dimanche 23 août 2020

Ngô Ngọc Trai - Ông Trump, bầu cử Mỹ và cách nhìn qua bức màn kiểm duyệt ở Việt Nam



Bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng thắng cử của ông Trump ra sao thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, do ở Việt Nam truyền thông sách báo bị kiểm duyệt cho nên nhiều người không có đủ thông tin chính xác về chính trường nước Mỹ.

Khó dự đoán

Thông tin đến với người Việt Nam lâu nay cho rằng ông Trump cư xử thô lỗ chợ búa, hủy hoại phép tắc ngoại giao, suy đồi đạo đức nhân cách người lãnh đạo, cho rằng ông Trump là một sự đột xuất sai lầm của cử tri Mỹ, và đã đến lúc đưa mọi thứ trở lại bình thường.

Người ta muốn thấy lại những phép tắc ngoại giao được tôn trọng, muốn thấy lại ngôn ngữ lãnh đạo chính trị lịch thiệp.

Nhưng tôi cho rằng tính cách đó của ông Trump không phải là mới phát sinh từ khi ông làm tổng thống, kiểu thái độ cư xử của ông Trump với các vấn đề không gây ngạc nhiên bất ngờ với công chúng Mỹ.

Thực chất con người của ông Trump trước và sau khi làm Tổng thống là một, vẫn con người đó, vẫn tính cách đó và không giấu giếm. Ông Trump có cả một quãng thời gian dài làm truyền thông, tính cách của ông ấy ra sao người Mỹ đã biết và họ vẫn bầu chọn cho ông ấy.

Cho nên những ai ở Việt Nam nghĩ rằng tính cách và lối cư xử của ông Trump như vậy sẽ khiến ông ấy thất bại thì nên suy nghĩ lại.

Ngược lại, tôi cho rằng có khả năng cao hơn cử tri Mỹ sẽ tiếp tục bầu cho ông Trump làm tổng thống.

Bởi lẽ một nhiệm kỳ đã qua, bốn năm, thời gian đó không đủ dài để có thể xử lý một vấn đề lớn như thâm hụt thương mại với Trung Quốc, không đủ thời gian để hành động đủ để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Bốn năm qua điều quan trọng nhất chính phủ của ông Trump đã làm được chính là chỉ ra, thuyết phục và đạt được sự chấp nhận rộng rãi về mối tai hại trong quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Việc này được thực hiện khởi đầu không lâu trước khi tranh cử. Nên nhớ lúc đó quan điểm tranh cử của bà Hillary Clinton vẫn na ná như chính sách dưới thời Obama. Chính trường nước Mỹ lúc đó có lẽ chỉ có một dòng chảy truyền thông thông tin về vấn đề thương mại với Trung Quốc xuất phát từ nhóm tranh cử của ông Trump. Tuy ban đầu là mới và nhỏ, nhưng nó đã sớm trở thành vấn đề cử tri quan tâm nhất.

Cho nên quãng thời gian bốn năm là không đủ để đạt được cái mục tiêu mà người Mỹ bốn năm trước đã nhận ra tính quan trọng và bầu cho ông Trump làm tổng thống. Người Mỹ hiểu điều đó, với nhận thức duy lý và tư duy logic họ sẽ thấy điều đó và khả năng cao là họ sẽ cho ông Trump thêm thời gian để hoàn tất chương trình của mình.

Kiểm duyệt sách

Bà Hillary Clinton đã dẫn điểm xa trước đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi 2016, nhưng ông Donald Trump lại là người giành chiến thắng cuối cùng.

Thời điểm tranh cử năm 2016, cả hai ứng viên gồm bà Hillarry Cliton và ông Donald Trump đều cho xuất bản những cuốn sách để giới thiệu các đề xuất chính sách cũng như quan điểm của họ về các vấn đề xã hội Mỹ, để qua đó hai ứng viên kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của cử tri.

Cuốn sách của ông Trump có tiêu đề "Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ", còn cuốn của bà Hillary có tiêu đề "Bí mật quốc gia và sự hồi sinh".

Tôi đã đọc cả hai cuốn sách này sau ngày ông Trump đã giành phần thắng và chợt nhận ra vì sao kết quả lại như vậy.

Đó là cuốn sách của ông Trump mỏng, ngắn, rõ ràng dễ hiểu, sử dụng nhiều ngôn ngữ đường phố, đưa ra nhiều quan điểm thẳng thắn về chính sách đối nội đối ngoại. Trong khi cuốn sách của bà Hillary thì dày gấp đôi gấp ba, chia sẻ quá nhiều các dữ kiện chi tiết về đời sống Nhà Trắng, về các hoạt động của nhân vật.

Tôi đánh giá cuốn sách của bà Hillary mang tính hàn lâm dành cho người có trình độ cao, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về hoạt động của Nhà Trắng. Trong khi cuốn sách của ông Trump nói rõ ràng về các quan điểm chính sách, dễ hiểu và dễ tiêu hóa hơn cho công chúng bình thường.

Kết quả ông Trump thắng cử cho thấy những cuốn sách hẳn cũng là một lý do đưa đến.

Không chỉ thế, theo tôi những cuốn sách có vai trò rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, bởi đó là cách để truyền tải đến công chúng các vấn đề quốc gia.

