợp đồng mặc nhiên này đã bị cắt ngang.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khác với ba nước Baltic láng giềng, Belarus không có được bản sắc dân tộc rõ rệt vì chỉ có được một thời gian độc lập ngắn ngủi năm 1918, rồi lại bị Sa hoàng cai trị và sau đó là Liên bang Xô viết. Cũng như Ukraina, khi độc lập Belarus là một quốc gia đa sắc tộc và sử dụng hai thứ tiếng song song. Tiếng Belarus được giảng dạy trong nhà trường và dùng trong các văn bản, nhưng tổng thống phát biểu với quốc dân bằng tiếng Nga, và Nga cũng là thứ tiếng dùng để giao tiếp hàng ngày.

Lên nắm quyền từ năm 1994, Alexandre Loukachenko lập ra chế độ đàn áp. Các nhà đối lập bị bỏ tù hoặc phải đi lưu vong, án tử hình vẫn được duy trì. Tuy nhiên trong thập niên 90, khi Nga và các nước láng giềng rơi vào vòng xoáy tự do kinh tế hỗn loạn, người dân không còn phúc lợi xã hội và mất đi niềm tin vào tương lai, Belarus giữ lại một phần của mô hình Liên Xô cũ - coi trọng công nông – nhưng không ý thức hệ cộng sản.

« Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » theo kiểu Belarus cho phép mở công ty tư nhân nhưng các kỹ nghệ và nông trang lớn do quốc doanh nắm giữ, duy trì các chế độ xã hội cho người dân. Tuy có những khuyết điểm như lệ thuộc vào Nga, cứng nhắc, tiền lương thấp, nhưng ổn định. Dù độc tài, nhưng Belarus vẫn mở cửa biên giới và không kiểm soát internet nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Đối thủ nam giới bị cấm tranh cử, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng

Trong những năm gần đây, kinh tế sa sút dần, chính quyền bám vào mô hình cũ trong khi xã hội công dân tân tiến và có học thức, hướng ngoại. Đại dịch corona ập đến, ông Loukachenko từ chối phong tỏa làm cho người dân lo sợ và phẫn nộ, khiến họ nhớ lại Nhà nước từng nói dối trong thảm họa nguyên tử Tchernobyl năm 1986, mà Belarus là nạn nhân chính. Khế ước xã hội giữa nhà độc tài và dân chúng đã rạn nứt.
Phụ nữ vốn đứng ngoài chính trị, nay đóng vai trò trung tâm của phong trào phản kháng. Vì là phụ nữ, Svetlana Tikhanovskaia được chính quyền cho đăng ký tranh cử do không đánh giá cao. Vì là phụ nữ, bà được người dân ủng hộ, họ nhìn thấy mình ở một ứng cử viên ôn hòa, phi chính trị, xa lạ với giới cầm quyền. Thường được mô tả như một bà nội trợ, thực ra Tikhanovskaia là một trí thức trẻ năng động, là thông dịch viên.

Tuy nhiên theo Le Figaro, không nên coi đây là một cuộc cách mạng của nữ giới. Nếu đối lập được đại diện bằng ba khuôn mặt phụ nữ, thì đó là vì nam giới bị cấm tham gia tranh cử. Bản thân Tikhanovskaia cũng tuyên bố không có tham vọng chính trị, và sẽ rời quyền lực một khi có bầu cử tự do.

Liệu trừng phạt có thể làm chế độ Belarus nhượng bộ hay không ? La Croix đặt câu hỏi, khi hôm nay 27 nhà lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu (EU)  họp tại Bruxelles bàn về hồ sơ này. Theo chuyên gia Alexandra Goujon, thì rất khó.

