vendredi 28 août 2020

Belarus : Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ

Ông Alexander Loukachenko và lực lượng an ninh trước Phủ tổng thống Belarus sau cuộc biểu tình tại Minsk, ngày 23/08/2020. Ảnh chụp từ video. © Courtesy of POOL PERVOGO/Handout via REUTERS TV
Đăng ngày:


Kinh tế Pháp trước dịch bệnh là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Paris hôm nay, 26/08/2020. La Croix nói về trợ giúp của chính phủ Pháp cho các doanh nghiệp trong mùa dịch, Le Figaro nhấn mạnh « Trước Covid, các công ty được kêu gọi hãy lạc quan ». Libération chạy tựa « Những gì người dân Pháp chờ đợi » ở tổng thống Macron, Le Monde cho biết « Covid-19 : Lo ngại lại tăng lên tại các viện dưỡng lão ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến « Một tập đoàn Trung Quốc làm rung chuyển tài chính thế giới ».

« Hoàng tử bé » Nikolai có mặt bên tổng thống « trên từng cây số »

Về tình hình Belarus, theo Le Figaro, « Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ ». Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi của ông Loukachenko đang dần trở thành bất khả thi.

Tờ báo mở đầu bài viết là hình ảnh đầy ấn tượng tối Chủ nhật tuần trước, sau cuộc biểu tỉnh 100.000 người ở thủ đô Minsk. Tổng thống Alexandre Loukachenko bước xuống từ trực thăng, mặc áo giáp, mang súng AK. Nhìn quảng trường Độc Lập, nơi xuất phát cuộc biểu tình nay đã vắng lặng, ông phán : « Chúng nó đã lủi như chuột ! ». Người ta chú ý đến sự hiện diện của con trai ông là Nikolai, 15 tuổi bên cạnh, cũng đeo một khẩu Kalachnikov.
Nikolai hay còn gọi là « Kolia », « Hoàng tử bé », luôn có mặt bên cạnh cha từ năm lên ba, xuất hiện bên cạnh Obama, đức giáo hoàng... Cậu bé tóc vàng này thường được so sánh với hoàng tử William nước Anh. Cùng với video trên đây, Phủ tổng thống còn phổ biến một tấm ảnh khác : Loukachenko ngồi tại một chiếc bàn hội nghị lớn, thành viên tham dự cuộc họp chỉ có tùy viên báo chí của ông và…con trai cưng Kolia.

« Cha dân tộc » và những sắp đặt để truyền lại vương trượng

Chừng như Alexandre Loukachenko muốn lập nên một triều đại để trả thù số phận. Sinh năm 1954 tại một ngôi làng nhỏ gần biên giới Nga, Alexandre có cha vô danh, mẹ làm việc cho một hãng sữa quốc doanh, ông gắn bó với văn hóa nông trường kiểu Liên Xô. Năm 1975 lên thủ đô theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông để lại vợ con ở tỉnh. Trở thành tổng thống Belarus thời kỳ hậu cộng sản từ năm 1994, Loukachenko vẫn duy trì hệ thống kinh tế chính trị dựa theo mô hình Xô Viết cũ.

Hai vợ chồng ông sống ly thân nhưng chưa hề ly dị. Ngoài hai con trai Viktor và Dimitri, tổng thống có thêm Kolia năm 2004 với một người phụ nữ chưa bao giờ được nêu tên. Người ta cho rằng mẹ của Kolia là Irina Abelskaya, bác sĩ riêng của Loukachenko. Viktor trở thành trợ lý an ninh cho cha, Dimitri lãnh đạo một câu lạc bộ thể thao.
Ngay từ khi lên nắm quyền, Loukachenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Bằng nhiều cách, từ trấn áp đến việc cho mật vụ xâm nhập, phe đối lập bị chia rẽ và loại khỏi chính trường. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích - chẳng hạn cựu bộ trưởng Nội Vụ Youri Zakharenko hay Viktor Gontchar, cựu chủ tịch ủy ban bầu cử nắm giữ các bằng chứng gian lận của Loukachenko.

Theo một nhà quan sát, việc « Batka » (Cha dân tộc), tên mà Loukachenko thích được gọi, ông đặt Viktor phụ trách an ninh là để dọn đường cho con trai út Kolia. Loukachenko coi Belarus là sở hữu của mình, và tất nhiên sẽ truyền ngôi cho con. Nhưng giờ đây thậm chí còn chưa thể biết được Kolia có thể yên ổn nhập học vào mùa tựu trường sắp tới hay không.
Biểu tình tại quảng trường Độc Lập, Minsk, 28/08/2020.

Cách mạng Belarus có nguy cơ kéo dài

Cũng về Belarus, Libération cho rằng « Cuộc cách mạng ôn hòa có nguy cơ kéo dài ». Loukachenko đã đe dọa « lập lại trật tự », và không ai có thể là ngoại lệ, kể cả nhân vật nổi tiếng nhất nước là nhà văn nữ đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015.