Các nhà lãnh đạo nhìn thấy được các xu hướng, các khuynh hướng, các dòng chảy chủ lưu trong đời sống xã hội giữa bề bộn các vấn đề sự kiện. Bằng cách chia sẻ tầm nhìn khát vọng và lộ trình kế hoạch, nhà lãnh đạo giao tiếp với công chúng và xác lập vị thế của người dẫn dắt.

Nhưng rất tai hại là ở Việt Nam lâu nay vẫn đang duy trì tình trạng kiểm duyệt xuất bản. Đối với những đầu sách không phù hợp với quan điểm đường lối của nhà nước thì sẽ không được cấp giấy phép.

Điều này khiến cho một trong những đầu sách rất quan trọng với đường lối tranh cử của ông Trump đã không đến được với công chúng Việt Nam.
Đó là cuốn của tác giả Peter Navarro có tiêu đề Death by China, bản dịch sang tiếng Việt có tiêu đề Chết bởi Trung Quốc, được in lậu và bán chui ở Việt Nam.

Cuốn sách này được tác giả Peter Navarro công bố xuất bản từ năm 2011. Khi đó và trong nhiều năm về sau Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, cho nên đầu sách này được cho là không phù hợp với đường lối đối ngoại, nên đã bị kiểm duyệt không được xuất bản trong nước.

Nội dung cuốn sách hướng đến người Mỹ và phơi bày rất nhiều vấn đề về mối quan hệ với Trung Quốc, từ thâm hụt mậu dịch, thao túng tiền tệ, gián điệp thương mại, trộm cắp công nghệ, sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và những cạnh tranh trong không gian.

Rất nhiều nội dung đã trở thành chính sách của Tổng thống Trump và thực tế là sau khi trúng cử ông Trump đã bổ nhiệm tác giả làm Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, có chức năng tư vấn các chính sách cho chính phủ.

Việc cuốn sách này và nhiều đầu sách khác bị kiểm duyệt không được cấp phép xuất bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng thông tin kiến thức của người Việt Nam về chính trường nước Mỹ.

Thiếu thông tin

Do sách báo bị kiểm duyệt cho nên lượng thông tin đến với người Việt trong nước không đầy đủ. Bởi vậy nhiều người thấy khó hiểu vì sao ông Trump hay có lời lẽ công kích thóa mạ giới truyền thông báo chí Mỹ.

Ở đây, phải thừa nhận bốn năm qua ông Trump đã làm cái việc rất ít người làm là gây sự chỉ trích hầu hết các tờ báo lớn của Mỹ.

Lý do vì sao? Đó có phải là do ông Trump không biết cách xây dựng quan hệ với báo giới hay bản tính dị dạng của ông với truyền thông?

Cần hiểu rằng 50 năm qua nước Mỹ chỉ có một đường lối thân thiện thương mại với Trung Quốc. Một đường lối như vậy không đứng trên chân không. Đường lối đó được xác lập thực hiện bởi chính các chuyên gia, các tờ báo, các cây viết hàng đầu của Mỹ.

Trong cuốn sách Death by China, tác giả Peter Navarro đã đưa ra hàng loạt cáo buộc đối với các tờ báo hàng đầu nước Mỹ như The New York Times, Wall Street Journal, Finance Times Tuần báo Economist, vì có cùng khuynh hướng làm ngơ trước những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc do sợ rằng việc trấn áp có thể làm suy yếu chế độ tự do mậu dịch toàn cầu.

Nhiều cây bút hàng đầu cũng bị cáo buộc chống lại những người đang thúc đẩy cải cách thương mại, ví như Thomas Friedman, biên tập viên kỳ cựu về chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế Giới Phẳng. Và rất nhiều tờ báo và chuyên gia tương tự.

Đường lối thân thiện với Trung Quốc là một lối lớn đã được bệ đỡ bởi những nhân vật lớn. Biết bao chủ doanh nghiệp trở lên giàu có nhờ làm ăn ở thị trường Trung Quốc.

Khi ông Trump đảo ngược đường lối đó thì mặc nhiên ông phải đối mặt với những người đó và những tờ báo lâu nay đi theo đường lối đó cho là đúng. Nếu ông Trump không công kích họ thì họ cũng sẽ công kích ông Trump, đó là tất yếu và đã xảy ra.

Có điều lâu nay báo chí chỉ trích tổng thống thì đã là điều bình thường rồi, còn khi Tổng thống ra mặt chỉ trích lại các báo thì nhiều người Việt thấy lạ mà thôi.

Song người Mỹ vốn có mặt bằng nhận thức cao và họ hiểu rõ về các lối sinh hoạt vận động chính sách. Nếu cử tri Mỹ coi đường lối mới của ông Trump là đúng thì họ sẽ hiểu vì sao ông ấy đôi co và cáo buộc báo chí Mỹ với những ngôn từ thóa mạ.

Và người Việt Nam nếu đọc được cuốn sách của tác giả Peter Navarro thì sẽ hiểu được vì sao ông Trump lại có quan điểm với báo chí như vậy.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11. Kết cục chưa biết thế nào nhưng từ nay đến đó nhiều người Việt Nam sẽ vẫn dành sự quan tâm cho bầu cử Mỹ.

NGÔ NGỌC TRAI (Bài đăng trên BBC ngày 23/08/2020)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.