Tổng thống Belarus chưa bao giờ tìm cách xích lại gần EU, vì cái giá phải trả cho dân chủ và nhân quyền, theo ông ta là quá đắt. Kinh tế và đối ngoại của Belarus hoàn toàn hướng về Nga và các nước Liên Xô cũ, và mỗi khi cần đa dạng hóa đối tác, thì đó là các nước mới trỗi dậy chứ không phải EU. Ngược lại, mục tiêu của EU cũng không phải là cô lập Belarus, mà tài trợ cho những chương trình hỗ trợ xã hội công dân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel tại lâu đài Bregançon ngày 20/08/2020.
Sự thức tỉnh chậm chạp của nước Đức

Còn tại Tây Âu, Le Monde đề cập đến « Sự thức tỉnh chậm chạp về địa chính trị của nước Đức ». Thái độ của Donald Trump và Tập Cận Bình đã thúc đẩy bà Angela Merkel phải lao vào các vấn đề quốc tế.

Ngày mai đến dinh thự mùa hè Brégançon theo lời mời của tổng thống Pháp, bà Merkel sẽ bàn bạc với ông Emmanuel Macron về các hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban…Đức đang dần phải quan tâm hơn về địa chính trị, do quan hệ với Hoa Kỳ xuống cấp, Trung Quốc ngày càng hung hăng và cuộc khủng hoảng châu Âu liên quan đến đại dịch virus corona.

Việc tổng thống Donald Trump rút đi 11.900 quân là một cú sốc cho nước Đức, vốn từ 70 năm qua vẫn nhờ vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Trung Quốc là một cường quốc khác đã buộc Đức phải ra khỏi logic thương mại đơn thuần. Berlin vẫn im lặng khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Mãi đến một tháng sau, khi cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông bị dời lại một năm, Đức mới ngưng hiệp định dẫn độ với Trung Quốc. Một động thái cứng rắn nhưng trễ tràng : Canada, Anh, Úc, New Zealand đã ra tay trước đó.

Ngay từ năm 2013, tuần báo Anh The Economist đã nhận định : « Sau hai lần đưa châu Âu vào trận đại chiến, nhiều người Đức nghĩ rằng nghĩa vụ của đất nước là trở thành một nước Thụy Sĩ lớn : thịnh vượng về kinh tế, khiêm tốn về chính trị. Nhưng ngày nay, mối nguy cho châu Âu không phải là một sự lãnh đạo quá mạnh của Đức, mà là quá yếu ! »

Thay đổi có thể diễn ra sau sự ra đi của bà Angela Merkel, đại diện cuối của một thế hệ bước vào chính trường trong thời điểm tối hậu của chiến tranh lạnh. Trước hết, vì một số ứng viên cho chức chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) chủ trương một chính sách đối ngoại năng động hơn. Tiếp đến, đảng Xanh, có thể là đối tác của CDU-CSU trong liên minh cầm quyền tương lai, muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuối cùng, do sự chuyển biến của dư luận quần chúng Đức, nhất là lớp trẻ : 52% người Đức dưới 30 tuổi muốn nước Đức nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.

Ứng cử viên Joe Biden tại đại hội đảng Dân Chủ.
Joe Biden ngả sang tả để đoàn kết đảng Dân Chủ

Nhìn sang nước Mỹ, La Croix nhận định « Để đoàn kết trong đảng, Joe Biden phải ngả sang cánh tả ». Chương trình hành động của ông có những ý tưởng mang dấu ấn rất rõ của ông Bernie Sander.

Hồi tháng Hai, ông Joe Biden đề nghị tái chinh phục « linh hồn nước Mỹ ». Theo ông, nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump chỉ là một sự cố của lịch sử, một dấu ngoặc sẽ nhanh chóng khép lại để có thể tiếp bước người tiền nhiệm Obama. Trong khi các đối thủ kêu gọi những biện pháp cực đoan hơn, Biden chủ trương tiến dần từng bước một. Nhưng sáu tháng sau, chương trình hành động của ông sẽ được thông qua trong đại hội kỳ này tỏ ra tham vọng hơn là « nhiệm kỳ Obama thứ ba ».