Bà Svetlana Alexievitch đã bị công an triệu tập, vì vai trò của bà trong Hội đồng điều phối – định chế của đối lập để tiến hành chuyển đổi dân chủ, bị nghi là âm mưu đảo chính. Hai thành viên khác của Hội đồng bị bắt hôm thứ Hai trong lúc đang đối thoại với công nhân, tương tự với các nhà lãnh đạo phong trào đình công.
Hội đồng điều phối vạch ra một phương án đấu tranh lâu dài, trong đó Hội đồng đại diện hợp pháp của xã hội dân sự. Trước hết là tổ chức trưng cầu dân ý để tái lập Hiến pháp năm 1994, hạn chế quyền lực tổng thống và giới hạn trong hai nhiệm kỳ. Tiếp đến là thúc đẩy Quốc hội và các đại biểu địa phương từ chức.
Ông Alexei Navalny trong cuộc biểu tình ngày 29/02/2020 tại Matxcơva.

Nhà đối lập Navalny bị đầu độc : Đức thêm căng thẳng với Nga

Cũng tại châu Âu, Le Monde cho biết Đức xác nhận Alexei Navalny bị đầu độc, và nhà đối lập Nga đang được bảo vệ cẩn mật với chế độ yếu nhân.

Theo các bác sĩ Đức, xét nghiệm lâm sàng cho thấy có một chất ức chế thuộc nhóm cholinestérase. Ông Navalny vẫn đang hôn mê suốt năm ngày qua, tình trạng của ông là trầm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể chất độc này là gì thì chưa xác định được, nhưng sẽ để lại di chứng lâu dài, không loại trừ ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Dấu hiệu cho thấy Berlin coi đây là sự kiện nghiêm trọng : các nhân viên của Cơ quan cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) được điều đến để giữ an ninh cho nhà đối lập Nga. Đây là một biệt lệ, vì theo một luật năm 2017, chỉ có các nhân vật trong chính phủ và Quốc Hội Đức mới được BKA bảo vệ, và « trong những trường hợp rất đặc biệt », là các « khách mời » của Liên bang. Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi chính quyền Nga khẩn cấp điều tra một cách minh bạch.
Navalny được đưa đến bệnh viện ở Berlin ngày 22/08/2020.

Ám sát chính trị tại Nga : Chưa bao giờ « tìm được » thủ phạm

Khi tiếp nhận Alexei Navalny, Đức bỗng dưng ở vị trí tuyến đầu, chỉ vài tháng sau khi Berlin tố cáo Matxcơva tấn công tin học vào Quốc Hội Đức năm 2015 và ám sát một người gốc Tchechenya tại một công viên ở Berlin tháng 8/2019. Đáng chú ý là bộ Ngoại giao Nga vẫn im lặng trong vụ Navalny, và dù thân nhân nhà đối lập đã kiện ngay nhưng tư pháp Nga vẫn chưa cho mở điều tra.

Từ 20 năm qua dưới chính quyền Putin, các vụ hành hung, ám sát mang tính chính trị nhắm vào các chính khách, nhà báo ở Nga đều có một điểm chung là « không tìm được » thủ phạm. Năm 2007, khi Luân Đôn điểm mặt chỉ tên những kẻ ám hại cựu điệp viên Alexandre Litvinenko, Matxcơva còn tặng cho trưởng nhóm đặc nhiệm chiếc ghế dân biểu. Trường hợp luật sư Serguei Magnitsky bị sát hại trong tù cũng vậy.

Trong những năm gần đây, chế độ Putin còn phát minh ra cách sử dụng các tác nhân tư nhân để có thể phủi tay, đặc biệt là các hoạt động ở nước ngoài. Nhiều nhà quan sát nhắc lại rằng, khi tố cáo tham nhũng trong giới ăn trên ngồi trốc, Navalny đã tạo ra một danh sách dài những kẻ thù. Trong số đó có những đại gia nổi tiếng về bạo lực như Evgueni Prigojine, liên quan đến các mạng lưới tung tin giả và lực lượng lính đánh thuê Wagner. Trong quá khứ, tên ông ta đã từng được nêu ra trong vụ đầu độc người chồng của một cộng sự viên thân cận với Navalny.
Tổng thống Donald Trump và người thân tại Đại hội đảng Cộng Hòa, 28/08/2020.

Bầu cử Mỹ : Loạt pháo của Cộng Hòa nã vào phe Dân Chủ

Liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Les Echos nhận định « Đảng Cộng Hòa nã pháo vào đối thủ Dân Chủ ».

Đại hội đảng Cộng Hòa khai mạc hôm thứ Hai tại Charlotte, Bắc Carolina, cũng phong phú và đầy ngạc nhiên như nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Ông Trump mỗi ngày đều xuất hiện cho đến khi đọc bài diễn văn chấp nhận đề cử vào ngày cuối cùng của Đại hội, tại Nhà Trắng. Cho dù những người có trách nhiệm trong đảng khẳng định Đại hội sẽ mang lại thông điệp tích cực, khác với « Đại hội đám tang » của Dân Chủ, bài nói chuyện của Donald Trump và các diễn giả khác chủ yếu nhắm vào Joe Biden.

Ông Trump tái xác nhận ý muốn hạn chế tối đa việc bỏ phiếu qua bưu điện, cho rằng đó là « vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ » vì dễ gian lận. Ông phê phán hành động của các thống đốc và thị trưởng Dân Chủ trong đại dịch « muốn đóng cửa đất nước để số liệu kinh tế trở nên u ám », và khẳng định cuộc bầu cử ngày 03/11 là « quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ ».

Donald Jr đả kích « các vụ nổi dậy, cướp bóc, phá hoại mà Biden và Dân Chủ nói là biểu tình ôn hòa ». Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley so sánh kết quả hoạt động « mạnh mẽ, thành công » của tổng thống với những « yếu kém, thất bại » của cựu phó tổng thống. Đồng thời phản bác luận điệu của Dân Chủ « Nước Mỹ chưa bao giờ là một đất nước kỳ thị ». Tim Scott, thượng nghị sĩ da đen duy nhất trong đảng Cộng Hòa chê trách phát biểu trước đây của ông Biden, rằng nếu một người da đen không bầu cho ông ta thì không phải là người da đen thực thụ. Một khuôn mặt rất được chờ đợi trong lần phát biểu tới là Melania Trump, đệ nhất phu nhân vô cùng kín tiếng.

Bản án tử hình của Mỹ dành cho Hoa Vi

Trong bài « Hoa Vi và ZTE xuống dốc ngay tại Hoa lục », Les Echos cho biết trước các trừng phạt của Washington, hai tập đoàn Trung Quốc phải tìm cách giảm bớt sự hiện diện của công nghệ Mỹ trong sản phẩm.

Nỗ lực của Washington ngăn chận tham vọng Bắc Kinh trong công nghệ 5G đã gây thiệt hại nặng nề. Hoa Vi (Huawei) và ZTE, hai tập đoàn viễn thông mới đây đành phải hãm lại nhịp độ lắp đặt các trạm 5G và yêu cầu các nhà cung ứng giao nguyên vật liệu ít đi. Mục tiêu là giảm tối đa vật liệu và công nghệ Mỹ, vì Washington không ngừng siết lại gọng kềm.

Chiến dịch tấn công vào Hoa Vi của tổng thống Donald Trump đã mang lại kết quả. Sau Úc, New Zealand, Nhật, Anh, đến lượt Ấn Độ loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G, nhưng một cách âm thầm (như Pháp): bí mật yêu cầu các công ty Ấn không sử dụng. Một tin rất xấu, vì Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh thứ nhì thế giới với 850 triệu khách hàng.

Ngoài việc gây áp lực lên các đồng minh, Hoa Kỳ còn đánh vào tận gốc : cấm Hoa Vi mua các chip điện tử nếu trong đó có công nghệ và phần mềm của Mỹ. Tuần trước Mỹ còn cho thêm 38 chi nhánh của Hoa Vi vào danh sách đen để chận trước việc tập đoàn này né trừng phạt. Dan Wang, công ty tư vấn Gavekal ở Bắc Kinh nhìn nhận « Chính phủ Mỹ đã kết án tử cho Hoa Vi ». Như vậy « Hoa Vi sẽ không còn là sản xuất thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh, một khi vật liệu tồn kho cạn kiệt vào đầu năm tới ».

Vì sao công nghệ Trung Quốc không thể phổ biến toàn cầu ?

Nhìn chung trong ngành công nghệ, Les Echos đặt vấn đề, vì sao BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi), bốn tập đoàn lớn của Trung Quốc tương đương với GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) của Mỹ không thể bước ra ngoài biên giới để trở thành tên tuổi quốc tế ? Trong khi Alibaba có trị giá thậm chí gấp ba Amazon trên thị trường chứng khoán.

Theo chuyên gia François Godement, một phần do văn hóa, nhưng chủ yếu vì thị trường đã bão hòa. Nhiều nền tảng công nghệ Trung Quốc thực chất là cóp lại phiên bản Mỹ, và khi các sản phẩm này xuất hiện trên thị trường châu Âu chẳng hạn, thì người tiêu dùng không việc gì phải cài đặt WeChat trong khi đang sử dụng WhatsApp rất tốt.

Riêng TikTok, từ 2018 trở thành ứng dụng ưa thích của giới trẻ nhiều nước, có hy vọng quốc tế hóa, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Hoa Kỳ và Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng : thêm hai cây gậy mới thọc vào bánh xe, con đường bước ra thế giới của công nghệ Trung Quốc hãy còn dài dằng dặc.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.