Trên nhiều chủ đề quan trọng như biến đổi khí hậu hay kinh tế, Joe Biden đã « tả khuynh » rất rõ. Ông hiểu rằng nếu chỉ chống Trump, thì không đủ để chiến thắng vào tháng 11 tới. Từ tháng Năm, một nhóm « đặc nhiệm » đã được thành lập để tìm cách hòa giải các xu hướng khác nhau trên sáu chủ đề (tư pháp, kinh tế, y tế, nhập cư, khí hậu, giáo dục). Chẳng hạn nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ, từ nay đến năm 2026 ; hay ấn định giảm khí thải carbone của các nhà máy nhiệt điện vào năm 2035 thay vì 2050.

Nhà nghiên cứu Célia Belin nhận định phe Dân Chủ ngày nay thiên tả hơn trước, chủ yếu là do ảnh hưởng của thế hệ trẻ. Trung tâm của đảng thì ngả sang tả, nhưng Dân Chủ chiếm được Hạ viện là nhờ các dân biểu ôn hòa đã giành được ghế của phe Cộng Hòa. Thế nên Joe Biden phải cố giữ thăng bằng giữa hai xu hướng khác nhau.

Dọc theo bờ sông Seine, Paris ngày 15/08/2020.
Quy định đeo khẩu trang ở nơi làm việc của Pháp và những vấn đề đặt ra

Trang nhất Le Monde hôm nay nói về « Giao thông : Đường sắt là trung tâm kế hoạch tái thúc đẩy ». Libération « Quay lại với vụ thảm sát » tại một nhà bảo sanh ở Kabul, Afghanistan cách đây ba tháng. La Croix nhận xét « Joe Biden hòa giải phe Dân Chủ ». Ở trang trong, Belarus, bầu cử Mỹ là các đề tài quốc tế được đề cập nhiều nhẩt.

Về lãnh vực xã hội Pháp, Le Figaro chạy tựa « Đối mặt với Covid-19, phải phổ cập việc đeo khẩu trang ». Tương tự với Les Echos « Đeo khẩu trang tại công ty : Pháp chọn biện pháp cứng rắn ». Quy định buộc phải mang khẩu trang ở nơi làm việc kể từ ngày 01/09/2020 là đề tài được tất cả các báo Paris chú ý bàn luận.

Libération dẫn lời bộ trưởng Lao Động Elisabeth Borne cho biết, trong số 60 ổ dịch được xác định, có 37 liên quan đến các công ty trong đó có 8 ổ dịch là lò sát sinh, 20 liên quan các lao động độc lập hay tự doanh. Le Figaro nhấn mạnh, khẩu trang là vũ khí quan trọng để tránh lây nhiễm, vì nhiều người mang virus không có triệu chứng. Điển hình là thành phố Iéna (Jena) của Đức có tỉ lệ lây nhiễm sụt giảm một cách ngoạn mục nhờ buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên cần phải bảo đảm việc cung ứng, và một số chính khách Pháp đòi hỏi phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

La Croix trích ý kiến của ông Benoît Serre, phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia các giám đốc nhân sự (ANDRH). Theo đó, các biện pháp mới nhằm phổ biến việc đeo khẩu trang, vì hầu hết các công ty đều sử dụng open space (văn phòng mở), hiếm khi có việc nhân viên ngồi một mình một phòng, chưa kể đến flex office (không có văn phòng dành riêng). Tuy không phản đối lý do vệ sinh, nhưng ông Serre cho rằng như vậy hoạt động còn rất lâu mới có thể trở lại bình thường. Le Figaro cho biết giới chủ và nghiệp đoàn mong muốn áp dụng quy định một cách linh hoạt.

Xã luận của Les Echos cho rằng khẩu trang là một ngoại lệ mới của Pháp. Tờ báo phê phán, quy định này làm cho làm việc tại nhà sẽ trở thành phổ biến một cách lâu dài, như một số đại công ty như Google ở Mỹ hay PSA ở Pháp đã đi bước trước. Cuộc cách mạng lặng lẽ này sẽ làm thay đổi tất cả, từ bàn ghế, cách bố trí nơi làm việc, tổ chức di chuyển, người quản lý phải học cách điều khiển từ xa. Nhiều người Pháp sẽ cần đến nhà ở thích hợp hơn để làm việc, đây là vấn đề khó giải quyết cho những ai lương thấp.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.